Xây dựng các báo cáo, soạn các thư ngỏ, kiến nghị sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhân danh tự do tôn giáo để thực hiện các mưu đồ đen tối nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam… là hàng loạt chiêu trò quen thuộc được các thế lực thù địch đẩy mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, những thành tựu của công tác tôn giáo ở Việt Nam mà đông đảo bạn bè quốc tế công nhận, đánh giá cao đã là câu trả lời rõ ràng nhất về việc bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.
Đông đảo tăng, ni và đồng bào phật tử tham dự đại lễ Phật đản tại Thừa Thiên-Huế.
Năm 2023 chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng khẳng định những đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia.
Tiêu biểu có thể kể đến: Ngày 3/4, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Nghị quyết là dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong lần thứ hai đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người.
Trong tháng 6, Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị viện về đối thoại tôn giáo do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức tại Maroc. Trước diễn đàn liên nghị viện của 163 quốc gia, đoàn đại biểu Việt Nam đã thông tin cho bạn bè quốc tế biết về những thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ghi nhận các đóng góp của các tổ chức tôn giáo trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, thiện nguyện; khẳng định vai trò của các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm chính thức Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis. Trong chuyến thăm này, với mong muốn chung tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, hai bên chính thức thông báo về việc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”.
Hai bên bày tỏ tin tưởng Đại diện thường trú Tòa thánh sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong Quy chế; hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam hoạt động trên tinh thần tôn trọng pháp luật và Giáo huấn của Giáo hội thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt và công dân tốt”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước; đồng thời phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.
Những kết quả trên đây đã cho thấy nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của công dân theo tôn giáo, từ đó tạo điều kiện để tất cả nhân dân được thụ hưởng các quyền kinh tế-xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi các chủ trương, chính sách, từ đó hướng đến mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân và bảo đảm tốt hơn các quyền con người.
Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vẫn cố tình liên tục mở ra các diễn đàn hoặc tham gia vào nhiều sự kiện nhằm chống phá Việt Nam. Mới đây, BPSOS (Ủy ban cứu trợ người vượt biển) loan tin sẽ tham gia “hội nghị cấp bộ trưởng các quốc gia về vấn đề tự do tôn giáo trên toàn cầu” (FoRB) với tư cách đồng tổ chức cùng lực lượng tham dự lên tới 30 người để “trình bày trong hội nghị về tình trạng thực tại của nhân quyền tôn giáo tại Việt Nam”. Tuy nhiên thực tế FoRB không phải là “hội nghị cấp bộ trưởng các quốc gia về vấn đề tự do tôn giáo trên toàn cầu” mà là “hội nghị cấp bộ trưởng quốc tế về tự do tôn giáo và tín ngưỡng”. Sự kiện có sự góp mặt chính thức của đại diện đến từ 36 chính phủ.
Trước đó, hội nghị đã được tổ chức 4 lần vào các năm 2018, 2019, 2020 và 2022. Tại hội nghị, bên cạnh những phiên họp chính thức, các đoàn thể xã hội được phép mở một số tọa đàm bên lề, với điều kiện họ có đăng ký và tự chủ kinh phí. Các sự kiện phi chính thức này không ảnh hưởng đến các tuyên bố, nghị quyết chung của các nước tham gia hội nghị. Hơn nữa, không phải tuyên bố chung nào cũng được tất cả các nước thành viên của FoRB đồng thuận. Đơn cử, tại hội nghị năm 2022, chỉ có 8 nước ký vào Tuyên bố về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giới.
Như vậy, việc BPSOS tự nhận là đơn vị đồng tổ chức của FoRB dễ gây hiểu lầm, song lại đang được tổ chức này tận dụng nhằm hư trương thanh thế trên phương tiện truyền thông đại chúng hải ngoại. Không chỉ vậy, những chủ đề mà BPSOS cho biết sẽ trình bày tại FoRB cho thấy vẫn chỉ là sự lặp lại nội dung từng được họ trình bày tại cái gọi là “Hội nghị Thượng đỉnh tự do tôn giáo quốc tế lần thứ ba” (IRF-2023) diễn ra hồi đầu năm nay. Điều đáng nói là liên quan đến một số vụ án, sự kiện đã được thông tin công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và nước ngoài song lại bị BPSOS và các nhóm chống phá khác hướng lái theo chiều hướng tiêu cực, nhằm bôi đen tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tỉnh táo của nhiều người khiến họ không dễ bị mắc lừa, chính vì vậy dù hô hào rầm rộ song buổi thuyết trình tại IRF-2023 của các “nhà đấu tranh” này chỉ thu hút được lẻ tẻ khán giả, vốn là các đối tượng chống cộng lưu vong. Thế nhưng, BPSOS và các tổ chức chống phá khác dường như vẫn “cố đấm ăn xôi”.
Đơn cử, vụ việc “chi phái Cao Đài 1997 và Cao Đài Chơn Truyền 1926” được Nguyễn Đình Thắng (đối tượng cầm đầu BPSOS) liên tục chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, thực chất là mâu thuẫn giữa hai tổ chức tôn giáo Cao Đài trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, BPSOS lại vu khống Nhà nước Việt Nam khi cho rằng chi phái Cao Đài 1997 (chi phái của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh tại Hoa Kỳ) “do nhà nước Việt Nam dựng lên” để “diệt đạo Cao Đài ở Việt Nam” và “tấn công” những người bảo vệ đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926… tại Hoa Kỳ. Phải chăng họ muốn lờ đi sự thật là đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 01 pháp môn Cao Đài. Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh là một trong số đó, đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Tính đến tháng 12/2021, các hội thánh, tổ chức Cao Đài có hơn 1,2 triệu tín đồ, hơn 13 nghìn chức sắc, 26 nghìn chức việc, 1.300 cơ sở tôn giáo ở 38 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam (số liệu từ Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, Nxb Tôn giáo, 2023). Đó là chưa kể một số tổ chức tôn giáo Cao Đài hợp pháp ở Việt Nam đã và đang mở rộng phạm vi truyền đạo ra nhiều quốc gia trên thế giới mà không hề bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn, cản trở.
Ngoài ra, BPSOS cùng với các tổ chức cực đoan khác như “Người Thượng vì công lý”, “Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam”, “Hội thánh tin lành đấng Chirst” không ngừng lợi dụng các vấn đề tôn giáo và sắc tộc để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ ly khai, đòi thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Sau vụ tấn công, khủng bố tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023, các tổ chức này chẳng những không lên án tội ác, mà ngang nhiên vu cáo chính quyền “kích động bạo lực”, “đàn áp người dân tộc thiểu số” nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Đồng thời các đối tượng còn cố tình biện minh cho thủ đoạn đội lốt tôn giáo để gieo rắc tư tưởng hẹp hòi dân tộc, âm mưu tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn của các tổ chức chống phá.
Từ nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2023 các thế lực thù địch liên tục đẩy mạnh hoạt động chống phá liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và sắc tộc tại Việt Nam. Chúng kêu gọi các tổ chức liên chính phủ và những nước lớn “đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”, làm bàn đạp để gây sức ép, can thiệp vào các công việc nội bộ của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2022-2023 và lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Bất chấp những thủ đoạn chống phá ngày một gia tăng của các thế lực thù địch, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu không thể phủ nhận trên lĩnh vực quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tiễn đã minh chứng, ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo; người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi tới thăm Việt Nam, bất kỳ du khách quốc tế nào cũng có thể cảm nhận được đời sống hòa hợp và bao dung giữa các tôn giáo cũng như sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước.
Điều đáng mừng là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có thêm nhiều kênh chính thức để thông tin cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về tình hình tự do tôn giáo đang diễn ra. Bên cạnh đó, thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, Nhà nước Việt Nam đã chứng tỏ được những đóng góp tích cực trong đấu tranh bảo vệ, phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, và luôn kiên định bảo vệ lẽ phải trong lĩnh vực này ở cấp độ quốc gia và quốc tế./.
QUANG MINH
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)