Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Mặc dù chủ nghĩa xã hội (CNXH) tạm thời lâm vào thoái trào sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành, kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên CNXH và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

cnxh 1
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Con đường phát triển đi lên CNXH ở Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra cách đây hơn một thế kỷ khi Người tiếp cận Luận cương của Lênin về các dân tộc thuộc địa. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô-nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và trực tiếp lĩnh hội tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Người nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1).

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tác phẩm “Đường Kách mệnh”-giáo trình lý luận để huấn luyện các chiến sĩ cộng sản đầu tiên, tạo tiền đề để tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Hội nghị thông qua Cương lĩnh, Chính cương và Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Đây là những văn kiện đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng xác định đường lối chiến lược, sách lược cơ bản của cách mạng Việt Nam và tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) xác định nhiệm vụ hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên CNXH.

Thực hiện Cương lĩnh của Đảng, sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc là yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định thắng lợi của nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước vào năm 1975.

Sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử

Trong thập niên 1980, tình hình thế giới trải qua những chuyển biến kinh tế và chính trị sâu sắc. Trong đó, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ. Trên cơ sở nhận định nhạy bén và sáng suốt rằng công cuộc cải tổ ở Liên Xô đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) thông qua nghị quyết có ý nghĩa lịch sử về thời kỳ quá độ phát triển theo con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam.

Đường lối đổi mới của Đảng ta đề ra tại Đại hội VI là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà cụ thể là chính sách kinh tế mới của Lênin. Theo đó, Đảng ta thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; kế thừa và áp dụng thành tựu về quản lý kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường; chấp nhận sự tồn tại đan xen của các loại hình sở hữu nhà nước, tập thể và tư nhân; chăm lo đến lợi ích thiết thân của người lao động.

Đồng thời, Đảng ta quyết định thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, với chủ trương Việt Nam là bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh xác định: “Phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”. Cương lĩnh chính trị không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta mà còn đối với phong trào cách mạng thế giới.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển), một lần nữa khẳng định: "Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới và đưa ra nhận định: “Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nhận định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”; đồng thời khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Thành tựu đổi mới đất nước là minh chứng sinh động

Thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới đã được khẳng định bằng các số liệu “biết nói”. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng hoảng kinh tế-xã hội diễn ra gay gắt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, quy mô Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, đưa nước ta trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, đạt mức 3.512USD.

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, hiện nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam coi việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020(2).

Với đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ đối ngoại Đảng với 254 chính đảng ở 114 quốc gia.

Đến nay, đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định tự do thương mại (FTA) khu vực và song phương. Các FTA Việt Nam tham gia bao phủ khoảng 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Cách đây hơn 30 năm, năm 1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản công bố bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” từng đưa ra nhận định, thất bại của CNXH ở Liên Xô chỉ là tạm thời, còn quy luật khách quan không ai cưỡng lại được vẫn là CNXH sẽ phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản (CNTB).

Gần 30 năm sau, năm 2021, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay CNTB, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”.

Bằng những lập luận khoa học, sắc bén, có sức thuyết phục cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển đi lên CNXH phù hợp xu thế tất yếu của thời đại.

(còn nữa)

Đại tá LÊ THẾ MẪU (Nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1980, tập 12, tr.461

(2) “Những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới đất nước”; https://tuyengiao.vn/thoi-su/nhung-thanh-tuu-to-lon-sau-gan-40-nam-doi-moi-dat-nuoc-146363, 13-9-2023

Bài viết khác: