Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

LTS: Giữ lời hứa chính là giữ chữ tín, đã nói là làm và phải có kết quả chứ không hứa suông. Giữ lời hứa là một phẩm chất tốt đẹp, cũng là một biểu hiện của đạo đức. Lòng tin của nhân dân với hệ thống chính trị được củng cố chính là vì nhân dân tin rằng những lời hứa và làm đúng lời hứa của các cơ quan trong hệ thống chính trị, của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ấy. Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ là: “Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội bắt đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu. Trong muôn vàn khó khăn từ bối cảnh đặc biệt, Quốc hội đã có những hành động đặc biệt, những quyết sách đặc biệt, luôn phát huy cao nhất tinh thần chủ động, từ sớm từ xa, linh hoạt thích ứng, đổi mới căn cơ và hành động quyết liệt trong tất cả lĩnh vực để hoàn thành trọng trách với Đảng, với cử tri và nhân dân.

Công tác lập pháp thể hiện tinh thần chủ động, kiến tạo

Phát biểu tại Lễ tuyên thệ nhậm chức chiều ngày 20-7-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.

Nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là thời điểm đất nước ta gặp nhiều thách thức bởi “những cơn gió ngược” từ tình hình chung của thế giới. Nhưng chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Những lời hứa với cử tri, nhân dân đã và đang được Quốc hội thực sự quan tâm thực hiện.

nua nhiem ky
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) phát biểu tại hội trường.
Ảnh: VPQH cung cấp

Đầu tiên có thể thấy, chất lượng công tác lập pháp đã được nâng lên rõ rệt. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự chuẩn bị chủ động, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội đã tiến hành tới 10 kỳ họp, trong đó có 6 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp bất thường; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tới 27 phiên họp thường kỳ, nhiều phiên họp chuyên đề và phiên họp bất thường. Cho đến tháng 9-2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Với tinh thần “lập pháp chủ động”, “lập pháp kiến tạo”, Quốc hội đã tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực tiễn, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, kiến tạo phát triển nhanh, bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Đề án và Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã được Bộ Chính trị thông qua; từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/KH-UBTVQH15 để thực hiện. Chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ đã có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp được hoàn thành (chiếm 83,21%).

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành các phiên họp bất thường để thông qua các luật, nghị quyết đáp ứng tình hình thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19 và nhu cầu phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau dịch Covid-19. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 với những cơ chế đặc biệt, đặc thù chưa từng có tiền lệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để kiến tạo những cơ chế, chính sách có tính đột phá thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội bàn Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều chính sách đặc thù cho Hà Nội. Quốc hội cũng có các nghị quyết về các phiên tòa trực tuyến; đấu giá biển số xe ô tô; mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Công tác giám sát khắc phục được tính hình thức, nâng cao hiệu quả

Trong nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để thực hiện tốt khâu trọng tâm, then chốt này, Đảng đoàn Quốc hội đã thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để tiếp tục đổi mới căn cơ hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thực tế trong hơn hai năm qua, các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khắc phục tính hình thức; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng cao rõ rệt. Quốc hội đã ban hành 15 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Ngay tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tất cả các Phó thủ tướng Chính phủ cùng 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tinh thần giám sát, chất vấn của Quốc hội đi đến tận cùng để tìm ra bản chất và cách thức giải quyết các vấn đề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo khoản 6, Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đề cập về một số vấn đề đặt ra sau giám sát, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để bảo đảm các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư đánh giá: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp...

Quốc hội cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật và đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giám sát ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; chủ động thành lập các tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV ban hành, kịp thời đôn đốc, xem xét các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Kiến nghị của cử tri, nhân dân được quan tâm

Công tác dân nguyện được quan tâm thực hiện với nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã định kỳ xem xét báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng, giao cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát, xác minh, đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền đối với những vụ việc phức tạp. Lần đầu tiên tổ chức thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã tốt hơn, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri được nâng lên. Nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết. Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, tổng số kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm là 2.765, đến nay đã giải quyết, trả lời được 2.751/2.765 kiến nghị, đạt 99,5%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 69/69 kiến nghị, đạt 100%. Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp nhận, trả lời 2.591/2.605 kiến nghị, đạt 99,5%, trong đó đã giải trình, cung cấp thông tin về 2.144 kiến nghị, chiếm 82,8% tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết. Đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết xong 111 kiến nghị, chiếm 4,3% trong tổng số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết trả lời; đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét giải quyết 336 kiến nghị của cử tri, chiếm 13%. Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tiếp nhận và trả lời 61/61 kiến nghị của cử tri và các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, tổ chức khác đã tiếp nhận trả lời 30/30 kiến nghị của cử tri, đạt 100%.

Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Một số kiến nghị của cử tri đã được bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tích cực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ những vấn đề mà cử tri quan tâm./.

(còn nữa)

HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: