Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Kết thúc năm 2023, để chuẩn bị hành trang bước sang năm 2024 với dự báo còn nhiều cam go, thử thách, phức tạp khó dự báo, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành hãy đọc, hiểu thấu và làm đúng tác phẩm Đạo đức cách mạng của Bác.

dao duc cach mang
Ảnh tư liệu. Nguồn: dangcongsan.vn

Cách đây 65 năm, vào tháng cuối cùng của năm 1958, trong khi đất nước đang tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, phát triển kinh tế và văn hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với bút danh TRẦN LỰC, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG đăng Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.600-tr.612).

Nếu trong thời kỳ đấu tranh giành tự do độc lập thì chủ nghĩa yêu nước là chiếc “gậy thần”, thì ngày nay để có một nước Việt Nam văn minh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc thì phải coi đạo đức cách mạng theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh là chiếc “gậy thần”. Bởi vì đạo đức cách mạng giống như nguồn của sông, như gốc của cây, như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức (trong 4 đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính) thì không thành người . Đạo đức cách mạng là thước đo chất người, trình độ người của con người; là gốc, nền tảng của người cách mạng. Theo Bác, muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Bác Hồ dẫn Khổng Tử và Mạnh Tử: “Người mà không liêm không bằng súc vật. Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127).

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc tác hại của chủ nghĩa cá nhân để quét sạch nó. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với chủ nghĩa tập thể, trái ngược với đạo đức cách mạng. Nếu nó còn lại trong mỗi người, dù ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc.

Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, tự phê bình một cách không thật thà, không nghiêm chỉnh, không lắng nghe ý kiến quần chúng, khinh thường quần chúng, xa rời quần chúng, không học hỏi quần chúng, muốn làm thầy quần chúng… Chủ nghĩa cá nhân trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, những người mà bất kỳ việc gì, ở đâu cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc. Họ chỉ biết “mọi người vì mình” mà không biết “mình vì mọi người”.

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài, gian khổ. Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng, mà một trong những kẻ địch nguy hiểm nhất là giặc nội xâm tức chủ nghĩa cá nhân. Con người mà trước tiên là cán bộ, đảng viên, người đứng đấu phải tiến lên mãi, tiến bộ hằng ngày. Đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm. Cho nên có sai lầm thì phải kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng lại thành sai lầm to. Phải thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình. Cách mạng phải tiến lên mãi. Đảng tiến lên mãi. Đất nước phải tiến lên. Nếu không tiến tức là thoái. Mà nếu thoái thì những thắng lợi đã đạt được sẽ không thể củng cố và phát triển. Thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải.

Thứ hai, phải rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Cách mạng là thay cũ đổi mới, đổi xấu thành tốt. Làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới; là tự cải tạo mình. Đó là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn.

Đạo đức cách mạng là suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng; phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng; đặt lợi ích của Đảng và Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng. Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh chống mọi loại kẻ địch, ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Nó là tư tưởng tiểu tư sản ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch khác là chủ nghĩa đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu.

Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, sâu sát quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, đoàn kết chặt chẽ quần chúng chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng. Bằng nêu gương lời nói và việc làm, đảng viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Thứ ba, vẹn nguyên giá trị, soi sáng tương lai, trường tồn cùng công cuộc đổi mới. 65 năm sau đọc lại tác phẩm Đạo đức cách mạng của Trần Lực, mỗi chúng ta thấm từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời. Mặc dù hiện nay chủ nghĩa cá nhân có nhiều biến tướng, biểu hiện mới, tinh vi, phức tạp, nhưng cơ bản cũng xoay quanh những gì đã đề cập trong tác phẩm Đạo đức cách mạng. Thiên tài của Bác là 65 năm trước - nếu nghiên cứu các tác phẩm ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công thì gần 80 năm trước - Người đã nhìn thấy, cảnh báo sự hư hỏng, hủ bại, hủ hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên hôm nay mà căn nguyên sâu xa là do chủ nghĩa cá nhân.

Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khăn. Tuy nhiên, “núi cao vẫn có đường trèo. Dẫu có hiểm nghèo vẫn có lối đi”. Để giải quyết đúng các vấn đề hiện nay thì phải lấy đạo đức cách mạng làm gốc, nền tảng. Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Phải tu thân chính tâm, tự soi, tự sửa như chuyện rửa mặt hằng ngày. Phải có tính liêm sỉ, chống tha hóa quyền lực. Phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, để làm tốt công tác Đảng và Nhân dân giao phó cho mình. Không tuân thủ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trái lại, xa rời, thoát ly, không làm theo sự dẫn đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ dẫn đến khó khăn, dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại hoặc dự báo cho cái xấu rất khó tránh khỏi. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, cái cẩm nang thần kỳ giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chông gai, hiểm trở. Học tư tưởng Hồ Chí Minh là phải gắn với làm, lý luận đi đôi với thực tiễn; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế hiện nay. Chống thói học thuộc lòng, học để trang sức, học vì bằng cấp, không áp dụng được vào công việc. Phải chống triệt để bởi kiểu học đó, nói miệng đó cũng là chủ nghĩa cá nhân. Phải nắm, hiểu thấu và đưa các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Phải quyết tâm, tận tâm, tận lực, tận hiến, suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tránh xa và không dính líu gì với địa vị, danh lợi của cá nhân mình. Phải nhận thức sâu sắc rằng chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại cho công cuộc đổi mới. Vì vậy, thắng lợi của công cuộc đổi mới không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, mà cao nhất là chí công vô tư. Đó là trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng là phẩm chất, danh dự, thiêng liêng, cao quý, danh giá nhất của người cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay./.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: