Các nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã chỉ rõ, trong điều kiện công nghiệp hóa hiện nay, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội, trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người.
Chụp ảnh bên xe hoa chở mùa trên phố Hà Nội. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Kinh tế - xã hội, văn hóa và môi trường là bốn trục cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Mỗi trục có vị trí, vai trò riêng, song có mối quan hệ chặt chẽ với các trụ khác, cùng tác động lẫn nhau, trong đó, văn hóa dù ở trạng thái “ẩn”, nhưng có thể “hiện” lên bất cứ lúc nào và có tác động rất mạnh mẽ đến ba trục còn lại. Nói một cách khác, có văn hóa trong kinh tế, chính trị và môi trường; ngược lại mỗi trục trên đều có yếu tố văn hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam), kinh tế là nhu cầu sống trước mắt, hình thành đầu tiên, người ta dễ thay đổi, còn văn hóa là nhân tố phi kinh tế, nảy sinh trên cơ sở của điều kiện kinh tế, không dễ dàng thay đổi. Văn hóa biến đổi chậm hơn kinh tế (và xã hội), bởi có sức bảo thủ, bảo lưu lớn, nhưng một khi biến đổi thì lại tác động mạnh đến kinh tế. Kinh tế suy thoái, khủng hoảng có thể khắc phục để hồi phục, nhưng văn hóa suy thoái thì không dễ dàng khắc phục, muốn lấy lại phải mất hàng trăm năm. Văn hóa được định hướng đúng, có nhiều yếu tố tích cực sẽ là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội; ngược lại, một nền văn hóa không có nhiều yếu tố tốt, có giá trị cao, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, ổn định, bền vững hơn.
Văn hóa ở “sát, gần” xã hội hơn so với kinh tế, thậm chí là một phần quan trọng của xã hội. Mặc dù là sản phẩm của xã hội (hay xã hội nào, văn hóa ấy), nhưng văn hóa lại tác động rất mạnh mẽ đến xã hội. Một nền văn hóa với những giá trị tốt đẹp, nhân văn sẽ luôn tạo ra một xã hội ổn định và giữ cho xã hội được sự thanh bằng cần thiết, cho dù kinh tế có thế chưa phát triển. Khi xã hội có dấu hiệu đi xuống, văn hóa là yếu tố ngăn chặn sự đi xuống đó, điều chỉnh sự cân bằng xã hội. Ngược lại, khi văn hóa bị chệch hướng, suy thoái sẽ làm cho xã hội suy thoái theo chiều hướng xấu hơn.
Văn hóa không tách xa môi trường. Văn hóa là sự ứng xử với môi trường, môi trường nào tạo ra văn hóa đó. Song, một nền văn hóa ứng hợp với môi trường, với những tri thức, giá trị mang tính nhân văn, bền vững cao sẽ cân bằng được các yếu tố của môi trường, môi trường với kinh tế và xã hội, giữa con người với môi trường.
Như vậy, văn hóa là yếu tố kết nối các trục phát triển của một quốc gia, nên xây dựng nền văn hóa với các hệ giá trị quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, ngang hàng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ gìn sự ổn định xã hội và bảo vệ tài nguyên - môi trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính nhấn mạnh, con người ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng là sản phẩm của các điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội. Song ngược lại, con người với tư cách là chủ thể của sự phát triển lại có tác động trở lại tới sự phát triển. Nói một cách khác, con người là chủ thể của các trục phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa.
Qua hàng nghìn năm lịch sử các tộc người trên đất nước ta đã hình thành những tố chất, những đức tính, những tính cách riêng. Có nhiều tố chất, tính cách, truyền thống tốt đẹp, từng là “điểm tựa”, là động lực và nội lực để mỗi tộc người vượt qua được những khó khăn, cùng các tộc khác đưa đất nước Việt Nam từng bước phát triển. Qua thời gian, có nhiều tính cách trở thành những mặt trái, những tính xấu, là trở lực đối với sự phát triển, cần phải nhìn nhận đúng và rõ những mặt tích cực cũng như các mặt trái, mặt bất cập đó để có các giải pháp định hướng phát huy hay khắc phục chúng trong công cuộc xây dựng xã hội mới, trong chiến lược phát triển con người.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính cho rằng, từ trước đến nay, sách báo, các văn kiện chính trị ở nước ta khi nhìn nhận con người Việt Nam truyền thống thường chỉ đề cập những mặt tích cực, những truyền thống tốt đẹp. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ và mang tính phiến diện. Vì một khi không nhận diện được những mặt trái trong tính cách tộc người và dân tộc sẽ không đưa ra được các biện pháp khắc phục, để các mặt đó tồn tại và phát triển vô hình trung góp phần làm tăng lên những tiêu cực xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính, một số mặt trái, trong đó có mặt đã trở thành những tính xấu, ảnh hưởng đến việc quản lý xã hội và với sự phát triển của đất nước hiện nay. Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào các mặt trái trong con người truyền thống và đề ra các giải pháp khắc phục; coi đó là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng con người mới, phù hợp với điều kiện của một xã hội hiện đại, văn minh./.
Nguyễn Hồng Điệp
The TTXVN
Thanh Huyền (st)