Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Văn hóa liêm chính là một bộ phận của văn hóa công vụ, là đặc trưng quan trọng của văn hóa chính trị. Văn hóa liêm chính được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đạo đức, truyền thống văn hóa và quan điểm, định hướng chính trị của quốc gia, giúp mỗi người hoạt động trong hệ thống chính trị nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Ngày nay, xây dựng văn hóa liêm chính trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng.

Văn hóa liêm chính là nhu cầu đòi hỏi của bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ quốc gia nào. Nó được biểu hiện trong hành vi ứng xử với người, với tổ chức và với việc mà một cá nhân hoặc một nhóm người phải tuân thủ trong thực thi công vụ. Trong xã hội phong kiến, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, với đặc thù đề cao đức trị hơn pháp trị nên văn hóa liêm chính được xem là căn cốt để các quan lại thực hiện bổn phận chăm dân theo tư tưởng trung quân ái quốc. Người làm quan không đục khoét của Nhà nước, chèn ép, tạo cớ hớt tay trên của dân thì gọi là liêm chính.

Nói đến văn hóa liêm chính của các quan lại thời phong kiến, chúng ta không thể không nhắc đến Tô Hiến Thành với câu chuyện đã đi vào sử Việt. Khi giữ chức Thái phó của triều Lý, ông từng từ chối cả mâm vàng hối lộ của Chiêu Linh hoàng thái hậu để sửa di chiếu của vua Lý Anh Tông. Cũng ở đời Trần, người nổi tiếng liêm khiết là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Có lần vua lén cho người bỏ tiền quốc khố trước nhà Mạc Đĩnh Chi. Sáng mai ngủ dậy, Mạc Đĩnh Chi lấy tiền ấy mang vào cung trả lại cho vua. Vũ Tự là vị phán quan nổi tiếng thanh liêm thời vua Lê Thánh Tông. Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử thắng kiện liền bí mật gửi người này đem một mâm lễ vật quý, đưa cho ông để cảm ơn. Sau khi người đó mang lễ vật tới, Vũ Tự đã từ chối. Sau đó vua Lê Thánh Tông tặng ông chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào bàn việc quốc sự. Năm 1821, vua Minh Mạng đi tuần Bắc Hà, nghe tiếng dân chúng ca ngợi Nguyễn Văn Hiếu làm quan thanh liêm, vua thăng chức vượt cấp, thưởng một ống nhòm mạ vàng, một thanh gươm mạ vàng, một khẩu súng có chữ vàng.

Trong các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, có một di sản liên quan đến văn hóa liêm chính, đó là Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội dân gian độc nhất vô nhị về chống tham nhũng ở Việt Nam. Đến lễ hội, mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ mười tám tuổi trở lên đều phải thề, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt. Người khởi xướng lễ hội này từ năm 1561 là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu.

van hoa liem chinh
Minh họa văn hóa liêm chính xưa và nay: KHOA AN.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa liêm chính nên ngay từ khi lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng văn hóa liêm chính và Người chính là tấm gương mẫu mực thực hành văn hóa liêm chính.

Có câu chuyện xúc động về Bác như sau. Một ngày tháng 7-1967, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến mời cơm tiễn chân trước khi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Pháp. Trong bữa cơm, khi Bác đang kể chuyện thì có còi báo động rú vang. Một chiến sĩ bảo vệ yêu cầu Bác và các đồng chí khác xuống hầm. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ.

Đồng chí bảo vệ nói:

- Thưa Bác, tác chiến báo cáo địch đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm trú ngay cho.

Bác quay lại đồng chí Bộ, nói:

- Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước.

Rồi Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh vệ. Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng.

Nếu không quý trọng con người, yêu thương cấp dưới, nếu tham lam tư túi, nếu ham sống sợ chết thì Bác đã chọn danh lợi để hơn người, được vinh hoa phú quý. Và như thế, thanh liêm của Bác chẳng thể sáng trong, được triệu triệu thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh ban hành nhiều văn bản nhằm mục đích xây dựng văn hóa liêm chính.

Đặc biệt, vào ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành bản Quốc lệnh, gồm hai phần Thưởng và Phạt có tất thảy 20 điều. Ở phần Phạt, tập trung vào các tội danh phản quốc, tham ô, lãng phí, trong đó mức xử lý cao nhất là tử hình. Ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 223 về việc xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân.

Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, vào ngày 31-10-1946, có đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về các vụ việc ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng mới xảy ra. Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm... Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Cho "kỳ hết" ở đây được hiểu là không có vùng cấm, là không có ngoại lệ, là không có tình trạng triệt để theo kiểu chỗ triệt, chỗ để, thiếu công bằng, không thuyết phục.

Ngày 20-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL về “Quy chế công chức Việt Nam”; trong đó, điều 2, mục II, chương 1 quy định rõ: “Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đây là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức truyền thống mà liêm chính là giá trị cốt lõi được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam.

Trải qua 78 năm kể từ ngày lập nước (2-9-1945), nhờ có duy trì và thực hiện chặt chẽ văn hóa liêm chính, Đảng ta đã xây dựng được nhiều thế hệ cán bộ tài đức vẹn toàn, được nhân dân tin yêu, quý trọng, góp phần quan trọng để lãnh đạo cách mạng thành công. Tuy nhiên, dù cho các hệ thống văn bản quy định nhằm xây dựng văn hóa liêm chính được hoàn thiện và ra đời nhưng hiện tượng cán bộ thoái hóa, biến chất, không chịu thực hành nội dung liêm chính và văn hóa liêm chính mà Bác Hồ đã dạy không phải hiếm. Hằng ngày, trên phương tiện thông tin đại chúng, ta gặp rất nhiều cán bộ không liêm khiết, thiếu trung thực và tham lam. Gần nhất là trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do có nguyên nhân kê khai tài sản không trung thực. Hay như trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng bị đề nghị kỷ luật vì dùng giấy công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ giả. Gần đây nhất là ngày 15-12-2023, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) Cao Mạnh Thắng đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, vì đã đưa thông tin không đúng sự thật về khai thác mỏ đá tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê cho bà Phạm Thị Long ở TP Hà Giang rồi lừa đảo, chiếm đoạt của bà Long hơn 2,3 tỷ đồng.

Tình trạng cán bộ, đảng viên không liêm chính, thiếu trung thực rất đa dạng, như: Khai gian tuổi, khai man lý lịch; tung tin đồn thất thiệt về người nọ, người kia, làm rối loạn lòng người, gây mất đoàn kết nội bộ; “tham mưu láo, báo cáo sai”; giấu giếm khuyết điểm, khoe khoang thành tích; lo lót, chạy chọt, mua bán bằng cấp, chức quyền; nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác ngoài hội nghị, nói trước tập thể khác với cá nhân, nói với cấp trên khác với cấp dưới, nói với đảng viên khác với quần chúng; thiếu công bằng, hay thiên vị; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”...

Xây dựng văn hóa liêm chính giúp xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, giúp con người gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Do đó, cần kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính ở mọi lúc, mọi nơi, nổi bật là đề cao cơ chế kiểm soát, giáo dục và thực thi pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Cần tăng cường kiểm soát những người có chức, có quyền, vì khi có quyền, họ dễ lãng quên lương tâm, lãng quên văn hóa liêm chính, tận dụng cơ hội để đục khoét, để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Để cán bộ có chức, có quyền triệt để thực hiện chữ liêm, thực hành văn hóa liêm chính thì cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; kịp thời nghiêm trị những kẻ gian dối. Xây dựng phong trào sống và làm việc theo pháp luật, tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, làm gương cho nhân dân noi theo. Một công việc hết sức quan trọng để chống tham ô, tham lam là nâng cao dân trí. Khi nhân dân biết quyền của họ đến đâu thì sẽ kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện văn hóa liêm chính tốt hơn./.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: