Những ai cất tiếng khóc chào đời vào mùa đông ấy bây giờ tuổi đã bát tuần. Trong số các bậc cao niên đáng kính đó, có những người từng là Bộ đội Cụ Hồ.
Với họ, niềm tự hào lặng lẽ được khai sinh cùng năm với sự ra đời của một đội quân cách mạng do Đảng và Bác Hồ sáng lập đã, đang và mãi mãi sẽ “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” chắc chắn còn nguyên vẹn.
Những cựu chiến binh đầu bạc ấy có thể từng là một lãnh đạo cao cấp của Đảng hoặc một tướng lĩnh tài ba, một nhà khoa học lừng danh, một văn nghệ sĩ nổi tiếng... hay chỉ là một thường dân sau tháng năm trận mạc can trường lại trở về làm ruộng, làm thợ. Nhưng lời hát “Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi vì nhân dân quên mình...” ("Vì nhân dân quên mình", Doãn Quang Khải) vẫn còn âm vang trong trái tim những nông dân, công nhân, trí thức mang áo lính. Tôi tin chắc điều đó như tin vào những điều thiêng liêng nhất thuộc về Tổ quốc, nhân dân và Quân đội ta.
Mùa đông năm 1944, những cơn gió lạnh ào ạt đổ xuống. Nhân dân đang rên xiết trong thân phận người cùng khổ, một cổ hai tròng, đã cảm nhận được sự chuyển động về phía ánh sáng của non sông. Đảng ra đời “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió tơi bời...” ("Ba mươi năm đời ta có Đảng", Tố Hữu) mới được 14 năm với những trang sử còn chưa ráo mồ hôi và máu cần lao như: Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ... Vào 17 giờ ngày 22-12-1944, một dấu mốc lịch sử thiêng liêng được ghi tại núi Dền Sinh dãy Khau Giáng thuộc hai xã Tam Kim và Hoa Thám (châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng): Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Ba mươi tư chiến sĩ đầu tiên của Quân đội ta đứng trước lá cờ đỏ sao vàng nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản tuyên bố thành lập Đội và nghiêm trang tuyên thệ 10 lời thề danh dự.
Theo tài liệu thì khi ấy, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có 2 khẩu súng thất cửu, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp và 500 đồng chi phí quân nhu. Những chiến binh áo vải, chân đất cùng với chỉ huy của mình ăn một bữa cơm không muối. Một kiểu nguyện thề độc nhất vô nhị không ghi vào văn bản; gian khổ đến mấy cũng chẳng bỏ nhau, nguy nan muôn vàn vẫn kề vai sát cánh chiến đấu và công tác, đồng đội là sinh tử gắn bó chẳng rời. Vệ Quốc quân, Vệ Quốc đoàn, dân thương yêu, dân mến phục gọi là “Vệ túm”. Và, Quân đội nhân dân Việt Nam, dù có khác giai đoạn, dẫu có thay đổi tên nhưng đều chung một danh xưng đẹp nhất: Bộ đội Cụ Hồ. Ai là người đầu tiên nghĩ ra tên gọi ấy mà cho đến hôm nay và chắc chắn mai sau, tên Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa sáng cùng dân tộc. Theo dấu chân người lính, những tác phẩm nghệ thuật xúc động nhất đã ra đời với hình ảnh trung tâm là Bộ đội Cụ Hồ mà mãi đến bây giờ nhiều người khi đọc lại, xem lại vẫn không khỏi rưng rưng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu tham quan mô hình vũ khí, khí tài tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: DƯƠNG GIANG.
Ký ức dân tộc trong một thế kỷ vừa đi qua và hơn hai mươi năm đầu của thế kỷ hiện thời có nhiều biến động dữ dội không thể không có hình ảnh những người lính cách mạng. Họ cùng dân tộc làm nên các điểm mốc lịch sử hào hùng nhất trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Đấy là hành trình mà sự gắn bó giữa Quân đội với Đảng, giữa Quân đội với nhân dân đã trở thành tất yếu. Một tất yếu lịch sử không gì có thể thay đổi được. Từ Đảng, từ nhân dân, người lính của thời đại Hồ Chí Minh nhận được ánh sáng chân lý và năng lượng cội nguồn để không ngại ngần gánh vác nhiệm vụ vinh quang với khát vọng “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!” ("Chào xuân 67", Tố Hữu).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, với nhân dân anh hùng, Quân đội đã góp công sức vô cùng to lớn làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, lập kỳ tích qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Chúng ta không thể không nhắc tới các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đầy cam go trên biên cương và biển, đảo; tình nguyện giúp nước bạn thoát họa diệt chủng hay giành lại độc lập tự do và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... Dù ở đâu, làm gì, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa sáng và góp phần làm nên giá trị văn hóa của dân tộc ta.
Đất nước lâng lâng bước vào mùa xuân mới. Lòng dân hòa nhịp xuân sang khi Tổ quốc đang đứng trên một vị thế vững chãi chưa bao giờ có. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua được những trở ngại, khó khăn nhất để tràn trề khát vọng vươn cao, bay xa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" dựa trên bản sắc ngoại giao dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Việt Nam quan hệ tốt với nhiều đối tác là láng giềng, khu vực hay các nước lớn. Chúng ta tự hào và tin tưởng khi quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng đã có bước phát triển mới, thực sự đi vào chiều sâu; ngoại giao đa phương đồng thời với ngoại giao song phương; ngoại giao kinh tế có trọng tâm và trọng điểm; đối ngoại quốc phòng là kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.
Lòng dân cũng được yên hơn trước những sắc màu tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. Năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động bất lợi cả bên ngoài và bên trong; sau khi vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng xấu từ cơn bão đen này tới chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Việt Nam đạt được kết quả đáng ghi nhận về kinh tế. Năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm 2022; đứng vị trí hàng đầu Đông Na Á. Nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn được bảo đảm.
Quân đội ta bước vào mùa xuân thứ tám mươi. Một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ đã trưởng thành, phát triển rất nhiều trong tám thập kỷ qua nhất định phải tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Không thể nói khác được, đây là bước đi tất yếu mang tính khách quan, phản ánh đúng tầm nhìn xa thấy rộng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Phải chủ động giữ nước khi nước còn bình an; cần nhìn được từ sớm, từ xa những nguy cơ để phòng ngừa, bảo vệ vững chắc non sông tổ tiên, ông cha để lại. Tầm nhìn xa rộng ấy đâu chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà nó còn có giá trị nhân văn. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” ("Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi). Muốn yên dân, trước hết phải giữ được sơn hà, phải để trăm họ sống trong hòa bình. Kế sách giữ nước của cha ông đã được thế hệ cháu con suy ngẫm và kế thừa như “Quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”; như “Quân cốt tinh, không cốt nhiều”.
Đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình giữ nước. Việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, có cơ cấu đồng bộ, phù hợp là một nội dung rất quan trọng hiện nay; đồng thời với việc tổ chức các đơn vị dự bị chiến lược sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nắm chắc các hình thái chiến tranh mới, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật tác chiến, cách đánh hiệu quả với vũ khí, trang bị trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao là yêu cầu trước mắt và lâu dài của Quân đội ta.
Từng có bốn mươi ba năm trong quân ngũ, khi trở lại đời thường, trong tôi vẫn dâng đầy niềm tự hào yêu thương Bộ đội Cụ Hồ. Tôi tin Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng tinh nhuệ và hiện đại, hội tụ đầy đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đất nước của con Rồng, cháu Tiên sẽ mạnh giàu và hạnh phúc. Và điều này nữa, tôi không thể không nói, vẫn vằng vặc trong tâm hồn mình, một người lính đầu bạc hình ảnh “đầu súng trăng treo”...
Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)