Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung nên tinh thần lạc quan, niềm tin yêu và hy vọng như sắc xuân và mùa xuân tươi đẹp tràn ngập trong các văn phẩm, thư từ của Người.

Xuân và mùa xuân trong cuộc đời Bác

Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kéo dài 30 năm (1911-1941). Rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn vào mùa hè ngày 5-6-1911, trải qua bốn bể năm châu, vượt muôn vàn gian khó, hiểm nguy, Người đã về tới Tổ quốc mình, ở Pác Bó - Cao Bằng, nơi đầu nguồn cách mạng vào mùa xuân, ngày 28-1-1941. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941), quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do chính Người viết và đọc trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Cuộc đời và sự nghiệp của Người, trong hơn 6 thập kỷ, gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân, với số phận của toàn dân tộc. Ba mươi năm của cuộc hành trình là 30 mùa xuân ở nước ngoài, Người luôn hướng về Tổ quốc và nhân dân đang đắm chìm những đêm dài nô lệ. Người đã đem ánh sáng và niềm tin trên đường cách mạng để chiếu rọi sự nghiệp giải phóng, cứu nước, cứu nhà, thức tỉnh, cổ vũ đồng bào đoàn kết đứng lên, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Từ tìm đường, nhận rõ hướng đi, chọn đường cách mạng theo Lênin và Cách mạng Tháng Mười, cuối cùng Hồ Chí Minh trở thành ngọn cờ dẫn đường của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng cách mạng triệt để, làm cách mạng đến nơi để giành độc lập - tự do - hạnh phúc cho nhân dân. Đó là tư tưởng của một lãnh tụ kiệt xuất - “Yêu nước 100% nên Cộng sản cũng 100%” (Phạm Văn Đồng).

Tâm hồn Hồ Chí Minh là tâm hồn của một nhà thơ lớn, “một tâm hồn lộng gió thời đại” như nhận xét của Phạm Văn Đồng. Dù khiêm tốn, chỉ nhận mình có một tấm lòng yêu thơ chứ không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng Người đã viết tới 135 bài thơ bằng chữ Hán trong “Ngục trung nhật ký” với những bài thơ để đời. Tập thơ ấy - “Nhật ký trong tù” đã trở thành “Bảo vật quốc gia” (Quốc bảo). Là Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia, năm nào cũng vậy, đến thời điểm năm mới, Người đều có thiếp mừng xuân, lại có thơ mừng xuân gửi tặng đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế. Cảm hứng “Xuân và mùa Xuân” không chỉ thấm đượm trong thơ Người từ mùa xuân Đinh Hợi 1947, giữa núi rừng Việt Bắc, những năm kháng chiến gian lao chống thực dân Pháp đến bài cuối cùng trong xuân Kỷ Dậu 1969, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”… mà còn thể hiện cả trong những trang văn chính luận, những bài nói, bài viết của Người dành cho chiến sĩ, đồng bào cả nước - đặc biệt là thanh niên.

mua xuan tam hon bac 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết năm 1968. Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh là một trong số lãnh tụ hiếm hoi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Ngay cả khi Người đã đi vào cõi trường sinh, về với thế giới người Hiền, ai ai cũng cảm nhận thấy “Người vẫn sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lãnh tụ Cuba, Fidel Castro đã đánh giá Người thuộc lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt. Hồ Chí Minh là biểu tượng thiêng liêng của sự sống nên xuân và mùa xuân rất tự nhiên tạo nên cảm hứng, thi hứng của Người. Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung nên tinh thần lạc quan, niềm tin yêu và hy vọng như sắc xuân và mùa xuân tươi đẹp tràn ngập trong các văn phẩm, thư từ của Người.

Đảng ta ra đời vào mùa xuân, ngày 3-2-1930 do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện để trở thành một Đảng chân chính cách mạng. Chính cương, Sách lược vắn tắt và Chương trình hành động của Đảng hướng tới độc lập, Điều lệ của Đảng và Thư kêu gọi đồng bào ủng hộ Đảng hăng hái tham gia cách mạng do Đảng lãnh đạo - những văn kiện lịch sử quan trọng đó do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo cũng vào mùa xuân. Đảng và tư tưởng Bác Hồ là nguồn sáng diệu kỳ soi sáng đường đi cho cả dân tộc, từ màn đêm đen tối đi tới chân trời tự do, báo hiệu một tương lai ngập tràn ánh sáng. Sự kiện mùa xuân Đảng ra đời với đường lối cách mạng do Đảng và Bác Hồ xác định là khởi đầu của bước ngoặt cách mạng - chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ XX. Từ đây, tương lai triển vọng xa đã dần từng bước trở thành hiện thực gần nhờ có thiên tài tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta, nhờ có lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc được Bác Hồ và Đảng ta phát động. Sức trẻ của Đảng, sức sống của dân tộc như sức trẻ của mùa xuân dồi dào sinh khí đất trời.

Mười lăm tuổi thanh xuân, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, hồi xuân cho cả dân tộc đã từng đau thương trong ngót một thế kỷ dưới ách đô hộ của đế quốc, thực dân. Trải qua mọi biến cố thăng trầm, qua bao đau thương, hy sinh trong lửa đạn, trên chiến trường, Đại thắng mùa xuân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975, quân dân ta đã chứng kiến giây phút lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thỏa lòng mong ước bấy lâu của Bác Hồ. Chỉ tiếc rằng, Bác đã đi xa, không được chứng kiến trực tiếp ngày hội lớn của non sông, thống nhất Tổ quốc, chỉ còn ngân vang tiếng hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” giữa Sài Gòn ngập tràn cờ, hoa.

Khi còn sống, vào những năm tháng cuối đời, Người vẫn hằng dõi theo tin thắng trận từ tiền tuyến phương Nam. Người từ chối nhận huân chương, chỉ đặt tay lên ngực mà nói: “Miền Nam luôn ở trong tim tôi”. Vào giờ phút chiến thắng, ca khúc khải hoàn, ngay sau đó, chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hoàn thành tác phẩm để đời “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà âm hưởng của nó ngân vang từ hai miền đất nước đến với thế giới nhân loại. Đó là “nhà chép sử dân tộc bằng âm nhạc” mà chúng ta yêu mến, tự hào nói về Phạm Tuyên - một nhạc sĩ tài hoa của dân tộc, tuổi cao mà tâm hồn rất trẻ như mùa xuân của những niềm vui chiến thắng và sum họp.

Nói tới Hồ Chí Minh là nói tới hình ảnh của dân tộc, là tinh hoa và khí phách của dân tộc và thời đại, là hình tượng một lãnh tụ của dân tộc và của Đảng, giản dị mà vô cùng vĩ đại. Khi cảm ơn đồng bào, chiến sĩ chúc thọ sinh nhật Người, Người cảm động mà giãi bày tâm sự: “… mỗi người chúng ta tuy khác nhau về tuổi tác và công việc, ai cũng có ngày sinh của riêng mình do cha mẹ sinh thành, nhưng tất cả chúng ta còn có một ngày sinh chung, đó là Ngày Độc lập 2-9 của Tổ quốc. Như thế, dân tộc ta rất trẻ và chúng ta đều rất trẻ...”. Chính thể Cộng hòa Dân chủ mà chúng ta chung sức chung lòng xây dựng để cho con cháu chúng ta muôn đời mang sức sống trẻ trung như mùa xuân, hít thở bầu không khí độc lập, tự do và sống trong hòa bình, hạnh phúc.

Xuân và mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, sức trẻ và Bác kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên, ở những người trẻ tuổi. Từ những ngày đầu gây dựng lực lượng và phong trào cách mạng, tư tưởng và hành động của Người luôn hướng tới thanh niên, tuổi trẻ. Danh ngôn Hồ Chí Minh, hầu hết nói về thanh niên. “Một năm khởi đầu từ mùa xuân / Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. “Tuổi trẻ là niềm tin của dân tộc, là sức mạnh của cả dân tộc”. Bởi thế, “Đâu cần thanh niên có / Đâu khó có thanh niên”.

mua xuan tam hon bac 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (20-7-1968). Ảnh: TTXVN

Xuân và mùa xuân tươi đẹp là quà tặng của thiên nhiên, của tạo hóa đất trời. Thanh niên, sức trẻ, sức xuân là niềm tin yêu, tự hào của dân tộc bởi “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang, sánh vai được cùng các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn là nhờ công học tập của các em”. Người dạy thanh niên phải có chí khí, hoài bão lớn, làm những việc lớn, ích quốc lợi dân. Tuổi trẻ ham làm việc lớn chứ không ham làm quan to. Phải học suốt đời, đem trí tuệ và đạo đức, tâm hồn và tình cảm, bản lĩnh chính trị và ý chí nghị lực mà phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Phải nhớ “đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”. Phải thực hành: “Thanh niên chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Học và phấn đấu rèn luyện suốt đời là vậy, học để làm việc, làm cán bộ, làm người, phục vụ nhân dân, đoàn thể, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích đó, trước hết phải cần kiệm liêm chính. Vậy nên, động cơ, mục đích, lẽ sống của người cách mạng, của các thế hệ thanh niên, từ “thanh niên già” đến “thanh niên trẻ” đến lớp măng non: “Trẻ em như búp trên cành / Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”… Tất cả phải tâm niệm và thực hành đạo đức.

Vào cuối đời, tháng 2-1969, Người còn viết tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Một trong những câu hay nhất của Người là Người nói về đạo đức, trau dồi phẩm tính tốt, thực hành cái thiện sao cho “cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở, cái ác thì mất dần đi”. Cuối đời, Người càng đặc biệt quan tâm tới “người tốt, việc tốt”, phải vận động, tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ và thúc đẩy để sức mạnh tinh thần, đạo đức hóa thành sức mạnh vật chất, chiến thắng mọi kẻ thù và mỗi con người, mỗi đảng viên tự hoàn thiện đạo đức, nhân cách, lẽ sống ở đời và làm người. Mười năm cuối đời, với tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, vào tuổi trẻ, Người tiến hành 700 lần đi cơ sở, đến với dân. Người cũng tặng 5.000 huy hiệu cho những tấm gương tiêu biểu “người tốt, việc tốt”. Người nói với một lời giản dị mà đúc kết chân lý sâu sắc về tư tưởng, tình thương yêu dạt dào vẫn đậm chất tươi trẻ của xuân và mùa xuân: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp / Cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”.

Nhớ lại, hồi kháng chiến, năm 1950, Người 60 tuổi đã viết thơ tự sự về mình, tâm hồn thật trẻ trung, lạc quan:

“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán,

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế kém gì Tiên”.

Đặc biệt là “Rằm tháng Giêng” - bài thơ nói về việc Người đi họp hội nghị, bàn việc nước, việc quân, lúc trở về nơi ở, đêm đã khuya, cảnh ánh trăng rọi sáng trên sông nước mà tâm hồn Người - tâm hồn thi sĩ dạt dào xúc động, đầy thi vị:

“Rằm xuân lồng lộng trăng so

Sông xuân nước lẫn nền trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Mùa xuân, tháng 2 năm 1948. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ ở Việt Bắc đã trải qua 5 mùa xuân, vào năm 1951 - Xuân Tân Mão, Người có thơ Xuân chúc tết đồng bào, chiến sĩ:

“Xuân này kháng chiến đã năm xuân

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công

Toàn dân hăng hái một lòng

Thi đua chuẩn bị phản công kịp thời”.

Tết Mậu Thân năm 1968, Người khẳng định:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.

Đó là mệnh lệnh, là thông điệp của Người - thông điệp vào mùa Xuân thứ 78 của Người. Đến mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Người vẫn tràn đầy niềm tin và lạc quan có thơ mừng Xuân. Ta nào ngờ, đó là bài thơ Xuân cuối cùng của Người.

Xuân và mùa xuân trong thơ Bác

Ở phần trên, chúng ta đã được biết đến một đôi ý thơ, một đôi bài thơ hiện thực và trữ tình của Bác với tâm hồn nhà thơ. Để thấy rõ hơn cảm hứng xuân và mùa xuân trong tâm hồn Bác Hồ, ta sẽ nói kỹ hơn về thơ Bác, từ “Nhật ký trong tù” đến thơ chúc Tết mùa xuân của Người qua những chặng đường lịch sử.

Về “Nhật ký trong tù”, Giáo sư Phong Lê nhận xét: “Con người Bác là bảo đảm bằng vàng cho thơ của Bác”. Đại thi hào Trung Quốc, Quách Mạt Nhược đọc thơ Bác, từ nguyên bản chữ Hán đã thốt lên “Người làm sao thì thơ là vậy”. Thơ là con người Bác, tâm hồn Bác, bởi “văn học là nhân học”. Trong hoàn cảnh tù đầy, tăm tối, lại mất liên lạc với Đảng, với dân 14 tháng liền, bị đầy đọa khắp 30 nhà tù hà khắc dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, cơ cực là vậy mà Người vẫn vượt lên, vẫn tin vào ngày mai tươi sáng, vẫn giữ vững nghị lực, ý chí phi thường, tâm hồn vẫn giữ nguyên cảm xúc, làm bật dậy ý thơ, lời thơ, làm cả tập thơ 135 bài thơ chữ Hán thì thật quý giá vô cùng. Đó là một chặng đường của tiểu sử Hồ Chí Minh bằng thơ, kết thành ĐẠI TRÍ, ĐẠI NHÂN, ĐẠI DŨNG Hồ Chí Minh. Chữ xuân, mùa xuân trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Người. Nét chủ đạo là sức mạnh phi thường của ý chí và nghị lực, của niềm tin chan hòa với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lúc sâu lắng chiêm nghiệm, lúc hồn nhiên đời thường, biết cười, biết hát khi trong lòng đang tận cùng đau khổ vì mất tự do. Đúng như Người viết: “Đáng khóc mà ta cứ hát tràn / …Hòa lệ thành thơ tả nỗi này”.

Người là hiện thân của niềm tin, đức tin, đó là nguồn nuôi dưỡng nghị lực và tinh thần lạc quan của Người:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao”.

“Trên đường” là một bài thơ tiêu biểu, tâm hồn hòa quyện đắm say với thiên nhiên để niềm vui và niềm tin có sức chiến thắng, vượt lên sự đầy đọa của hoàn cảnh: “Mặc dù bị trói chân tay / Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng / Vui say ai cấm ta đừng / Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”. Trong đêm tối vẫn thấy ngọn lửa hồng nơi xóm núi: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ / Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không / Cô em xóm núi xay ngô tối / Xay hết lò than đã rực hồng”. Và đây là độc thoại, “Tự khuyên mình” của người tù - nhà thơ Hồ Chí Minh:

“Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

Lại một bài này nữa, “Giải đi sớm” cho ta cảm nhận tâm hồn thi sĩ của Người:

“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

Người không chỉ có cảm hứng thơ mà con có triết lý đạo đức nhân sinh, muốn có đầy đủ đạo đức làm người phải suốt đời rèn luyện, chấp nhận cả nỗi đau, “đau đớn như giã gạo”, qua nỗi đau “gạo giã xong rồi trắng sạch bông” cho nên “sống ở trên đời, người cũng vậy / Gian nan rèn luyện ắt thành công”.

Rèn luyện và thực hành đạo đức ấy, để trọn đời trung - hiếu, giữ vẹn toàn lòng thủy chung, son sắt với dân, với Đảng. Người đã viết:

“Bé thì phải học, lớn thì hành

Với dân, đảng, nước, dạ trung thành

Kiệm cần, dũng cảm và liêm chính

Chớ phụ ông Lương dạy dỗ mình”…

Còn bao nhiêu lời thơ, ý thơ giản dị, sâu sắc và cảm động như thế trong tập thơ của người tù - thi nhân và vĩ nhân Hồ Chí Minh với cảm hứng xuân và mùa xuân. Cho đến Di chúc, trong lần chữa cuối cùng, ngày 10-5-1969, Người nói với đồng bào, đồng chí: “Năm nay tôi đã 79 tuổi, đã là hạng người xưa nay hiếm nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Người giải thích: “Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác cũng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”. Người căn dặn mọi việc, quan tâm tới mọi người, chu đáo ân cần trước lúc đi xa. Môt nghìn từ trong Di chúc của Người là một tổng kết lớn việc cách mạng, việc Đảng, việc dân, việc quốc tế và có cả nỗi đau nhân thế của Người. Đó là một kiệt tác văn chương sống mãi với muôn đời, là điển hình cho tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh.

mua xuan tam hon bac 3
Bác Hồ tham gia Tết trồng cây tại xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây) vào mùa xuân năm 1969.
Ảnh tư liệu

Xuân và mùa xuân cuối cùng, vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1969, Người về trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Người khởi xướng nét đẹp văn hóa bằng Tết trồng cây trong đời sống hằng ngày của nhân dân ta. Người tự thực hành để nêu gương. Người thăm hỏi đồng bào ân cần, tình nghĩa với lời dặn: “Chúng ta trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Người tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm miền Bắc vào đúng mùa xuân Kỷ Dậu, 55 năm về trước. Trong đoàn có nhiều cháu gái dũng sĩ diệt Mỹ, Người cho các cháu ra thăm đồng bào miền Bắc và đi chữa bệnh vì chiến trường ác liệt, nhiều cháu phải được chăm sóc y tế. Người từng nói với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế, “phải sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho các cháu gái. Thắng lợi đang đến gần. Làm sao để khi hết chiến tranh, hòa bình trở lại, trong cuộc sống đời thường, các cháu gái vẫn có thể làm vợ, làm mẹ được”. Thật là “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Các cháu nhi đồng trong lời hát ngây thơ đã nói lên sự đẹp đẽ, cao thượng của Bác Hồ: “Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh”. Ôm hôn Bác sĩ trưởng đoàn Phùng Văn Cung và các đại biểu miền Nam, Bác đọc hai câu thơ:

“Bao giờ Nam Bắc một nhà

Việt Nam đại thắng, chúng ta vui mừng”.

Mong ước của Bác đã thành hiện thực. Tâm hồn Bác thấm đẫm chất nhân văn với xuân và mùa xuân. Tình yêu con người và cuộc sống của Bác là nguồn an ủi vô bờ, là hạnh phúc muôn đời của chúng ta./.

GS,TS HOÀNG CHÍ BẢO - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: