Phần tóm tắt về những thành tựu của đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong bài viết có tựa đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là những con số ấn tượng mà là cả một quá trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về đối ngoại của Đảng....

“Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác”.

Phần tóm tắt về những thành tựu của đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong bài viết có tựa đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là những con số ấn tượng mà là cả một quá trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về đối ngoại của Đảng.

tien buoc bai 8
  Ảnh minh họa: Vetnamplus.vn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút trong bài viết: Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.

Bên cạnh cảm nhận của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về sự khởi sắc rõ rệt về mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, còn ít nhất hai cách để thấy được những thành tựu quan trọng của đối ngoại, ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là nhìn vào kết quả gần đây nhất hoặc tổng kết từng giai đoạn để đánh giá quá trình.

Về thành tựu năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tóm lược và đánh giá ngắn gọn trong bài viết như sau: Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023 với nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã đi thăm chính thức nhiều nước, tham dự nhiều diễn đàn quốc tế lớn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc tổ chức đón rất thành công Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Đối ngoại tỏa sáng năm 2023 là kết quả của cả một quá trình Đảng ta phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam” để đối ngoại, ngoại giao Việt Nam “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tại Hội nghị ngoại giao năm 1964.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại, ngoại giao đã sớm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa để giành độc lập, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, chúng ta phải đối mặt với những thách thức to lớn, đòi hỏi phải có những sách lược đối ngoại quyết đoán, linh hoạt để thích ứng với tình hình mới nhưng vẫn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.

Trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực cùng khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong nước những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Đảng đã đánh giá lại cục diện thế giới để xác định đường lối, chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đưa ra quyết định mang tính đột phá, giúp nước ta phá thành công thế bao vây cấm vận trong giai đoạn 1986-1995, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, phát triển rộng rãi quan hệ đối ngoại và tạo những nền tảng quan trọng để phát triển đất nước sau này. Việt Nam đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước quan trọng trên thế giới và gia nhập ASEAN năm 1995.

Với những thành tựu đạt được trong giai đoạn 1986-1995, Đại hội VIII khẳng định tính đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Việt Nam hóa giải những điểm bất đồng, gia tăng song trùng lợi ích trong quan hệ quốc tế. Từ đó, chủ trương của Đảng về mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn 1996-2010, qua các Đại hội VIII, IX và X.

Với chủ trương này, Việt Nam gia nhập một loạt cơ chế đa phương quan trọng như Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007; đăng cai các hội nghị cấp cao của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (1997), ASEAN (1998), ASEM (2005), APEC (2006); và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009.

Đối ngoại, ngoại giao đã luôn tiên phong hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong các giai đoạn phát triển. Từ năm 2011 đến nay, quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện hơn. Với thế và lực mới, Đại hội XI đã nâng tầm từ hội nhập kinh tế sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện. Đặc biệt, từ Đại hội XI, Đảng khẳng định lợi ích quốc gia-dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, trong đó lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc thống nhất với nhau trong lợi ích quốc gia-dân tộc.

Đại hội XII có quyết sách chính trị quan trọng về tiếp tục mở rộng phạm vi, lĩnh vực và mức độ hội nhập. Việt Nam chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” và phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt của Việt Nam. Tới Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Điểm sáng đối ngoại năm 2023 là minh chứng sống động cho tính đúng đắn của chủ trương xuyên suốt này.

Nền ngoại giao Việt Nam, với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, luôn đặt dưới lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước. 3 trụ cột này có quan hệ rất chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau bởi cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia-dân tộc.

Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng, công tác đối ngoại còn được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các ngành, các cấp, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Đơn cử, đối ngoại quốc phòng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thế đan xen lợi ích, củng cố tin cậy chiến lược với các đối tác, từ đó tranh thủ tối đa sự ủng hộ quốc tế, tăng cường tiềm lực, khả năng tự lực, tự cường về quân sự, quốc phòng, nâng cao sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Trên bình diện song phương, các nội dung, hình thức quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu, thực chất. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng đã tham mưu ký kết gần 270 văn bản hợp tác với 31 nước và tổ chức quốc tế. Trên bình diện đa phương, đối ngoại quốc phòng có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.

Sự tham gia chủ động, tích cực ở các diễn đàn đa phương giúp phát đi thông điệp quan trọng, khẳng định uy tín, trách nhiệm của Việt Nam trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực cũng như thế giới; góp phần bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Các thành tựu trên có được nhờ đường lối, chủ trương đối ngoại đúng đắn của Đảng qua các thời kỳ, trên cơ sở đánh giá đúng thời cuộc và sự tiếp thu, đúc rút các bài học của đối ngoại Việt Nam, kiên định và phát huy cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi./.

NGỌC HƯNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: