luat trat tu co su

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 (Luật số 30/2023/QH15) được Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/11/2023. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, gồm 05 Chương, 33 Điều:

Chương 1: Quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2: Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 6 điều (từ Điều 7 đến Điều 12). Chương này quy định về hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Chương 3: Xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 2 mục:

- Mục 1: Xây dựng lực lượng gồm 6 điều (từ Điều 13 đến Điều 18). Mục 1 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tổ bảo vệ an ninh, trật tự; thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Mục 2: Bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 8 điều (từ Điều 19 đến Điều 26). Mục 2 quy định về bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, giấy chứng nhận, trang bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ; nhiệm vụ chi của Bộ Công an và nhiệm vụ chi của địa phương.

Chương 4: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức gồm 5 điều (từ Điều 27 đến Điều 31). Chương này quy định về trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương 5: Điều khoản thi hành (Điều 32 và Điều 33). Chương 5 quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản của các luật có liên quan và hiệu lực thi hành.

Để thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động theo quy định, sau đây xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những vấn đề cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 qua các câu hỏi - đáp như sau:

Câu 1: Phạm vi điều chỉnh của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 là gì?

Trả lời:

Tại Điều 1 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 2: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được định nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 2 của Luật quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu 3: Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là gì?

Trả lời:

Điều 3 Luật, vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định  như sau: Là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu 4: Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng bao gồm:

(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

(2) Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

(3) Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

(4) Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 5: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định như thế nào về quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 5  Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, quan hệ công tác của lực lượng được quy định như sau:

(1) Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

(2) Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hướng dẫn, phân công, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

(3) Quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các đoàn thể, tổ chức quần chúng ở cơ sở là quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu 6: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định như thế nào về quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 5  Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, quan hệ phối hợp, hỗ trợ của lực lượng được quy định như sau:

(1) Phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

(2) Hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

(3) Phối hợp với đoàn thể, tổ chức quần chúng tự quản ở cơ sở, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Câu 7: Những hành vi nào bị nghiêm cấm thực hiện theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023?

Trả lời:

Nghiêm cấm thực hiện những hành vi được quy định trong Điều 6 của Luật, cụ thể như sau:

(1) Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

(2) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(3) Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(4) Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ.

(5) Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 8: Nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Tại Điều 7, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định về nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự như sau:

(1) Hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.

(2) Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật.

Câu 9: Nhiệm vụ hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Tại Điều 10 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định về nhiệm vụ hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội như sau:

(1) Hỗ trợ Công an cấp xã nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý.

(2) Nắm thông tin nhân khẩu, hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.

(3) Tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn phụ trách khai báo, giao nộp pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

(4) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Công an cấp xã trực tiếp quản lý và hỗ trợ Công an cấp xã kịp thời ngăn chặn.

Câu 10: Nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Tại Điều 12 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định về nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động như sau:

(1) Hỗ trợ Công an cấp xã tuần tra, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

(2) Hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động.

(3) Khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ hoặc theo hướng dẫn của Công an cấp xã, lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh, trật tự.

(4) Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Câu 11: Tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 13, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng:

(1) Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

(2) Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

(3) Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

(4) Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

(5) Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Câu 12: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định như thế nào về việc tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự?

Trả lời:

Căn cứ Điều 15, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, việc tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được quy định cụ thể như sau:

(1) Căn cứ yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật này.

(2) Việc tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

(3) Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(4) Bộ trưởng Bộ Công an quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Câu 13: Nhiệm vụ của thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại Khoản 4, Điều 16 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, nhiệm vụ của thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự bao gồm:

(1) Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã về hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; phân công nhiệm vụ cho thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự;

(2) Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi chưa có Tổ trưởng, Tổ trưởng vắng mặt hoặc được Tổ trưởng ủy quyền;

(3) Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo sự quản lý, phân công của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự;

(4) Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Câu 14: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 có quy định nào nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất được quy định cụ thể tại Điều 19 của Luật như sau:

(1) Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

(2) Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(3) Hằng năm, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Câu 15: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định như thế nào về hỗ trợ, bồi dưỡng thường xuyên đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1, Điều 23 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Câu 16: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định như thế nào về hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, được huy động, điều động thực hiện nhiệm vụ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 2, Điều 23 của Luật, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:

(1) Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

(2) Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

(3) Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

(4) Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Câu 17: Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ được quy định cụ thể như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Căn cứ Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ bao gồm:

(1) Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

(2) Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

(3) Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

(4) Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Câu 18: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 đã quy định về nhiệm vụ chi của Bộ Công an như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm, bao gồm:

(1) Trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Công tác huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an tổ chức.

(3) Sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an tổ chức.

Câu 19: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 đã quy định về nhiệm vụ chi của địa phương như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, bao gồm:

(1) Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(3) Thực hiện chi các nội dung quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này.

(4) Sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức.

(5) Các khoản chi khác cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Câu 20: Trách nhiệm của Chính phủ được quy định như thế nào trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023?

Trả lời:

Căn cứ Điều 27 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, trách nhiệm của Chính phủ được quy định cụ thể như sau:

(1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Nội dung quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bao gồm:

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Xây dựng lực lượng, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi, tổ chức hoạt động và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 21: Trách nhiệm của Bộ Công an được quy định như thế nào trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023?

Trả lời:

Căn cứ Điều 28 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, trách nhiệm của Bộ Công an được quy định cụ thể như sau:

Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có trách nhiệm sau đây:

(1) Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(3) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng lực lượng, quản lý, huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định.

(4) Chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo thẩm quyền.

(5) Hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Câu 22: Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1, Điều 30 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định cụ thể như sau:

Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

(1) Quyết định về kế hoạch, dự án, đề án xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(2) Quyết định ngân sách bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của địa phương theo quy định của pháp luật.

Câu 23: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định như thế nào trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 2, Điều 30 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định cụ thể như sau:

Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có trách nhiệm sau đây:

(1) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt, quyết định về kế hoạch, dự án, đề án xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự toán thu, chi ngân sách bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(2) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(3) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

(4) Quản lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo thẩm quyền; bố trí địa điểm, nơi làm việc, kinh phí và bảo đảm điều kiện hoạt động khác đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định.

(5) Tổ chức phong trào thi đua trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với các phong trào thi đua tại địa phương./.

Bảo Ngọc (tổng hợp)

Bài viết khác: