Đối với đồng bào, chiến sĩ và người Việt Nam ở nước ngoài, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong lòng lại nhớ Bác Hồ. Ký ức của những người nay đã ngoài 60 tuổi vẫn không thể quên thời khắc thiêng liêng đêm Giao thừa bên máy thu thanh “lắng nghe thơ Người”...
Sinh thời, thường thì trước Tết 3 tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm 3 việc: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam-Bắc, cán bộ đang công tác và đồng bào ta ở nước ngoài; cuối cùng là chương trình đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Lời chúc mừng năm mới và thơ chúc Tết của Bác không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là một trong những di sản về giá trị tư tưởng và văn học của nước ta.
Thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ.
Trong 24 năm (1945-1969) trên các cương vị: Chủ tịch Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, chỉ có 3 năm (Ất Mùi 1955, Đinh Dậu 1957, Mậu Tuất 1958) là Bác Hồ không có thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Trong những bài thơ chúc Tết của Người, từ “thi đua” được nhắc đến 16 lần, chưa kể trong thơ chúc Tết năm 1952, Bác còn hai lần dùng từ “thi”: “Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia”. Như thế có thể nói, Bác Hồ rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua học tập, công tác, chiến đấu, lao động sản xuất... Với Bác, mùa xuân là khởi nguồn của năm mới, khởi nguồn thi đua mới.
Tư tưởng thi đua của Bác Hồ được thể hiện ngay trong bài thơ chúc Tết của mùa xuân độc lập đầu tiên (Bính Tuất 1946), đó là: “Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”. Đến mùa xuân năm 1947, khi toàn quốc vừa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thơ chúc Tết của Bác vang vọng khí thế, khơi nguồn thi đua, thúc giục chiến sĩ, đồng bào: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948 của Bác Hồ, cả nước đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, giết giặc lập công. Mùa xuân năm 1949, thơ chúc Tết của Bác tiếp tục hiệu triệu thi đua ái quốc: “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Những bài thơ chúc Tết tiếp theo vào các năm 1950, 1951, 1952, 1953, Bác đều đề cập đến việc thi đua. Năm 1950, Bác viết: “Toàn dân xung phong thi đua”; năm 1951 là: “Toàn dân hăng hái một lòng/ Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”; đến năm 1952 là: “Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta”... Từ phong trào thi đua đã tạo động lực, góp phần để quân và dân ta giành nhiều thắng lợi, làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vào ngày 7-5-1954.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, miền Nam tiếp tục đấu tranh để giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thơ chúc Tết của Bác không chỉ dành tình cảm cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, Người còn động viên, cổ vũ quân, dân miền Nam thi đua với miền Bắc, thi đua để nước nhà nhanh chóng hòa bình, thống nhất. Thơ chúc Tết năm 1956, Bác viết: “Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí, bền gan phấn đấu/ Hòa bình, thống nhất thành công”. Tết năm 1959, Bác chúc: “Đoàn kết thi đua tiến tới” và “đoàn kết thi đua”, “hăng hái thi đua” được Bác nhắc lại trong những lời chúc Tết năm 1960, 1961. Trước phong trào thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong thơ chúc Tết năm 1962, Bác cổ vũ: “Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong”. Đến khi quân, dân miền Nam lập nhiều chiến công trên chiến trường, chúc Tết năm 1966, Bác khen: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng”... Đặc biệt, năm 1968, thơ chúc Tết của Bác như lệnh tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.
Thơ chúc Tết của Bác như là thông điệp đầu năm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Đó cũng là lời phát động phong trào thi đua của một năm mới. Đọc thơ chúc Tết của Bác, chúng ta như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực, nỗ lực thi đua, phấn đấu học tập và làm theo Bác./.
PHƯƠNG KHUYÊN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)