Thời gian gần đây, một số cá nhân lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để trục lợi trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để thu hút người dùng mạng xã hội, trang cá nhân của các đối tượng đó đặt tên gọi rất ấn tượng, chẳng hạn như: “Yêu bộ đội”; “Yêu lính”; “Màu xanh biên cương”; “Bộ đội của dân”… Họ lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để "câu view", "câu like", đánh bóng tên tuổi, bán hàng, xuyên tạc... thủ đoạn chủ yếu của những đối tượng này là lợi dụng hình ảnh, uy tín của Quân đội để tạo dựng lòng tin, với âm mưu lừa đảo người bị hại.
Điều đáng lo ngại là một số cán bộ, đảng viên chủ quan, chưa kịp kiểm chứng đã vội vàng ủng hộ bằng cách nhấn yêu thích, "thả tim'' và bình luận tỏ rõ mình am hiểu, làm cho nhiều người cũng lầm tưởng đó là sự thật. Tuy nhiên các trang mạng này phần lớn là của những người thiếu hiểu biết về Quân đội, trong đó có không ít người đã lợi dụng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ để ''câu view'' mục đích kiếm tiền một cách bất chính. Họ thường xuyên cóp nhặt, cắt ghép, dàn dựng, đăng tải những thông tin, hình ảnh làm sai lệch bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7 giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ảnh minh họa: TẤN CHÍ
Để tạo lòng tin cho người dùng mạng, lợi dụng sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các đối tượng đã giả mạo một số chức danh lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của các cơ quan, đơn vị Quân đội để gọi video trực tuyến, nhắn tin qua Messenger, Zalo... “thông báo” đến các gia đình có quân nhân tại ngũ về một số vấn đề liên quan đến pháp luật, kỷ luật như: Làm hư hỏng, thất thoát tài sản chung, phải bồi thường; tham gia cá độ, chơi lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi mất khả năng chi trả; mất đoàn kết, gây thương tích... Từ đó đe dọa, buộc gia đình phải chuyển tiền vào tài khoản để “chạy án”, nếu không sẽ bị “xử lý nghiêm khắc”...
Đáng lo nhất là lợi dụng danh nghĩa đơn vị, cơ quan, cán bộ Quân đội để lừa đảo tiền của các chủ doanh nghiệp buôn bán hàng hóa. Nếu không tỉnh táo, không chủ động xác minh thông tin kỹ lưỡng, chúng ta sẽ bị đánh lừa bởi những “vở kịch” mà kẻ xấu đã công phu dàn dựng, để rồi “tiền mất tật mang”.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của những thông tin xấu độc, sai sự thật đến đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm trong đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh liên quan đến cá nhân, đơn vị và Quân đội lên các nền tảng mạng xã hội; không chia sẻ, bình luận, khi chưa kiểm chứng, không để đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Bởi lẽ, Quân đội là môi trường đặc thù nên không phải ai cũng có thể dễ dàng tự do, tự tiện quay phim, ghi hình, chụp ảnh để đăng đàn. Hơn nữa, nếu mỗi người mỗi ngày đều lan tỏa những hình ảnh đẹp, đúng với bản chất quân nhân cách mạng và thực tiễn những gì diễn ra trong môi trường quân ngũ thì đâu có “đề tài” để cho những kẻ trục lợi “chế biến”, nhào nặn.
Từng cán bộ, đảng viên tự học tập, nghiên cứu, trang bị cho mình kiến thức, nhanh chóng nhận ra những thông tin, hình ảnh nào là đúng, sai, sự thật về bản chất Bộ đội Cụ Hồ; phải tự nâng cao “sức đề kháng” cho chính bản thân, tuyệt đối không tiếp cận, tương tác với những nội dung xấu độc để tránh “nối dài cánh tay” kiếm tiền bất chính của kẻ xấu và âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội của các thế lực thù địch.
Đối với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, định hướng tuyên truyền giáo dục, kịp thời cảnh báo để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ngăn chặn các thông tin xấu độc thâm nhập vào cơ quan, đơn vị và người dân cảnh giác, không mắc mưu lừa đảo của kẻ xấu./.
TRẦN RÔ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)