Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Đêm 13-3-1954, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 chúng tôi đánh trận mở màn thắng lợi. Ba cứ điểm Him Lam, Độc lập, Bản Kéo lần lượt được giải phóng. Trận đầu đánh thắng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và phấn khởi bước vào chuẩn bị để đánh đợt 2.

Theo phương châm tác chiến “đánh chắc, thắng chắc” Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ đào hào cho toàn mặt trận. Đường hào có trục chính, trục phụ, có hàm ếch, có ụ súng, chỗ tránh...; trục chính rộng và sâu để cơ động lực lượng, vận chuyển thương binh, tử sĩ, di chuyển pháo cối. Từ đường hào chính có các nhánh hào ngang dọc áp sát đồn địch, chia cắt đội hình.

Đơn vị chúng tôi đào một đường hào từ vị trí xuất phát trong rừng, qua mấy rìa đồi, ra cánh đồng đến sát trận địa chiến đấu. Việc đào hào hết sức vất vả, nhất là khi đào gần cứ điểm địch. Buổi sáng, sau khi đi đào hào về, chúng tôi được anh nuôi phát cho mỗi người một nắm cơm, có ít mắm muối khô. Ăn xong lại chuẩn bị vật liệu như ngụy trang, mài cuốc, xẻng, chặt cọc gỗ... để tiếp tục nhiệm vụ buổi chiều, buổi tối. Mỗi lần trước khi ra đi đào hào, chúng tôi tranh thủ sinh hoạt tổ 3 người, có khi cả tiểu đội, để rút kinh nghiệm và phân công giao nhiệm vụ cho từng người. Cứ thế quen dần, ngày càng thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và năng suất đào càng cao. Đào đến nỗi cuốc xẻng đã cùn mòn đến hơn một nửa, bàn tay thành chai sạn. Đường hào ngày một vươn dài và càng dài càng quyết liệt, lúc này mỗi mét hào không những chỉ có mồ hôi, mà phải đổi cả bằng máu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, hy sinh trong khi đào hào.

Về cuối, đào hào phải tiến hành về ban đêm, 5 giờ chiều, khi trời Tây Bắc chạng vạng, chúng tôi mới xuất quân. Mỗi người mang theo một bó ngụy trang để đào đến đâu ngụy trang đến đó. Bấy giờ tôi là cán bộ Trung đội phải đi trước, mang theo một cuộn dây và một bó cọc để căng dây lấy hướng, đóng cọc làm chuẩn và giao nhiệm vụ cho từng chiến sĩ. Phân chia thứ tự từng người vào vị trí đào để tránh ùn tắc, lộn xộn và đề phòng pháo cối của địch. Cứ như thế, chúng tôi đào xong mới được về, có khi phải đào suốt đêm đến mờ sáng. Gian khổ nhất là khi gặp trời mưa ướt lạnh, bùn lầy nước đọng, cũng có khi gặp đoạn đất đá cứng khó đào. Nói chung là gian khổ, ác liệt, nhưng cũng có đêm lượm được dù địch tiếp tế bay lạc vào chiến hào của ta, vớ được những thùng thực phẩm, quân ta lại được cải thiện rôm rả. Về việc này, bộ đội có câu thơ:

Máy bay bay thấp, bay cao

Thả dù rơi xuống chiến hào quân choa

Dù xanh, dù trắng, dù hoa

Toàn là vũ khí, toàn là quân nhu.

dao hao 2024
Bộ đội ta sinh hoạt và cảnh giới trong giao thông hào. Ảnh tư liệu

Gần ba tuần tập trung lực lượng đào hào và chuẩn bị trận địa, bộ đội thiếu ngủ, thấm mệt nhưng rất khẩn trương. Đúng vào lúc Đại tướng Tổng tư lệnh động viên bộ đội toàn mặt trận tích cực bắn tỉa, làm cho quân địch bị tiêu hao lực lượng và căng thẳng về tinh thần. Chúng tôi tổ chức những tổ “săn Tây” vừa làm nhiệm vụ chốt giữ trận địa vừa bắn tỉa khi địch ra khỏi công sự.

Tuy chưa mở đợt 2 tấn công, nhưng hằng ngày vẫn diễn ra những trận đánh ác liệt, địch dùng cả bộ binh có xe tăng, phi pháo yểm trợ, nhiều trận giành giật chiến hào mà quyết liệt không kém gì trận địa tiến công trong đợt công kích lớn.

Đường hào của quân ta ở Điện Biên Phủ như trận đồ bát quái, gần 200km chiến hào ngang dọc đã vây chặt quân địch trong các cứ điểm, làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Đây là một chiến thuật tiến công của quân ta trong phương châm “đánh chắc, thắng chắc” từ đó chúng ta đã tiến hành đợt 2 của chiến dịch thắng lợi giòn giã./.

Thiếu tướng BÙI ĐỨC TÙNG, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 (Trích trong cuốn sách Điện Biên Phủ Điểm hẹn)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: