Những ngày chuẩn bị Lễ hội Đền Hùng năm 2024, các cơ quan chức năng và Ban quản lý công trình thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng tất bật hoàn thành công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành và bàn giao công trình bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” được chu đáo nhất.
Đây là công trình được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công đức xây dựng thể theo nguyện vọng và tình cảm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam với cội nguồn dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bức phù điêu đã được các lực lượng thi công, giám sát thi công hoàn thành vào ngày 20-3-2024. Dù chưa khánh thành, bàn giao nhưng du khách thập phương đã được chiêm ngưỡng bức phù điêu, đồng thời bày tỏ niềm tự hào, vinh dự được về bên Bác Hồ kính yêu tại nơi cội nguồn dân tộc.
Trên đường hành hương về Đền Hùng, được chiêm ngưỡng công trình tươi màu đồng mới, mọi người đều trầm trồ, xuýt xoa trước sự bề thế, uy linh của công trình. Cựu chiến binh, Thượng tá Nguyễn Hữu Lựu ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất tự hào vì được sinh ra đúng thời điểm Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong 70 năm trước. Từng trải qua chiến tranh và chiến đấu vì độc lập dân tộc, nên khi tới Đền Hùng, tôi rất cảm động khi được chứng kiến công trình linh thiêng và vĩ đại, xứng đáng với sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc”.
Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19-9-1954.
Ảnh tư liệu
Chị Nguyễn Thị Thơ, du khách đến từ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Đền Hùng, được nhìn thấy Bác Hồ qua bức phù điêu đồ sộ, hoành tráng, chúng tôi rất trân trọng với những giá trị mà ông cha để lại. Bức tranh Bác Hồ với các chiến sĩ đã thể hiện được ý chí của dân tộc Việt Nam anh hùng. Kế tiếp truyền thống đó, thế hệ chúng tôi sẽ tiếp bước để xứng đáng với thế hệ cha anh”.
Theo ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Quản lý dự án thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, trong cả nước hiện chưa có bức phù điêu bằng đồng nào có quy mô như bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong”. Với sự phối hợp và giám sát của các đơn vị liên quan, bức phù điêu đã được hoàn thành đúng kế hoạch, đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Đại tá Trần Văn Bắc, Phó tư lệnh Quân khu 2 cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” được giữ nguyên trên cơ sở bức phù điêu cũ bằng đá cẩm thạch, nhưng được mở rộng quy mô hơn. Bức phù điêu hình vòng cung có chiều dài 28,16m, cao 9,2m và được thay thế bằng hợp kim đồng dày trung bình 1,5cm. Sau khi đúc tại xưởng, các mảnh của bức phù điêu được lắp dựng, hàn ghép trực tiếp tại hiện trường; liên kết với tường vách bê tông cốt thép và qua hệ thống khung giàn thép hộp. Quy trình thực hiện phần mỹ thuật đã được chủ đầu tư tuân thủ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng chia sẻ, từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng được công nhận là Khu du lịch Quốc gia thì cảnh quan cảnh quanh khu vực Ngã 5 Đền Giếng cần được chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp để đảm bảo điều kiện tốt hơn, trang trọng hơn và trở thành điểm nhấn quan trọng phục vụ du khách. Vì lý do này, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Quốc phòng đề nghị tiếp tục tài trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo bức phù điêu bằng đá cẩm thạch.
Phối cảnh thiết kế công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại ngã 5 đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Kinh phí thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại ngã 5 đền Giếng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện. Sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3084/QĐ-UBND ngày 25-11-2022 với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công trình có 3 hạng mục chủ yếu: Hạ giải toàn bộ bức phù điêu bằng đá hiện trạng được xây dựng từ năm 2001 di chuyển đến lắp ghép lại tại khuôn viên Bảo tàng Bộ tư lệnh Quân khu 2; tu bổ, tôn tạo bức phù điêu mới và hệ thống hạ tầng, cảnh quan đồng bộ.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng Doanh trại, Cục Hậu cần Quân khu 2 chia sẻ, công trình tu bổ, tôn tạo được triển khai từ tháng 6-2023. Sau đúng 9 tháng thi công, công trình đã hoàn thành những hạng mục cơ bản. Quá trình chuẩn bị và xây dựng hạng mục công trình đều có sự chuẩn bị chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật; việc đấu thầu - lựa chọn nhà thầu thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Đơn vị trúng thầu công trình là Liên danh Công ty cổ phần C&T Thành Công và Công ty TNHH MTV Tôn tạo phục chế công trình văn hóa Việt thực hiện thi công xây dựng. Công tác quản lý chất lượng, kiểm tra giám sát công trình theo đúng quy định.
Toàn cảnh bước phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ
Đại đoàn Quân Tiên Phong” .
Hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn Quân Tiên Phong được tái hiện sinh động và chân thực.
Dự án công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” hoàn thành và sau khi bàn giao sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Bức phù điêu là nơi các tầng lớp nhân dân ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được ký kết, Đại đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308) trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày 19-9-1954, tại Đền Giếng thuộc Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng ngày nay, Bác Hồ đã gặp gỡ, nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 308. Người khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô rất quan trọng và vinh dự đồng thời căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải giữ gìn kỷ luật; đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện, tránh sa ngã, bị cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường". Bác Hồ căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời của Người trở thành lời hịch hiệu triệu ý chí, niềm tin, trách nhiệm của lớp lớp thế hệ con Lạc cháu Hồng, tiếp nối truyền thống, đoàn kết bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam. Năm 2001, tại khu vực Ngã 5 Đền Giếng, bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng. Chất liệu chính của công trình là các khối đá cẩm thạch trắng ghép lại bằng keo chuyên dụng./.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN – ĐỨC ĐÀO
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)