Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

1. Nghị định số 18/2024/NĐ-CP ngày 21/02/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

Theo Điều 7 Nghị định số 18/2024/NĐ-CP, điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được quy định cụ thể như sau:

(1) Đối với tác giả: Trực tiếp sáng tạo, đóng góp vào giá trị khoa học và công nghệ của công trình; không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ và đáp ứng điều kiện sau:

- Đối với người Việt Nam: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Đối với người nước ngoài: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

(2) Đối với công trình:

- Hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), hoặc được ứng dụng tại Việt Nam;

- Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Về thời gian xét tặng giải thưởng, Khoản 1 Điều 14 của Nghị định quy định: Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước được xét tặng và công bố 05 năm một lần vào dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 02 tháng 9).

2. Nghị định số 19/2024/NĐ-CP ngày 23/02/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 19 về cơ quan đăng ký phương tiện như sau:

“Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký”.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 về thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2. Cụ thể:

“Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.

Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng”.

3. Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23/02/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cụ thể như sau:

(1) Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

(2) Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

(3) Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

4. Nghị định số 28/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, có hiệu lực từ ngày 20/4/2024.

Nghị định quy định mốc thời gian để tính khen thưởng: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 15/7/1950 đến ngày 20/7/1954. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ ngày 21/7/1954 đến ngày 30/4/1975 (chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc; chống đế quốc Mỹ ở miền Nam; làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1972 đến tháng 12/1975). Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc: Chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979; Chiến tranh biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến ngày 31/12/1988; làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988; làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989; truy quét Fulrô từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992.

Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên thì được tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ, được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Thanh niên xung phong được xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” 1 lần.

Thanh niên xung phong khi xét khen thưởng được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định trên để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Không tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với những trường hợp: Bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong lập hồ sơ đề nghị theo quy định, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đến UBND cấp xã nơi Thanh niên xung phong đăng ký cư trú (đối với trường hợp còn sống) hoặc nơi cư trú trước khi tham gia Thanh niên xung phong (đối với Thanh niên xung phong đã hy sinh, từ trần).

5. Nghị định số 25/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.

Theo đó, nguyên tắc trong xét tặng danh hiệu danh hiệu thầy thuốc Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú bao gồm:

- Thực hiện đúng các nguyên tắc khen thưởng quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 5Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 trong việc xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. Cụ thể như sau:

+ Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;

+ Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;

+ Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;

+ Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

- Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước bao gồm “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”.

- Các thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” phải là thành tích đạt được trong thời gian công tác trong ngành y tế. Chỉ được lấy thành tích khen thưởng theo công trạng làm điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”.

- Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” tại đơn vị đó.

- Không xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho cá nhân đã bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

- Chưa xem xét đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho cá nhân đang trong thời hiệu thi hành hình thức kỷ luật khiển trách hoặc có liên quan đến các vụ, việc mà cơ quan có thẩm quyền đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, xử lý hoặc có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực do các cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh đang được xác minh, làm rõ.

6. Thông tư số 01/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.

Thông tư nêu rõ các quy định chung về thi đua, khen thưởng:

Đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc đột xuất thì người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền. Trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc lĩnh vực thuộc Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc phạm vi toàn quốc thì đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước theo tiêu chuẩn quy định.

Đối với tập thể không có tổ chức đảng, đoàn thể khi đề nghị khen thưởng trong Báo cáo thành tích phải thể hiện là tập thể không có tổ chức đảng, đoàn thể.

Người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua trong phạm vi Bộ, ban, ngành, tỉnh thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền. Bộ, ban, ngành không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho đối tượng không do Bộ, ban, ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.

Khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, ngoài việc khen thưởng theo thẩm quyền, Bộ, ban, ngành, tỉnh lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên); lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên).

Khi Bộ, ban, ngành, tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực... thì thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền, không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, trừ thành tích phục vụ hội nghị, diễn đàn quốc tế, khu vực phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

7. Thông tư số 01/2024/TT-BYT ngày 01/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực y tế,có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.

Theo đó, các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định: Cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi, bổ sung, công bố các loại giấy phép, giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, số phiếu tiếp nhận hồ sơ; ban hành danh mục, chương trình, tài liệu thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế.

Điều 3 của Thông tư về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt nêu rõ, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác.

Thời điểm chuyển đổi vị trí công tác được tính từ ngày có quyết định hoặc văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đó. Đối với các quyết định và văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đã ban hành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực được xét để tính thời gian đảm nhận vị trí công tác đó.

Đối với đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của đơn vị đó thì đơn vị báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp, việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực y tế phải thực hiện định kỳ chuyển đổi tại Điều 2, Thông tư này và tình hình thực tế tại đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; quy định cụ thể thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với từng vị trí của đơn vị.

8. Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 06/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 22/4/2024.

Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 3 quy định về bài thi như sau: “Tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.”

Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:

“3. Đăng ký bài thi: Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Thí sinh GDTX thuộc đối tượng quy định dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.”

Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT cũng quy định danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT trong phần Phụ lục: TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; TOEIC (4 kỹ năng Nghe: 275, Đọc: 275, Nói: 120, Viết: 120); IELTS 4.0 điểm; B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Bậc 3.../.

Bảo Ngọc (tổng hợp)

Bài viết khác: