“Con người Hồ Chí Minh cho ta ấn tượng về sức mạnh và sự dịu dàng, nhà lãnh đạo cách mạng và người nghệ sĩ đã hòa hợp với nhau trong một chất thép.

Những ai được biết thế nào là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý ở đâu, ở đâu có mùa Xuân, xin hãy đến thăm Việt Nam, thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

                            Rơnê de Pêtơrô

            (Nhà thơ Haiti)

Hai trong số những người Mỹ làm việc lâu năm nhất ở Việt Nam, họa sĩ David Thomas và nhà văn Lady Borton với cái nhìn độc đáo và lòng kính yêu sâu sắc đối với Bác Hồ của chúng ta, đã xuất bản một cuốn sách đặc biệt “Hồ Chí Minh - một chân dung”. Giới thiệu cuốn sách này với nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, Charle Fern, một người Mỹ hoạt động cho đồng minh chống phát xít, người đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc vào tháng 3 năm 1945 đã viết:

 “Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ 20, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian dài Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả khi Mao Trạch Đông, Gandhi, Nêru, Rudoven, Churchill hay Degon được biết đến trên thế giới. Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của Người bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ 20”.

Nhà báo Mỹ Star Robin cũng viết “Cụ Hồ Chí Minh được nhân dân rất quý mến. Tên Cụ có nghĩa là “sáng suốt”. Cụ là một nhà chính trị xuất chúng, một nhà chiến lược cách mạng, một người yêu nước nồng nàn. Cụ đã nêu gương chính nghĩa và đạo đức cho thế hệ thanh niên noi theo”.

Còn Robert Williams, một nhà chính trị Mỹ thì viết một cách thành thực “Nếu người Mỹ chúng tôi có một vị lãnh tụ đầy lòng nhân đạo và quyết tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn nước Mỹ sẽ đóng góp được rất nhiều vào sự nghiệp của nhân loại”.

Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu triết học, các lãnh tụ, các nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh... đã nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những cuốn sách hàng nghìn trang, những bản nhạc, những tác phẩm điện ảnh vv... Có người đã để một phần cuộc đời của mình, tiền bạc của mình đi đến các nước đã in dấu chân của Bác để tìm hiểu và viết về Người. Song cũng có những người đã nói về Bác bằng những câu thật ngắn gọn, cô đọng, những câu nói kết tinh của một nhận thức sâu xa:

“Một con người toàn diện đã sống trên thế gian này. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh!” (Báo Chiến đấu Congo), “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo và cổ vũ tất cả các dân tộc bị áp bức khắp mọi nơi. Người thuộc về các bạn, nhưng cũng thuộc về chúng tôi” (Boni Ethan – Australia), “Đối với một số người, Cụ Hồ Chí Minh là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong các cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp” (Tuần báo Người quan sát mới của Pháp), “Cụ Hồ Chí Minh là một người lãnh đạo quần chúng, nên tư tưởng của Cụ luôn luôn xuất phát từ chỗ phục vụ quần chúng” (Nagie Luci).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam!

Bác Hồ - Hai tiếng ấy là tình yêu của toàn thể nhân dân đối với vị lãnh tụ của mình. Không có một từ nào có thể diễn đạt được một cách trong sáng và đẹp đẽ như hai từ đó,

Trong bài “Đạo đức và nhân cách đặc điểm số một của tư tưởng Hồ Chí Minh”, giáo sư Trần Văn Giàu đã nhắc lại ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng, “Trung với nước, hiếu với dân thuộc về đạo... Còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thuộc về đức”. Đạo là gốc rễ, đức là thân cành, hoa quả. Như vậy có đức thì đạo mới được thực hiện, có đạo thì đức mới nảy sinh và phát huy tác dụng.

Trong cuộc sống mấy nghìn năm của dân tộc, là một nước nhỏ luôn phải đối đầu với những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội, muốn tồn tại chúng ta không chỉ dựa vào số người, mà phải dựa vào những con người chiến đấu, những con người dũng cảm, hy sinh, trung với nước, hiếu với dân.

Từ cái gốc “Trung với nước, hiếu với dân” mà chúng ta sẽ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẽ có lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có tình có nghĩa và không chỉ yêu mến nhân dân mình mà còn có lòng yêu thương nhân loại, có tình quốc tế trong sáng.

Bác Hồ nói: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cách mạng của con người. Có lúc Bác lại nói đó là bốn thang thuốc cách mạng để chữa những căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Bác nói và Bác đã làm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cuộc đời của Bác vốn thế chứ không phải chỉ để làm gương mà thôi.

Nhà thơ Đagiô (Indonesia) đã viết:

                   “Người không màng danh dự ghế suy tôn

                   Ngồi vào đấy, với Người không có nghĩa

                   Khi đức độ đã ngời như ngọc quý

                   Thì có nghĩa gì, chiếc ghế phủ nhung êm...”

Yêu nước, yêu dân, cống hiến cả đời mình cho hạnh phúc của nhân dân, cho độc lập của Tổ quốc, đó là cái gốc của đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngược lại với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, và Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân, đó là mẹ đẻ ra tất cả mọi thứ hư tật xấu, là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, sự tha hóa về phẩm chất, lối sống chính là từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.

Với sự nhạy cảm chính trị của một nhà lãnh đạo, với trách nhiệm to lớn của một lãnh tụ, xây dựng và rèn luyện Đảng, trong những ngày lễ lớn của đất nước, Bác thường phát biểu hoặc viết những bài báo nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Ngày 2 tháng 9 năm 1950, cách đây hơn 60 năm, trên báo Sự Thật, bác đã viết bài: “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. Ngày thành lập Đảng 3 tháng 2 năm 1969, Bác lại viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Một nhà làm phim Việt Nam đã kể lại: Đạo diễn Michael Hoey đã ba lần sang làm phim ở Việt Nam, ông nói: Điều lạ nhất đối với tôi là ở Việt Nam, dù đó là Hà Nội hay ở Kim Liên, Bến Nhà Rồng... tôi đều thấy không mấy ai gọi ông Hồ là Chủ tịch, mà đều gọi Người là Bác một cách tự nhiên và yêu quý như một người thân thiết trong gia đình vậy.

Một lần, tôi hỏi một cháu bé về bông hoa nhỏ cài trên ngực áo, cháu phấn khởi trả lời: “Cháu vừa được phần thưởng cháu ngoan Bác Hồ”. Điều đó làm tôi rất xúc động. Một điều nữa đã gây ấn tượng lớn cho tôi là mặc dù 24 năm liền được trao chức quyền cao nhất, nhưng nếu không phải là duy nhất thì Hồ Chí Minh cũng là một trong số rất hiếm những nguyên thủ quốc gia trên thế giới chưa từng bị lôi cuốn vào sức mạnh quyền lực. Đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội nhân văn lớn lắm. Vì thế, tôi không thể không làm một bộ phim về Người, để giới thiệu rộng rãi với nhân dân Anh.

Khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: Nước lấy dân làm gốc. Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, và người làm chủ tịch là làm đầy tớ trung thành của nhân dân, nhà đạo diễn Anh nói: “Trong lịch sử Đông Tây, thời nào quyền lực cũng là chiếc gươm thiêng của những người cầm quyền. Chiếc gươm ấy được trao vào tay những người yêu nước, thương nòi sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Còn nó được trao vào tay những bạo chúa thì đó là một thảm họa cho con người...” Và nhà đạo diễn người Anh ấy nói: “Các bạn Việt Nam đã may mắn có được một lãnh tụ là Hồ Chí Minh!”.

Không phải chỉ có chúng ta, con cháu của Người là học tập đạo đức Hồ Chí Minh, mà có những nhà lãnh đạo của các nước khác cũng công khai nói họ muốn học ông Hồ. Nghị sĩ Angiende, sau này là Tổng thống nước Chilê đã thẳng thắn trả lời một nhà báo:

- Những phẩm chất nào mà ngài muốn có, và nhà hoạt động chính trị nào mà ngài cho là một tấm gương để noi theo?

- Đó là tính trọn vẹn, lòng nhân đạo và sự khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời và phong cách sống Hồ Chí Minh mà cả thế giới đã ngợi ca.

Yêu con người, yêu nhân loại, yêu những người cùng khổ, yêu hòa bình và độc lập tự do, hết lòng tin tưởng ở nhân dân, yêu thiên nhiên từ mầm lá đến nhành hoa, kính già, yêu trẻ, rộng lượng đối với kẻ thù, chấp nhận đối thoại giữa các chính kiến... đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta - Một cuộc đời vĩ đại!

                                                      Bùi Công Chính

Theo gialai.gov.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: