Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1960, khoảng 8 giờ 30 phút sáng, Bác lại về thăm Nhà máy chúng tôi. Lần này Bác cũng đi với hai ông bà luật sư người Anh – Luật sư đã bào chữa cho Bác trong một phiên tòa của bọn đế quốc Anh – đến thăm Nhà máy với danh nghĩa là khách riêng ân tình của Bác. Bác thân thiết dẫn hai vợ chồng luật sư đi thăm nơi sản xuất, tới nơi nào Bác cũng ân cần thăm hỏi nam nữ công nhân đang đứng máy. Nhiều đồng chí công nhân cứ định bỏ máy chạy theo Bác, Bác giơ tay ra hiệu đáp lại những cái nhìn trìu mền, kính yêu của anh chị em công nhân hướng về Bác và hễ thấy ai chạy theo, Bác liền bảo:
- Chú về sản xuất đi, đừng để máy đứng không.
Sau khi đi thăm xong nơi sản xuất chính, thể theo nguyện vọng chung của nam nữ cán bộ công nhân toàn Nhà máy. Bác đồng ý sẽ dành ít thời giờ nói chuyện với công nhân.
Cuộc gặp gỡ được tổ chức ngay trên con đường trước nhà phân xưởng cơ điện, không có trang trí gì cả. Nơi đó còn ngổn ngang những cây gỗ xé dở dang, nhưng ống tôn sắt gò dở để chuẩn bị xây dựng phân xưởng thép. Một chiếc bàn vuông con trên trải một tấm khăn trắng giản dị. Chẳng cần phải kêu gọi, đôn đốc, anh chị em công nhân đã rất nhanh chóng tụ tập đông đảo xunh quanh nơi Bác đứng. Nhưng tất cả nghi thức giản dị không lấy gì làm trang trọng đó đã chứa đựng một tình cảm rất chân thật, thắm thiết giữa quần chúng với lãnh tụ. Bác giới thiệu hai ông bà luật sư với anh chị em công nhân, sau đó Bác nói chuyện về sản xuất, Bác khen thành tích vượt mức kế hoạch sản xuất của Nhà máy và tinh thần phát huy sáng kiến, dám ngĩ dám làm của anh chị em công nhân. Bác nói tiếp:
- Như vậy là tốt, Bác được biết các cô, các chú phát huy nhiều sáng kiến nhưng chưa được dùng hết. Vậy bộ phận phụ trách theo dõi sáng kiến tìm mọi cách nhanh chóng phổ biến rộng khắp và kịp thời sáng kiến hợp lý hóa sản xuất của công nhân. Còn các cô các chú thì không nên coi thường sáng kiến, kinh nghiệm của người khác. Cộng một trăm cái sáng kiến nhỏ lại sẽ thành một sáng kiến to. Nếu bỏ cái nhỏ, coi thường cái nhỏ thì bỏ một trăm cái nhỏ tức là ta đã bỏ một cái lớn…
Bác ân cần nhắc nhở anh em cán bộ, công nhân phải sửa chữa những mặt còn chưa tốt như ý thức làm chủ Nhà máy, làm chủ tập thể chưa cao, còn làng phí nhiều nguyên vật liệu, chưa dùng hết công suất máy móc. Bác nói:
Vừa qua công tác cải tiến quản lý xí nghiệp các cô các chú đã làm được tương đối khá, phải tiếp tục làm cho khá hơn nữa. Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như một cái kiềng ba chân, hai dài một ngắn không có thể đứng vững được. Muốn làm được tốt phải thực hành dân chủ, phải dựa vào quần chúng, dựa vào công nhân mà giải quyết khó khăn. Các cô, các chú phải đề cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức làm chủ nhà máy, làm chủ tập thể. Câu tục ngữ “Ba anh thợ da họp lại thành Gia Cát Lượng”, nghĩa là bất kỳ khó khăn như thế nào nếu tất cả mọi người chung lòng, chung sức đều có thể vượt qua được. Một người không làm được thì mười người, mười người không làm được thì họp một trăm người lại… nhất định sẽ làm được…
Bao giờ cũng vậy cứ sau mỗi lần Bác về thăm, Nhà máy rõ ràng như được tiếp thêm một sức mạnh mới phơi phới hẳn lên. Lời nói của Bác giản dị, thường hay ví dụ, so sánh rất giàu hình tượng nên dễ thấm, nhớ lâu, người nghe không chán. Chính vì thế, những điều Bác dạy có sức mạnh rất cụ thể, sinh động. Sau mỗi lần được Bác ân cần khuyên nhủ, chỉ bảo điều hay lẽ phải, phê bình cái xấu như thế, Đảng ủy Nhà máy lại tổ chức cho anh chị em cán bộ, công nhân viên trao đổi, liên hệ những điều Bác đã dạy; mặt nào tốt thì cố gắng làm cho tốt hơn nữa, mặt nào xấu thì kiên quyết sửa chữa bằng được. Trong tình cảm và sự suy nghĩ của anh chị em công nhân, những điều Bác nói bao giờ cũng là chân lý và rất đúng. Nếu mà không làm được như điều Bác đã khuyên thì ai nấy cảm thấy ân hận lắm, thật không xứng đáng chút nào với sự quan tâm hết lòng của Bác. Từ những năm sau này, không năm nào Nhà máy Cơ khí Hà Nội không hoàn thành vượt mức trước thời hạn kế hoạch sản xuất hàng năm. Vinh dự cho tập thể Nhà máy đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng 5 Huân chương Lao động hạng Nhì. Có nhiều khách đến thăm khen khu tập thể Nhà máy Cơ khí Hà Nội đẹp gần như một công viên… Được như vậy, anh chị em cán bộ, công nhân chúng tôi nghĩ đến Bác với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc đầy ân nghĩa của mình./.
Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Kim Yến (st)