Ngoài 26 tờ báo của Pháp, còn có một số tờ báo lớn của nước Mỹ, Anh, Trung Quốc cũng có mặt quanh khu vực Hội nghị Fontainebleau. Một số nhà báo tên tuổi thế giới và khu vực Châu Âu vào thời kỳ đó rất có cảm tình với Hồ Chủ tịch, họ đã gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, phỏng vấn những vấn đề liên quan đến thái độ, lập trường chính trị của phái đoàn Việt Nam. Đáng chú ý là nhà báo Đê-vít-sơn-brum, một nhà báo có uy tín ảnh hưởng rất lớn đối với Tổng thống Mỹ Eisenhower, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Trong một cuốn sách của ông được dịch ra tiếng Pháp, tái bản tại Paris năm 1984, đã dành những trang viết sinh động ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn Bác Hồ ngày 11.09.1946 tại Saint Cloud (Pháp). Trước khi Bác Hồ ký Tạm ước 14.9 với Chính phủ Pháp, ngày 11.9.1946, tại Paris, nhà báo Mỹ Đê-vít-sơn-brum đã gặp và phỏng vấn Bác xung quanh vấn đề nói trên. Dưới đây là cuộc phỏng vấn đầy thú vị: "Chủ tịch nghĩ thế nào mà tính đánh lại người Pháp trong khi chưa có quân đội, chưa có vũ khí hiện đại?" Bác trả lời: "Chắc chắn sẽ là gay go, nhưng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi có một đạo quân ít ra cũng mạnh bằng xe tăng, đại bác. Đó là chủ nghĩa dân tộc. Ông chớ nên đánh giá thấp sức mạnh dân tộc Việt Nam". Bác điềm tĩnh giải thích sức mạnh đoàn kết của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện của Việt Nam: "Đầm lầy có hiệu quả hơn súng chống tăng. Rừng rậm thì máy bay, bom đạn làm gì được. Có hang trên núi, chỉ một người nấp bắn, có thể chống cự với hàng trăm người. Chúng tôi có hàng triệu túp lều tranh, mỗi túp lều đều có sẵn một "con ngựa thành Troy" ở đó, sẵn sàng đánh lại bất cứ quân xâm lược nào".

Câu trả lời của Bác tại Thủ đô Paris đã được minh chứng sau 9 năm kháng chiến gian khổ, quyết liệt và đã giành được thắng lợi vẻ vang oanh liệt, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc Chính phủ Pháp phải thực hiện Hiệp định Geneve vào năm 1954.

Trong lịch sử báo chí thế giới, ít có một chính khách nào được đông đảo lực lượng báo chí phía đối lập phản ánh với một thái độ trân trọngnhư Bác Hồ của chúng ta. Tổng kết về sự thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và Việt Nam, riêng ở nước Mỹ đã có hàng nghìn đầu sách. Cuốn sách nào cũng ít nhiều cũng đề cập tới vai trò quyết định cuối cùng của Hồ Chủ tịch tới mỗi chủ trương, quyết sách liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc Việt Nam. Khi nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt nhiên không có tờ báo nào có giọng điệu khiêu khích hay thiếu nhã nhặn đối với Người.

hcm-ban-linh-vn-bqllang.gov.vn
Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ( bìa trái) sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau
 năm 1946. Ảnh: TƯ LIỆU

Tờ Washington Post đã viết về Bác Hồ với sự trân trọng: "Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỷ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược và đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh. Con người mảnh khảnh đó với đôi mắt bốc lửa đã trải qua nhiều nghề nghiệp từ khi còn là người bồi bàn trên tàu thủy, làm nghề rửa bát, làm cấp dưỡng, giáo viên, làm báo, để rồi trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên cả những nhân vật đương thời".

Sau ngày Bác Hồ của chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng, ngày 4.9.1969, tờ The NewYork Times viết: "Trong số các chính khách của thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ dẻo dai, kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và sự thành công trong việc dung hòa giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc...".

Hẳn không thể có lời bình luận gì hơn về sự ghi nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan của giới báo chí phương Tây, đặc biệt là giới báo chí Mỹ đối với Bác Hồ của chúng ta vào những thời khắc lịch sử đấu tranh ngoại giao vô cùng phức tạp; kiên quyết bảo vệ độc lập mà cả dân tộc vừa giành được sau hơn 100 năm Pháp thuộc./.

Văn Hiền

Theo Người làm báo

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: