60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đưa tên tuổi hai người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam vang xa trên chính trường quốc tế và vang mãi đến muôn đời sau, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và người học trò xuất sắc của Bác - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là chiến thắng gắn liền với tài thao lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với Điện Biên Phủ, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được toàn thể nhân loại tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc ngưỡng mộ và suy tôn thành những biểu tượng cao đẹp nhất, là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược vùng lên đấu tranh giành công lý, tự do và phẩm giá con người.
Dưới đây là chùm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử:
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên trái Chủ tịch), Phạm Văn Đồng (bên phải Chủ tịch), Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trước khi Đại tướng lên đường, Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”, Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Người nhắc Đại tướng: “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn kế hoạch tiến công vào Điện Biên Phủ tháng 1- 1954.
Lời trích trong Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phương án tác chiến trận Điện Biên Phủ năm 1954. Việc thay đổi chiến thuật đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là quyết định táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thành công của chiến dịch và xương máu của chiến sĩ. Chính từ sự thay đổi phương án tác chiến vào giờ chót đã tạo nên bước nhảy vọt của chiến dịch, làm cho bộ đội ta chỉ trong một thời gian ngắn từ chỗ chỉ mới tiêu diệt được cứ điểm Độc Lập, một tiểu đoàn của địch đến chỗ tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm lớn và kiên cố của chúng. Quyết định ấy một lần nữa khẳng định tài năng quân sự và sự sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiểm tra pháo cao xạ 37 ly đầu tháng 3-1954.
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng vào lúc 17h30 ngày 13-3-1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng theo dõi diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng (Sở Chỉ huy cuối cùng) hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 22-4-1954...
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tung bay trên nóc hầm De Castrie chiều 7-5-1954, đánh dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ sau
chiến thắng vĩ đại 7-5-1954.
Đội rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tuần hành trên những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm giữa tiếng hoan hô vang dậy của quân dân Điện Biên Phủ, tháng 5-1954.
Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh
Đại tướng tại Lễ mừng công (ngày 13-5-1954).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Lễ trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho những đơn vị có nhiều thành tích nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch. (Trong ảnh: Bác Hồ gắn Huy hiệu cho chiến sĩ trẻ Hoàng Đăng Vinh).
Các chiến sĩ thi đua của mặt trận Điện Biên Phủ mang theo tin thắng trận về chúc mừng sinh nhật Bác (19-5-1954).
Thu Hiền (tổng hợp)