hoang-sa-bqllang-gov-vn

Đảo Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa

Việt Nam có bờ biển dài, với vùng biển rộng. Biển và đảo suốt tiến trình lịch sử luôn luôn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh sống trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ các thời Lý - Trần - Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để trong bối cảnh lịch sử mới, các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

          Tổ chức các Đội Hoàng Sa và Bắc Hải, hình thức độc đáo duy nhất của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo ngoài Biển Đông trong các thế ký  XVII-XVIII

Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách chép: "Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...

Họ Nguyễn lại đặt Đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...

… Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Cát Vàng) huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời"(2).

hoang-sa-bqllang-gov-vnb

Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn đã giớí thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải.

Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê-Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa của Đại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.

Đại Nam thực lục tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khácPhủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên

Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sau khi sang Đàng Trong, trên đường trở về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: "các Quốc vương [Chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào"(3).

Thật ra từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hàng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và vẽ bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa)(4)  và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa)(5). Như thế từ rất lâu đời các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong. Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: "Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam"(6).

Như thế các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa.

Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ trong thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa được đề cập đến sớm nhất vào thời điểm nào và trong nguồn sử liệu nào?

Sử sách nhà Nguyễn đều chép thống nhất đội Hoàng Sa được tổ chức ngay từ thuở quốc sơ, tức là từ thời các Chúa Nguyễn đầu tiên. Tuy nhiên sách cũng không xác định rõ là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Nguyên hoặc Nguyễn Phúc Lan?

Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm 1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: "Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...". Tư liệu cho phép suy đoán lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa.

Năm 1636, ng­ười Hà Lan đu­ợc Chúa Nguyễn cho phép mở một th­uơng điếm ở Hội An, dưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6-3, tại Hội An Chúa Thư­ợng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc "chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã được các ng­ười Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nh­ưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux". Ông có nhiệm vụ xin đ­ược bồi hoàn số tiền đó. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng "những việc đó xảy ra từ thời Chúa tr­ước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ng­ược lại, ng­ười Hà Lan từ nay sẽ đ­ược hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, đ­ược miễn thuế. Nếu như sau này có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá đ­ược cứu hộ nữa". Phải chăng những người Việt cứu giúp tầu Grootenbroeck bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, và như vậy càng có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). 

Bước sang thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa Biển Đông càng trở nên nhộn nhịp thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong và ngoài nước.

hoang-sa-bqllang-gov-vnc

Đại Nam nhất thống toàn đồ

Cũng đúng vào năm 1776, khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa, thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: "Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp..."(7).

Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: "Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi".

(Còn nữa)

Theo GS, TS Nguyễn Quang Ngọc/www.vnu.edu.vn/btdhqghn

(1) Bài đăng trên Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011, tr. 30-36.

(2) Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp lục), T.I, Bản dịch Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 116.

(3) Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, tr 125

(4) Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) 1606, in lại trong cuốn Asia in Maps from Ancient time to the Mid-19th Century, Lepzig, 1989

(5) Bản đồ Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin, Paris, 1972; Bản đồ Van Langren 1598, in trong cuốn Iconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và A.Masson, Paris, 1931.

(6) Jean.Yves Clayes: Journal de Voyage aux Paracels (Indochine No 45, 1941, tr7

(7)  Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15 tháng Giêng năm 1776 (lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: