Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Năm nay, quân và dân ta kỷ niệm lần thứ 60 hai sự kiện lịch sử lớn gắn bó mật thiết với nhau. Đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20-7-1954.

Việc đạt được Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là một thắng lợi to lớn của quân dân ta.

Lần đầu tiên một hội nghị quốc tế lớn với sự tham gia của cả 5 cường quốc ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ trịnh trọng tuyên bố: “Trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó”.

Sau những năm tháng chưa giành được sự công nhận ngoại giao rộng rãi của cộng đồng quốc tế, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Chính phủ ta có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào công việc của một hội nghị quốc tế tầm cỡ như vậy cho thấy vị thế quốc tế của nước ta đã được nâng cao.

Theo nội dung Hiệp định, quân đội và vũ khí nước ngoài phải rút khỏi nước ta. Miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra được hoàn toàn giải phóng, có điều kiện xây dựng trong hòa bình, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến tiếp theo nhằm hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.


Gionevo a
Quang cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ảnh: Corbis.

Có được những kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, những hy sinh lớn lao và lòng quả cảm phi thường của quân dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ từng nói: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng rất to phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, dội mạnh vào Hội nghị Giơ-ne-vơ làm thay đổi hẳn cục diện đàm phán. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị đã điện ngay về nước “nhiệt liệt hoan hô sự thắng lợi oanh liệt và tinh thần vô cùng anh dũng của bộ đội và nhân dân ta ở Điện Biên Phủ”.

Cũng giống như bất kỳ sự kiện lịch sử nào, Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng có nét đậm, nét nhạt. Thời gian càng lùi xa thì những nét ấy càng nổi rõ hơn nhờ những tư liệu mới được công bố, nhờ những cách nhìn sáng rõ hơn và nhất là được cuộc sống kiểm nghiệm. Có một thực tế là bên cạnh sự đồng thuận về những kết quả nhãn tiền của hội nghị, suốt 60 năm qua vẫn dai dẳng một số suy tư, thắc mắc. Ta hãy thử nhìn lại xem đó là những điều gì?

Trước hết là câu hỏi: Do đâu có Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954?

Thật ra lúc đầu Hội nghị Giơ-ne-vơ do các nước lớn là Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ triệu tập để bàn về các vấn đề Châu Âu là chính.

Vào đầu những năm 50 thế kỷ trước, cuộc “chiến tranh lạnh” ở vào đỉnh điểm với cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng, nhất là về vũ khí hạt nhân. Hai nhà nước Đức: Cộng hòa Dân chủ ở phía Đông, Cộng hòa Liên bang ở phía Tây ra đời; các nước phương Tây lập ra khối NATO, các nước xã hội chủ nghĩa lập ra khối Vác-sa-va… Nói một cách khác, hình hài cục diện “hai phe, hai cực” đã lộ rõ và an bài. Cũng vào lúc này đã diễn ra hai cuộc “chiến tranh nóng” là chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) và chiến tranh Đông Dương (từ 1946)  phần nào phản ánh sự đối đầu giữa hai phe.

Vào nửa đầu những năm 50 của thế kỷ trước ở cả hai phe đều diễn ra một số thay đổi quan trọng. Ở Liên Xô, nhà lãnh đạo tối cao Xta-lin từ trần vào năm 1952, tình hình chính trị và kinh tế khó khăn, ban lãnh đạo mới chủ trương hòa hoãn với phương Tây, đề ra chính sách đối ngoại “chung sống hòa bình, thi đua hòa bình và quá độ hòa bình” (tức là các nước XHCN và TBCN chung sống hòa bình với nhau, hai bên thi đua hòa bình để phát triển, sự quá độ lên CNXH thực hiện bằng con đường hòa bình). Pháp chịu thất bại ngày càng nghiêm trọng trong cuộc chiến Đông Dương đưa tới khủng hoảng nội bộ hết sức sâu sắc, đòi hỏi phải tìm ra lối thoát. Nước Anh suy yếu nhiều lại phải đối mặt với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của Anh nên cũng có yêu cầu hòa hoãn ở châu Âu. Riêng Mỹ muốn thao túng Tây Âu, duy trì đối đầu căng thẳng với Liên Xô nhưng cũng không thể đứng ngoài những thu xếp giữa Liên Xô và Tây Âu.

Gionevo b
Đồng chí Phạm Văn Đồng và Luật sư Phan Anh trong thời gian dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ảnh tư liệu.

Trong bối cảnh đó, Liên Xô và Tây Âu, sau đó cả Mỹ thỏa thuận triệu tập Hội nghị Béc-lin (từ 25-1-1954 đến 18-2-1954 - BT), để giải quyết các vấn đề ở châu Âu, chủ yếu là vấn đề Đức. Tham gia Hội nghị Béc-lin có Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Anh, Ngoại trưởng Pháp và Ngoại trưởng Liên Xô. Tuy nhiên, do lập trường quá khác nhau nên họ không đi đến thỏa thuận nào bèn quay sang bàn hai vấn đề ở “ngoại vi” là vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Sau khi kết thúc Hội nghị Béc-lin không đạt được kết quả, Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức tiếp Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Và vai trò Trung Quốc xuất hiện ở đây. Với lập luận không thể thảo luận các vấn đề Viễn Đông nếu không có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Xô yêu cầu mời Trung Quốc tham dự. Các nước phương Tây cần Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Riêng Anh có vấn đề Hồng Công và cần thị trường Trung Quốc. Pháp cần vai trò Trung Quốc trong một giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Mỹ miễn cưỡng phải chấp nhận để Trung Quốc tham gia Hội nghị nhưng “không bắt tay” với Trung Quốc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (Trưởng đoàn Mỹ Ph.Đa-lét không bắt tay Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai).

Được chính thức tham dự một hội nghị quốc tế như vậy quả là một món quà vô giá đối với Trung Quốc lúc đó còn bị cô lập về chính trị, chưa lấy lại được vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên Trung Quốc chủ trương tích cực tham gia nhằm “tạo thuận lợi cho việc mở ra con đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế” như Đề án tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ của ban lãnh đạo Trung Quốc đã xác định. Nói nôm na thì Trung Quốc tham dự hội nghị để xác lập vai trò nước lớn của mình trong việc giải quyết các công việc quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước phương Tây.

Nhân đây cần phải nói rằng, qua các tư liệu có được có thể thấy, lúc ấy Liên Xô kiên định ủng hộ ta nhưng chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề Châu Âu, có phần thụ động và “khoán” các vấn đề Viễn Đông cho Trung Quốc.

Như vậy là Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn. Vấn đề Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã được sử dụng để phục vụ cho những lợi ích và sự dàn xếp của họ.

Vậy ta thế nào?

Căn cứ vào các văn kiện chính thức và phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đó có thể thấy ta cũng chủ trương mở ra mặt trận ngoại giao bên cạnh mặt trận quân sự và tiến hành cải cách ruộng đất. Bài trả lời phỏng vấn ngày 26-11-1953 của Hồ Chủ tịch cho tờ báo Expressen của Thụy Điển đã gây tiếng vang lớn, trong đó Người nói rõ: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.

Sự điều chỉnh sách lược ấy bắt nguồn từ chỗ phân tích tương quan lực lượng trên chiến trường và tình hình quốc tế, trong đó nội bộ nước Pháp chính quyền khủng hoảng sâu sắc, phong trào phản chiến dâng cao, Mỹ lăm le trực tiếp tham chiến ở Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc là hai nước chủ yếu cung cấp viện trợ cho ta muốn “làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, đó là lo lắng chính của phe ta hiện nay…” như đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng ta lúc bấy giờ đánh giá.

Cho dù chủ trương đi vào thương lượng ta kiên trì lập trường “bốn điểm như những cái khâu của một sợi dây chuyền ngoắc vào nhau, không thể tách rời nhau” như đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh. Đó là: “Độc lập là độc lập thật sự và hoàn toàn của dân tộc”; “Thống nhất là thống nhất quốc gia, toàn bộ lãnh thổ nước ta là của ta (Miên, Lào cũng vậy, vì Miên - Lào cũng thống nhất trong độc lập và hòa bình)”: “Chế độ Dân chủ Cộng hòa có tính chất dân chủ, không thể xâm phạm được” và “Hòa bình là hòa bình chân chính”.

Vì sao nước ta bị chia ra làm hai miền?

Vì sao đất nước bị chia cắt do kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ? Có lẽ đây là câu hỏi day dứt nhất khi nói tới sự kiện lịch sử này. Điều đó cũng dễ hiểu vì tình trạng đất nước bị chia cắt đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho dân tộc ta, chỉ 20 năm sau nước nhà mới thống nhất, giang sơn mới được thu về một mối.

Trong lịch sử, mỗi khi thỏa thuận về một cuộc đình chiến hoặc phân chia vùng ảnh hưởng người ta thường phải thỏa thuận khu vực chiếm đóng của các bên liên quan. Thực tế ấy đã diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có việc chia cắt nước Đức, bán đảo Triều Tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Về Việt Nam lúc bấy giờ có 3 phương án được xem xét: Một là, quân Pháp rút về những vị trí họ đóng quân trước khi nổ ra chiến tranh cuối năm 1946; hai là, các bên ở đâu đóng đấy với một số sự điều chỉnh và ba là, phân chia vùng tập kết.

Các nước lớn chọn phương án theo hình mẫu Triều Tiên, trong đó Trung Quốc đóng vai trò lớn. Bằng chứng là tháng 8-2008, Nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản cuốn “Chu Ân Lai và Hội nghị Giơ-ne-vơ” của tác giả Tiền Giang công bố rất nhiều tư liệu mới, trong đó tác giả đã trích đăng bức điện ngày 2-3-1954  của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Trung ương Đảng ta đề nghị: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai… Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc” (tư liệu này còn được trích dẫn trong cuốn “Cuộc đời Chu Ân Lai” do Nxb Nhân dân Trung Quốc xuất bản năm 1997).

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán, phía ta từng đưa ra các phương án về khu vực đình chiến và tập kết quân như giới tuyến tạm thời chạy theo vĩ tuyến 13 (khoảng tỉnh Phú Yên) hoặc vĩ tuyến 14 (khoảng Bình Định). Lúc đầu, Trung Quốc đưa ra vĩ tuyến 16 như trên đã nói (khoảng dưới Đà Nẵng) nhưng cuối cùng đã lấy vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm giới tuyến.

Qua những tư liệu trên có thể thấy ý tưởng vạch giới tuyến xuất phát từ đâu và thậm chí ngay từ đầu người ta đã quan niệm đó không phải là giới tuyến tạm thời mà là ranh giới chia cắt!

Có thể khác được không? Ta có mơ hồ, ảo tưởng không?

Mỗi sự kiện lịch sử đều diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, rất khó phán xét theo cách đặt nghi vấn “giá như”. Là hậu thế, không nắm được những thông tin chuẩn xác xem thực lực của ta tới đâu, còn bao nhiêu quân, vũ khí đạn dược ra sao do đó rất khó phán xét. Tuy nhiên, có thể hình dung hoàn cảnh lúc bấy giờ là: Mặc dù đã thắng lớn ở Điện Biên Phủ nhưng cũng chưa đủ sức tiến lên giải phóng ngay cả nước; Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn đầu tiên ta đánh tan một tập đoàn cứ điểm nhưng địch còn chiếm giữ hầu hết các thành phố lớn; để giải phóng được chắc phải có thời gian và điều kiện vật chất cần thiết không thể có ngay. Hơn nữa, các “ông bạn lớn” chủ trương hòa hoãn với phương Tây, nói nhẹ ra thì chắc gì viện trợ lớn, nhất là khí tài hạng nặng để ta có thể thực hiện việc này? Trong khi đó Mỹ lăm le nhảy vào Đông Dương và điều này không phải nói suông mà thực tế Mỹ đã làm như vậy ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Trong hoàn cảnh như vậy, ta không có nhiều dư địa để chọn lựa.

Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, trong nội bộ ta không phải không có tâm tư này nọ, chẳng thế mà Bác Hồ đã phải chấn chỉnh cả những biểu hiện của tư tưởng “tả khuynh” lẫn “hữu khuynh”. Người chỉ ra rằng, những phần tử tả khuynh thấy thắng, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, chỉ thấy cây, không thấy rừng, chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ muốn kéo dài chiến tranh, quốc tế hóa vấn đề Đông Dương, họ đề ra những khẩu hiệu quá cao, việc gì cũng muốn mau, không biết rằng đấu tranh cho hòa bình cũng gay go, phức tạp; còn những phần tử hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc, không tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, chỉ muốn cuộc sống dễ dàng.

Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trung ương Đảng ta đã ra Lời kêu gọi trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc… Toàn dân, toàn quân và toàn Đảng ta phải hết sức tỉnh táo đề phòng, luôn luôn nâng cao chí khí chiến đấu, ra sức khắc phục những tư tưởng chủ quan khinh địch, cầu an, thỏa hiệp, tự mãn, tự kiêu”.

Xem như vậy ta không mơ hồ, ảo tưởng, không rời bỏ các mục tiêu cơ bản, lâu dài mang tính chiến lược. Toàn bộ cuộc chiến đấu anh dũng trong 20 năm sau đó cho tới thắng lợi lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã chứng tỏ rõ điều đó.

Đối với Lào và Cam-pu-chia thì sao?

Sở dĩ phải làm rõ chuyện này vì Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về cuộc chiến tranh ở Đông Dương nói chung chứ không riêng về Việt Nam. Không những vậy, từ đó tới nay nhiều thế lực luôn xuyên tạc sự thật, đổ lỗi cho ta “bỏ rơi” các lực lượng kháng chiến Lào và Cam-pu-chia hòng chia rẽ ba nước.

Vậy sự thật thế nào? Bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ, ta đã mạnh mẽ đòi hỏi hai điều: Một là, phải mời đại diện các lực lượng kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia tham dự (thậm chí đại diện của họ là các ông Nu Hắc từ Lào và Keo Pha từ Cam-pu-chia đã có mặt tại Giơ-ne-vơ); hai là, phải xem xét cả ba vấn đề Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia trong một tổng thể. Bài diễn văn của đồng chí Phạm Văn Đồng tại phiên họp toàn thể đầu tiên dành trọn cho vấn đề Lào và Cam-pu-chia theo tinh thần trên chứ không phải về Việt Nam. Những đòi hỏi trên đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các phiên sau. Lúc đầu cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều ủng hộ chủ trương của ta, còn phương Tây đương nhiên bác bỏ thẳng thừng.

Tuy nhiên, theo cuốn sách “Chu Ân Lai và Hội nghị Giơ-ne-vơ” trích dẫn ở trên thì “tới trung tuần tháng 5, Chu Ân Lai đã xác định rõ không thể dùng kế hoạch cả gói để giải quyết vấn đề Đông Dương, cách tốt nhất là phân biệt đối xử” và ngày 27-5, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa xã công khai công bố lập trường chính thức của Trung Quốc là: “tình hình của 3 nước Đông Dương Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào hoàn toàn khác nhau… vì vậy biện pháp giải quyết cũng sẽ không giống nhau…”. Ông Chu Ân Lai đã ra sức thuyết phục đồng chí Phạm Văn Đồng theo hướng này. Và đặc biệt là chiều 20-6-1954, ông Chu Ân Lai đã tiếp đãi tại biệt thự của mình Ngoại trưởng chính quyền Phnôm Pênh rồi Ngoại trưởng chính quyền Viêng Chăn để trao đổi về giải pháp và mối bang giao giữa hai nước này với Trung Quốc.

Kết quả là theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân đội nước ngoài phải rút khỏi hai nước Lào và Cam-pu-chia, không được đưa vũ khí, nhân viên quân sự trở lại và không được lập căn cứ quân sự nước ngoài. Quân Pa-thét Lào tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa, Phông-sa-lỳ và phía Bắc Luông Phra-băng ở Thượng Lào chờ giải pháp chính trị theo phương án của Trung Quốc (Đoàn ta đề nghị tập kết về các tỉnh dọc theo biên giới Lào - Việt nhưng không được chấp thuận). Đối với Cam-pu-chia không có vùng tập kết mà quân kháng chiến phải hòa nhập vào quân đội Hoàng gia.

Những sự thật lịch sử nói trên cho thấy rõ vấn đề Lào và Cam-pu-chia được giải quyết thế nào, do đâu.

Đôi điều rút ra từ Hội nghị Giơ-ne-vơ

Đối với những sự kiện lịch sử có thể có cái nhìn khác nhau, điều đó là bình thường. Chân lý cuối cùng là gì nhiều khi phải mất nhiều năm và thông qua cả “núi” tư liệu mới làm rõ được. Điều quan trọng là cần thông qua sự tìm tòi công phu, thảo luận cởi mở, tiếp cận khách quan, xây dựng, theo quan điểm lịch sử để càng  tiến tới gần chân lý càng tốt và cố gắng thu hẹp và nếu có thể thì lấp đi những “khoảng trống” hoặc “hố đen” lịch sử. Nếu không như vậy thì làm thế nào để “dân ta phải biết sử ta” được? Điều quan trọng nữa là tìm hiểu lịch sử không chỉ để nhận chân sự thật trong quá khứ mà điều quan trọng hơn là rút ra những bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai. Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng không phải là ngoại lệ.

Với cách tiếp cận như vậy, phải chăng có thể nghĩ về đôi ba bài học sau:

Người ta thường nói trên bàn đàm phán chỉ có thể đạt được những gì đã giành được trên chiến trường. Có lẽ nên bổ sung thêm cụm từ “trên chính trường” bởi lẽ các thỏa thuận ngoại giao liên quan tới chiến tranh thường phản ánh tổng hòa các nhân tố quân sự, chính trị, kinh tế, thậm chí cả văn hóa, xã hội của các bên tham chiến và những chuyển động trên bàn cờ quốc tế. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đúng là như vậy và điều này đã lặp lại qua Hiệp định Pa-ri năm 1973 cũng như các Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào năm 1961 và  Hiệp định về Cam-pu-chia năm 1991.

Muốn hay không các nước lớn đóng vai trò rất quan trọng trong việc dàn xếp các cuộc xung đột mang tính quốc tế và nhiều khi họ sử dụng các vấn đề của thiên hạ để phục vụ cho những tính toán của riêng mình. Đối với Hội nghị Giơ-ne-vơ  năm 1954 và cả đối với các hội nghị quốc tế về Lào và Cam-pu-chia đều có nhân tố này. Nhận thức rõ điều này và rút kinh nghiệm Hội nghị Giơ-ne-vơ, ta đã kiên trì chủ trương độc lập, tự chủ theo tinh thần “việc của ta do ta giải quyết” trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành và kết thúc cuộc hòa đàm Pa-ri từ 1968 tới 1973.

Luôn phải đối phó với các thế lực hùng mạnh gấp bội về vật chất, ta đã phải giành thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận nhưng kiên định các mục tiêu lâu dài và cơ bản. Chủ trương “hòa để tiến” năm 1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri năm 1973 là những bước như vậy.

Cũng do phải đối mặt với tình trạng “sức mạnh vật chất không cân xứng”, ta luôn sử dụng sức mạnh tổng hợp. Đó là sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh tinh thần, nhất là lòng yêu nước cháy bỏng dưới ngọn cờ chính nghĩa, lòng quả cảm và tình đoàn kết keo sơn của cả dân tộc, trí thông minh và tinh thần sáng tạo của toàn quân, toàn dân. Đó là sức mạnh tổng hợp của các mặt trận đấu tranh khác nhau: Chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, dư luận… Đó là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại và sự đoàn kết quốc tế, kể cả các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý ngay ở những nước xâm hại nước ta.

Một bài học nữa mang tính quy luật rút ra qua Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự đoàn kết của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, một nhân tố sống còn bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ mỗi nước, điều mà các thế lực bên ngoài nhận thức rất rõ nên thường xuyên tìm cách phân ly, chia rẽ.

Kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 một cách thiết thực nhất là rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hôm nay và mai sau./.

VŨ KHOAN - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Theo www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: