Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Tên tuổi của những người hy sinh cho Tổ quốc đã đi vào những bài ca bất hủ.

Gm vang a1

 Mỗi lần ra thăm Côn Đảo, chúng tôi không quên đến thắp nén nhang trên mộ chị Võ Thị Sáu, người con gái của miền đất Đỏ đã hy sinh lúc mới 16 tuổi. Bên tai chúng tôi, giai điệu bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn như vọng về cùng gió biển: “Người thiếu nữ ấy như mùa Xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước. Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống”…

Cùng với Võ Thị Sáu, tên tuổi của những Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám, Kim Đồng… rồi Bế Văn Đàn, Ngô Mây, Cù Chính Lan… và Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình… đã đi vào những bài ca bất hủ.

Bài “Hồn tử sĩ” (Lưu Hữu Phước) là bài hát đầu tiên ghi nhận công ơn của tất cả những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hương hồn của họ như vẫn quyến luyến trong từng nốt nhạc tiếc thương:“Đêm khuya âm u ai khóc than trong gió ngàn… hồn ai đang thổn thức…”. Một khúc ca mang đậm chất mặc niệm chung cho những người hy sinh cao cả cho sự sống và quê hương mãi trường tồn.

Gm vang a2

Lý tưởng ấy cũng được thể hiện rõ trong các ca khúc quen thuộc như “Lời anh vọng mãi ngàn năm” (Vũ Thanh), “Những cánh chim Hồng Gấm” (Phạm Tuyên), “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương” (Nguyễn Đức Toàn), “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” (Bảo Chung)…

Cũng trong chuyến công tác đến Bà Rịa - Vũng Tàu để viết về hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, chúng tôi có dịp gặp người mang thẻ thương binh số 001 và sổ phụ cấp thương tật cũng mang số 001 được cấp ngày18/8/1958 do Bộ trưởng Bộ Thương binh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Tụng ký. Đó là ông Đỗ Văn Cầm quê ở Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Tây cũ.

Năm 1945, ông tham gia lực lượng vũ trang Hà Nội. Năm 1947, trong một trận đánh ở Đà Bắc, ông bị thương mất cánh tay phải, khi làm cán bộ tiểu đoàn Bộ đội Tây Tiến. Kể từ đó, ông viết bằng tay trái. Người thương binh ấy chính là Thượng tướng Hoàng Cầm, cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh và ông đang ngồi với chúng tôi xem chương trình “Hát về những người con trung hiếu”.

Gm vang a3

Ông ít nói về mình mà kể nhiều về đồng đội. Ông nói, nhờ có họ mà ông được như ngày nay. Chúng tôi cùng ông lặng nghe “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến).

Hình tượng “vết chân tròn trên cát” rất giàu sức thuyết phục. Người thương binh cụt chân trở về làng trở thành một thầy giáo. Anh phải chống nạng đi trên quãng đường xa đầy cát trắng để đến trường. Và chiếc nạng ấy đã để lại những vết tròn trên cát. Tác giả không nói đó là vết nạng mà nói “vết chân tròn”. Cuộc sống sau chiến tranh của người thầy giáo thương binh này hẳn vô cùng khó khăn, trở ngại, nhưng chất lãng mạn vốn có của người lính Cụ Hồ luôn chiến đấu bởi lý tưởng nhân văn cao cả đã khiến anh vượt lên tất cả để luôn vui tươi hòa nhập với cuộc sống hồn nhiên của các em học sinh.

Nhạc sĩ đã khai thác việc dạy hát của thầy giáo cho học trò thay vì nói đến dạy chữ. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc biểu hiện đời sống tâm hồn với những tâm tư sâu kín nhất của đối tượng đề cập: “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời, bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm… ” vừa lãng mạn lại vừa hiện thực biết bao khi “Cho hôm nay những vết chân son vui quanh dấu chân tròn” và “Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la”. Bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến độc đáo và cảm động đã chiếm được cảm tình của đông đảo anh em thương binh.

Gm vang a4

Bài hát “Ngày trở về” của nhạc sĩ Nguyễn Đình San lại khai thác khía cạnh khác: Sự đón nhận nâng niu của quê hương và những người thân khi người lính trở về sau cuộc chiến với vô vàn vết thương trên thân mình. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San viết rằng “ngày trở về sau chiến tranh, anh để lại chiến trường đôi mắt”. Mặc dù “một màn đêm đang vây quanh, nhưng trong anh đã bừng lên ánh sáng”. Bởi lẽ khi anh trở về đã nhận được sự chờ đón ân tình của những người thân yêu nhất. Đây là lời người vợ hiền của anh: “Về cùng em chung mái nhà xinh, bốn mùa xum xuê hoa trái thơm lành. Đường làng quê nâng bước chân anh, có tiếng chim líu lo trên cành…”.

Còn rất nhiều những bài hát khác nói về các thương bệnh binh, những người giàu nghị lực “tàn nhưng không phế”. Họ là những tấm gương cho các thế hệ sau noi theo. Những “Anh thương binh trên đồng lúa” (Lê Lôi), “Người thầy giáo thương binh” (Phạm Tuyên) rồi “Những người con trung hiếu” (Bửu Huyền)… đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng hôm nay và những ngày này.

Dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nói về những người đã hy sinh hay còn sống trở về với những vết thương trên cơ thể, những bài hát về đề tài này trong kho tàng “Bài ca đi cùng năm tháng” đều có chung âm hưởng bi hùng lạc quan. Dù các nhạc sĩ tìm đến điệu thứ để tạo nên sự sâu lắng hay điệu trưởng để tạo vẻ sáng sủa, tất cả các bài hát viết về anh hùng liệt sĩ, thương binh đều có ngôn ngữ âm nhạc được xây dựng trên những chất liệu dân tộc mang đậm màu sắc Việt Nam.

Một điều cũng cần được ghi nhận về ca từ, những bài hát hay nhất đều đạt được sự dung dị mà gây nhiều xúc động cho người nghe. Hát về những người con trung hiếu của dân tộc chắc chắn chúng ta sẽ còn được thưởng thức nhiều tác phẩm mới theo phong cách mới mà các nhạc sĩ trẻ hiện nay đang tìm tòi và sáng tạo. Bởi đây là mạch nguồn cảm hứng vô tận trong tâm hồn mỗi văn nghệ sĩ./.

Nhạc sĩ Dân Huyền
Theo baicadicungnamthang
Kim Yến (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: