Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, người thầy của cách mạng Việt Nam, đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, đã xây dựng cơ sở lý luận và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng thành công. Đóng góp của người cho cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966. Ảnh tư liệu.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam đang trong tình trạng bế tắc về đường lối, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu dân, cứu nước và trở thành người Cộng sản. Sau gần 10 năm lưu lạc tìm tòi, đặt chân lên nhiều châu lục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại. Người đã dành cả cuộc đời của mình để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
1. Người xây dựng cơ sở lý luận cho cách mạng Việt Nam
Hồ Chí Minh thấu hiểu cảnh sống nô lệ, lầm than của người dân Việt Nam dưới chế độ thực dân, phong kiến. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định của sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người, theo Hồ Chí Minh là xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên là đất nước phải giành được độc lập. Đó là ước nguyện, là ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh và là ước nguyện của nhân dân Việt Nam. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1)
Khi ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Véc-Xây (18-6-1919) bản yêu sách của nhân dân An-Nam đòi quyền bình đẳng cho dân tộc mình. Bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra bài học: phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm cách mạng; muốn giải phóng dân tộc trước tiên phải từ chính mình. Năm 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Người đã tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. “Từ một người yêu nước tiến bộ, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(2). Điều này phù hợp với mục tiêu của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc, và muốn có hoà bình thì phải có độc lập thật sự. Ý tưởng cốt lõi đó đã được Người nói với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô vào giữa năm 1922, là mong muốn của mình và của nhân dân Việt Nam rằng: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Đây là tiền đề lý luận quan trọng, là cơ sở hình thành con đường cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai phá.
Hồ Chí Minh coi độc lập dân tộc không tách rời quyền con người và là điều kiện tiên quyết để mang lại hạnh phúc cho mọi người, là điều kiện để dân tộc Việt Nam được quyền sống bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới. Từ đó, Người khẳng định: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Đó là con đường cách mạng dân chủ do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng XHCN. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vì vậy, vần đề dân tộc đã được Hồ Chí Minh quan tâm nhất là vấn đề dân tộc thuộc địa. Khi các nước đế quốc đi xâm chiếm thuộc địa để mở rộng thị trường, chúng thực hiện áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế, nô dịch về văn hoá thì vấn đề dân tộc trở thành vấn đề dân tộc thuộc địa. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với vấn đề thuộc địa là sáng tạo có tính đột phá để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Vấn đề dân tộc thuộc địa thực chất là vấn đề đấu tranh nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xoá bỏ ách áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước độc lập. Muốn vậy, cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc như đôi cánh của một con chim. Cách mạng phải có sự phối hợp ở cả chính quốc và thuộc địa. Sự mô tả giản đơn đó đã hàm chứa tư tưởng của cách mạng là chống chủ nghĩa thực dân và phối hợp các phong trào cách mạng vì mục tiêu giải phóng ở các nước thuộc địa. Đó là lập trường cách mạng triệt để và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến, trước hết phải tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi quân xâm lược, đánh đổ bọn tay sai, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hoà bình và thống nhất đất nước.
Giải quyết vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt Nam nếu chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân thì sự nghiệp cách mạng đó mới chỉ thực hiện được một phần. Bởi có độc lập, có tự do mà nhân dân vẫn đói khổ, thì nền độc lập tự do ấy cũng vô nghĩa. Giá trị đích thực của độc lập dân tộc phải được thể hiện bằng quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân, mà theo Người, là đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Trên cơ sở những quan điểm cơ bản của Mác-Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc với giai cấp, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm mới và sáng tạo, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo Người, ở các nước thuộc địa “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Người phân tích, do kinh tế còn lạc hậu, chưa phát triển nên sự phân hoá giai cấp ở nước ta và nhiều nước thuộc địa khác chưa triệt để, mâu thuẫn chưa đến mức đối kháng quyết liệt. Ở những nước thuộc địa như nước ta, mâu thuẫn giữa dân tộc với chủ nghĩa đế quốc quyết liệt hơn mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với địa chủ, giữa công nhân với tư sản. Do đó, trong bối cảnh này không thể giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết vấn đề dân tộc như ở các nước tư bản phương Tây được, mà chỉ có thể giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, quyền lợi dân tộc, đất nước phải đặt lên trên quyền lợi giai cấp. Xuất phát từ luận điểm trên, Hồ Chí Minh từng kiến nghị Cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản theo hướng phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản, khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng, nhất định nó sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Người đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, coi đó là một động lực lớn mà những người cộng sản phải nắm lấy và phát huy, không để ngọn cờ dân tộc rơi vào tay giai cấp nào khác, phải nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường của giai cấp vô sản, kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa quốc tế.
Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, là phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngay từ khi tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Hồ Chí Minh đã hình thành đường lối cứu nước: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, gắn bó thống nhất giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH.
Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải do Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc lãnh đạo. Đảng đó phải xây dựng được một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, đoàn kết lực lượng toàn dân. Đảng đó phải biết tập hợp các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân. Song, trong điều kiện Việt Nam, Hồ Chí Minh giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, vì không giải phóng được dân tộc thì quyền lợi giai cấp cũng không có ý nghĩa. Giải quyết quyền lợi giai cấp thì cả dân tộc đều ấm no, hạnh phúc, vì CNXH nhằm làm cho nhân dân lao động có công ăn việc làm, ấm no và hạnh phúc.
2. Người tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
Lý luận của Hồ Chí Minh ngày càng sáng tạo là nhờ xuất phát từ thực tiễn, được làm phong phú bởi thực tiễn và kiểm chứng bởi thực tiễn. Chính thực tiễn đấu tranh giành độc lập đã làm phong phú thêm lý luận của Người về cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc.
Người đã động viên toàn dân thực hiện quyết tâm “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc”. Khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa buộc ta cầm súng thì Người phát động chiến tranh nhân dân đúng lúc, đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người xác định kháng chiến trường kỳ gian khổ, phức tạp, khó khăn, nhưng nhất định thắng lợi.
Người chỉ rõ: chỉ có cuộc cách mạng do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo mới thực hiện được sự thống nhất giữa giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ngay trong “Chánh cương, Sách lược vắn tắt” được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1930, Hồ Chí Minh đã xác định: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng (tức dân tộc - dân chủ) tiến tới xã hội cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó thống nhất giữa độc lập dân tộc và CNXH vừa phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản, vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vừa mang tính khoa học đúng đắn, vừa có tính chất cách mạng, mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh, lịch sử của Việt Nam là cơ sở để có những kiến tạo về tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự cống hiến đặc sắc của Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin và kho tàng lý luận cách mạng thế giới.
Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt vượt qua. Để làm được điều đó chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH, đưa sự nghiệp đổi mới vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới trong giai đọan cách mạng hiện nay./.
Thiếu tá, TS. Lê Quý Thi
PCN Chính trị Lữ đoàn TTG 26/QK7
TS Nguyễn Thị Chinh
Học viện Ngân hàng
Thu Hiền (st)
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.161.
(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.241.