Thứ bảy, 21/12/2024

Họa sĩ Diệp Minh Châu là họa sĩ, nhà điêu khắc có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam. Sinh thời, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ. Cho tới khi mất ông đã vẽ và nặn hàng trăm tác phẩm trinh tượng về Bác, trong đó được biết đến rộng rãi nhất có lẽ là bức tranh “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc”.

Họa sĩ Diệp Minh Châu sinh năm 1919 tại làng Chiếu, xã Nhơn Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân. Ngay từ nhỏ, ông đã ham mê vẽ, nổi tiếng vẽ giỏi và được các bạn gọi là Châu "vẽ".

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông làm Trưởng ban trừ gian huyện Châu Thành, Bến Tre. Cuối năm 1946, ông chuyển về Liên khu 8, trở thành phóng viên. Ông đi theo Vệ quốc đoàn tới nhiều nơi như Gò Công, Mỹ Tho, vùng Đồng Tháp Mười… ghi lại nhiều bức tranh về cảnh lao động, sản xuất, chiến đấu... Trong thời gian này, ông đã nổi tiếng với bức tranh Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong (1947), vẽ tại Vàm Nước Trong (Mỏ Cày), bằng máu của người chiến sĩ hy sinh, đặc biệt là bức tranh “Bác Hồ với ba thiếu nhi Trung Nam Bắc” vẽ trên nền lụa bằng chính máu của mình, vào dịp kỷ niệm 2 năm Ngày Quốc khánh tại Nam Bộ 2/9/1947.

an tuong voi buc huyet hoa 1
Họa sĩ Diệp Minh Châu (1919-2002)

Ngày hôm đó, tại hội chợ mừng Lễ Độc lập tổ chức ở xã Thiện Hộ, chiến khu Đồng Tháp Mười, sau khi được nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác, nghe tốp ca thiếu nhi hát bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của Lưu Hữu Phước, giữa mênh mang sóng nước chiến khu, trong tâm hồn chàng họa sĩ trẻ trào dâng một cảm xúc mãnh liệt. Quá xúc động, người họa sĩ đã có một hành động bột phát: Lấy dao rạch cánh tay để lấy máu vẽ chân dung Bác với ba em bé đại diện cho thiếu nhi 3 miền Bắc - Trung - Nam.

an tuong voi buc huyet hoa 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu
do đồng chí Trần Văn Trà mang từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1949.

Bức huyết họa đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác Hồ kèm bức thư của tác giả trẻ "Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh" bày tỏ lòng kính yêu với Người,  khát vọng hoà bình và giải phóng dân tộc. Bức thư ông viết:

 “ Kính gửi Cha già: Hồ Chí Minh

Kính Cha!  

Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu Tám, Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con.

Hôm nay trong cảnh vĩ đại của Ngày lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và Lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu nhi Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em bé Bắc Trung Nam đang chụm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch đã chiếm lấy được ở trận Giồng Dứa hồi tháng Tư năm nay... Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu của con đâu. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi... Kính chào Cha. 

Khu 8,  2/9/1947

Con

Diệp Minh Châu”

Phía góc trái dưới bức tranh có dòng chữ ghi bằng chì đỏ: “Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên.”

an tuong voi buc huyet hoa 3
Bức tranh “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc” hiện đang trưng bày
tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Về bức huyết họa của họa sĩ Diệp Minh Châu, nhiều người đã có dịp chiêm ngưỡng, chủ yếu là qua hình chụp trên sách báo. Hiện nay, bức tranh đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phần trưng bày lịch sử cận hiện đại, cơ sở 216 Trần Quang Khải. Đây là một tác phẩm tranh lụa, lại được vẽ bằng máu nên cùng với thời gian, nó không còn giữ được màu như lúc vẽ, tuy nhiên, tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo công chúng tham quan với thái độ trân trọng và cảm phục. Bức tranh là sự minh chứng về tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác Hồ, niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất đất nước./.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: