Bà Nguyễn Thị Nguyệt
Không chỉ là một “pho sách sống” với hàng trăm câu chuyện, tư liệu quý về Bác Hồ, người cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt, 78 tuổi (trong ảnh) còn tìm cách vận dụng lời Bác dạy vào công việc cụ thể, hằng ngày. Bà còn là người đi đầu phong trào người người làm theo lời Bác tại phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Trong căn nhà số 69/12C Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang (quận 1, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi hết sức thán phục khi tận mắt chứng kiến khu vực dành riêng cho việc lưu trữ hình ảnh, sách liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Ảnh Bác được thờ ở vị trí trang trọng nhất trong phòng, tiếp đến là hàng chục kệ sách, tủ sách đầy ắp các tập sách. Tất cả được đóng thành tập, được bà viết nắn nót theo từng chuyên đề như: Bác với tuổi mầm non, Bác với quê hương, Bác với phụ nữ, Bác với bộ đội... Với chủ đề nào, bà Nguyệt cũng kể rành rẽ từng sự kiện có liên quan không thua các hướng dẫn viên chuyên nghiệp ở bảo tàng. Chuyện về Bác Hồ được bà kể có sức hấp dẫn, luôn cuốn hút người nghe.
Bà Nguyệt nhớ lại: “Năm 1959, Bác Hồ đến thăm Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Là thành viên của Đội Sao Đỏ cho nên tôi vinh dự được ra cổng đón Bác cùng với nhiều cán bộ, thầy, cô trong trường. Hình ảnh Bác giản dị, gần gũi, đầy tình yêu thương với học sinh đã để lại trong tôi niềm xúc động, kính yêu vô hạn. Sau đó, tôi được cử sang Liên Xô (trước đây) học ngành Sư phạm thể chất rồi về nước công tác ở Tổng cục Thể dục - Thể thao. Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tôi chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi có ý định sưu tầm tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và lời dạy của Bác để làm nền tảng cho sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân. Ban đầu, tôi làm việc này như một kỷ niệm dành cho con cháu. Đến khoảng năm 1990, tôi mới bắt đầu việc sưu tầm một cách có hệ thống và khoa học”.
Để theo đuổi niềm đam mê ấy, bà Nguyệt tìm đến tất cả các nhà sách, những tiệm sách cũ để tìm tư liệu, sách vở, hình ảnh về Bác Hồ. Mỗi lần tìm được cuốn sách có hình ảnh, câu chuyện về Bác, bà mừng lắm. Bà dành dụm, chắt chiu từng đồng tiền lương ít ỏi của mình để mua về, rồi sàng lọc, sắp xếp theo từng mốc thời gian... Những tư liệu, hình ảnh về Bác được bà sắp xếp lại, ép nhựa và đóng thành từng tập với từng chủ đề, thời kỳ rõ ràng. Khi cần tài liệu nào, bà chỉ mở bảng mục lục ra tra cứu. Cứ thế, “thư viện” của bà Nguyệt ngày càng hoàn thiện; đến nay, bà đã sở hữu hơn 400 cuốn sách, hơn 2.100 tấm ảnh về Bác Hồ.
Không chỉ là một trong những người có nhiều tư liệu về Bác Hồ, bà Nguyệt còn là người đã khéo vận dụng những lời dạy của Bác Hồ vào công việc hằng ngày. Khi còn là Bí thư Chi bộ phường Cô Giang, bà luôn đau đáu phải làm sao để khu dân cư luôn đoàn kết, sạch bóng tệ nạn, trẻ em được đến trường, ai cũng có việc làm, gia đình nào cũng được hạnh phúc... Nỗi trăn trở ấy thôi thúc bà thực hiện đề tài nghiên cứu phương pháp điều hành về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” trong suốt mười năm. Quyển đề cương dày gần 200 trang, được phân chia làm bảy tiêu chí với những mục tiêu, hướng dẫn cụ thể, đi kèm với đó là những hình ảnh mà bà đã áp dụng có hiệu quả tại khu phố của mình làm minh chứng. Bà tâm sự: “Nói thì dễ, làm mới khó. Tất cả là dân vận. Nhưng làm dân vận thời bình còn khó hơn thời chiến. Bác Hồ là bậc thầy về dân vận và tôi đã học theo Người”.
Tùy theo đối tượng mà bà có cách vận động khác nhau. Dân cư ở phường Cô Giang khoảng 3.600 người, phần lớn kiếm sống bằng các nghề lao động tay chân, sở thích của họ là xem phim. Thế là bà cũng “tập tành”... xem phim. Rồi tìm những lúc người dân rảnh rỗi, bà lân la trò chuyện về nhân vật trong phim, dần dần “lái” họ đến chuyện học được gì từ những nhân vật...
Để xây dựng khu dân cư không tệ nạn, bà Nguyệt cũng có cách riêng. Biết trong xóm có thanh niên vừa cải tạo về, bà sang thăm hỏi rồi gợi ý giới thiệu việc làm. Bà cho anh ấy mượn xe máy làm phương tiện, giới thiệu khách hàng để anh chạy xe ôm. Đổi lại, anh ta có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nguồn tin về tệ nạn cho bà. Không ít trường hợp mua bán ma túy, trộm cắp... bị triệt phá khi vừa nhen nhóm. Bà bảo: “Không ai là hoàn toàn xấu. Một con người dưới đáy xã hội nhưng được chúng ta mở đường, tạo cơ hội để làm người lương thiện thì họ sẽ trở nên hữu ích. Đây cũng là điều tôi học được từ Bác và vận dụng linh hoạt vào thực tế mà thôi”.
Qua 10 năm làm Bí thư Chi bộ, bà đã cùng mọi người vận động xây dựng 15 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; lập quỹ khuyến học bằng cách tặng học bổng, sách vở, dụng cụ học tập cho con em các gia đình khó khăn. Bà cũng trực tiếp hướng dẫn phụ nữ nghèo cách nuôi con sao cho đủ dinh dưỡng, theo dõi, hướng dẫn các trẻ em bị còi xương nâng cao thể chất bằng các phương pháp luyện tập; tổ chức các buổi nói chuyện với các chuyên đề lịch sử, văn hóa cho thanh niên trong khu phố. Mỗi tháng, bà đều tổ chức đoàn đi thăm con em trong phường đang cai nghiện ma túy ở Bình Dương, Bình Phước, Đác Nông… Bà còn là nhà hòa giải của những gia đình bất hòa, con cái hư hỏng… Bằng những việc nhỏ và thầm lặng ấy, bà Nguyệt đã góp phần đưa khu phố 4, phường Cô Giang trở thành một trong những khu phố đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được công nhận danh hiệu Khu phố văn hóa, chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh và đã giữ vững danh hiệu ấy nhiều năm liền.
Tuy tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà Nguyệt vẫn dành thời gian đọc sách, nghe thời sự. Bà chia sẻ: “Sinh thời, Bác Hồ rất yêu trẻ con và luôn coi trọng nền tảng gia đình. Học Bác, tôi thường đem những mẩu chuyện về Bác đến trường mầm non của phường kể cho các cháu nghe, giải đáp những thắc mắc của các cháu về Bác Hồ... Tôi còn thành lập các câu lạc như “Ông bà cháu”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”... với mong muốn nhà nào cũng hạnh phúc, trẻ em nào cũng được sống trong môi trường giáo dục và đầy tình yêu thương của gia đình...”./.
LÊ UYÊN PHƯƠNG
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)