Thứ bảy, 21/12/2024

CT HCM tu Pac Bo Phan2 a1
“Nắm đất quê hương'' - Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành.

Những ngày đầu Tháng 2 năm 1941

Những ngày đầu về nước Người ở hang Cốc Pó, thuộc làng Pác Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng với bí danh Già Thu. Phía dưới cửa hang là con suối nước trong và một ngọn núi hùng vĩ, được Người đặt tên là “Suối Lênin” và “Núi Các Mác”. Tại đây, ngày Tết quần chúng trong vùng đến chúc Tết rất đông. Người vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ. Các chị phụ nữ mỗi người một cái làn đựng thẻ hương và quà bánh, kéo từng đoàn đến lễ Tết. Mỗi người đều được Người tặng một phong bao giấy đỏ, trong đó có một xu. Người giải thích: “Một xu này là của đoàn thể cho. Nó là xu nguyệt phí của các đồng chí, xu mua báo của các đồng chí. Các đồng chí cầm đồng xu, quý đồng xu không phải vì nó là tiền, mà là để nhớ đoàn thể, có trách nhiệm với đoàn thể”

Thời gian này đồng bào thường giúp đỡ lương thực, gạo ngô (bắp bẹ xay nhỏ) và muối cho các cán bộ. Những lúc gần hết gạo Bác đề nghị nấu cháo bẹ thay bữa, còn rau xanh chủ yếu là măng rừng, có hôm câu được con cá hoặc hái được rau rớn (giống như dương xỉ mọc ven suối) thì nấu canh chua đổi món. Trong một bữa ăn, khi anh em đang gọi đùa cháo ngô là bánh đúc, Bác đã sáng tác bài thơ Tức cảnh Pác Bó rất lạc quan:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Và bài Pác Bó hùng vĩ

“Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác.

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

CT HCM tu Pac Bo Phan2 a2
''Bác Hồ làm việc tại Pác Bó'' - Tranh Sơn dầu của Trịnh Phòng.

Dùng tảng đá bên bờ suối Lênin làm bàn viết, Nguyễn Ái Quốc dịch tiếp (đã dịch một phần khi ở Trung Quốc) cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Nga (tóm tắt) ra tiếng Việt, để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Bản dịch nhấn mạnh những nội dung chủ yếu sau:

- Trước Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, nhân dân Nga bị bọn địa chủ, tư sản bóc lột. Các dân tộc trong đế quốc Nga không bình đẳng; phụ nữ bị khinh rẻ, nông dân không có ruộng đất, nhà máy trong tay bọn tư sản.

- Đảng Cộng sản Nga là đảng kiểu mới, do V.I. Lênin sáng lập. Đảng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

- Cách mạng Tháng Mười do Đảng Cộng sản Nga lãnh đạo thành công đã lật đổ ách thống trị của Nga hoàng và chính quyền tư sản, giải phóng nhân dân khỏi mọi ách áp bức bóc lột, đem lại cho họ cuộc sống tự do, bình đẳng.

 Hồi ký Bác Hồ về nước – Đồng chí Lê Quảng Ba kể

“… Bác ở Hang Cốc Bó trên mười ngày. Một đêm nồm đá chảy mồ hôi, nước nhỏ giọt thấm qua chăn. Bác bị mất ngủ chúng tôi rất khổ tâm. Nhưng Bác không hề lộ một chút nào mệt mỏi. Hôm sau chúng tôi cắt gianh lấy cọng dài, khi nồm đặt cọng gianh và cây con lên che.

Ông Máy Lì và một người cùng họ gốc ở Pò Vẩn đi liên lạc cho đoàn thể. Dọc đường bị tổng đoàn nghi, thu mất thẻ. Hai người trốn thoát nhưng thẻ ghi trú quán ở cóm Cốc Bó.

Tên châu đoàn Hoàng dẫn dõng đến truy lùng người chạy trốn.

Chúng tôi giấu đồ đạc, xóa các dấu vết đi rồi lánh tạm vào rừng. Chị dâu cả đồng chí Đại Lâm rất tinh ý, chị đeo túi giả đi lấy rau lợn để xem xét tình hình ở bờ suối, nhưng vẫn còn nhìn thấy bếp còn dấu, bát đĩa, nồi đã chìm xuống nhưng vẫn còn nhìn thấy, chị liền che kỹ lại và rắc lá lên bếp. Khi tên châu đoàn đã đi khỏi chị ra gặp chúng tôi nói nhẹ nhàng: “Các anh giấu không tốt đâu”…

Bác cảm động nói với chúng tôi: “Nếu dân ta mọi người như chị Cả này thì kẻ địch không làm gì nổi chúng ta”.

Mặc dù thằng châu đoàn lùng sục không bắt được ai và cũng không biết chúng tôi ở đó nhưng chúng tôi vẫn thận trọng tạm dời cơ quan lên Lũng Lạn ở cách hang Cốc Bó độ vài ba trăm thước. Đây chỉ là một mảng đá trống trải mưa gió, sương muối dều có thể hắt tới. Không ván, không chiếu chỉ có lá cây rừng rải xuống đất để ngủ. Sau những đêm vật lộn mưa gió và sương lạnh, bọn thanh niên chúng tôi đã đau xương, mỏi lưng, ê ẩm khắp người. Bác vẫn không hề hé răng phàn nàn nửa lời, nhưng chắc người đã phải chịu đựng vất vả hơn chúng tôi nhiều. Ở Lũng Lạn được 6 ngày, chúng tôi chuyển sang Khuổi Nậm đi xuống một đoạn, rồi vòng sang phải quanh một khu rừng rậm. Đây là nơi ở tương đối lâu dài và “sang” nhất của Bác trong thời kỳ ở Pác Bó. Lán dựng ngay trên lòng con suối đang mùa khô. Lúc mới tới, lán ở phía ngoài gần bìa rừng, sau chúng tôi chuyển lán sâu vào trong để việc bảo vệ Bác được chắc chắn hơn. Lán dựa vào một cây “mạ” làm cột cái. Lúc này các cây mạ đang trổ hoa vàng thẫm. Mái lán lợp bằng gianh do anh chị em thanh niên địa phương giúp. Nhân dân còn cho mượn một số ván kê sàn ngủ. Vách lán, chiếu nằm đều đan bằng lá đào rừng, lá dài một mặt trắng, một mặt xanh.

Bác sống rất giản dị nhưng rất có nền nếp.

Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Ở Khuổi Nậm không có đất, Bác cũng tạo một mặt phẳng đứng tập. Bác đẽo lấy bốn cái chày, hai cái vừa, hai cái to và nặng để thay tạ tập hàng ngày. Sáng sớm Bác vẫn thường tập leo núi. Bác chọn những quả núi quanh vùng cao nhất để leo lên với đôi bàn chân không. Khi thì một hai đồng chí đi theo Bác, khi thì Bác tập một mình. Một lần Bác bị lạc, chúng tôi lo lắng phân nhau đi tìm, mãi trưa Bác mới về đến nhà.

CT HCM tu Pac Bo Phan2 a3
Lán Khuổi Nậm được phục dựng tại vị trí của lán xưa (Ảnh_Internet)

Leo núi với Bác không chỉ có mục đích tập luyện mà còn là dịp để tìm hiểu địa hình nhằm ứng phó linh hoạt nhất khi quân thù bất ngờ ập đến. Có đồng chí nhắc Bác: Leo núi Bác đi giày vào cho khỏi đau chân. Bác đáp: Tôi tập leo núi chân không cho quen. Sau giờ tập Bác tắm với nước lạnh để chịu đựng với giá rét. Để luyện bàn tay đánh máy, Bác chọn hai hòn đá tròn như trứng gà khi nghỉ đánh máy Bác bóp tay vào đá.

Sống ngay cạnh Bác ai tinh ý lắm mới biết được Bác mệt. Người có một nghị lực khác thường, mỗi khi mỏi mệt là Bác đứng dậy đi đi, lại lại hoặc làm một việc gì đó, trừ trường hợp không đi lại được nữa Người mới chịu nằm nghỉ. Có lần Bác bị sốt rét, người gầy đi nhiều, nhưng Bác cũng không chịu nghỉ. Mỗi khi lên cơn sốt Bác lại leo núi cho mồ hôi vã ra như tắm, lau chùi thân thể sạch sẽ xong, Bác tiếp tục làm việc.

Thời gian ở Pác Bó lúc nào Bác cũng mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đi giày vải chẳng khác gì một ông cụ người địa phương.

Bác rất chú ý tiết kiệm. Bác dặn kỹ đồng chí Lộc quản lý và tất cả chúng tôi là ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi. Đồng chí nào mang quà về hoặc có quà quần chúng gửi cho, phải dành đến bữa tối mới được ăn; nếu có nhiều thì đồng chí phải tính giảm bớt gạo.

Bác làm việc có kế hoạch, ăn đúng giờ. Cũng như chúng tôi Bác không ăn sáng, ngày chỉ có hai bữa vào lúc chín rưỡi, mười giờ và bốn rưỡi, năm giờ chiều. Bác ăn chung với chúng tôi, thức ăn chỉ có rau măng và một chút thịt muối băm (một cân thịt rang khô với nửa cân muối và vài lạng ớt chỉ thiên để ăn dần).

Để cải thiện sinh hoạt Bác cùng chúng tôi trồng một vườn rau cải ở Khuổi Nậm, nuôi một đàn gà. Tùy mùa, chúng tôi đi hái măng vầu, rau dớn, rau dại hiến tức là rau bồ khai, rau sắng tức ngót rừng. Ở gần giếng làng Pác Bó có rau cải xoong, dân không thích ăn, chúng tôi nhặt về bứt rễ, rửa sạch ở suối Lênin (về sau giống rau này sinh sôi, nảy nở ngay trong lòng suối). Ở các nương ngô nhân dân gieo bí đỏ, cách vài thước một khóm, đồng bào cho chúng tôi tự do tỉa lấy hoa đực và các ngọn con. Đồng chí Lộc đan thúng xúc để chúng tôi đi kiếm cá, tép.

Các hội viên cứu quốc bắt đầu góp ít gạo ngô cho hũ gạo Việt Minh: Dần dần cơ quan chúng tôi không phải đong gạo nữa.

Lúc này đoàn thể chủ trương đẩy mạnh công tác binh vận. Bác dặn cần đặc biệt chú ý tuyên truyền, giác ngộ các gia đình binh lính. Qua những nhân mối cách mạng trong số vợ lính, ta hiểu rõ được tình hình địch trong đồn, theo sát được các hoạt động của chúng. Bác kiểm tra rất kỹ việc chuẩn bị chống địch khủng bố. Cơ quan chúng tôi tuy nhỏ nhưng có những thứ đáng kể như: Máy đánh chữ, đá in và tài liệu sách báo bí mật. Thứ nào, thứ đấy đều được sắp đặt gọn gàng ngăn nắp. Khi có tin báo địch đến gần, Bác điềm nhiên cùng chúng tôi đi ngay đến địa điểm dự phòng.

Một tối có tin Tây sẽ vào Pác Bó ngày mai. Bác cùng chúng tôi bàn định kế hoạch canh gác và kế hoạch lánh vào rừng. Từng người được phân công đâu đấy Bác cho đi ngủ. Anh em nằm được một giấc Bác gọi dậy cười bảo: “Suýt nữa quên mất chuyện này, vườn rau cải ta trồng thành luống nhưng đồng bào ở đây có đánh luống rau bao giờ đâu?”

Tuy tiếc vườn rau đang xanh tốt, đang đêm Bác và chúng tôi cũng phải ra phá vườn rau đi. Chúng tôi phá cả chuồng gà, sớm dậy xua gà lên rừng. Sáng ra đã có tin Tây đang tiến vào Pác Bó. Bác và chúng tôi ung dung qua phía sau núi vượt sang bên kia đồi. Khi Tây đến Cốc Bó chúng tôi mới lo: Con gà trống chúng tôi đã xua vào rừng lúc ấy cất cao cổ gáy o o trong khu rừng Khuổi Nậm. May mà địch không nghe thấy!

Bác thường dạy chúng tôi: Đối phó với kẻ địch người cán bộ cách mạng phải nghiêm khắc giữ kỷ luật bí mật. Bác gương mẫu thực hiện điều kỷ luật này. Qua các vạch đường vào cơ quan bao giờ Bác cũng xóa bỏ ngay mọi dấu vết, không để lại một dấu chân hoặc một cành nhỏ bị bẻ queo, giập gẫy nào. Mấy lần qua ngã tư Đôn Chương từ Hòa an, Đào Ngạn trở lên Nà Mạ, Bác mặc áo dài như kiểu các ông già Tày. Bác ở Pác Bó hơn 1 năm, trừ anh em chúng tôi ra còn không ai biết rõ về Bác. Họ chỉ biết đó là một cán bộ cách mạng tên là Sáu Sán(1), có thế thôi. Ông Sáu Sán có vầng trán cao, cặp mắt sáng, râu dài, rất hiền từ và trung hậu, được nhân dân các dân tộc kính yêu.

Ban đêm, quanh khu vực Bác ở có nhân dân bảo vệ, có tự vệ tuần tra, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức thay nhau gác. Lúc đầu chúng tôi không để Bác gác vì Bác còn bận bao việc lớn mà Bác đã cao tuổi rồi nhưng Bác không nghe. Người bắt chúng tôi phải làm lịch gác hẳn hoi, cứ theo lịch lần lượt thay nhau gác. Có lần Bác không được khỏe, chúng tôi bàn nhau không để Bác gác nữa, dặn trước khi thay phiên giữ thật im lặng, chỉ bấm nhau thôi, đến lượt Bác thì lờ đi không gọi. Nhưng cách đó không đạt kết quả; chúng tôi ra gác một lúc giơ tay đập muỗi đã chạm phải Bác ở sau lưng, có lần vừa ra tới vọng gác đã thấy Bác ngồi ở đó rồi.

Người nhìn xa trông rộng, các việc Người làm đều có suy tính, kế hoạch trước, nên tuy bận bịu rất nhiều, Người vẫn ung dung. Về Pác Bó được ít ngày, Bác đã hoàn thành một chương trình có ý nghĩa lịch sử trọng đại; chuẩn bị họp Hội nghị Trung ương lần thứ Tám. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm về công tác tổ chức thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng. Trung ương sẽ quyết định chính thức thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc và chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Bốn mươi ba cán bộ Cao Bằng đã qua lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên được Bác rất quý.

Cán bộ hoạt động ở cơ sở về chỗ Bác thường đi đến gần sáng mới tới nơi. Bác cho ngủ một mặt tới bữa ăn cơm. Các buổi trưa Bác không ngủ, Bác nghe anh em báo cáo và dặn dò chỉ bảo cho từng người. Bác hỏi nhiều về công tác huấn luyện Việt Minh ở cơ sở.

Bốn mươi ba đồng chí trở về làm hạt nhân tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Điều lệ Việt Minh và tổ chức đông đảo quần chúng tốt vào hội.

Bác rất chú ý trình độ tiếp thu và hiểu biết của mọi người. Khi viết xong một tài liệu Bác thường đưa cho người ít chữ xem trước. Chữ nào các đồng chí đó không rõ là Bác chữa lại ngay; chữa xong Bác lại hỏi: “Nói như vậy đồng chí đã hiểu chưa?”. Nếu chưa thì Bác lại sửa cho đến khi đồng chí hiểu được thì mới thôi.

Do đó các đồng chí rất ham đọc sách báo và các bài đọc mà Bác viết.

Người viết thành thơ 10 điều Việt Minh(2) và nhiều bài thơ khác nhau kêu gọi các tầng lớp nhân dân để ai nấy dễ nhớ và truyền miệng cho nhau. Bác đã trực tiếp viết tập Đại dư các tỉnh xứ Bắc kỳ bằng văn vần, giới thiệu 28 tỉnh, trong đó có tỉnh Cao Bằng. Bác còn viết tập Lịch sử nước ta cũng bằng văn vần.

Người soạn lại các bài giảng ở những lớp huấn luyện Việt Minh in thành tập Con đường giải phóng phát về các cơ sở để cán bộ làm tài liệu tuyên truyền rộng rãi.

Các lớp huấn luyện do Người trực tiếp lãnh đạo trong thời gian Người ở Pác Bó đều là những lớp ngắn hạn thường kết thúc sau 7, 8 ngày. Sau phần tình hình thế giới, tình hình trong nước, chương trình, Điều lệ Việt Minh, Bác giảng rất kỹ về năm bước công tác: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, tranh đấu.

Người căn dặn: Tuyên truyền thì bao giờ cũng phải nắm được đối tượng, phải hiểu được nông dân có khổ gì, công nhân vì sao lại tham gia cách mạng hăng hái nhất. Đối với cụ già, binh lính... thì tuyên truyền những gì...

Bác phân tích từng đối tượng, hướng dẫn cặn kẽ cách thức tuyên truyền cho các học viên bổ sung ý kiến. Sau đó Bác tổ chức cho thực tập.

Ở lớp học nào Bác cũng dặn: Khi đã tuyên truyền, tổ chức được đông người rồi thì chọn những người tốt nhất để tổ chức thành tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng võ trang sẵn sàng. Bác đã viết quyển Chiến thuật du kích để làm tài liệu cho các lớp học. Tài liệu này sau được phổ biến rộng rãi về khắp các tỉnh.

Bác giảng rất sinh động về các cách đánh, đánh mai phục, đánh úp bằng vũ khí thô sơ, cướp súng địch rồi từ khẩu súng đó tiếp tục chiến đấu để ra nhiều khẩu súng khác. Điều cốt yếu nhất để thực hiện các cách đánh là phải biết rõ địch. Biết rõ địch thì ta có thể nay Đông mai Tây, khiến kẻ địch không lường trước được.

Đề phòng tâm lý quá hăng mà đánh bừa, Bác không quên nhắc kỹ điều này: Học tập cho giỏi, tổ chức lực lượng cho nhiều nhưng chưa được đánh. Đánh vào lúc nào là phải có lệnh của cấp trên, phải có thời cơ…

(1) Sáu Sán tức là Thu Sơn

(2) Mười chính sách của Việt Minh

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: