Thứ bảy, 21/12/2024

CT HCM tu Pac Bo Phan3 a1
  Hang Cốc Bó tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó,
nơi Bác Hồ ở và làm việc những ngày đầu khi về nước

Những ngày Bác Hồ ở hang Cốc Bó(1) – Trích trong Hồi ký “Bác Hồ đến bản tôi” của đồng chí Dương Đại Lâm kể.

… Những ngày kế đó, cơ quan tiếp tục ở cái hang sâu và kín đào ở sườn núi mé trên, lên phải leo dốc đá khỏang vài chục thước. Cửa hang này nhỏ, luôn luôn ẩm ướt, phải bíu tay vào thành đá mới có thể chui được vào bên trong. Ngoài các cửa ra vào nhỏ và tối hang còn có một cửa lớn ở phía trên cao bị cây cối um tùm che khuất. Nhưng chính nhờ cái cửa này, ánh sáng và khí trời mới có thể lọt được vào lòng hang. Trong hang nhấp nhô những nhũ đá, phản chiếu ánh sáng rất đẹp, lại có những phiến đá to chỉ cần xếp ít cây cành rồi trải lá lên là có thể ngả lưng được. “Ông Cụ” và các đồng chí trong cơ quan chỉ ban đêm mới vào đây ngủ, còn ban ngày vẫn ra bờ suối chỗ bãi cỏ nhỏ trong thung lũng để làm việc và thường cũng chỉ tiếp khách ở nơi này. Từ đây ngược một cây số núi cao là đã đặt chân sang đất Trung Quốc (chỗ mốc 108). “Ông Cụ” từ Trung Quốc về nước chính qua lối này.

Hồi đó, tôi phát nương gần đấy chỉ cách hang có một con suối. Vài ngày đầu tôi còn vừa làm, vừa lén sang chỗ “Ông Cụ” ở. Sau tôi mạnh dạn lần lối sang và được tiếp chuyện niềm nở. Từ đấy, mỗi lần đi làm nương, trong khi chờ đợi người nhà lên làm cùng là tôi chạy vào, nghỉ giải lao hút điếu thuốc cũng chạy vào. Bận nào tôi đến cũng được “Ông Cụ” và các đồng chí đón tiếp ân cần, dù công việc đang bận đến đâu vẫn dừng ít phút để nói chuyện. Hồi này, tôi chưa biết “Ông Cụ” là ai nhưng đó là một bậc cách mạng lão thành, Cụ đã về đây là cách mạng có cơ phát triển rộng khắp. Trong câu chuyện thường ngày từ đấy chúng tôi thân mật gọi lão thành “Ông Cụ” là “Đồng chí già”.

“Đồng chí già”, tức Già Thu dạy bảo tôi từng ly, từng tý. Vốn là một nông dân ít chữ, tuổi còn trẻ chưa hề từng trải cuộc đời, hiểu biết về cách mạng lại càng ít ỏi, tôi dần dần vỡ vạc được nhiều vấn đề về dân tộc và cách mạng. Mỗi lần được “Đồng chí già” nói chuyện là tôi lại có thêm những kiến thức mới, do đó càng ham tìm đến nơi này, lòng dạ càng ngày càng sáng ra không khác gì người lâu nay bị lạc trong hang tối gặp được ánh sáng mặt trời chiếu sáng lối ra.

Một hôm Già Thu bảo tôi:

- Hôm nào Đại Lâm lên đây làm cả ngày thì mang gạo, mang bắp gửi đồng chí Lộc nấu cơm hộ, buổi trưa nghỉ ở đây, đỡ vất vả đi về mà lại có nhiều thì giờ trò chuyện.

Được lời như cởi tấm lòng, từ đấy hôm nào đi làm ở gần hang, tôi cũng bố trí làm cả ngày để được nghe “Đồng chí già” dạy bảo. Ở rừng, Già Thu có thói quen không ngủ trưa và thường khuyên mọi người cũng như vậy. Qua nhiều buổi trưa như thế, một số cán bộ cơ sở chúng tôi thu hoạch được nhiều điều như một lớp huấn luyện chính quy. Già Thu đã trang bị cho chúng tôi “cẩm nang” để tìm ra phương pháp cách mạng và kinh nghiệm công tác.

Mặc dầu sống trong một vùng cơ sở cách mạng rất tốt, Già Thu vẫn không quên căn dặn chúng tôi phải biết giữ bí mật từ mỗi việc làm đến đường đi nước bước. Tôi còn nhớ nhiều lần Già Thu nhắc nhở chúng tôi mỗi bận vào ra, để đề phòng địch lùng sục, không được để lại những dấu vết trên đường chứng tỏ có sinh hoạt của con người ở nơi hang sâu cùng cốc này. Ở đây đường đi lối lại rất hiểm trở, toàn đá tai mèo, lá han mọc đầy trên các lối. Già Thu bảo chúng tôi nên đi một lối về một lối và phải giữ nguyên cảnh rừng hoang dã ấy, nhất là không được ngắt bẻ lá han; chỗ nào lá han nhiều quá thì dùng cây, dùng gậy gạt ngọn mà đi, bước đến đâu lá han khép kín đằng sau đến đấy che lấp dấu vết của con đường.

Ở trong hang không khí ẩm thấp lắm, nhất là ngày mưa, nước thường nhỏ giọt theo nhũ đá xuống nền hang lách tách không bao giờ ngớt, có đồng chí đề nghị cho làm mái để tránh mưa. Già Thu không đồng ý vì cho rằng như vậy khi động phải rời hang, giặc đến sẽ biết dấu vết để truy bắt.

Mưa lớn, nước nhỏ lênh láng cả vào chỗ Già Thu nằm, Người cũng không chịu cho làm mái che và lấy một cây que dài ghếch lên làm “máng” lựa đón giọt nước chảy ra chỗ khác.

Trong hang có những nhũ đá trông như hình người, Già Thu chọn một cái nhũ đá ở vị trí cao nhất tạc nên bức tượng Các Mác, mặt quay ra phía cửa hang, ai chợt đi vào cũng nhận ra ngay. Khi đó tôi chưa biết Các Mác là ai và cũng chưa được nhìn ảnh Các Mác bao giờ, nhưng nghĩ rằng, người mà “Đồng chí già” tôn kính hẳn phải là một vĩ nhân tài đức bao trùm thiên hạ.

CT HCM tu Pac Bo Phan3 a2

… Người sống rất giản dị và kham khổ. Nước lá ổi thay chè và cải xoong là thức ăn chủ yếu. Ngày ấy đồng bào quanh vùng ăn độn bắp, mọi người trong cơ quan cũng ăn độn bắp. Riêng “Đồng chí già” tuổi cao chúng tôi mua gạo nấu riêng cho Người ăn, nhưng đồng chí không đồng ý. Có lần bắp non xay để lâu mới ăn đến, bị chua chúng tôi lại đề nghị Người ăn cơm gạo không, Người vẫn không nghe. Suy nghĩ rất nhanh, Người hỏi bọn tôi:

- Có cách nào làm cho bắp non khỏi bị chua không?

Chúng tôi thưa:

- Nếu rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon…

- Không ngon cũng được. Thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quý. Về sau nên phơi khô, rồi hãy xay.

Từ đấy mỗi khi thu hoạch bắp về nhà, chúng tôi thành lệ phơi khô rồi mới cho vào cối xay, do đó bắp để lâu vẫn ăn được. Câu thơ “Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng” chính là ra đời trong thời kỳ này, gian khổ nhưng đầy lạc quan.

Ở đâu, Người cũng luôn luôn tìm mọi cách tự cải thiện đời sống. Thời kỳ ở Pác Bó không dài, nhưng một vườn rau quả nho nhỏ đã bén rễ, có cả cà chua và ớt (dân vùng chúng tôi trước đó chưa bao giờ trồng ớt). Người còn cùng anh em trong cơ quan câu cá, mò ốc suối. Năm thỉnh mười thoảng, anh em mới ra chợ mua cua nấu bát canh rau ngót rừng, rau cải, hoặc mua một hai cân thịt lợn, chỗ béo thì lạng riêng rán lấy mỡ ăn dần, còn chỗ nạc thì xào mặn, cô lại như mắm khô để dự trữ gọi là món ăn “chiến lược”.

Trong thời gian này, tôi được cử là đại biểu dân tộc ít người sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) họp hội nghị cơ quan hải ngoại để tạo điều kiện cho cơ quan này công khai hoạt động ở nước ngoài. Chờ một tuần, hội nghị vẫn chưa được bắt đầu, tổ chức bảo tôi trở về nước vì sợ tôi đi lâu vắng nhà, bị lộ. Tôi được giao mang mấy bó truyền đơn về phân phát cho các cơ sở quanh vùng và gửi đi các địa phương khác. Dọc đường, tôi có giở ra xem, thấy truyền đơn kêu gọi ký tên Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là ai? Tôi chỉ đôi lần được thoáng nghe tên, nhưng ba tiếng ấy gợi lên trong lòng tôi bao nhiêu ý nghĩa đẹp. Con người mà tài đức và cuộc đời đã làm thức tỉnh bao nhiêu tâm hồn yêu nước. Con người mà cái tên cũng đủ làm cho quân thù khiếp sợ. Con người đã khiến bao chiến sĩ cách mạng khi cần thiết sẵn sàng xông vào lửa đạn hoặc giơ ngực trước mũi súng quân thù mà không hề nao núng. Ôi! Cái tên kính yêu đầy sức hấp dẫn mang niềm hy vọng, niềm tin cho đất nước.

Tôi nhiều lần tự hỏi: “Ông Cụ”, người “Đồng chí già”, và đồng chí Nguyễn Ái Quốc có gì liên quan với nhau? Và có lần tôi mạnh dạn hỏi các đồng chí cấp trên:

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người đứng tên kêu gọi đồng bào trong những tờ truyền đơn này, là ai?

- Đó là Lãnh tụ của chúng ta.

- Người ở đâu và đời sống cách mạng như thế nào?

- Cái đó thì chưa thể nói được, chỉ biết rằng đồng chí Nguyễn Ái Quốc hàng ngày vẫn từng bước lãnh đạo chúng ta.

Rồi các đồng chí nói cho tôi một số nét về tuổi tác, hình dáng, đạo đức, tác phong sinh hoạt cùng với tính cách giản dị, thân mật, nhanh nhẹn của Người. Đem so sánh và đối chiếu một cách tỉ mỉ, tôi nhận ra một điều thú vị tuy không dám nói cùng ai: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không phải ai xa lạ, chính là “Ông Cụ” người Nùng trong hang Cốc Bó, chính là “Đồng chí già”, là Già Thu, người mà tôi hằng kính phục, quý yêu. Tôi càng phấn khởi thấy rằng mỗi công tác nhỏ bé của mình đều được đồng chí Nguyễn Ái Quốc hàng ngày trực tiếp chỉ bảo.

Hồi ký “Những ngày gần Bác” đồng chí Vũ Anh kể: 

... Khi về Pác Bó, có điều kiện hơn ở ngoài nước, nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự được Bác liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ ta. Mỗi lớp như thế thường được mở trong tuần hay mười hôm. Bác đào tạo, huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn luyện họ trong thực tiễn cách mạng.

Đối với Bác, một hạt giống tốt không thể để nó tự lớn lên và chết dần mà phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống khác. Lớp học lúc bấy giờ cũng rất đơn giản, không bàn, không ghế. Mấy anh em ngồi xung quanh đống lửa, vừa được sưởi ấm, vừa được nghe Bác nói chuyện. Những câu chuyện Bác nói thường là những câu chuyện thực trong đời sống hàng ngày, hay trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô...

Một lần, có một số anh em bàn riêng với nhau chuẩn bị giết tên Tổng đoàn (tên này rất ác, sau hắn giết anh Kim Đồng). Trong buổi huấn luyện, Bác đem đọc cho mọi người nghe đoạn nói về tả khuynh và ám sát cá nhân trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Đọc xong Bác giải thích:

- Ám sát cá nhân không phải là đường lối cách mạng chân chính. Nhất là khi ta chưa nắm được chính quyền, chủ trương ám sát cá nhân là một điều hết sức sai lầm. Thường đấy là những cái cớ để bọn đế quốc tìm cách tăng cường đàn áp cách mạng. Mục tiêu của ta là tiêu diệt bọn đế quốc, bọn phong kiến thống trị chứ không phải là giết một thằng là xong. Hôm nay chúng ta giết thằng này, ngày mai chúng lại đưa một thằng khác lên. Chủ trương đúng đắn nhất của những người cách mạng chân chính là biết cách tổ chức quần chúng lại thành một khối thống nhất, vững chắc, đấu tranh tiêu diệt cả chế độ của chúng.

Mấy anh em ngồi nhìn nhau, không hiểu làm sao Bác lại biết được ý của một số anh em. Nhưng cũng từ đó anh em nhận thức thêm được một số vấn đề mà từ trước còn mờ mịt, còn nhầm lẫn, đúng sai. Cứ qua thực tế như vậy, Bác đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin rọi vào trí óc non nớt và thơ ngây của chúng tôi, giúp chúng tôi đi những bước vững chắc trong công tác cách mạng.

Lúc bấy giờ Hội nghị Trung ương lần thứ Tám chưa họp, nhưng Bác đã lập ra những hội cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Bác giải thích:

- Chúng ta muốn có một đội võ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững vàng.

Bác lấy một đoạn trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô nói cho chúng tôi nghe. Khi Cách mạng tháng Hai lật đổ Nga hoàng, bọn Kêrenxki nắm chính quyền, Lênin chủ trương phải đi giải thích cho quần chúng rõ, Lênin nhấn mạnh: Giải thích và giải thích. Muốn giải thích phải có đội quân chính trị. Nói xong Bác kết luận:

- Ở nước ta hiện nay, muốn đánh Pháp, đuổi Nhật thì ai là người vác súng, ai là người tự giác, tự nguyện đứng dậy làm cách mạng. Đó là quảng đại quần chúng. Cho nên ta phải tuyên truyền vận động quần chúng. Có như vậy cách mạng mới thắng được.

Bác đề nghị chúng tôi làm thế nào giáo dục quần chúng để trong một thời gian ngắn ta có được một phong trào chống Pháp đuổi Nhật như ngọn thủy triều dâng lên ở các địa phương.

Trong công tác cũng như trong khi giảng dạy ở các lớp huấn luyện Bác chú trọng đặc biệt đến cách tuyên truyền vận động quần chúng. Bác thường nói:

- Chúng ta ở rất bí mật. Nhưng đó là bí mật với tụi tổng đoàn, với bọn mật thám, bọn Tây, bọn thống trị chứ không phải bí mật với nhân dân.

Bác còn yêu cầu lấy quần chúng làm bình phong bảo vệ và che chở cho cách mạng. Muốn được như thế, cán bộ không được làm cái gì trái với ý quần chúng, trái với phong tục tập quán địa phương. Có những phong tục tốt, cần giữ lại. Cũng có nhiều phong tục tập quán không tốt, cần phải thay đổi. Nhưng không phải tự ý cán bộ thay đổi ngay một lúc mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ và tự cải cách lấy.

Ở mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh Bác đều có một hình thưc giáo dục, vận động quần chúng khác nhau. Hình thức nào cũng nhẹ nhàng, mới trông qua tưởng đơn giản nhưng càng suy nghĩ càng thấy ý nghĩa sâu sắc và qua thực tế rất có kết quả.

Bác Hồ những kỷ niệm không quên – Thượng tướng Phùng Thế Tài

Bác khuyên mọi người không nên ngủ trưa, chiều làm việc dễ bị uể oải. Bác tiếp tục dùng những buổi trưa ấy để dạy bảo chúng tôi như những ngày còn ở hang Cốc Bó. Đối với thanh niên chúng tôi, thắng được giấc ngủ trưa đâu phải dễ dàng. Có đồng chí ngồi nghe Bác nói chuyện bên suối, gió núi mát rượi, hàng mi khép dần rồi ngủ gật. Bác bảo xuống suối vục nước rửa mặt cho tỉnh táo để tiếp tục nói chuyện.

Có lần, một đồng chí đi công tác dưới làng mới về, trưa hôm sau bỏ học trốn đi đâu mất. Bác bảo chúng tôi chia đi các ngả rừng tìm, bản thân Bác cũng đích thân đi một hướng. Tìm khá lâu không thấy, mãi sau Bác đi đến  gần một cây rất to, trên đó có một cái chòi bắc ngang cành cây, Bác nghi nghi đứng lại dưới gốc cây, thấp thoáng trong tiếng gió thổi, nghe tiếng ngáy khò khò từ vòm xanh hắt xuống. Bác gọi chúng tôi đến bảo trèo lên xem và phát hiện ra đồng chí kia đang cuộn tròn đánh một giấc say trên đó, quyển sách úp lên mặt. Chuyên này đến bây giờ chúng tôi nghĩ lại vẫn còn thấy vui vui.

Anh học trò trốn học đứng trước mặt thầy chỉ còn biết cười xin chịu lỗi. Tiến đến bên đồng chí đó, Bác cười:

- Tại sao hôm nay trốn học?

Rồi dắt tay anh ta ra bờ suối, Bác bảo:

- Không có việc gì làm, nên buồn ngủ chứ gì. Bây giờ giao cho việc nhặt hết lá khô ở đoạn suối này, khi nào tỉnh ngủ thì tiếp tục vào học.

Chúng tôi nhớ mãi kỉ niệm lí thú này, vui vui thân mật như trong một gia đình, đến người bị “phạt” cũng thấy rất thú vị.

Thời gian đó Bác mở nhiều lớp huấn luyện để nghiên cứu chương trình điều lệ Việt Minh rồi tổ chức thí điểm ở Pác Bó để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai sang các nơi khác. Phong trào vì thế lan rộng rất nhanh.

Bác rất chú ý đến đời sống của các hội viên cơ sở. Một hôm trong làng có một nữ hội viên cứu quốc chết, gia đình tổ chức làm ma rất chu đáo. Được tin Bác gọi Đại Lâm lên hỏi:

- Nữ hội viên này chết, đoàn thể có tổ chức đi thăm viếng không?

- Dạ có ạ!

- Thể lệ xưa nay đi thăm viếng có phải mang gì đến giúp không?

- Cái này thì tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, ai có gì mang nấy, người có thì tiền gạo, người không có thì vác củi, bó đuốc cũng được, miễn là có lòng thương người chết.

- Thế đoàn thể đến viếng thì làm được những gì?

- Đến thì tập hợp hội viên và bà con họ hàng cùng gia đình người chết để làm lễ truy điệu, chia buồn với gia đình và nhắc nhở nhiệm vụ của mọi người.

- Có đọc văn tế không?

- Dạ có thì tốt quá. Nhưng hiện nay trong làng có vài ông tào hay chữ, ông thì đi vắng, ông ở nhà lại khó tính lắm, cháu không dám nhờ, ngại phiền.

- Thôi thế thì Đại Lâm cứ về, chiều lên lấy.

Y hẹn, chiều hôm ấy Bác trao cho Đại Lâm một bài văn tế mà bố cục, lời lẽ quy cách giống như mọi ông tào cao tay nhưng nội dung thì rất mới, bao hàm một ý nghĩa chính trị sâu sắc, những câu văn thống thiết làm xúc động lòng người.

Tôi còn nhớ một đoạn trong đó, đại ý: Con người ta ai cũng vậy, cha mẹ có sinh ra mới thành con người, rồi lớn lên, già nua và chết đi, đấy là luật chung của tạo hóa, ai cũng bình đẳng như nhau. Thế thì tại sao ở trên đời, cuộc sống của mọi người lại không bình đẳng, có kẻ giàu người nghèo, có kẻ áp bức bóc lột người khác?

(1). In trong cuốn sách Đầu nguồn

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: