Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh internet
1. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khí tượng, thủy văn
Ngày 23/11/2015, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khí tượng, Thủy văn với 83% đại biểu tán thành. Dự thảo luật có 10 chương, 57 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)
Ngày 23/11/2015, với 416 đại biểu tán thành (tỷ lệ 84,21%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thống kê (sửa đổi). Luật gồm 9 chương 72 điều và 01 phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (tăng 1 chương, 30 điều so với Luật năm 2003 gồm 8 chương, 42 điều). Luật này quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.
3. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Ngày 24/11/2015, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2017, thay thế Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11.
Kết quả biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh internet
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua đã có nhiều quy định mới quan trọng, trong đó, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Cụ thể, về chuyển đổi giới tính, trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ luật quy định rõ:
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Bộ Luật Dân sự sửa đổi lần này cũng quy định rõ về lãi suất theo thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
4. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)
Với đa số phiếu thuận (438/442 đại biểu Quốc hội có mặt, đạt tỷ lệ 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội), sáng 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm 42 chương, 517 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016,trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Sau khi Luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) gồm 42 chương, 517 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành bản án tại Việt Nam, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Bộ luật cũng quy định những nguyên tắc về thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.
Điểm đáng chú ý trong Bộ luật này là quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, khắc phục một số bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay.
5. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đượcQuốc hội thông quasáng 25/11/2015 với 448/450 đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút thông qua (đạt tỷ lệ 90,69% tổng số đại biểu Quốc hội). Sau khi Luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.
Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm có 23 chương với 372 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của một số hành vi trong nội bộ tổ chức cơ quan, đơn vị như: Hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Tuy quy định Tòa án không can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của nội bộ cơ quan, đơn vị, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền hạn của công dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chỉnh sửa bổ sung nội dung này theo hướng Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với người giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng hoặc chức vụ tương đương trở lên.
6. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi)
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) (Ảnh internet)
Trong phiên làm việc chiều 25/11/2015, với 438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội và 433 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 87,65%),Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) gồm 20 chương, 434 điều. Bộ luật này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017./.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)