Thứ bảy, 21/12/2024

Hồi ký “Những ngày gần Bác” - Đồng chí Vũ Anh kể

Tháng 3-1941,sau khi xảy ra việc hai quần chúng cơ sở của cách mạng đi liên lạc cho đoàn thể bị tổng đoàn bắt (Tổng đoàn là tổ chức nửa vũ trang, tay sai của thực dân Pháp ở địa phương cấp tổng, đơn vị hành chính trên xã, dưới huyện có nhiệm vụ theo dõi, truy lùng các chiến sĩ cách mạng), Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí khác đã rời Pác Bó lên Lũng Lạn, cách hang Cốc Bó vài trăm mét, rồi qua Khuổi Nậm.

Trong thời gian này Bác đã nhiều lần vượt qua biên giới sang Tĩnh Tây. Người thường ở trong nhà bố con ông Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm. Người thường cải trang làm một thầy địa lý (phong thuỷ).

Cuối tháng 4, Bác chỉ thị cho chúng tôi dọn về gần tỉnh để có điều kiện lãnh đạo chặt chẽ các cơ sở của khu căn cứ Cao – Bắc – Lạng.

Tuy là cơ quan của Trung ương nhưng Bác đã tập luyện cho chúng tôi sắp xếp mọi công việc rất gọn gàng. Mỗi người một túi, trong đựng quần áo, tài liệu, bát đũa. Một đoạn đường gần 40 cây số, chúng tôi chỉ đi trong một đêm. Hôm ấy đồng chí liên lạc người địa phương đưa chúng tôi đi, lại lạc đường. Anh em đang mệt tỏ vẻ gắt gỏng. Anh dẫn đường lúng túng, lo ngại. Thấy thế, Bác cười và bảo chúng tôi:

- Đi lạc đường càng biết nhiều đường để hoạt động. Nếu gặp địch ta lại càng biết thêm đường để mà tránh.

Không khí đang căng thẳng bỗng dịu xuống. Chúng tôi lại vui vẻ lên đường, lòng cứ suy nghĩ mãi về thái độ của chúng tôi đối với đồng chí giao thông.

Hôm mới đến, Bác ở một thung lũng vùng núi Lam Sơn. Được một tháng sau chúng tôi dọn lên đồn nhà Mạc. Và cứ thế sau một thời gian ngắn, Bác lên tận cơ sở đồng bào Mán trắng.

Tháng 5, từ ngày 10 đến ngày 19,Người chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.

Theo đề nghị của Người, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới và cử đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, phong trào cách mạng Cao Bằng lên như diều gặp gió, lên rất nhanh ở các địa phương, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở lên vững chắc.

Khoảng giữa năm 1941, tại Pác Bó, Bác tổ chức Lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người trực tiếp giảng bài, đồng chí Đức Thanh đi sát giúp đỡ học viên hằng ngày. Trong buổi khai mạc lớp học, sau khi đồng chí Đức Thanh phổ biến chương trình lớp học, Nguyễn Ái Quốc giảng bài tình hình thế giới. Người chỉ rõ: “Bọn phát xít đã tấn công Liên Xô, Tổ quốc của cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng. Việt Nam ta cũng đứng ở trong phe dân chủ mới, ủng hộ Liên Xô chống lại phe phát xít”.

Trong các buổi học sau, Nguyễn Ái Quốc giảng về tình hình trong nước và nhiệm vụ của cách mạng trước mắt, về năm bước công tác quần chúng. Trong những buổi huấn luyện quân sự, Người giảng về chiến thuật du kích, các hình thức đánh du kích.

Sau bốn ngày huấn luyện, các học viên tập vận dụng những điều đã học vào công tác vận động quần chúng. Nguyễn Ái Quốc đóng vai một quần chúng, các học viên làm người tuyên truyền cách mạng. Sau khi học tập, Người nhận xét chỗ sai, chỗ đúng của từng học viên.

Lớp học kết thúc, Nguyễn Ái Quốc phái ba đồng chí về Hà Quảng tiếp tục hoạt động, hai đồng chí lại sang bên kia biên giới nhận nhiệm vụ khác.

Những bài viết, bài thơ kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đuổi thực dân và phát xít của Bác trong năm 1941

 

Thư kêu gọi đồng bào đoàn kết đánh đuổi Pháp - Nhật

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám về tổ chức Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc viết thư Kính cáo đồng bào gửi các tầng lớp nhân dân cả nước với nội dung:  

Hỡi Các hiền nhân, chí sĩ!

Hỡi Các bạn Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh!

Pháp đã mất nước cho Đức. Thế lực của chúng ở ta đã điêu tàn. Song đối với chúng ta, chúng tǎng sưu tǎng thuế để vơ vét tài sản. Chúng khủng bố trắng để giết hại nhân dân. Đối với ngoài, chúng im hơi lặng tiếng, cắt đất cho Xiêm, chúng quỳ gối chắp tay đầu hàng Nhật Bản. Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật.

Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không?

Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!

Bảy tám mươi nǎm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các liệt sĩ ở Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây.

Những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương vừa rồi đã tỏ rằng: Đồng bào ta quyết nối gót người xưa, phấn đấu hy sinh đồng phá tan xiềng xích.

Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm.

Nay cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta.

Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh - Mỹ. Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều:

Toàn dân đoàn kết

Hỡi đồng bào! Hãy noi gương vĩ đại của dân Tàu, tổ chức những hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật.

Hỡi các bậc phụ huynh? Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ? Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước hoạ giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc.

Hỡi các bậc phú hào yêu nước, thương nòi? Hỡi các bạn Công, Nông, Binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương? Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy.Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đồng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.

Hỡi đồng bào yêu quý? Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài nǎng góp tài nǎng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mạng cũng không nề.

Hỡi các chiến sĩ cách mạng. Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung.

Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!

Chúng ta hãy tiến lên? Toàn thể đồng bào tiến lên!

Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!

Việt Nam cách mạng thành công muôn nǎm!

Thế giới cách mạng thành công muôn nǎm!

Ngày 6 tháng 6 nǎm 1941

Hoan nghênh thanh niên học quân sự

Nước ta mất đã lâu rồi,

Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan!

Suốt đời chịu kiếp lầm than,

Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa!

Vì ai tan cửa nát nhà,

Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?

Vì ai non nước rã rời

Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!

Thanh niên ta phải thế này gay go

Học hành không được tự do

Học mà mù tối, học cho ngu hèn

Mấy năm cặm cụi sách đèn

Học rồi cũng bỏ, tốn tiền như không

Muốn làm cũng chẳng có công

Ông tham "san rát", thầy thông "bú đù"

Những người không muốn si ngu

Người giam Hà Nội, kẻ tù Sơn La!

Nước Nam là nước Nam ta,

Vì ai đến nỗi xót xa thế này?

*

Muốn đánh Nhật, muốn đánh Tây,

Thanh niên ta phải ra đây học hành.

Một là học việc nhà binh.

Hai là học biết tình hình người ta.

Thanh niên là chủ nước nhà

Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.

Gan phải to, chí phải bền

Không sợ khổ, không sợ phiền mới nên

Anh em đoàn kết vững bền

Phải nghiêm kỷ luật, phải chuyên tập tành

Đối đoàn thể, phải trung thành

Phải dũng cảm, phải hy sinh mới là

Ở trong, phải rất thuận hoà

Ra ngoài, phải nhớ mình là người Nam

Phải siêng học, phải siêng làm,

Chớ cam thua bạn, không cam kém người.

Người siêng một, mình siêng mười,

Đừng cho thiên hạ chê cười thanh niên.

Mai sau học nghiệp vẹn tuyền,

Đánh Tây đuổi Nhật, giành quyền tự do.

Sự nghiệp này là rất to,

Thanh niên ta phải gắng lo, mới thành!

Việt Nam độc lập đồng minh,

Mấy lời thành thực hoan nghênh học trò!

Tháng 7-1941

Bác cho xuất bản Báo Việt Nam Độc Lập      

Báo Việt Nam Độc Lập, gọi tắt là Việt Lập ra số đầu tiên ra ngày 1-8-1941 tại rừng Khuổi Nậm. Ngay trong số đầu tiên (được đánh số 101), Bác đã cổ động cho việc mua và đọc Báo Việt Nam Độc Lập bằng bài thơ Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam Độc Lập, viết theo thể song thất lục bát, gồm 17 câu:

Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt

Làm dân ta như điếc, như mù,

Làm ta dở dại dở ngu,

Biết gì việc nước biết đâu việc đời.

Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì.

Ai không chịu ngu si mù tối,

Ắt phải xem báo ấy mới nên;

Giúp cho báo ấy vững bền.

Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi.

Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!

Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam Độc lập (1-8-1941)

CT HCM tu Pac Bo Phan4 a1
Thơ của Bác Hồ cổ động cho Báo Độc Lập. (Ảnh tư liệu)

Tiếp đó, trong số 3 của báo ra ngày 21-8-1941, Bác đã vẽ bức tranh sinh động: Một người Việt Nam tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng thổi kèn loa cách điệu chữ Việt Nam Độc lập, kèm theo bốn câu thơ kêu gọi:

Việt Nam Độc lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta

Ngày 1-9-1941, Người viết Bài ca Phụ nữ gồm 20 câu, đăng trên báo Việt Nam Độc lập.

Sau khi nêu những tấm gương anh hùng của phụ nữ Việt Nam từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Nguyễn Thị Minh Khai, Người kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam đoàn kết đấu tranh:

... “Chị em cả trẻ đến già,

Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.

Đua nhau vào hội Việt Minh

Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.

Làm cho thiên hạ biết tên

Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

Ngày 1-9-1941, Người viết Bài thơ Trẻ con gồm 20 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập.

Bài thơ miêu tả cuộc sống tôi đòi của thiếu nhi Việt Nam dưới ách giặc Nhật, giặc Tây:

... “Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bực thân cực lòng”...

Và kêu gọi thiếu nhi Việt Nam:

“Vậy nên con trẻ nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

Trẻ em cũng phải ra dành một vai.

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Ngày 11-10-1941, Người viết Bài thơ Công nhân gồm 20 câu, in trên báo Việt Nam Độc lập.

Bài thơ nêu lên nỗi khổ cực của công nhân Việt Nam dưới ách thống trị và bóc lột của bọn Pháp, Nhật: Bị đánh đập, bị phạt, bị bớt xén tiền lương; và kết thúc bằng lời kêu gọi:

“Thợ thuyền ta phải đứng ra,

Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.

Cùng nhau vào hội Việt Minh,

Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.

Bao giờ khôi phục nước nhà,

Của ta ta giữ, công ta ta làm”.

Cuối tháng 10 năm 1941, để tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh nhằm thu hút ngày càng đông đảo sự ủng hộ của các tầng lớp, đồng bào các dân tộc, Bác Hồ đã sáng tác Diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh” bằng thể thơ lục bát rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền tụng trong quần chúng nhân dân.

“Mười chính sách của Việt Minh

Việt Nam độc lập đồng minh

Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây.

Quyết làm cho nước non này,

Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:

Làm cho con cháu Rồng, Tiên,

Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta.

Có mười chính sách bày ra,

Một là ích nước, hai là lợi dân.

Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,

Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.

Hội hè, tín ngưỡng, báo chương,

Họp hành, đi lại, có quyền tự do.

Nông dân có ruộng, có bò

Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.

Công nhân làm lụng gian nan,

Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ.

Gặp khi tai nạn bất ngờ,

Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho.

Thương nhân buôn nhỏ, bán to

Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền.

Nào là những kẻ chức viên,

Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng.

Binh lính giữ nước có công,

Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu.

Thanh niên có trường học nhiều,

Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho.

Đàn bà cũng được tự do,

Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.

Người tàn tật, kẻ lão niên,

Đều do Chính phủ cất tiền ăn cho.

Trẻ em, bố mẹ khỏi lo,

Dạy nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy.

Muốn làm đạt mục đích này,

Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn.

Sao cho từ Bắc chí Nam,

Việt Minh có hội muôn vàn hội viên.

Người có sức, đem sức quyên,

Ta có tiền của, quyên tiền của ta.

Trên vì nước, dưới vì nhà,

Ấy, là sự nghiệp, ấy là công danh.

Chúng ta có hội Việt Minh

Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh

Rồi ra sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

Khuyên ai nên nhớ chữ đồng,

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: