Thứ bảy, 21/12/2024

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh việc chống phá, hòng làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam suy yếu, biến chất về chính trị. Họ coi đây là một mũi nhọn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam. Đây là một việc làm không phải mới mà đã được các thế lực thù địch thực hiện ròng rã từ nhiều năm nay. Các thế lực thù địch cả ở trong nước và ở nước ngoài kết hợp với nhau, tập trung chống phá Quân đội ta một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ những vấn đề cơ bản về bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, về cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ, về con người; từ những vấn đề về lịch sử đến hiện tại, những vấn đề chính trị tinh thần đến vũ khí trang bị, trong đó họ coi chống phá nền tảng tư tưởng của Quân đội ta là một nội dung cơ bản trọng yếu.

nen-tang-cua-quan-doi
Diễu binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: QĐND Online.

Trước thềm Đại hội lần thứ XII của Đảng, họ lại tập trung công kích, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Các thế lực thù địch tập trung tiến công trực diện vào những quan điểm cơ bản của chúng ta về chính trị của Quân đội. Họ tiếp tục đẩy mạnh việc cổ súy cho những luận điệu: “Quân đội phi giai cấp”, “Quân đội trung lập”, “Quân đội nhà nghề”.

Để tăng thêm “hiệu quả” chống phá, các thế lực thù địch chĩa mũi nhọn đánh thẳng vào nền tảng tư tưởng của Quân đội ta là Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với việc ra sức công kích, xuyên tạc, phủ nhận, hạ bệ Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, họ đưa ra những “ý kiến”, “kiến nghị” rằng Quân đội “không cần có hệ tư tưởng”, việc xây dựng Quân đội chỉ cần dựa trên “tinh thần dân tộc”, “không cần dựa trên hệ tư tưởng nào”. Họ còn ra mặt “khuyên nhủ” rằng, bây giờ Chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã “lỗi thời”, “lạc hậu” rồi, nên nếu cần thì phải "vũ trang cho Quân đội một hệ tư tưởng khác”! Những ý kiến  này được các đài, báo nước ngoài cùng những người từng thâm thù với cách mạng ở hải ngoại tung hô, khuếch trương. Những luận điệu như trên là đặc biệt nguy hiểm, bởi nó phản động về chính trị và phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Song, nó dễ làm cho một số người nhẹ dạ cả tin trong chúng ta có thể lầm tưởng rằng, các luận điệu đó là hợp lý, khách quan, nhất là khi họ nhấn mạnh xây dựng Quân đội chỉ cần dựa trên “tinh thần dân tộc”!

Thoạt nghe qua thì những luận điệu trên tưởng như là “khách quan, không chính trị”, nhưng lại nằm trong âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch, thực chất là nhằm lái chính trị của Quân đội ta sang chính trị tư sản. Bằng những quan điểm đó, họ khéo léo đi đến ý đồ loại bỏ nền tảng tư tưởng của Quân đội ta là Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa nhòa bản chất chính trị giai cấp, tiến tới làm biến chất Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây mới là mưu đồ đích thực của các thế lực thù địch trong mục tiêu chống phá Quân đội ta.

Không thể nói rằng, Quân đội “không cần dựa trên hệ tư tưởng nào”, mà chỉ cần dựa trên “tinh thần dân tộc” một cách chung chung như họ nói. Hệ tư tưởng của Quân đội luôn luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, đó thực chất là bản chất giai cấp. Hệ tư tưởng sẽ quy định và chi phối mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội, chi phối nguyên tắc xây dựng Quân đội đồng thời xác định Quân đội chiến đấu cho ai, vì ai, được dẫn dắt bởi ngọn cờ tư tưởng nào, do ai tổ chức và lãnh đạo.

Chắc chắn những người tung ra luận điệu "Quân đội không cần hệ tư tưởng" cũng thừa hiểu Quân đội phải mang bản chất chính trị và phải phục vụ ai, phải dựa trên hệ tư tưởng nào. Họ cũng biết rằng, Quân đội là một hiện tượng xã hội lịch sử xuất hiện và tồn tại gắn liền với sự xuất hiện và tồn tại của giai cấp và nhà nước. Quân đội ra đời là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, do một nhà nước, lực lượng chính trị tổ chức và nuôi dưỡng. Hệ tư tưởng của nhà nước, lực lượng chính trị đó là hệ tư tưởng chi phối và là nền tảng tư tưởng cho quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội. Hệ tư tưởng phong kiến, tư sản là nền tảng tư tưởng của Quân đội phong kiến và tư sản. Vì vậy, không thể có Quân đội phi giai cấp, phi ý thức hệ tư tưởng.

Quân đội nhân dân Việt Nam là sự hội tụ những con người yêu nước đầy khát vọng giải phóng, một chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới được khơi dậy và phát huy bởi ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được dẫn dắt và soi sáng bởi Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam là Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc. Đó là Quân đội của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, cũng đồng thời là Quân đội của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Trong quá trình cách mạng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, xây nên truyền thống tốt đẹp "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Quân đội ta thật sự là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.

Sở dĩ Quân đội ta có bản chất truyền thống tốt đẹp là bởi Quân đội ta được xây dựng dựa trên nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam là thống nhất. Vì vậy, không có lý do gì để tách vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong bản chất, hệ tư tưởng, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, trong chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam là Quân đội từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên không thể "đứng ngoài" chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Không thể nói rằng Quân đội "không cần hệ tư tưởng”, cũng không thể cố tình trí trá rằng "nếu cần thì thay bằng hệ tư tưởng khác” cho Quân đội. Luận điệu phản khoa học này lộ rõ tính chất giả nhân, giả nghĩa của một số kẻ cơ hội chính trị, do đó chúng ta cần phải thẳng thắn đấu tranh, bác bỏ./.

NGUYỄN MẠNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

 Huyền Anh (st)    

Bài viết khác: