Ông Bùi Xuân Phước, ở thôn Phước Tân (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, hằng ngày cần mẫn làm việc, chăm sóc vườn cây, lau dọn phòng trưng bày và các hiện vật về Bác. Bảo tàng Bác Hồ trong khuôn viên gia đình được ông Phước xây dựng hơn 10 năm nay, đã thu hút sự chú ý của người dân trong và ngoài tỉnh.
Khoảng sân nhỏ trước nhà, ông dựng lên một tượng đài về Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và tượng đài các đồng đội cũ của ông năm xưa để hương khói, tưởng nhớ. Ảnh: Đông Lâm
Bán nhà để… xây bảo tàng
Ông Phước sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng lại lớn lên ở Phú Yên. Năm 1950, ông đã bắt đầu hoạt động thiếu sinh quân ở thị xã Tuy Hòa. Đến năm 1953, ông nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động chính tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành và được giao giữ chức Trưởng phòng Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (Phú Yên - Khánh Hòa bây giờ). Ông là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng cuốn sử sống "Phú Khánh quê hương".
Một thời gian sau, ông được cử giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho đến năm 1989 thì về nghỉ hưu. Với một tình yêu bao la dành cho Bác Hồ và cũng đã từng được công tác ở bảo tàng nên ông đã nung nấu ý định làm một bảo tàng thu nhỏ lúc về hưu.
"Dù tuổi đã cao, nhưng tôi luôn trăn trở muốn làm được một điều gì đó có ích trước lúc nhắm mắt. Tôi muốn dùng những hiện vật trực quan sinh động để giáo dục tình cảm, ý chí cách mạng cho con cháu, cho các thế hệ trẻ và cũng là để có nơi hương khói cho Bác, nhất là vào ngày lễ, Tết của đất nước, dân tộc" - ông Phước bộc bạch về chuyện xây dựng bảo tàng.
Ý định xây dựng bảo tàng về Bác Hồ đã được ông ấp ủ từ lâu, nhưng mãi đến khi về nghỉ hưu, ông mới thực hiện được. Năm 1989, ông bắt đầu chọn mua mảnh đất bằng số tiền dành dụm được, rồi vẽ sơ đồ khu trưng bày. Nhưng vì nhiều lý do nên mãi 8 năm sau, công trình mới được khởi công xây dựng. Năm 2000, công trình hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.
Khi biết được ý định xây dựng bảo tàng của ông, có rất nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng không ít người phản đối, thậm chí cho rằng, đó chỉ là ý tưởng hão huyền. Và mọi sự nghi ngờ chỉ dừng lại khi bảo tàng của ông hoàn thiện, đưa vào sử dụng và đón được những lượt khách tham quan đầu tiên.
Ông Phước tâm sự: "Hồi đó, cũng có nhiều người nói này, nói nọ, nhưng một khi mình đã quyết tâm thì không ai ngăn cản được. Với lại, xây dựng bảo tàng về Bác càng làm cho mình quyết tâm hơn".
Những ngày đầu khởi công xây dựng bảo tàng, ông gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí, vì hồi đó, lương hưu của ông rất thấp. Rồi khi công trình được xây dựng hơn một tháng thì vợ ông bị bệnh nặng phải đi cấp cứu. Mọi gánh nặng đều dồn xuống đôi vai của ông. Hằng ngày, ông vừa có mặt để kiểm tra, chỉ đạo công trình, vừa tất tả ngược xuôi lo chăm vợ.
Dù khó khăn trăm bề, nhưng vẫn không làm ông sờn lòng và nhụt chí xây bảo tàng. Vợ đau nặng, công trình dang dở vì thiếu kinh phí, buộc ông phải bán đi căn nhà ở đường Trương Định (TP Nha Trang) để có tiền chi trả cho công việc. Nhưng bán căn nhà cũng không đủ tiền trang trải, ông phải bàn với đứa con gái thứ 2 bán đi mảnh đất mà vợ chồng ông đã hứa cho con trước đó.
"Hồi đó cực trăm ngả, đụng đâu cũng thiếu tiền, vợ lại bệnh tật, nhiều lúc muốn ngừng công trình, nhưng khi nghĩ đến Bác thì tôi lại quyết tâm làm bằng được. Giờ nhìn lại những gì mình có, dù chưa hoàn thiện nhưng cũng đã ấm lòng, cậu à. Nếu hồi đó, tui bỏ dở giữa chừng thì giờ có đâu được như ngày hôm nay" - ông Phước hồ hởi.
Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp
Bất kể dừng xe ở đâu trong thôn Phước Tân, cứ hỏi thăm ông Phước bảo tàng là y như rằng, già trẻ, gái trai trong làng đều biết. Bảo tàng của ông Phước về Bác Hồ được khách tham quan và những chuyên gia bảo tàng đánh giá rằng, đó thực sự là "một Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ" giữa lòng phố biển Nha Trang. Ở đây, hiện đang trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật… do chính ông Phước sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng.
Ông Phước luôn vui vẻ giới thiệu về các hiện vật, hình ảnh của Bác Hồ cho những người đến tham quan. Ảnh: Đông Lâm
Trong số cả trăm bức ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáng chú ý là bức ảnh khổ lớn về "thời khắc Bác lâm chung", được trưng bày trang trọng ở gian chính. Bức ảnh này có khổ gốc nhỏ là 18-24, do một gia đình quê ở Phú Yên, có người thân là cán bộ gần gũi bên Bác, gửi tặng ông vào năm 1995.
Thời điểm đó, ở Nha Trang không có tiệm ảnh nào đủ khả năng phục chế thành khổ lớn, thế là ông phải lặn lội vào TP Hồ Chí Minh để làm việc này. Vừa chỉ tay vào bức ảnh, ông vừa nói: "Đó là bức ảnh đã tạo nên tình cảm mãnh liệt nhất với những người đến tham quan. Nhiều người xúc động khi được nhìn thấy Bác trong thời khắc lâm chung".
Dẫn khách vào tham quan phòng trưng bày, ông Phước đã làm khách bất ngờ khi thuyết minh hết sức tường tận, hùng hồn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các sự kiện mang tính bước ngoặt như: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911; Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp 1920; sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930; Cách mạng tháng Tám thành công và Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9- 1945…
Những bức ảnh, hiện vật trong bảo tàng thu nhỏ của ông được sắp xếp theo một trật tự nhất định, rất khoa học nên giúp cho người xem hiểu rõ hơn về Bác. Ở chính giữa căn nhà là nơi ông trưng bày mô hình về ngôi Nhà sàn của Bác.
Không dừng lại ở đó, ông Phước còn dự định sẽ chỉnh trang lại khuôn viên ngôi nhà, để thực hiện việc triển lãm ngoài trời, tuyên truyền về các sự kiện trọng đại của đất nước. Ông cũng đang ấp ủ nguyện vọng làm một cái ao và xin giống cá ở Khu lưu niệm Bác Hồ ở Hà Nội về nuôi.
Ngoài các hiện vật, tranh ảnh về Bác Hồ được treo trang trọng trong gian chính, ông còn xây dựng một tượng về các đồng đội năm xưa và một bức tượng về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đặt phía trước sân nhà bảo tàng để quanh năm hương khói, tưởng nhớ, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước./.
Đông Lâm
Theo http://www.bienphong.com.vn
Thu Hiền (st)