1. Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm 2020-2021. Nghị định có hiệu lực từ 01/12/2015.

 Nghị định quy định năm học 2015 - 2016, khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập dao động từ 8.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng; trong đó, khung học phí ở khu vực thành thị là từ 60.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng; ở nông thôn từ 30.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng và ở miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018, mức trần học phí trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (kể cả với các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:

1. Nhóm ngành KHXH, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản:

- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 1.750.000 đồng/tháng.

- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 1.850.000 đồng/tháng.

- Năm học 2020-2021: 2.050.000 đồng/tháng.

2. Nhóm ngành KHTN, kỹ thuật, công nghệ, thể dục, thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch:

- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 2.050.000 đồng/tháng.

- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 2.200.000 đồng/tháng.

- Năm học 2020-2021: 2.400.000 đồng/tháng.

3. Nhóm ngành Y dược:

- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 4.400.000 đồng/tháng.

- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 4.600.000 đồng/tháng.

- Năm học 2020-2021: 5.050.000 đồng/tháng.

 Một nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định này là quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm và người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ không phải đóng học phí. Miễn học phí đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ; trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, thuộc hộ nghèo và người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 100.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác; thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế, tối đa 09 tháng/năm học.

2. Nghị định số 105/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/12/2015.

Theo Nghị định quy định thì cảnh sát môi trường được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh xuất sắc tốt nghiệp ở các học viện, trường đại học có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào lực lượng cảnh sát môi trường.

Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát môi trường là được yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, an toàn thực phẩm…giải trình về những hành vi có dấu hiệu phạm tội, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Theo Điều 9 Nghị định 105, cảnh sát môi trường trong khi thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm hoặc tiếp nhận các vụ vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm do lực lượng khác chuyển giao thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chế độ phụ cấp đối với cảnh sát môi trường quy định tại Nghị định số 105 như sau: Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát môi trường được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, ngoài ra được hưởng chế độ phụ cấp độc hại theo quy định của pháp luật. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quy định cụ thể chế độ phụ cấp độc hại đối với Cảnh sát môi trường.

3. Nghị định số 94/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/10/2015sửa đổi một số điều về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kèm theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Về các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được Nghị định 94 sửa đổi, bổ sung như sau:

- Giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được cấp riêng cho từng công dân.

- Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

- Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó thì theo Nghị định số 94/2015, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

- Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định có thời hạn từ 1 đến 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi người con đó đủ 18 tuổi và không được gia hạn. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ không cấp khi được cử đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 6 tháng.

Về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Công dân Việt Nam đang ở trong nước thuộc diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nộp 01 bộ hồ sơ gồm:

+Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (theo mẫu).

+Văn bản (theo mẫu) của cơ quan có thẩm quyền về việc cử hoặc cho phép ra nước ngoài.

+Ngoài ra Nghị định số 94/2015 quy định trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu thuộc diện đi theo hoặc đi thăm, thì hồ sơ cấp giấy tờ xuất nhập cảnh ngoài tờ khai xuất nhập cảnh và giấy tờ chứng minh thuộc diện đi theo hoặc đi thăm cần nộp thêm quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nơi người đó đang làm việc (nếu có) và quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao.

Nếu người đề nghị cấp hộ chiếu là con dưới 18 tuổi cần nộp thêm bản sao giấy khai sinh và bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp đã đủ 14 tuổi trở lên).

- Người đề nghị cấp hộ chiếu phải nộp lệ phí. Cơ quan cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi các quy định về thời hạn của các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ; cách thức nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông,….

4. Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 07/9/2015 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Thông tư quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, cấm xếp hàng hóa, hành lý trên xe máy vượt quá bề rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m, cao quá 1,5m tính từ mặt đường xe chạy.

Đồng thời, cấm xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe chở khách hoặc vượt phía trước, phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe, quá 0,4m về mỗi bên bánh xe trường hợp xe là xe thô sơ. Tương tự, chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được phê duyệt và không lớn hơn 20m. Khi chở hàng có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe, phải có báo hiệu; hàng hóa phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Thông tư cũng quy định xe tải có chiều dài lớn hơn 20m hoặc 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe; chiều rộng lớn hơn 2,5m và chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2m (trừ xe chở container) được coi là xe quá khổ giới hạn. Tổ chức, cá nhân là chủ xe hoặc điều khiển xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn trên đường bộ phải có Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

5. Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015.

Nghị định quy định thời hạn sở hữu nhà ở như sau: Trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn theo quy định tại Điều 123 của Luật Nhà ở thì bên bán và bên mua thỏa thuận cụ thể các nội dung, bao gồm thời hạn bên mua được sở hữu nhà ở; các quyền và nghĩa vụ của bên mua nhà ở; trách nhiệm đăng ký và cấp Giấy chứng nhận cho bên mua nhà đất; việc bàn giao lại nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở và người nhận bàn giao lại nhà ở sau khi hết hạn sở hữu; việc xử lý Giấy chứng nhận khi hết hạn sở hữu, ….

Quy định tổ chức, cá nhân huy động phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án đó; nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng; trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền mua, thuê mua nhà đã huy động sai quy định, phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính về mua bán nhà đất hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

- Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở và không có chỗ ở nào khác;

- Hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở.

- Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội thì phải có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 63 của Luật Nhà ở.

Nghị định quy định từ ngày 10/6/2016, cá nhân, tổ chức không được kinh doanh vũ trường, vật liệu gây cháy nổ; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc và các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư. Nếu kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar thì phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày 01/07/2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày 10/12/2015; quá thời hạn này (tức sau ngày 10/06/2016), tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.

6. Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015.

Theo Nghị định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập.

Theo đó, mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành. Trường hợp dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư không triển khai thực hiện sau 12 tháng từ ngày được phê duyệt hoặc đã triển khai nhưng bị chậm quá 24 tháng so với tiến độ mà nguyên nhân chủ quan được xác định do chủ đầu tư gây ra thì UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác đảm nhận triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, chủ căn hộ chung cư cũ bị xây dựng lại có từ 02 hộ khẩu trở lên được mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm tái định cư theo giá kinh doanh do hai bên thỏa thuận.

Về chính sách áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định khẳng định sẽ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án còn được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở; được chỉ định thầu đối với các gói thầu cần triển khai ngay./.

Kim Yến (Tổng hợp) 

Bài viết khác: