Suối Lê-nin nơi in bóng Bác những ngày đầu cách mạng Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc viết cuốn Cách đánh du kích
Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về quân sự, được viết năm 1941. Tác phẩm được phổ biến trong các đoàn thể cách mạng trong thời kỳ 1941-1945. Tháng 5-1944, Cách đánh du kích được Tổng bộ Việt Minh xuất bản và phát hành rộng rãi, ngoài bìa sách ghi “Chiến thuật du kích”. Cuốn sách được dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân - chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị cuộc Tổng khỏi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Tác phẩm “Cách đánh du kích” được Bác viết với văn phong trong sáng, dễ hiểu; lập luận khúc chiết rõ ràng. Mục đích thì cao sang, trọng đại nhưng lời lẽ là của “Đồng bào” nên hết sức bình dân, giản dị. Vì thế đọc lên ai cũng hiểu, hiểu một cách thống nhất và làm theo được ngay. Đúng là Người đã đem ngôn ngữ của dân mà nói với nhân dân. Tác phẩm rất ngắn gọn chỉ với 33 trang gồm 13 chương, trong đó có chương như chương “Căn cứ địa” chỉ vẻn vẹn trên nửa trang giấy. Tác phẩm đã làm cho chúng ta thấu hiểu và lý giải rõ ràng hơn sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo.
Từ những khái niệm quân sự rất khó lý giải, nhất là cho những người lần đầu tiên tiếp xúc với ngôn từ quân sự, như khái niệm “Du kích” là gì? Bác đã trình bày một cách ngắn gọn “Du kích là đánh úp, đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng”. Vì sao phải đánh du kích? đến tổ chức đội du kích… cách đánh du kích với 4 nguyên tắc: Giữ quyền chủ động, hết sức nhanh chóng, bao giờ cũng giữ thế công, phải có kế hoạch thích hợp chu đáo và vận dụng 4 mẹo trong truyền thống đánh giặc của tổ tiên ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, đó là: “Tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, náo phía Đông đánh phía Tây, tránh trận gay go, không sống chết giữ đất khi không cần thiết (Tiến thoái hợp lý), hoá chỉnh vi linh, hoá linh vi chỉnh (Biết phân tán khi cần biết tập trung), mình yên đánh quân thù động, mình khoẻ đánh quân thù mệt”. Chỉ rõ cho du kích 9 động tác đánh giặc: Đó là lừa gạt quân giặc, trinh thám, làm cho giặc khốn đốn…làm cho giặc mịt mù hoảng hốt (Quân ta ít giặc tưởng là đông, súng ta ít địch tưởng là nhiều), tập kích, phục kích, truy kích quân địch.
Tác phẩm gồm 13 chương. Nội dung mỗi chương nêu ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được.
Chương I: “Du kích là gì?”, nêu ra bốn điều cần nhớ để đánh du kích thắng lợi: Phải có con đường chính trị đúng; phải dựa trên cơ sở quần chúng; phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật; phải có một lối đánh rất tài giỏi.
Chương II: “Tổ chức đội du kích”, hướng dẫn cách tổ chức tiểu tổ du kích, chi đội, xác định tư cách đội viên du kích, và ban chỉ huy.
Chương III: “Nguyên tắc của cách đánh du kích”, nhấn mạnh bốn điểm chính: Giữ quyền chủ động; hết sức nhanh chóng; bao giờ cũng giữ thế công; phải có kế hoạch thích hợp và chu đáo. Đồng thời phải thực hiện bốn mưu mẹo lớn và thực hiện mấy động tác, như lừa địch, trinh thám, làm cho giặc khốn đốn...
Chương IV: “Cách tiến công, tập kích”, nêu rõ “du kích bao giờ cũng tiến công” - một là tập kích, hai là phục kích.
Chương V: “Phục kích” là cách đánh cần thiết và có hiệu quả đối với du kích, làm quấy rối, làm suy yếu địch.
Chương VI: "Cách phòng ngự" và chỉ rõ phòng ngự nghĩa là chống giữ, song phòng ngự là thế công, chứ không phải bị động.
Chương VII: “Cách đánh đuổi giặc” là nhằm truy đuổi địch để tiêu diệt chúng với sự giúp sức của quần chúng, song “không nên đuổi theo quá xa”.
Chương VIII: “Cách rút lui” là điều quan trọng trong đánh du kích để bảo vệ lực lượng khi nó quá mạnh hoặc chờ phục kích đánh bại chúng rồi rút.
Chương IX: “Phá hoại” là công việc trọng yếu để ngăn cản lực lượng địch tấn công. Vì vậy, phải tuân thủ các nguyên tắc của cách phá hoại và biết cách phá hoại cho có hiệu quả.
Chương X: “Thông tin và liên lạc” bảo đảm cho đánh du kích được nhanh chóng, chắc chắn và chu đáo. Cần phải dựa vào nhân dân.
Chương XI: “Hành quân” cần nhẹ nhàng, nhanh chóng, bí mật.
Chương XII: “Đóng quân” phải chọn chỗ thuận tiện để nghỉ ngơi và phòng thủ.
Chương XIII: “Căn cứ địa” dùng làm nơi dừng chân làm cơ sở.
Chú Thu – Trích trong hồi ký của đồng chí Nông Thị Trưng
…Năm 1941 chồng tôi hoạt động cách mạng bị đế quốc Pháp bắt giam ở Nhà tù Sơn La. Sau đó tôi cũng bị chúng bắt lên đồn, đang đêm tôi đã tìm cách trốn thoát. Vào núi được vài hôm thì tôi cùng với một số đồng chí vượt biên giới sang Bình Mãn ở nhà một số đảng viên Trung Quốc. Tôi ở đây hơn một tuần thì được anh Trịnh Đông Hải và anh Lê đến thăm rồi đưa tôi đi.
Không rõ đi đâu nhưng vì nguyên tắc bí mật tôi không dám hỏi. Gần sáng, hai anh đưa tôi về tới lán của anh Đại Lâm ở trong rừng Pác Bó. Anh chị Lâm nhận tôi là em. Sáng hôm sau, anh Lâm bảo tôi: “Anh em ta đi gặp Ông Cụ. Anh Lâm dẫn tôi đi theo dòng Khuổi Nậm, nước chảy rất mạnh. Rừng sâu thăm thẳm, tôi cứ bám sát anh. Đi một lúc tôi đến một lán nhỏ dựng bên suối. Trong lán có một Ông Cụ mặc quần áo Nùng, trán cao, mắt sáng, râu dài, vẻ người hiền hậu nhưng rất quắc thước. Tôi chưa kịp chào Cụ đã bảo: “À! Cháu đã đến, cháu ngồi đây, chú cháu ta nói chuyện với nhau!” Chưa gặp tôi bao giờ nhưng không hiểu sao Ông Cụ lại hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Cụ nói đại ý:
Cháu bỏ nhà đi làm cách mạng là con đường đúng nhất, vì chỉ có hai con đường: “Một là chịu làm nô lệ để Pháp đè đầu cưỡi cổ, hai là đi làm cách mạng làm cho nước nhà được độc lập, được tự do, bình đẳng, được cơm no áo ấm, được học hành. Không đánh đuổi thực dân Pháp thì không thể nào có tự do - hạnh phúc, vì nước mất thì nhà tan, cháu có muốn ở nhà yên phận làm ăn, chúng cũng chẳng để yên. Chồng sẽ lìa vợ, cha phải lìa con. Nếu không bị bắt, thì cháu làm cũng không đủ nộp thuế, nộp sưu. Cháu có nhận thấy thế không hả? Bây giờ cháu nên nhớ, gia đình cháu là gia đình yêu nước. Ta cứu được nước, thì nhà cửa sẽ còn, hạnh phúc gia đình mới có. Cháu xót xa, chú cũng xót xa, nhưng không được buồn phiền. Phải tin tưởng ở tương lai mà phấn đấu. Chồng cháu sẽ có ngày về...
Khuyên bảo tôi xong. Bác đặt tên cho tôi là Trưng và nhận tôi là cháu: “Từ nay, Trưng là cháu của chú vào gọi chú là Chú Thu”.
Sao Chú Thu lại đặt tên cho tôi là Trưng? Có lẽ chú muốn nhắn nhủ trong lòng tôi noi gương Bà Trưng, Bà Triệu là những phụ nữ anh hùng của dân tộc ta. Sau đó, Chú Thu đưa cho tôi 3 đồng để mua vải may quần áo Nùng, mặc theo lối địa phương cho khỏi lộ. Tôi vô cùng cảm kích. Lúc ở nhà giam tôi mang nặng trong lòng nỗi buồn phiền gần như tuyệt vọng. Nhưng phải từ lúc gặp Chú Thu, tôi lại cảm thấy như con hươu trong cơn loạn lạc được gặp mẹ. Chú đã giúp tôi hết buồn phiền, khiến tôi tin tưởng vào tiền đồ cách mạng và mong muốn hoạt động nhiều hơn.
Từ đó, hằng ngày công việc dù bận mấy, Chú Thu vẫn dành 20 phút để dạy bảo tôi từ việc nấu ăn đến việc học tập chủ nghĩa cộng sản. Hồi còn ở nhà, tôi đã được chồng tôi và các đồng chí cán bộ bí mật tuyên truyền giáo dục, nhưng tôi còn hiểu hời hợt. Gặp Chú Thu, nhận thức của tôi về cách mạng ngày một mở rộng và sâu sắc thêm. Chú Thu còn giảng cho về nhiệm vụ của đoàn thể Việt Minh, còn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương thì Chú Thu giảng rất kỹ.
Đặc biệt Chú Thu giảng cho tôi nhiều và rất kỹ về vấn đề giải phóng phụ nữ. Tôi còn nhớ rất rõ lời Chú Thu: “Lực lượng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; ở nước ta phụ nữ chiếm một nửa nhân dân. Nếu không giải phóng phụ nữ thì cách mạng không thể thành công được”.
Học lý thuyết đến đâu, Chú Thu lại giao việc cho tôi thực hành ngay đến đấy. Khi báo cáo kết quả, có ưu điểm chú biểu dương, khuyến khích phát huy, có khuyết điểm chú giúp đỡ sửa chữa.
Sau khi nói về nhiệm vụ và kể những mẫu chuyện giáo dục tư cách cao quý của người đảng viên, Chú Thu thường hỏi lại tôi: “Cháu có làm được như vậy không?”. Nhiều việc tôi cảm thấy rất khó nhưng đều trả lời “Cháu làm được ạ” để có quyết tâm phấn đấu. Chú Thu căn dặn tôi: Muốn vận động quần chúng làm cách mạng thì phải hòa mình vào quần chúng tôn trọng phong tục tập quán của họ. Chú Thu kể cho tôi nghe một số gương tốt về công tác dân vận khác, đoạn chú giao cho tôi nhiệm vụ làm thân với chị em phụ nữ làng Pác Bó. Và thông qua chị em mà tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình làm quen với mọi người trong làng. Chú cho tôi tự định lấy thời gian. Công việc ấy quả thực khó, nhưng nghĩ tới công ơn giáo dục của Chú Thu, tôi mạnh dạn hứa xin một tháng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chú gật đầu: “Một tháng hơi nhanh, nhưng cháu cứ thử làm xem. Đúng một tháng sau, tôi hoàn thành nhiệm vụ và viết báo cáo gửi Chú Thu. Ngày hôm ấy, Chú Thu dành thời gian nghe tôi báo cáo công tác.
Ngoài công việc chú còn dành cho tôi tình cảm sâu rộng của một Người cha. Thỉnh thoảng, chú lại hỏi tôi: “Cháu có khỏe không? Cháu thèm ăn gì?”. Có lần tôi trả lời: “Cháu thèm ăn xôi lắm!”. Thế là Chú Thu bảo đồng chí Lộc đi lấy gạo nếp nấu cho tôi ăn. Tết năm ấy lần đầu tiên xa gia đình, tôi muốn về thăm mẹ, thăm em và bản làng. Nhưng Chú Thu không cho về. Chú khuyên tôi: “Bọn mật thám thường giăng lưới bắt cán bộ cách mạng vào dịp này, vì người thân thích thường hay sum họp vào ngày Tết. Cháu về tức là đem thân vào miệng cọp”. Tôi buồn quá, nước mắt cứ dàn ra. Chú Thu cũng ngậm mùi, lấy cho tôi chiếc khăn mùi soa có hoa đỏ và chiếc còng gà luộc. Chú bảo quà Tết của cháu đây. Cháu lau nước mắt đi rồi ăn còng gà. Ở gia đình cách mạng rồi cháu cũng sẽ vui như ở nhà mình thôi. Chú Thu đã thấu hiểu phong tục người Tày rất quý trẻ con: “Mổ gà bao giờ cũng để phần cho trẻ còng gà”. Chú đã nghĩ đến tôi, cưng tôi như cha mẹ cưng chiều con gái vậy. Tôi rất cảm động nên càng không ngăn được nước mắt. Chú Thu quay ra làm việc, thấy vậy nhưng không yên lòng chú quay lại nói: “Thôi nín đi, ra Giêng chú cho cháu về. Tình cảm gia đình ai mà không sâu lắng, nhưng vì lợi ích cách mạng, cháu phải biết nén lại mới được!”
Được kết nạp vào Đảng xong, tôi bắt đầu xa Chú Thu đi gây dựng cơ sở ở xã Hồng Việt và Kim Đồng. Đảng giao cho mỗi đảng viên trong một tháng phải phát triển được 30 hội viên nông, thanh, phụ cứu quốc. Hoạt động độc lập, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chính lúc ấy, những lời dạy bảo về kinh nghiệm của Chú Thu truyền cho đã giúp tôi vượt qua tất cả. Sau một tháng lặn lội với nhân dân, tôi đã phát triển được 41 hội viên các đoàn thể cứu quốc. Tôi luôn tâm niệm là phải lập nhiều thành tích công tác và rèn luyện quan điểm, lập trường, đạo đức của người cộng sản, mong ngày gặp lại Chú Thu, để Chú vui lòng. Trong khi đó, Chú Thu bắt đầu đi công tác xa. Tôi rất muốn hỏi các đồng chí xung quanh về tin tức của Chú Thu, nhưng nguyên tắc bí mật không cho phép...
Bác Hồ đến bản tôi - Dương Đại Lâm kể
… Lệ thường ở đây, ngày mùng một Tết nhà nào ở nhà ấy, cho đến ngày mùng hai thì bà con họ hàng gần xa mới đi lại thăm hỏi nhau. Chỉ có đám trẻ con thì ngay ngày mùng Một Tết, chúng đã tụ họp ở đầu làng, rồi cùng kéo đi chúc Tết các nhà, nhà nào nhà nấy phải sắp sắm tiền trình phong bao để mừng tuổi. Người lớn khi đến thăm hỏi nhau cũng chuẩn bị tiền mừng tuổi cho trẻ con.
Người hỏi tôi nhiều điều về phong tục ngày Tết của người Nùng. Cuối câu chuyện người bảo chúng tôi sáng mùng Một Tết chưa đi đâu thì rủ mấy thanh niên nam nữ lên lán chơi.
Hôm đi chúc Tết Người, chúng tôi chuẩn bị một số quà bánh mang lên biếu. Leo thang qua hai thác nước, đến gần lán, chúng tôi thấy xung quanh lán đã được dọn sạch tinh tươm. Ở một gốc cây to gần lán có đặt một phiến đá dán giấy đỏ viết chữ nho lại có bát hương lên khói y hệt một cái miếu thờ Thổ thần. Bên trong lán có tranh Phật bà Quan âm và câu đối đỏ dán ở vách. Chúng tôi mang quà cáp ra, rồi cứ thế ngồi nhìn quanh lạ lùng trước cảnh tượng ấy. Mãi sau này tôi mới hiểu nổi cái dụng ý của Người, ngụy trang nơi này như miếu thờ để đề phòng địch sục mới khỏi nghi ngờ, đồng thời cũng để nhân ngày Tết ai lên thăm có nơi mà cúng Tết theo phong tục địa phương.
Nói chuyện xong, chúng tôi xin phép ra về. Bây giờ Người mới lấy quà của chúng tôi mang lên để tặng lại. Không có quà gì của riêng mình, Người lấy quà của người này tặng lại cho người kia. Chúng tôi nhất định không nhận, nói sợ người già ở nhà quở, lại bắt mang đi mang lại, lúc ấy Người mới đồng ý. Người gửi lời chúc Tết người già và dân làng, người còn đưa những đồng trinh có phong giấy hồng điều bao gửi mừng tuổi đám trẻ con. Khi ra về, người dặn riêng tôi:
Đồng chí Vũ Anh sẽ xuống làng chúc Tết các gia đình, Đại Lâm nhớ dẫn đi từng nhà, nếu thiếu nhà nào, Đại Lâm chịu trách nhiệm.
Sau Tết ít lâu, bà của tôi vừa đúng 85 nhà có tổ chức lễ thượng thọ như Tục lệ xưa nay. Nghe tin, Người lại gọi tôi lên hỏi: Tổ chức như thế thì họ hàng gần xa có đến không, ăn mấy bữa, ở bao nhiêu lâu. Người lại hỏi thường thì con cháu họ hàng mấy giờ đến. Tôi thưa bà con họ hàng thường đến vào buổi xế chiều, ăn cơm xong thì lên đèn tức vào khoảng 4-5 giờ chiều.
Tôi tưởng Người hỏi thế để cho biết, không ngờ, hôm tổ chức lễ thượng thọ bà của tôi, thật là một hạnh phúc hiếm có cho gia đình tôi, Người đã bố trí công việc để đến chúc mừng. Người thường bảo chúng tôi: “Muốn làm công tác vận động cách mạng tốt, muốn cho mọi người nghe theo mình thì khi vào một gia đình nào đó, điều trước tiên là phải làm sao tranh thủ được lòng yêu mến của người già, người già mà đã yêu mến mình thì con cái họ cũng sẽ yêu mến mình, đồng thời lại phải làm cho đám trẻ con gần gũi, thân mật với mình, chúng gần gũi với mình thì bố mẹ chúng cũng gần gũi với mình.
Chiều hôm ấy, Người đến rất sớm, lúc đó vào khoảng 2 giờ trong khi nhà còn rất vắng khách. Người đã làm cái đèn lồng hoa bằng trúc, mang mừng bà của tôi, trò chuyện một lát đã xin phép ra về. Để giữ bí mật, Người đi đâu thường không báo trước, đến đâu thường đến sớm hơn mọi người rồi ra về trước để tránh những cuộc gặp mặt đông đúc.
Những ngày làm công tác ở cơ sở tôi vinh dự được “Đồng chí già” nhiều lần trực tiếp dạy bảo. Người luôn luôn có mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ với quần chúng, vì vậy quần chúng rất gần với Người, không hề cảm thấy có gì ngăn cách. Công tác huấn luyện quần chúng được Người tiến hành bất kể lúc nào, trong câu chuyện, trong việc làm thường ngày, có khi là những lời ngắn gọn như một châm ngôn. Những bài học ấy thường rất cụ thể và có hình ảnh sinh động, đi vào trí nhớ của chúng tôi rất nhanh. Thú thực mà nói có những vấn đề về Đảng, về giai cấp, về dân tộc, về kẻ thù ... mà chúng tôi đã được một số đồng chí cán bộ khác giảng dạy cho nghe, thật khó hiểu và rất rối... Cái đó không phải là lỗi của những người truyền đạt, mà chủ yếu là vì chúng tôi đã quá quen với một cách nói cụ thể và có hình ảnh, vốn là lối suy nghĩ đặc biệt của người miền núi. Đồng chí già lắm rất chắc đặc điểm ấy trong cách nhận thức của chúng tôi. Người biến những suy nghĩ đậm màu sắc triết học, những khái niệm trừu tượng đầy tính khái quát, những chủ trương đường lối và phương pháp cách mạng ngắn gọn, súc tích, thành cách nói mộc mạc, dễ hiểu cho quần chúng.
Có nên bàn về các đoàn thể cách mạng trong nước, Người nói:
Nhà thì phải có cột mới vững chãi. Các đoàn thể cách mạng cũng thế, phải có cái cột của nó mới đứng vững được, nghĩa là phải có Đảng lãnh đạo.
Người hỏi tôi:
- Đại Lâm có biết chủ nghĩa cộng sản là gì không?
Cộng sản, hai tiếng đó từ lâu đối với tôi vô cùng thân thiết, thiêng liêng. Tôi ngưỡng mộ, kính yêu những người cộng sản và cảm thấy cộng sản là gần gũi với những người nghèo khổ, cộng sản là con đường mà nước mình, dân mình sẽ phải đi theo. Nhưng định nghĩa thế nào cho cụ thể thì chưa thấy ai nói cho tôi hiểu rõ ràng. Nghe Người hỏi, tôi nghĩ lung tung mãi rồi đánh liều thưa:
- Cháu chỉ biết cộng sản là đánh Tây, đánh thổ phỉ để cho chúng không còn có thể cướp bóc hà hiếp nhân dân.
Người bảo tôi trả lời như thế có phần đúng, nhưng đó chỉ là việc trước mắt thôi, còn phải hiểu con đường cách mạng lâu dài. Người nói về nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản, về nỗi khổ của nhân dân, về đấu tranh giai cấp trong xã hội, về một thế giới đại đồng không còn có phân chia giai cấp, mọi người đều bình đẳng về quyền lợi, cùng chung hưởng hạnh phúc.
Một chân trời mới quyến rũ tôi trên chặng đường dài của cách mạng.
Rồi Người hỏi:
- Đảng ta tên gọi là Đảng gì?. Đại Lâm biết không?
Điều này tôi chưa được nghe ai nói bao giờ lên cúi đầu im lặng. Giọng Người thiêng liêng, từng lời in vào trí nhớ của tôi:
- Đảng ta là Đảng Cộng sản Đông Dương, là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản.
Tôi ngước lên nhìn Người, rạo rực một niềm kính yêu thầm kín, ngọn lửa cách mạng cháy bừng lên trong tâm hồn mộc mạc của tôi từ đây. Giọng Người vẫn chậm rãi, thiết tha:
Hiện nay đã nhiều nước có Đảng như ta, xong cũng có nhiều nơi phong trào đang gặp khó khăn. Đảng ta ngay từ khi mới ra đời, đã thừa hưởng được kinh nghiệm của nhiều thế hệ đi trước, của các nước theo chủ nghĩa cộng sản đàn anh và đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, có thành tích vẻ vang, nên đã được Quốc tế Cộng sản công nhận ngay.
Qua nhiều lần như thế, tôi dần hiểu biết hơn về Đảng, về chủ nghĩa cộng sản. Con người tôi như lớn hơn lên, lòng khao khát được đứng trong hàng ngũ của Đảng, của giai cấp công nhân ngày càng cụ thể rõ ràng như có thể sờ tay là thấy được. Từ đó tôi càng chịu khó tu dưỡng bản thân, tích cực công tác....
Đức Hiếu (Tổng hợp)