cac-du-an-luat-1

Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, Ảnh internet

7. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phí và lệ phí

Chiều ngày 25/11/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phí và lệ phí. Luật Phí và lệ phí quy định về danh mục phí và lệ phí; người nộp, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí và lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quản lý phí và lệ phí. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

8. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam

Chiều ngày 25/11/2015, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với 436 đại biểu tán thành trên tổng số 439 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt 88,26%, Quốc hội đã thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Đây là văn bản pháp lý bảo đảm quyền con người trong tạm giữ, tạm giam; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam hiện hành đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tạm giữ, tạm giam thông qua phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam.

Luật bảo đảm các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam như: Được bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, chăm sóc sức khỏe, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ, đồng thời, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành giam giữ; Chấp hành quy định của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.

9. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Trưng cầu ý dân

Cũng trong chiều ngày 25/11/2015, có 426 đại biểu tán thành trong tổng số 435 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt 86,23% Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Luật ra đời nhằm bảo đảm nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

10. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

Sáng ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòngvới tỷ lệ đồng ý là 84,82%.. Luật có 7 chương 52 điều,có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Đáng chú ý hơn cả là thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp đã có một số điều chỉnh.

Theo Luật này, thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau: Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp; phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.

Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Theo Luật quy định, danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân và viên chức quốc phòng được điều chỉnh như sau: Nam đủ 60 tuổi và Nữ đủ 55 tuổi.

11. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Chiều ngày 26/11/2015, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự bao gồm 10 chương, 73 điều, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối tượng áp dụng của luật gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân, cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11, Nghị quyết số 127/2004/NQ-UBTVQH11, Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 sửa đổi Điều 9 của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

12. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

cac-du-an-luat-2
Sáng 27/11/2015, với 415/435 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự
(sửa đổi) với việc bổ sung nhiều tội danh mới. Ảnh internet

Sáng ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) (BLHS) với tỉ lệ tán thành 84,01%. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 26 chương và 426 điều. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực.

Cụ thể, BLHS vừa được thông qua đã đưa ra quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…(quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40).

Ngoài ra, luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Những người phạm tội thuộc các trường hợp này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Bên cạnh đó, BLHS vừa được thông qua đã bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

13. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi)

Sáng ngày 27/11/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi (BLTTHS) với tỉ lệ tán thành 85,63%.Bộ luật này gồm 8 phần, 37 chương, 510 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.  Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức và cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. 

Bộ luật Tố tụng Hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Đáng chú ý, BLTTHS vừa được thông qua đã dành riêng một chương (Chương XVI) để quy định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt (từ Điều 223 đến 228) tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay. Các biện pháp này gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử...

Luật quy định chỉ áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt trong trường hợp điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

14. Quốc hội thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Sáng ngày 20/11/2015, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 10 chương và 91 điều, với 83,2% đại biểu tán thành.Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Luật này quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.Nguyên tắc hoạt động giám sát:Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả;không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

            15. Quốc hội thông qua dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi)

Với đa số đại biểu tham gia tán thành, dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) đã được thông qua chiều ngày 20/11/2015. Theo đánh giá chung, dự thảo luật Kế toán (sửa đổi) đã bảo đảm kế thừa Luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế.Luật Kế toán có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Luật Kế toán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 6 Chương, 74 Điều, quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

16. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật An toàn thông tin mạng

Trong phiên họp sáng ngày 19/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng.

 cac-du-an-luat-3
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng. Ảnh internet

Sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng đã còn lại 8 chương 54 điều (trước đây là 8 chương 62 điều). 

Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam. Luật An toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016./.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: