Từ trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mấy anh em bảo vệ và phục vụ chúng tôi được vinh dự là cùng sinh hoạt chi bộ với Bác. Thông qua những buổi sinh hoạt chi bộ, Bác đã dạy bảo và chúng tôi lớn lên từ những năm tháng đó.
Dạo ấy Bác làm việc nhiều lắm. Ban ngày đã vậy, ban đêm cũng thế, tối nào Bác cũng làm việc đến tận khuya, nhưng Bác vẫn gương mẫu sinh hoạt chi bộ rất đều đặn. Để không làm mất nhiều thì giờ của Bác, các buổi họp chi bộ chúng tôi thường tổ chức ngắn gọn, chương trình họp được chuẩn bị trước. Dù bận nhiều việc, Bác họp rất đúng giờ. Đến họp bao giờ Bác cũng đem theo cuốn sổ tay có ghi những ý kiến sẽ phát biểu về nghị quyết của chi bộ. Ở chiến khu không có hội trường, bàn ghế cũng không có, mỗi lần họp Bác cùng ngồi xếp vòng tròn quanh ngọn đèn dầu trên sàn nứa, cứ như buổi sum họp cha con trong gia đình vậy.
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960.
Ảnh tư liệu (Theo QDND.VN)
Lần nào họp chi bộ Bác cũng quan tâm đến việc giáo dục đảng viên, Bác chú ý chỉ cho chúng tôi những vấn đề mới để nâng cao tầm suy nghĩ của mọi người. Bác không nói dài, lời Bác như ánh sáng rọi đường giúp chúng tôi vững tin ở thắng lợi của cuộc kháng chiến và phấn khởi hướng về tương lai huy hoàng của Tổ quốc.
Một hôm, Bác nói về tình hình thế giới, Bác nói về Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sau khi đánh bại bọn phát xít trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại cứu loài người thoát khỏi hiểm họa chiến tranh, mấy trăm triệu nhân dân Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Đảng đang bừng lên khí thế mới, lao động quên mình để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng Tổ quốc, nhanh chóng trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, thành trì của hòa bình thế giới. Bác nói về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước anh em đối với cuộc kháng chiến của ta. Bác bảo sau này khi chúng ta đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, chúng ta sẽ cùng hợp tác chặt chẽ nhiều mặt với Liên Xô, với các nước anh em để kiến thiết đất nước ta. Rồi Bác nhấn mạnh:
Sự giúp đỡ của các nước anh em, bầu bạn rất to lớn và quý báu, chúng ta không bao giờ quên. Song điều quan trọng hơn nhiều là chúng ta phải tự lực cánh sinh, phải dùng bàn tay để xây dựng cơ đồ của ta.
Tầm nhìn của Bác rộng lớn quá, cho đến bây giờ, khi Đảng ta, nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng tôi lại càng thấm thía lới Bác dạy từ bao nhiêu năm trước.
Lần khác cùng mấy anh em quây quần bên Bác, Bác phân tích về cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Bác nhắc đến gương các cháu nhỏ, các cụ bạc đầu cũng tham gia giết giặc lập công và phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ và đều khắp từ đồng bằng Bắc Bộ, khu 5, đến Nam Bộ, Bác bảo:
- Chúng ta không chỉ có quân đội đánh giặc, già, trẻ, gái, trai đều thi đua giết giặc lập công, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Bác vừa nói vừa cười tươi nhìn chúng tôi. Bác nói tiếp:
- Đánh lâu dài phải gian khổ vất vả, Bác và các cháu phải chịu đựng gian khổ mới giành được thắng lợi. Từ nay đi đường xa các chú không được kêu mệt nữa nhé. Bác cũng như các chú là xương là thịt, đi xa cũng mệt. Nhưng mỏi mệt thì phải cố gắng chứ, than ngắn thở dài không giải quyết được cái gì mà còn làm ảnh hưởng đến người khác.
Bác cháu cùng cười vui vẻ, Bác lái câu chuyện về với chúng tôi. Chẳng là trong chúng tôi khi đi công tác xa phải gồng gánh đi bộ, lúc đầu có một số đồng chí không quen nên không vui lắm, thỉnh thoảng cứ than ngắn, thở dài. Bây giờ ngồi với Bác nghe Bác kể vậy chúng tôi mới thấy rõ thiếu sót của mình. Từ đó ai cũng hăng hái, đi xa bao nhiêu cũng vẫn vui vẻ, không còn tiếng than ngắn thở dài.
Tôi nhớ một hôm, lại cũng trong buổi họp chi bộ, Bác nói với chúng tôi về nhiệm vụ của người đảng viên, Bác bảo: “Cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta nhất định thắng lợi, ngày ấy không còn xa nữa. Khi nước nhà độc lập chúng ta quản lý cả đất nước, công cuộc xây dựng sẽ hết sức nặng nề và khó khăn. Cán bộ và đảng viên lúc đó phải có trình độ khá hơn bây giờ mới đảm đương nổi nhiệm vụ, cho nên mỗi chúng ta phải học tập, phải học tập chính trị và văn hóa, học tập công việc của mình làm. Không có chính trị thì không hiểu đường lối chính sách của Đảng, không biết thực hiện thế nào. Không có văn hóa thì không tiếp thu được khoa học kỹ thuật mới. Nếu không muốn làm ông bụt ngồi trong chùa thì phải cố mà học”.
Chúng tôi đi làm cách mạng với cái tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, nhưng lúc đó trình độ và hiểu biết còn ít lắm, căm thù đế quốc mà tham gia cách mạng, chứ đã hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp, là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đâu. Bây giờ Bác bảo phải học tập để xây dựng đất nước sau này, chúng tôi thấy cần thiết nhưng mà khó quá. Học cái gì, học thế nào? Bác biết chúng tôi còn băn khoăn, lúng túng, Bác lại chỉ ra cách học tập thiết thực, đi từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ từng người. Trước hết là học tập lẫn nhau, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít. Bác phân công anh Kỳ, anh Chiến dạy văn hóa cho chúng tôi. Còn học chính trị thì đích thân Bác phụ trách.
Bác bảo chúng tôi theo dõi báo chí, rồi chỗ nào chúng tôi không hiểu Bác giải thích thêm. Làm theo lời Bác chúng tôi tiến bộ dần lên.
Chúng tôi được lớn lên từ những buổi sinh hoạt chi bộ với Bác là như vậy đó.
Theo sách cận vệ Bác Hồ, NXB Công an nhân dân
Minh Nguyệt (st)