Sau ngày 30/4/1975 lịch sử, tuổi thơ chúng tôi biết đến Bác Hồ, qua những tác phẩm thơ ca, bài học trên sách giáo khoa và hình ảnh trên báo chí, mạng truyền thông. Khi lớn lên, có dịp về thăm quê Bác và được viếng Người trong Lăng thì mới cảm nhận được hết nếp sống giản dị, thanh cao của Bác, hiểu được triết lý sống của một con người vĩ đại.

ben-bac-long-ta-trong-sang-hon
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một lần về thăm quê Bác

Trong một chuyến đi dự hội thảo báo chí ở miền Trung, không riêng các nhà báo ở miền Nam mà cả ở miền Bắc cũng đều có chung ý tưởng về thăm quê Bác. Từ thành phố Vinh theo Quốc lộ 15A về hướng Tây khoảng 20 km, chúng tôi đến thăm làng Chùa (làng Hoàng Trù) - quê ngoại Bác, quê thân mẫu Bác Hồ là cụ Hoàng Thị Loan. Con đường dẫn vào nhà, hai bên là dậu dâm bụt được xén tỉa, tạo thành bức tường thiên nhiên màu xanh, điểm những bông hoa đồng nội. Trong ngôi nhà tranh nhỏ bé, giản dị, có chiếc chõng tre, có khung cửi mà thân mẫu của Bác từng vừa bế con vừa dệt vải; rồi bếp, rồi chạn bát, chiếc rương gỗ đựng lúa, ngô... Ngôi nhà ở làng Sen, tức làng Kim Liên, quê nội của Bác, rộng rãi hơn. Đây là ngôi nhà 5 gian bằng tre và gỗ, lợp tranh, được dựng năm đầu thế kỷ XX - năm 1901, lúc Bác Hồ 11 tuổi. Nghe kể, ngôi nhà được dựng nhờ công sức, đóng góp của dân làng làm quà tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ kính yêu, khi cụ đỗ Phó bảng, đem vinh dự về cho quê hương làng Sen.

Từ làng Chùa sang làng Sen - quê nội của Bác Hồ khoảng 1km qua hồ sen thơm ngát và giếng Cốc trong vắt. Làng Sen là một phần của Khu di tích Kim Liên. Chính ở nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng chứng kiến biết bao cuộc đàm luận của các sĩ phu về con đường cứu nước. Khu Di tích được trùng tu và xây dựng lại từ những năm 60 của thế kỷ 20, đến năm 1979 được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ Khu Di tích rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, có các điểm và cụm di tích cách nhau từ 2 đến 10 km; bao gồm ngôi nhà tranh nhỏ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Bác; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc Cụm Di tích Hoàng Trù); nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Ðiền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của Bác; các di tích cây đa, sân vận động làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu, Nhà tưởng niệm Bác Hồ (thuộc Cụm Di tích làng Sen); Khu tưởng niệm, phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Ðộng Tranh trên dãy núi Ðại Huệ và Cụm Di tích Núi Chung.

Khi về thăm quê Bác, ấn tượng để lại trong chúng tôi và nhiều du khách đến đây là gia cảnh nhà Bác, thuở thiếu thời ở làng quê dân dã, nhưng đã tạo cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ vĩ đại, một nhà lãnh đạo kiệt xuất với cuộc đời thanh cao vĩ đại! Giọng xứ Nghệ ngọt ngào như nước sông Lam của các cô hướng dẫn viên làm mọi người càng thêm xúc động khi kể về thời niên thiếu của Bác: "...Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối...

Xin được mượn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong sổ vàng lưu niệm nhân dịp Đại tướng về thăm quê Bác lần thứ 7 (năm 1993) để nói hộ cảm xúc bao người: "Về thăm quê Bác, nhớ vô cùng. Năm nay, tư tưởng của Bác càng thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi một cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Hình ảnh của Bác đang in sâu trong tim óc của mỗi người dân và cổ vũ mạnh mẽ toàn dân ta tiến lên, góp phần xây dựng, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh theo lòng mong ước của Bác". Khu di tích Kim Liên đã thật sự là điểm hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Con số hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm cho thấy sự ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu - một nhân cách vừa gần gũi thân thương, lại vừa lắng đọng thành văn hóa trường tồn mãi trong lòng người dân Việt.

Vào Lăng viếng Bác

Khi còn đi học, mỗi khi nghe bài hát nổi tiếng "Viếng Lăng Bác" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Viễn Phương, tôi thật sự xúc động trước cảm xúc rất thật của tấm lòng người con miền Nam hướng về Bác Hồ kính yêu! Chính vì lẽ đó, trong những chuyến đi công tác ở Hà Nội, tôi đều đến Lăng viếng Bác và sau mỗi lần vào Lăng viếng Bác, tôi thấy lòng mình thư thái hơn; đồng thời thầm hứa với Người sẽ sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác vào thế hệ trẻ.

Lăng Bác tọa lạc tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn, có mặt chính nhìn ra Quảng trường Ba Đình lịch sử. Lăng chính thức được khởi công ngày 2/9/1973 và khánh thành vào ngày 29/8/1975. Toàn bộ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 14 ha, khối Lăng cao 21,6m gồm ba lớp. Lớp dưới tạo dáng bậc thềm là lễ đài dành cho Đoàn Chủ tịch trong các cuộc mít tinh. Lớp giữa, phần trung tâm của Lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, cầu thang lên xuống. Lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Nhìn tổng thể Lăng có hình bông hoa sen cách điệu. Bước vào phòng ngoài, trước mặt trên tường đá hoa cương màu đỏ sẫm có hàng chữ vàng óng ánh "Không có gì quí hơn độc lập tự do", dưới đó là chữ ký quen thuộc của Bác. Lên hết cầu thang là tới phòng thi hài, nơi Bác an nghỉ. Phía đầu Bác nằm, trên nền tường ốp đá trắng gắn nổi hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Qua lớp kính trong suốt, Bác như vừa ngả lưng chợp mắt. Vẫn bộ quần áo ka-ki bạc màu.

Rời Lăng Bác, khách viếng thăm sẽ đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh (từ ngày 19/12/1954 đến ngày 2/9/1969), được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) ra Quyết định xếp hạng là Khu Di tích ngày 15/5/1975. Đặc biệt, sau khi vào tham quan Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (được thành lập ngày 12/9/1977), khách tham quan càng xúc động hơn được tận mắt chứng kiến những kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác, nhưng rất đỗi giản dị, thanh cao! Để rồi khi rời khỏi Lăng Bác, mỗi người con miền Nam đều có chung cảm xúc như nhà thơ Viễn Phương đã viết: "Mai về miền Nam thương trào nước mắt. Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi. Muốn làm con chim ca hát quanh Lăng Bác..." và "Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi. Mà sao nghe nhói ở trong tim?"

Nguyễn Hữu

Theo tiengiang.gov.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: