Chủ nhật, 22/12/2024

Duong cao ngon co 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên
(tháng 1-1964). Ảnh tư liệu.

Tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bao hàm ý nghĩa sâu sắc: Giải phóng dân tộc phải dẫn tới giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Điều đó có nghĩa trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta tìm thấy trong di sản Hồ Chí Minh những tư tưởng rất cơ bản về CNXH, mặc dù cho đến khi Người đi xa, sự nghiệp xây dựng CNXH chỉ mới ở bước đầu trên miền Bắc trong điều kiện cả nước còn phải lo đánh Mỹ.

Đối với Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH phải xuất phát từ những điều kiện cụ thể của đất nước, từ lịch sử dân tộc, từ con người Việt Nam. Khi miền Bắc bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chúng ta phải xây dựng CNXH trên cơ sở một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân phong kiến, hết sức lạc hậu và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền, trong điều kiện mà “đặc điểm to nhất” là đi từ sản xuất nhỏ đi lên. Người nói: “Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay”.

Hồ Chí Minh chỉ ra đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội - đó là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng. Song, Người không dừng lại ở đặc trưng chung nhất ấy. Với cách diễn đạt thật giản dị, mộc mạc, đông đảo quần chúng có thể hiểu được, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm của việc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Theo Người, xây dựng CNXH là dần dần từng bước thực hiện cho được những mục tiêu thật “bình thường”, thật “đơn giản”, không cao xa, to tát, rất thiết thực, nhưng hết sức vĩ đại. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ (ví dụ: Lấy vợ, lấy chồng sớm quá, cúng bái, liên hoan lu bù, lười biếng...). Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân là tiêu chí cao nhất của chủ nghĩa xã hội.

Những luận điểm về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh thật dễ hiểu mà rất sâu sắc, tiếp tục soi sáng sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Chúng ta vẫn đang tranh luận một số vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề các thành phần kinh tế và vấn đề tiêu chuẩn đảng viên. Trong 50 bài ngắn gọn và hết sức súc tích về Thường thức chính trị, Bác (lấy bút danh Đ.X.) viết và cho đăng nhiều kỳ trên Báo Cứu quốc năm 1953, đã đề cập hai vấn đề trên... Chúng ta cần nghiên cứu kỹ toàn bộ các bài viết đó của Bác, tất nhiên phải chú ý đến thực tế hiện nay, đặc biệt lưu ý hai vấn đề: Về thành phần kinh tế và về tiêu chuẩn đảng viên. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó những chỉ dẫn quan trọng và bổ ích. Ví dụ, về thành phần kinh tế, sau khi phân làm năm loại: A- Kinh tế quốc doanh...; B - Các hợp tác xã...; C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ...; D- Tư bản của tư nhân...; E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)..., Bác kết luận: “Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội, chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”.

Trong những di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, những luận điểm của Người về xây dựng Đảng là bộ phận cực kỳ quan trọng. Những tư tưởng về Đảng của Hồ Chí Minh hết sức phong phú, toàn diện, sâu sắc, sáng tạo.

Năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người khẳng định: Cách mệnh trước hết cần có Đảng. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Những luận điểm của Hồ Chí Minh về bản chất và mục đích của Đảng, về nguyên tắc tập trung dân chủ, về quy luật phát triển Đảng, về mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân, về công tác tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng, về tiêu chuẩn và tư cách đảng viên, về công tác cán bộ, về công tác huấn luyện, về phương pháp lãnh đạo và về lề lối làm việc của Đảng…, là những chỉ dẫn hết sức cơ bản, hết sức cụ thể, mãi mãi soi sáng đường cho công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Hồ Chí Minh đã thâu tóm thành 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng như sau:

“1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.

4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.

5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.

Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.

7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.

Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.

8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.

9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài.

11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.

12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Muốn cho Đảng được vững bền

Mười hai điều đó chớ quên điều nào”

Bàn về Đảng và công tác xây dựng Đảng, ngày nay chúng ta có thể nói và viết rất nhiều, bao nhiêu cũng không đủ, song chung quy lại không vượt quá ngoài 12 điều răn của Bác viết năm 1947, những vấn đề vẫn nóng hổi tính thời sự.

Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảng cầm quyền. Suốt 24 năm trên cương vị đứng đầu Nhà nước, đứng đầu một đảng cầm quyền, Người cùng tập thể lãnh đạo giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề lớn của quốc gia trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, ngoại giao, những vấn đề của kháng chiến, kiến quốc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong đó, vấn đề đảng cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề trung tâm then chốt nhất, được Người đặc biệt chú ý. Những tư tưởng, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền, và không chỉ thế, cả những việc làm thực tế và tấm gương đạo đức hằng ngày của Người trên cương vị lãnh tụ một đảng cầm quyền đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển học thuyết Mác - Lê-nin về Đảng nói chung và đặc biệt trong điều kiện đảng cầm quyền.

Điểm mấu chốt nhất, cũng là phức tạp và khó khăn nhất trong vấn đề đảng cầm quyền đã được Hồ Chí Minh giải quyết một cách cực kỳ sâu sắc, nhưng thật dễ hiểu. Cái khó đối với chúng ta là thực hành sao cho đúng tư tưởng của Bác, là làm đúng gương Bác đã làm. Đó là quan điểm “dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân”. Người chỉ rõ:

"Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sớm thấy nguy cơ đối với đảng cầm quyền không những là bệnh quan liêu, hách dịch, vênh váo lên mặt “quan cách mệnh”, mà cả những thói hư tật xấu khác rất dễ nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong những người có chức, có quyền, như bệnh địa vị, công thần, cục bộ địa phương, bè phái, cái thói “chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công”... Hồ Chí Minh chỉ rõ ba căn bệnh chính là tham ô, lãng phí, quan liêu - đó là những “thứ giặc nội xâm” mà chung quy tất cả những thói hư tật xấu trên đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Muốn cho Đảng trong sạch, Người chỉ rõ, phải “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, rõ ràng một bộ phận rất quan trọng là tư tưởng về đạo đức cách mạng. Ngay từ năm 1927, chuẩn bị thành lập Đảng, trong cuốn Đường Kách mệnh, sau khi dẫn lời Lê-nin về vai trò của lý luận cách mệnh tiên phong đối với Đảng tiên phong, Người mở đầu tác phẩm bằng mục lớn: “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó xác định những yêu cầu về đạo đức mà người cách mệnh phải có như: “Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất”. “Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm”. “Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”. Khi cách mạng đã giành được chính quyền và khi từ chiến tranh đã chuyển sang hòa bình xây dựng, những yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ, đảng viên chẳng những không giảm đi, trái lại càng tăng thêm, do đó Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng. Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời dặn cuối cùng của Người đã nói vắn tắt và đầy đủ về một điều cốt tử nhất trong xây dựng Đảng cầm quyền, nó quyết định vận mệnh của cả chế độ - đó là đạo đức cách mạng. Thực tế đang chứng thực những cảnh báo của Hồ Chí Minh về những nguy cơ mà các đảng cầm quyền, kể cả Đảng ta, có thể mắc phải, những lời cảnh báo thể hiện một nhãn quan vô cùng sáng suốt.

Hồ Chí Minh viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Song, một bộ phận không nhỏ trong Đảng không thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trượt ngã vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, trở thành những phần tử quan liêu, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, hối lộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Mọi người chúng ta đều hiểu sâu sắc tất cả tầm quan trọng của Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta đã đề ra để đạt cho kỳ được yêu cầu.

Muốn vậy, cần chú ý ba điểm:

1. Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh là “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thực hiện thành công Di chúc thiêng liêng của Người về chỉnh đốn Đảng.

2. Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh là ra sức phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh là giương cao ngọn cờ cách mạng và sáng tạo của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực hiện thành công lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

GS. NGUYỄN ĐỨC BÌNH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: