Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, bộ máy nhà nước. Theo Người, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng là một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, công chức, của toàn Đảng, toàn dân ta.
Do tính chất đặc biệt nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều biện pháp kiên quyết phòng, chống "thứ cỏ dại" này. Từ tác phẩm "Đường Kách mệnh" năm 1927, đến tác phẩm cuối cùng "Di chúc", Người đã có khoảng gần 200 bài nói, viết về công tác xây dựng Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đó là hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu để chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân kết tinh thành giá trị bền vững, đạt đến chiều sâu lý tính, có giá trị phổ quát và ý nghĩa đối với vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch, lành mạnh bộ máy nhà nước ta hiện nay.
1. Quan niệm về sự cần thiết phải chống chủ nghĩa cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng"(1). Theo Người, cái gì không phải chủ nghĩa xã hội là cá nhân chủ nghĩa; chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những "căn bệnh" làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân… Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình hai chữ "cộng sản" là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh".
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là "địch nội xâm", một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. "Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra"(2). Do vậy, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Cuộc đấu tranh đó không kém cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại xâm, có khi còn khó khăn hơn, bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp tinh vi trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi cá nhân và hành vi của mỗi cá nhân đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví "Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng tốt lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ"(3). Vì vậy, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
2. Tác hại, hậu quả và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ "ngăn trở" người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(4). Nguyên nhân sâu xa, xét đến cùng dẫn tới sự suy thoái biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: "Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân"(5). "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ"(6). Người kết luận: "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân"(7).
Chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện đa dạng, luôn biến hóa "muôn hình vạn trạng", bởi thế, có nhiều người mơ hồ cho rằng đó là căn bệnh người khác mắc phải, còn mình thì không. Tuy nhiên, dù biến tướng thế nào, vẫn có thể nhận diện được nếu hiểu nguồn gốc, bản chất căn bệnh này: "Chủ nghĩa cá nhân là một loại giá trị và nguyên tắc đạo đức, là hệ thống lý luận chính trị, kinh tế và đạo đức của giai cấp tư sản"(8). Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của xã hội cũ dựa trên chế độ tư hữu, là sự đối lập giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể. Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh "hữu danh vô thực" (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trong nhiều lĩnh vực: trong công việc, hoạt động lãnh đạo và quản lý; trong sinh hoạt; trong quan hệ với quần chúng nhân dân; trong thực hiện kỷ luật, chế độ công tác. Từ đó, dẫn đến nhiều hậu họa và sai lầm nghiêm trọng, trở thành nguy cơ của Đảng cầm quyền.
3. Những giải pháp chủ yếu phòng, chống chủ nghĩa cá nhân
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những giải pháp thiết yếu đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân là mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn học tập để nâng cao và thấm nhuần đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra và xem đây như là biện pháp để chống chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: "Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hành 4 chữ, đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính"(9) và trong xã hội mới "ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng"(10).
Thứ hai, nâng cao dân trí, thực hiện và phát huy quyền dân chủ thực sự và rộng rãi, tăng cường mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Đây là nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Quan tham vì dân dại"(11). Do thiếu hiểu biết nên nhân dân không có khả năng thực hành với tư cách của người làm chủ. Ngược lại, nếu họ hiểu biết nắm vững được pháp luật, nắm vững quyền làm chủ của mình, họ sẽ đấu tranh, bảo vệ quyền làm chủ của mình. Người khẳng định: "Phong trào chống tham ô, lãng phí quan liêu, ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công"(12). Đây là cách hiệu quả nhất để phòng chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, thường xuyên đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đây là vũ khí sắc bén và rất cần thiết để chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước. Người chỉ rõ, trong tự phê bình và phê bình phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; tự phê bình và phê bình có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng nhân cách của mỗi con người. "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng"(13).
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát cán bộ, đảng viên của các cơ quan nhà nước, thực hiện kỷ luật nghiêm minh của các tổ chức đảng. Nếu thiếu những điều đó thì con người dù làm bất cứ việc gì, ở bất cứ ngành nào cũng dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị suy thoái, hủ hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần phải có thái độ đúng đắn, nghiêm túc và giải quyết một cách hợp tình, hợp lý đối với những người mắc phải chủ nghĩa cá nhân, hủ hoá, suy thoái. Người cho rằng, "Tệ nhất là trong hàng ngũ cán bộ có một số ít đã tham ô, hủ hoá… Cán bộ nào mà tham ô, hủ hoá là có tội to với Đảng và Chính phủ, có tội to với nhân dân và có tội to cả với anh chị em cán bộ khác"(14). Đồng thời, họ làm hại danh dự của Đảng, của Chính phủ, của tất cả các cán bộ. Vì vậy, Đảng phải có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí mắc bệnh hủ hoá và Đảng cũng cần phải "luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài"(15). Theo Người, ai đã mắc bệnh hủ hoá thì phải hết sức kiên quyết sửa chữa, nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Người cho rằng: "Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hoá"(16).
Hiện nay, nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thuận lợi còn chịu sự chi phối từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Do đó, chủ nghĩa cá nhân có điều kiện phát triển với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhận định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp"(17). Chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người có chức quyền, đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội nhưng chậm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoặc có ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện; ở một số cấp ủy việc giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ hoặc mang tính hình thức. "Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có những diễn biến phức tạp"(18). Do thoái hóa về ý thức hệ, lý tưởng chính trị, biến chất về đạo đức, lối sống, để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trước thực trạng và yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần phải được đẩy mạnh và tăng cường, tập trung vào kẻ thù nguy hiểm nhất là chủ nghĩa cá nhân. Để chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng ta cần nhận thức, quán triệt một cách đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khoá XI (01/2011) của Đảng được ban hành thể hiện một quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta: "Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng"(19). Để thực hiện tốt quyết tâm chính trị đó, trên cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng và Nhà nước ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Tuyên truyền rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân ta về tác hại và những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, để từ đó nhận diện và có biện pháp ngăn chặn. Đẩy mạnh "việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân"(20). Xác định các tiêu chí về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên gắn với quán triệt Quy định về những điều đảng viên không được làm và chức trách, nhiệm vụ của từng người. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần có kế hoạch học tập thường xuyên, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện trung bình chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương sáng, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Hai là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cả hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên, phát huy sự gương mẫu của người đứng đầu. Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) đã xác định, các tổ chức đảng khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Quá trình tiến hành kiểm điểm phải bảo đảm thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, cách làm, thời gian mà Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra. Cấp trên phải làm gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau; các đồng chí trong thường vụ, cấp ủy viên cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, làm gương cho cấp dưới.
Ba là, không ngừng giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, có cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng. Đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng Đảng, cũng như trong việc phòng chống chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; có cơ chế khen thưởng những cá nhân, cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh, phê phán những hành động sai trái. Qua đó, góp phần phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Bốn là, coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức"(21). "Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định ít đi"(22). Vì vậy, Đảng ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát đúng và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú và khi công tác xa đơn vị, nhất là đi công tác nước ngoài; đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
Năm là, tăng cường tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước trong các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở cương vị, chức trách nào. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần giáo dục, răn đe đối với mọi cán bộ, đảng viên, góp phần đấu tranh, phòng ngừa những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tha hóa nhân cách. Nếu buông lỏng kỷ luật, sẽ dẫn tới có những đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức; coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như quy định của cơ quan, đơn vị; từ đó, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, lãng phí, xa dân, coi thường tập thể, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, cũng như sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.
PGS, TS. Phạm Ngọc Anh
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 10, tr.306.
(2), (11), (13), (15), (16), (22) Sđd, tập 5, tr.238-239; tr.641; tr.239; tr.250; tr.290; tr.287.
(3), (7) Sđd, tập 9, tr.448; tr.292.
(4), (5), (6), (10) Sđd, tập12, tr.557-558; tr.439; tr.438-439; tr.558.
(8) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước, Nxb LLCT, H. 2006, tr.318.
(9) Sđd, tập 7, tr.347.
(12) Sđd, tập 6, tr.495.
(14) Sđd, tập 8, tr.89.
(17), (18), (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.173; tr.185; tr.257.
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nxb CTQG, H.2012, tr.26.
(21) Sđd, tập 11, tr.300.
Theo http://tcnn.vn
Thu Hiền (st)