Chủ nhật, 22/12/2024


11 nhung Doan vien TNCS dau tien ky 1 anh
Thẻ đại biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV (15/7/1924) tại Matxcơva (Liên Xô) ảnh do Bảo tàng Các thế hệ trẻ cung cấp

1. Tìm về nguồn cội

Bác Hồ đã dạy: “Khi nói đến lịch sử Đoàn chúng ta nên đi ngược lên đến năm 1925”. Và cũng chính vì vậy khi nói đến những đoàn viên đầu tiên do Bác trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo chúng ta phải tìm về nguồn cội... Mùa Hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Nga dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V. Những người lãnh đạo Quốc tế Thanh niên Cộng sản (tổ chức này do V.I.Lênin trực tiếp sáng lập từ năm 1919) tha thiết mời Nguyễn Ái Quốc tham gia Ban trù bị Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV. Giữa bộn bề công việc đang đến với mình nhưng Nguyễn Ái Quốc không thể từ chối. Người yêu cầu lập ngay một nhóm làm việc trong đó có các đồng chí như Đa Lin, Phó Trưởng ban Ban Quốc tế của Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Trương Thái Lôi, người anh hùng của Công xã Quảng Châu (Trung Quốc) sau này v.v... Điều làm cho Nguyễn Ái Quốc hết sức trăn trở nhiều năm nay là tình trạng “Thiếu tổ chức và người tổ chức” ở các thuộc địa tuy “luồng gió mới” của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã làm dấy lên tinh thần đấu tranh ở những nơi còn phải chìm đắm trong đêm đen nô lệ; nhưng chỉ với tinh thần thôi mà “thiếu tổ chức, thiếu người tổ chức” thì liệu những người đang bị đọa đày ấy sẽ làm được điều gì? Ngày 15/7/1924, Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV diễn ra trọng thể tại Hội trường Công Đoàn ở Mát-xcơ-va. Nguyễn Ái Quốc với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch lãnh đạo Đại hội mang thẻ đại biểu số 94, đại biểu duy nhất của thanh niên Đông Dương và cũng là đại biểu duy nhất của toàn thể thanh niên các nước thuộc địa từ Á sang Phi đã phát biểu nhiều lần tại các phiên họp chung ở Hội trường. Song, giờ phút đáng nhớ và gây xúc động nhất chính là lúc Nguyễn Ái Quốc trình bày bản dự thảo “Luận cương về thanh niên thuộc địa” do chính Người chủ trì soạn thảo(1). Chỉ một năm sau, tác giả chính của “Luận cương về thanh niên thuộc địa”(2) nổi tiếng ấy có mặt ở Quảng Châu. Tại “Thủ đô cách mạng của Châu Á” này, Nguyễn Ái Quốc đã mở trường, cho xuất bản báo để bồi dưỡng, đào tạo các lớp thanh niên yêu nước Việt Nam từ Tổ quốc mình dũng cảm vượt qua vòng vây của kẻ thù đi tìm chân lý cứu nước. Từ giờ phút này (giữa năm 1925) Nguyễn Ái Quốc bắt đầu quá trình chuẩn bị sáng lập một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam cùng một tổ chức thanh niên cộng sản Việt Nam làm đội hậu bị cho Đảng, làm lực lượng nòng cột cho phong trào thanh niên yêu nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy Bác Hồ đã dạy : “Khi nói đến lịch sử Đoàn chúng ta nên đi ngược lên đến năm 1925”(3) và cũng chính vì vậy khi nói đến những đoàn viên đầu tiên do Bác trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo chúng ta phải tìm về nguồn cội.

2. Từ 8 thiếu niên ngày ấy

11 nhung Doan vien TNCS dau tien anh 2
Đồng chí Hồ Tùng Mậu (thứ 4 hàng 2 từ phải sang) người thực hiện chỉ thị
của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở lại Thái Lan (năm 1926) chọn một số
thiếu niên sang Quảng Châu đào tạo. Ảnh do Bảo tàng Các thế hệ trẻ cung cấp

Từ những năm 1924 đến 1926, phong trào yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ có sự bùng phát gây cho bọn thực dân và phong kiến không ít hoang mang, lo sợ. Tiếng bom Sa Diện mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc Lanh (Merlin) của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái tuy không thành nhưng như Trần Dân Tiên nhận định: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân”. Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Hội Cách mạng Thanh niên Việt Nam (trước đây gọi là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”), tổ chức tiền thân của Đảng ta. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Đảng và dân tộc. Trường huấn luyện chính trị do chính Người chủ trì cùng các đồng chí cộng sự Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn... ra đời thu hút nhiều lớp thanh niên yêu nước vượt biên giới đến học rồi trở về nước hoạt động, xây dựng tổ chức. Với cương vị là người theo dõi phong trào cách mạng các nước Châu Á, Nguyễn Ái Quốc biết được lúc này ở vùng Đông Bắc Thái Lan đang có nhiều đồng bào ta do bị thực dân Pháp khủng bố phải lánh sang nước bạn. Họ là những người yêu nước từng tham gia hoặc ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp do các sĩ phu lãnh đạo. Họ luôn canh cánh trong lòng tinh thần phục quốc, họ mở trường học cho con em, mời các thanh niên từng “Đông Du” ở Nhật về dạy. Mùa Hè năm 1926, Nguyễn Ái Quốc, lúc này mang bí danh là Lý Thụy cử Hồ Tùng Mậu, người đồng chí thân thiết của mình trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên Cộng sản Đoàn. Đến Thái Lan, Hồ Tùng Mậu liên lạc được với cụ Tú Đặng tức Đặng Thúc Hứa, một sĩ phu chủ chốt trong “Quang phục Hội” truyền đạt ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Việc lựa chọn được thực hiện rất thận trọng, duy có một học sinh làm mọi người băn khoăn vì còn nhỏ tuổi quá (mới 12). Song cuối cùng, xét về cả tư chất và thân nhân, Hồ Tùng Mậu quyết định đưa vào danh sách. Đó chính là Lê Hữu Trọng. Nhóm thiếu niên học sinh đầu tiên người Việt từ Đông Bắc Thái Lan đến Quảng Châu rất sung sướng, vui mừng được gặp ngay đồng chí Lý Thụy. Đúng hơn, đây có thể coi là một cuộc “đoàn tụ” giữa những người thân trong gia đình. Để đảm bảo tính hợp pháp và nguyên tắc bí mật, cả nhóm có bí danh và đều mang họ Lý. Đó là: Lê Hữu Trọng mang bí danh Lý Tự Trọng; Đinh Chương Long mang bí danh Lý Văn Minh; Vương Thúc Thoại mang bí danh Lý Thúc Chất; Hoàng Tự mang bí danh Lý Anh Tự (có lúc đọc lệch là Tợ); Ngô Trí Thông mang bí danh Lý Trí Thông; Ngô Hậu Đức mang bí danh Lý Phương Đức (nữ); Nguyễn Thị Tích mang bí danh Lý Phương Thuận (nữ); Nguyễn Sinh Thản mang bí danh Lý Nam Thanh.

3. Kế hoạch đào tạo lâu dài

Tại tầng hai ngôi nhà 13A phố Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), đồng chí Lý Thụy yêu cầu Tổng bộ Hội Cách mạng thanh niên mà cụ thể là đồng chí Lê Hồng Sơn tổ chức một lớp học chính trị ngắn ngày...

11 nhung Doan vien TNCS dau tien anh 3
Ngôi nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người đã tổ chức các lợp huấn luyện chính trị cho thanh niên
và 8 thiếu niên (từ năm 1925 - 1927). Ảnh do Bảo tàng Các thế hệ trẻ cung cấp

Sau khi thành lập, hầu như tuần nào đồng chí Lý Thụy cũng đến thăm lớp. Người thường kể về các tấm gương anh hùng của dân tộc như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung và cả Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám cho học sinh nghe. Người còn yêu cầu tổ chức cho học sinh tham quan cảnh đẹp, thăm mộ Phạm Hồng Thái… và sinh hoạt văn nghệ. Những tháng Hè và thời gian học chính trị qua nhanh. Thực hiện chủ trương đào tạo có hệ thống của đồng chí Lý Thụy, các đồng chí trong Tổng bộ đã liên hệ đưa 8 học sinh vào học tại Trường Trung học Trung Sơn (Quảng Châu) trong lúc chờ đợi việc tiếp tục học tập tại Liên Xô. Ngày 22/7/1926, đồng chí Lý Thụy gửi một bức thư cho Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin: “Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu niên Việt Nam… các em còn nhỏ nhưng đã đau khổ nhiều, các em đã để cha mẹ ở nhà hàng ngàn cây số để bí mật đến Trung Quốc…”. Thư đề nghị bạn nhận đào tạo những “Thiếu niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam” này thành những “chiến sĩ Lêninnít trẻ tuổi” và đề xuất kế hoạch tiếp nhận rất cụ thể, chi tiết. Dưới thư ký tên: Nguyễn Ái Quốc và ghi địa chỉ của Người: “Nilốpxki – Hãng Thông tấn Rôxta Quảng Châu, Trung Quốc”. Cùng ngày, đồng chí Lý Thụy còn gửi cho đồng chí đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản về việc Người đã gửi thư cho Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đề nghị tiếp nhận một số thiếu niên Việt Nam để đào tạo cùng lời yêu cầu đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp liên hệ với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin ủng hộ chủ trương của Người. Dưới thư ký tên: Nguyễn Ái Quốc, nhưng ghi địa chỉ với tên là Lưu (không phải là Nilốpxki) cùng cơ quan là Thông tấn xã Rôxta Quảng Châu, Trung Quốc. Qua hai bức thư này chúng ta càng thấy rõ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm và kiên trì chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, lớp thiếu niên học sinh Việt Nam đầu tiên nhằm chuẩn bị tiến tới xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở nước ta đến mức nào. Lời đề nghị của Người đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin đáp ứng thuận lợi. Tuy nhiên, khi kế hoạch đưa các học sinh Việt Nam sang Liên Xô đang được chuẩn bị triển khai thì ngày 15/4/1927, sau khi Tôn Trung Sơn mất, phái hữu (phản động) trong Quốc dân Đảng Trung Quốc phá vỡ sự hợp tác Quốc - Cộng, làm đảo chính ở Quảng Châu.

4. Vượt qua thử thách trở thành đoàn viên

11 nhung Doan vien TNCS dau tien anh 4
Lý Tự Trọng (dấu +) cùng các học viên trường võ bị Hoàng Phố viếng mộ
 liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương (Trung Quốc)

Không chịu khuất phục trước sự phản bội hèn hạ của bọn phản động Quốc dân Đảng, ngày 11/12/1927, một cuộc khởi nghĩa làm chấn động thế giới đã nổ ra ở Quảng Châu. Theo lời kêu gọi của Ban Chấp hành tỉnh ủy Đảng cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông và chủ trương của Tổng bộ Hội Kách mạng thanh niên, 8 học sinh Việt Nam tại Trường Trung Sơn cùng với hầu hết học viên Việt Nam Trường võ bị Hoàng Phố đã sát cánh với các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc cùng đội ngũ công nhân và quần chúng cách mạng chiến đấu quyết liệt với quân đội của bọn phản động. 8 học sinh Việt Nam Trường Trung Sơn chia thành từng nhóm gia nhập các đội tuyên truyền, liên lạc, tiếp vận... phục vụ quân khởi nghĩa. Đây là cuộc thử thách quyết liệt đầu tiên đối với họ. Lúc đầu Lý Phương Đức và Lý Tự Trọng tham gia vào đội liên lạc, nhưng sau đó Trọng xin cấp vũ khí và tham gia đội tự vệ công nhân trực tiếp chiến đấu trên các chiến lũy dựng lên khắp các đường phố. Song khởi nghĩa Quảng Châu sớm bị dìm trong bể máu do lực lượng và trang bị chênh lệch. Quân khởi nghĩa rút ra khỏi thành phố. Rất nhiều chiến sĩ cách mạng Trung Quốc và Việt Nam có mặt ở Quảng Châu, trong đó có các học sinh Việt Nam Trường Trung Sơn bị bọn phản động bắt giam, tra tấn... Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức và các anh chị khác đều khảng khái hỏi lại chúng: “Chúng tôi chỉ là học sinh, các ông bắt chúng tôi về tội gì?”. Không một ai hé ra nửa lời, kiên cường chịu đựng đòn roi. Các cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bị lộ đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống khủng bố đòi trả tự do cho những người bị bắt. Với tinh thần quốc tế, các đồng chí đã tìm các luật sư có tiếng lúc ấy bảo vệ cho các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam. Không có bằng chứng nên cuối cùng bọn phản động phải trả tự do cho các đồng chí ta trong đó có hầu hết học viên Trường võ bị Hoàng Phố và học sinh Việt Nam Trường Trung Sơn do trong hồ sơ đều ghi rõ là quê ở Quảng Đông. Một bộ phận các đồng chí cách mạng Việt Nam đã học ở Hoàng Phố chuyển về căn cứ địa Đông Giang tham gia xây dựng Hồng quân công nông Trung Quốc như Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn... Bộ phận khác phân tán đi vào quần chúng làm công tác vận động cách mạng. 8 học sinh Trường Trung Sơn buộc phải thôi học và cũng thực hiện việc phân tán theo các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Qua thử thách trong đấu tranh thực tiễn, 8 học sinh Việt Nam đều lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Lý Tự Trọng là người đoàn viên thứ 8 do đến năm 1929, Trọng mới đủ 15 tuổi. Trước yêu cầu mới, Trọng rời Quảng Châu sang Hương Cảng làm công nhân ở bến tàu giúp các đồng chí ta nối đường dây liên lạc về trong nước và đi các nước. Một số đoàn viên khác trong lớp 8 đồng chí đầu tiên về sau tìm được cách sang Liên Xô tiếp tục học tập theo chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trước đây.

5. Họ đã sống và chiến đấu như thế

11 nhung Doan vien TNCS dau tien anh 5
Ban Bí thư Trung ương Đoàn gặp mặt thân mật 2 nữ đoàn viên trong
 số 8 đoàn viên thuộc lớp đầu tiên nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đoàn
Lý Phương Thuận (thứ 2 hàng 2 từ phải sang), Lý Phương Đức
(thứ 2 hàng 3 từ phải sang). Ảnh do Bảo tàng Các thế hệ trẻ cung cấp

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở lại Hương Cảng để chuẩn bị chủ trì hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Lý Tự Trọng được đồng chí Ung Văn Khiêm đưa về Sài Gòn hoạt động. Số đoàn viên còn lại (trong 8 đồng chí nêu trên) tiếp tục công tác ở Quảng Châu và tại tỉnh Quảng Đông cùng các đồng chí cách mạng Việt Nam trong số đó có nữ đoàn viên Lý Phương Thuận lúc này lấy tên là Lý Tam hay còn gọi là cô Ba. Sau hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thành công tốt đẹp, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện với chính cương, sách lược, điều lệ... mở ra thời kỳ mới cho cách mạng nước ta. Do một sơ suất từ bên ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Tống Văn Sơ bị mật thám Anh bắt giữ và đứng trước nguy cơ bị chúng trao cho mật thám Pháp theo sự dàn xếp, đeo bám của thực dân Pháp. Cùng bị bắt với Tống Văn Sơ có đoàn viên Lý Phương Thuận (Lý Tam). Mặc dù bị tra hỏi và đe doạ gắt gao kể cả đòn roi, Lý Phương Thuận nhất mực không khai báo nửa lời, giữ tròn khí tiết của người đoàn viên thanh niên cộng sản. Luật sư Lô-dơ-bai nổi tiếng đã vượt qua nhiều khó khăn cứu thoát Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù với lòng cảm phục nhà lãnh đạo cách mạng lớn của Việt Nam. Ông bà Lô-dơ-bai đã hết lòng giúp Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ trở lại Liên Xô... Lý Tam vô tội trở lại với đội ngũ chiến đấu của mình và sau Cách mạng Tháng Tám trở về nước công tác. Ngày 17/4/1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp kết án tử hình do trước đó (ngày 8/2/1931), anh đã bắn chết tên mật thám Pháp cáo già khét tiếng tàn bạo Lơ-gơ-răng trên đường phố Sài Gòn nơi có sân bóng đá La-ra-nie. Trước bọn quan toà thực dân, Lý Tự Trọng ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”. Các thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước theo anh và các đồng chí của anh coi đó là bản Tuyên ngôn bất diệt trên con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 10 năm sau, kể từ ngày 17/4/1931, quân đội của Phát xít Đức tiến sát thủ đô Mát-xcơ-va trong đại chiến thế giới lần Thứ 2. Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự (tức Tợ), ba trong số 8 đoàn viên đầu tiên cùng các đồng chí Việt Nam khác đang học tập và làm việc tại Liên Xô tình nguyện tham gia Sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô. Cả ba đồng chí đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam Mát-xcơ-va và đều được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Vệ quốc cao quý. Trong các cuốn biên niên sử của Đoàn ta, Đội ta, 8 đoàn viên ấy – “tám cháu hiếm hoi từ bước đầu” do Bác Hồ kính yêu bồi dưỡng, đào tạo mãi mãi là 8 đoá hoa ngát hương trong rừng hoa rực rỡ của triệu, triệu chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân vì lý tưởng của Đảng, của Bác. Hãy nhận lấy và nhân lên niềm tự hào và sự vinh quang không dễ gì có được này.

6. Đoàn ta ra đời

Tại hội nghị hợp nhất thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Người và các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác vận động thanh niên. Cùng với việc thông qua Chính cương, sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng, hội nghị đã thông qua Điều lệ Thanh niên Cộng sản Đoàn. Trong Điều lệ của Đảng ghi một điều quan trọng: “Người dưới 21 tuổi phải vào Thanh niên Cộng sản Đoàn”. Hội nghị còn nêu rõ trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với công tác xây dựng Đoàn. Quán triệt tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, tháng 10 năm 1930, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thảo luận và thông qua một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử mở ra thời kỳ mới trong quá trình xây dựng tổ chức Đoàn. Đó là “Án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động”. “Án nghị quyết” đã chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp của tất cả các đảng viên cộng sản bằng một câu khẳng định như sau: “... Phải làm cho hết thảy đảng viên hiểu rằng công việc thanh niên cộng sản Đoàn là một việc cần kíp, quan trọng như việc Đảng vậy...”. Ngày 20/4/1931, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nhận được một bức thư quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài gửi về trong đó Người nhắc nhở Trung ương về việc phải khẩn trương xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn. Đặc biệt, trong thư Người đã thông báo cho Trung ương biết số lượng đoàn viên trong cả nước đến lúc ấy là 942 đồng chí (trừ hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang bị địch khủng bố ác liệt sau khi bùng nổ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - chú thích của Người viết). Cuối thư Người chỉ thị: “Tôi đề nghị cần kíp nhất là thống nhất Thanh niên Cộng sản Đoàn... làm cho họ có sinh hoạt độc lập”. Ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ rất phù hợp và thống nhất với chủ trương của Trung ương về quá trình xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, làm tăng thêm tầm quan trọng, tính khẩn trương của vấn đề. Vào mùa Xuân năm 1931, ở thời điểm từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta tiến hành Hội nghị lần thứ 2. Tại hội nghị này Trung ương đã dành nhiều thời gian trong những ngày cuối để thảo luận và tiếp tục có những quyết định quan trọng về công tác thanh vận như chính thức chỉ định một đồng chí trong Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách công tác vận động thanh niên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai vạch rõ: “...Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức ra Đoàn, đốc xuất chi bộ tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn...”. Trước đây, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất (2/1950) quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm làm ngày kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn. Đó là ngày ra đời của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba (1961), Ban Bí thư Trung ương Đoàn (khóa II) quyết định thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn nhằm từng bước làm sáng rõ những vấn đề quan trọng trong lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên nước ta trong đó có việc xác định một cách khách quan, khoa học thời điểm ra đời của Đoàn phù hợp với thực tiễn lịch sử. Được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 đã thảo luận và biểu quyết lấy ngày 26/3/1931, một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai làm Ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hàng năm đúng với thực tiễn lịch sử đã diễn ra.

Ghi chú:

(1) (2) “Nguyễn Ái Quốc là tác giả chính bản Luận cương về thanh niên thuộc địa” - trích luận án Phó Tiến sĩ sử học mã số 50304 của Văn Tùng công bố trên báo Nhân Dân số ra ngày 8/4/1990 nhân tiến tới kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1990.

(3) “Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam”, NXBTN-2004-tr.5.

Nhà sử họcVăn Tùng
Theo Báo Tiền phong
Kim Yến (Tổng hợp) 

Bài viết khác: