Chuyen ve mot chiec la bàn anh
Chiếc la bàn

Năm 2005, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được ông Thanh Vân ở số nhà 12, hẻm 1, ngách 195, tổ dân phố 67, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội tặng một chiếc la bàn. Ông Thanh Vân (tên thật là Nguyễn Văn Tiêu), nguyên là Đại tá Quân đội, Trưởng ban Ban Lịch sử quân sự Quân khu Thủ đô, nay đã nghỉ hưu. Theo ông Vân, chiếc la bàn này là một kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã kể về chiếc la bàn này như sau:

Khoảng đầu năm 1950, đồng chí Vũ Kỳ - nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch điều động về làm thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội và được Thành uỷ Hà Nội phân công làm Trưởng ban Ban Thống nhất địch vận của Đảng bộ. Về mặt chính quyền, đồng chí Vũ Kỳ được sinh hoạt trong cơ quan Chính trị thuộc Mặt trận Hà Nội (tức cơ quan quân sự của Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ), gọi tắt là Ban Địch vận Mặt trận Hà Nội và được bổ nhiệm là Trưởng ban Chính trị, trực tiếp làm Trưởng ban Ban Địch vận. Khi đó, ông Thanh Vân là trợ lý cán bộ thuộc Ban Chính trị, sau được bổ nhiệm làm Trưởng Tiểu ban Hành chính - Ban Quân sự Mặt trận Hà Nội. Vào khoảng cuối năm 1951, ông Vân được điều động sang làm Chánh Văn phòng Ban Thống nhất Địch vận Hà Nội, và cũng từ đó đến năm 1953 ông Thanh Vân trực tiếp được sống và làm việc bên cạnh đồng chí Vũ Kỳ.

Vào khoảng giữa năm 1953, đồng chí Vũ Kỳ được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động trở lại Việt Bắc để giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên xung phong. Khi rời Mặt trận Hà Nội, đồng chí Vũ Kỳ có tặng cho ông Thanh Vân một chiếc la bàn và nói: “Mình rời Hà Nội, chả có gì kỷ niệm những ngày anh em được sống và làm việc với nhau, cậu giữ lại cái la bàn này. Trông giản dị thế thôi, nhưng khi dùng nó đi tìm phương hướng sẽ không bao giờ lầm đường, lạc lối”. Từ đó ông Vân có chiếc la bàn này và giữ gìn nó suốt 52 năm.

Chiếc la bàn tuy cũ nhưng nguyên vẹn. La bàn có hình tròn, đường kính 4,5cm, mặt la bàn được đậy bằng lớp kính cũng có hình tròn. La bàn được đặt trong một chiếc hộp gỗ hình vuông có cạnh 6,5 x 6,5 cm. Trên mặt hộp gỗ có dòng chữ viết tay, bằng bút máy mực xanh Cửu Long “Kháng chiến nhất định thắng lợi-1953, Thanh Vân”. Dòng chữ này là của ông Thanh Vân. Theo lời kể của ông thì, từ năm 1953 đến năm 1984, đã 31 năm, ông vẫn đinh ninh cho rằng đây là vật kỷ niệm của đồng chí Vũ Kỳ tặng riêng cho ông. Nhưng cho đến dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tháng 10-1984, nhân buổi gặp mặt anh chị em Ban Địch vận Mặt trận Hà Nội (cũ) tại Văn phòng Thành uỷ Hà Nội ở số 4 Lê Lai, thuộc quận Hoàn Kiếm, ông Thanh Vân đã gặp lại đồng chí Vũ Kỳ. Trong buổi gặp mặt ấy, ông Thanh Vân có nhắc lại chuyện được đồng chí Vũ Kỳ tặng chiếc la bàn. Lúc đó, đồng chí Vũ Kỳ thảng thốt kêu lên: “Chà chà! Chiếc la bàn đó là của Bác Hồ đấy, không phải là của mình đâu! Lâu ngày quá rồi, mình nghĩ mãi mà vẫn không ra. Những ngày đi theo Bác làm việc ở Chiến khu, Bác có giao cho mình giữ 3 thứ: Chiếc ấn để đánh dấu vào sách báo riêng của Bác, khẩu súng ngắn 7 ly 62 và chiếc la bàn. Đến giờ mình chỉ còn giữ duy nhất là chiếc ấn, còn khẩu súng ngắn và chiếc la bàn không nhớ đã giao lại cho ai. Cậu phải đem giao lại ngay cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mình sẽ bảo anh em trong cơ quan đến gặp và làm việc với cậu”, rồi đồng chí Vũ Kỳ còn nói vui: “Nếu cậu không giao lại, mình sẽ không bao giờ cho cậu vào thăm Nhà sàn của Bác Hồ đâu”. Hiểu được điều này, ông Thanh Vân đã rất xúc động, tự hào và trân trọng giữ gìn bên mình chiếc la bàn như một kỷ vật của Bác Hồ và chờ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến để làm thủ tục nhận lại chiếc la bàn, nhưng chờ mãi không có người đến nhận. Năm 2005, ông đã thông báo cho đồng chí Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch về chiếc la bàn và tháng 6-2005, ông Thanh Vân đến trao tặng cho Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chiếc la bàn này.

Từ lời kể của ông Thanh Vân và qua một số nhân chứng khác như ông Cù Văn Chước - nguyên Trưởng phòng Quản trị - Hành chính, Văn phòng Chủ tịch Nước, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (Rất tiếc chúng tôi chưa có dịp được làm việc với đồng chí Vũ Kỳ để hỏi thêm về việc này), và qua xác nhận của các nhân chứng, chúng tôi cho rằng chiếc la bàn này đã từng là đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nó đã được Người sử dụng như thế nào, vào thời gian nào là vấn đề cần phải nghiên cứu. Nếu đồng chí Vũ Kỳ giao cho ông Thanh Vân chiếc la bàn năm 1953 thì có nhiều khả năng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nó từ năm 1953 trở về trước. Qua xem xét cụ thể, chiếc la bàn có dáng vẻ thô sơ, tự tạo, không phải được sản xuất bằng máy móc nên khó xác định nguồn gốc xuất xứ.

Trong thời gian kiểm kê kho tư liệu của đồng chí Vũ Kỳ, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu tìm thấy một hiện vật là chiếc ấn bằng gang màu đen, có núm cầm, rộng 4cm; dài 6,5cm; cao 4cm và một số viên đạn súng lục, một số viên đạn pháo sáng. Rất có thể đây là chiếc ấn mà đồng chí Vũ Kỳ đã nói với ông Thanh Vân. Điều này cũng giúp chúng tôi có thêm nguồn tư liệu để tiếp tục nghiên cứu chiếc ấn này.

Chiếc la bàn là hiện vật rất có ý nghĩa, cần được đưa vào bảo quản và tiến hành tục tiến nghiên cứu để lập hồ sơ khoa học. Qua chiếc la bàn có thể thấy thêm những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống và làm việc ở chiến khu, trong Chiến dịch Biên giới và góp phần nghiên cứu về cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hương (st)

Bài viết khác: