Chủ nhật, 22/12/2024

Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, hàng năm mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19 tháng 5, nhân dân trên khắp cả nước lại có dịp bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta. Đã có rất nhiều hình thức kỷ niệm được tổ chức như: Mít tinh, viết báo, sáng tác thơ ca, thi đua lao động sản xuất và giết giặc lập công v.v... làm náo nức lòng người.

tang pham dac biet anh 1
Trang nhất báo “Toàn dân kháng chiến” – số đặc biệt
nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1948

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ một tờ báo đặc biệt in trên vải lụa: Báo “Toàn dân kháng chiến”, số ra kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 48 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1948). Tờ báo là tặng phẩm của anh chị em Nhà in Lê Hồng Phong (Sài Gòn - Gia Định) tặng mừng sinh nhật Bác. Hồi đó bên cạnh những tờ báo được in bình thường trên giấy, anh chị em đã có sáng kiến in thêm 2 tờ báo trên vải lụa Tô Châu, một tờ để gửi tặng mừng sinh nhật Bác, một tờ lưu giữ để làm kỷ niệm. Tờ báo hiện có tại Bảo tàng chính là quà tặng Bác Hồ, được Văn phòng Phủ Chủ tịch trao về lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trước đây và nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tờ báo có 8 trang, kích thước 25cm x 36cm. Nội dung gồm hơn 10 bài viết về Bác Hồ với nhiều thể loại như chính luận, kể chuyện, thơ, hồi ức, tư liệu… Trên trang nhất của số đặc biệt này in trang trọng và nổi bật chân dung Bác Hồ với khuôn mặt gày xương xương, vầng trán cao và đôi mắt rực sáng, cương nghị; phía trên cùng trang in tên báo “Toàn dân kháng chiến”. Dọc theo bên trái của bức chân dung Người có dòng chữ số: 19-5-48, sát lề dưới trang in dòng chữ: “Số Sinh nhật Hồ Chủ tịch”.

Tại trang hai của tờ báo đăng Điện văn của ông Trần Văn Thời, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh hội Gia Định và Điện văn của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Gia Định thay mặt hơn 100 ngàn hội viên chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung những bức điện văn thể hiện lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc của đồng bào Nam bộ đối với Bác Hồ và kính chúc Người “trường thọ, mạnh khoẻ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lăng của dân tộc mau đến ngày thành công”. Dưới bức điện văn của ông Trần Văn Thời ghi rõ: “Từ một khu độc lập, ngày 01-5-1948”. Trên trang hai tờ báo cũng in trong khung bức thư cảm ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Nam bộ. Trong thư, Người bày tỏ lòng biết ơn đồng bào đã và đang hy sinh tranh đấu “để giữ gìn Tổ quốc, để tranh cho kỳ được thống nhất, độc lập và dân chủ”. Người nhấn mạnh: “Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Tôi và Chánh phủ cùng đồng bào các nơi sẽ luôn luôn đồng tâm hiệp lực với đồng bào, dù sông cạn đá mòn, dù gian nan cực khổ mấy chúng ta quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa. Chúng ta quyết giữ vững nền dân chủ, quyết giành cho được thống nhứt và độc lập”. Trên trang 2 còn có bài: “Em là cháu Bác Hồ” của tác giả L-Th, kể các câu chuyện về tình cảm của thiếu nhi đối với Bác Hồ kính yêu.

Tại trang 3 và 8 tờ báo có bài "Nhân lễ sanh nhật Chủ tịch phải xác định lại lập trường V.N" của Ban Biên tập tòa soạn, trong đó xác định lập trường của Chính phủ về các vấn đề về “nội trị”, “binh bị”, “kinh tế”, “tài chánh”, “văn hóa”, “ngoại giao”. Cũng ở trang 3 còn đăng bài nhiều kỳ: “Hồ Chủ tịch với” của Tác giả Trọng Tuyển. Tác giả bài báo tổng hợp những tư tưởng, quan điểm và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các giai cấp, các giới như với nhà báo, nông gia, địa chủ, các tôn giáo...

Không chỉ đăng những bài chính luận, tại trang 4 báo “Toàn dân kháng chiến” có bài thơ ca ngợi Bác Hồ như: “Chiếc áo lụa của cha già” (tác giả Xuân Miền, viết ngày 29-8-1947 (Rút trong tập “Khói lửa phương Nam”) và bài "Hồ Chí Minh" của Nhị Hà, trong đó phân tích bài thơ “Hồ Chí Minh” của nhà thơ Tố Hữu ca ngợi công ơn của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam. Trên trang 5 tờ báo có bài của Tô Hà: “Nhớ bức thư xưa” kể về bức thư của đồng chí Ung Văn Khiêm, kêu gọi các chiến sĩ thực hành tiết kiệm, học tập tấm gương Bác Hồ.

Nhìn chung các bài đăng trên tờ báo này đều nói về lòng kính yêu, niềm tin và biết ơn sâu sắc của đồng bào Nam bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần quyết tâm kháng chiến và khao khát mong đến ngày đất nước hoà bình thống nhất để được rước Bác vào thăm. Cảm động nhất là bài “Cụ Hồ vào Sài gòn” của Mạc Phổ (trang 6 và 7). Trong bài, tác giả kể lại giấc mơ của mình về một ngày vui thống nhất, đồng bào miền Nam được tưng bừng đón Bác Hồ vào thăm. Với hình thức văn tường thuật, câu chuyện tưởng tượng của tác giả như là có thật. Mở đầu bài viết tác giả tường thuật lại không khí của Sài Gòn đón Bác với những đoạn văn: “Cụ Hồ Chí Minh vào Sài Gòn! Hồ Chủ tịch vào Nam Bộ!”. Dân chúng miền Nam chỉ chờ đợi có bấy nhiêu. Toàn dân Nam Bộ reo mừng đón tin như cây khô gặp nước”. “Hôm ấy, ngày Cụ Hồ vào Nam, từ 6 giờ sáng, Sài Gòn đã là một rừng người, đơm bông đỏ rực, chen nhuỵ vàng. Người là người, cờ là cờ, cuồn cuộn trên trên các nẻo đường Đại lộ Cộng hoà, Ba lê công xã, Đô hội Việt Minh... Những bảng, buồm, biểu ngữ uốn éo như những con sóng trắng sắp vỡ tung trên biển máu luôn luôn xáo động: “Hồ Chí Minh muôn năm” “Nam Bộ chào mừng Hồ Chủ tịch” “Sài Gòn kính chào công dân thứ nhứt của Việt Nam” “Kính chào vị anh hùng cứu quốc, vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh”.

tang pham dac biet anh 2
Trang 4 và 5 báo “Toàn dân kháng chiến”, năm 1948.

Tác giả Mạc Phổ còn tưởng tượng và miêu tả chi tiết cảnh Bác Hồ xuất hiện trước đồng bào với những đoạn hết sức cảm động như: “Một chiếc phi cơ bốn máy hiện ra. Từ triệu buồng phổi, những tiếng hò reo vang dậy: Sung sướng quá! Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào con chim sắt như muốn nuốt lấy nó. Màu Nhôm trắng bạc chói ngời dưới ánh mặt trời đẹp quá; nó phải đẹp vì nó là phi cơ riêng của Hồ Chủ tịch. (Dân Việt Nam chẳng những yêu quý Cụ Hồ mà quý mến tất cả cái gì có dính dáng đến Cụ, cái áo lót của Cụ chẳng có người mua đến 40000 đồng đó sao?). Chiếc phi cơ càng đáng yêu quý hơn nữa vì nó đang chở Cụ Hồ vào viếng “Thành đồng Tổ quốc” tên danh dự mà Cụ tặng cho Nam bộ anh dũng trong thời kháng chiến. Cả triệu cặp mắt trìu mến nhìn theo, bao nhiêu tâm trí đều bay theo chiếc phi cơ về phi trường Tân Sơn Nhứt.”

“A! Cụ Hồ! Cụ Hồ! Kia kìa! Đâu? Đâu? Đâu?. Bác Hồ đây nè tụi bay ơi! A! Hồ Chủ tịch! Hồ Chí Minh muôn năm - Hồ Chí Minh muôn năm!

“Cụ Hồ trông quen quá, mặc dầu chúng tôi chưa được cái diễm phúc thấy Cụ lần nào cả.

Tấm trán rộng mênh mông, má hóp. Cụ Hồ hôm nay cũng mặc một bộ đồ ka ki vàng cổ đứng. Còn có vị Chủ tịch nào bình dân hơn Cụ Hồ nữa? Bộ râu lưa thưa phơ phất, cái bộ râu đủ cho người ta nhận ra Cụ Hồ, đủ cho dân chúng tín nhiệm tiêu xài giấy bạc Việt Nam rách bét, dán tứ tung chỉ chừa lại có bộ râu Hồ Chủ tịch. Cặp mắt sáng của Cụ nhoà lệ hẳn vì cảm động trước sự vồn vã quý hoá của đồng bào Nam bộ. Cái con người không vợ con, không nhà cửa phiêu lưu gian truân suốt đời vì cách mạng, ai ngờ lại còn nước mắt để hai ba lần khóc vì Nam bộ”.

Kết thúc câu chuyện, tác giả đưa độc giả trở về với hiện thực với tâm trạng đầy luyến tiếc nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Ùm! ùm! ùm!” những tiếng ca nông 105 ly bên thành pháo thủ nổ vang, xé nát không trung, chào mừng Hồ Chủ tịch. Tôi bỗng mở mắt ra, chưng hửng. Trời ơi, đó chỉ là một giấc chiêm bao. Nam bộ vẫn còn oai hùng kháng chiến. Và tiếng cà nông xen lẫn tiếng moọc chê 81 ly của đoàn vệ quốc bắn vào các đồn giặc để ăn mừng lễ sanh nhựt Hồ Chủ tịch.

Hôm qua, dự lễ về, tôi nằm mơ, nhưng biết đâu đó chẳng là giấc mơ chung của đồng bào Nam bộ???”.

Tờ báo “Toàn dân kháng chiến”, tặng phẩm của anh chị em Nhà in Lê Hồng Phong mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 là một trong những kỷ vật thiêng liêng, thể hiện lòng kính yêu lãnh tụ của đồng bào Nam Bộ và khát vọng hoà bình, thống nhất, độc lập của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hiện vật sẽ mãi là di sản văn hoá của dân tộc và được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trân trọng giữ gìn.

Hoàng Vĩnh Hạnh (Phòng QLHV)

Theo bao tanglichsu.vn
Kim Yến (st)

                                                         

Bài viết khác: