Trong không gian trưng bày của Bảo tàng Thái Bình, hiện vẫn còn lưu giữ hàng trăm hiện vật lịch sử có giá trị của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng có một hiện vật được chúng tôi đặc biệt chú ý, đó là bức thư của người liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính, quê ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, được anh viết bằng máu để gửi tặng Bác Hồ vào năm 1949. Trong thư Nguyễn Đình Chính đã viết:
Kính tặng: Hồ Chủ tịch
Thưa cha.
Đây là một cảnh âm cung trên dương thế con chụp được gởi kính tặng cha công bố cho thế giới thấy bằng cớ xâm lăng của nước Pháp mới.
Lần thứ nhất, chúng kết án tử hình con vào ngày 10-10-1947. Con sống trong cảnh này đến ngày 19-5-1948 chúng đưa con ra trước công lý xâm lăng lần thứ 2, tặng thêm cho con 1 án tử hình nữa. Con vẫn cười đọc bản điều trần “ME = Moire DEDEF ENSE” giải rõ ý niệm tranh thù độc lập của Việt Nam và đưa cái công lý xâm lăng của chúng ra ánh sáng kết luận. Con tuyên bố trước mặt chúng “Tôi rất sung sướng và lấy làm vinh dự được chết cho nước tôi; chúng tôi tin tới lúc chết: Nước Việt Nam sẽ độc lập! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!”.
Bức thư của anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Đình Chính gửi tặng Bác Hồ
Dẫu thời gian đã trôi qua hơn sáu thập kỷ, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã cách đây hơn 60 năm. Nhưng hôm nay, được đọc lá thư này, chúng tôi không khỏi xúc động về một thế hệ thanh niên yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí phách chiến đấu anh dũng, niềm tin chiến thắng bất diệt vào sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liệt sĩ Nguyễn Đình Chính từng bị quân Pháp bắt vào làm lính thợ tại Hải Phòng và bỏ trốn vào Sài Gòn làm công nhân nhà máy Ba Son từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại đây, Nguyễn Đình Chính cùng các anh em công nhân liên tục tổ chức bãi công, sau đó gia nhập hàng ngũ cách mạng tại Thủ Dầu Một, đảm nhiệm huấn luyện lực lượng dân quân du kích địa phương. Sau hai lần bị giặc bắt làm tù binh, anh đã vượt ngục trở về Sài Gòn và gia nhập Ban Trinh sát quân chính khu 7. Khoảng đầu năm 1946, Nguyễn Đình Chính được giao làm Chỉ huy Ban Công tác 1 (đơn vị tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn sau này) và đã tổ chức nhiều trận đánh bí mật, bất ngờ khiến giặc Pháp hoang mang. Danh tính của người chỉ huy táo bạo, dũng cảm Nguyễn Đình Chính cũng từ đó được mật thám địch theo dõi và săn lùng gay gắt. Và rồi, đầu năm 1947, trong một lần công tác lẻ, Nguyễn Đình Chính đã bị bắt vì sa vào ổ phục kích của địch.
Mặc dù bị tra trấn dã man, bằng nhiều thủ đoạn tàn độc, nhưng chúng vẫn không khuất phục được anh. Ngày 9-2-1949, giặc Pháp quyết định đưa anh ra pháp trường khám Chí Hòa xử bắn. Trước khi hy sinh, Nguyễn Đình Chính đã kịp viết một lá thư bằng máu gửi tặng Bác Hồ với tất cả lòng kính trọng và niềm tin tất thắng về cách mạng Việt Nam ngày mai. Ghi nhận khí tiết kiên cường, lòng dũng cảm hy sinh của người chiến sĩ cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Đình Chính đã được Đảng, Nhà nước ta truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bài, ảnh: MẠNH DŨNG
Theo http://qk3.qdnd.vn
Kim Yến (st)