Chủ nhật, 22/12/2024

Thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến những làn sóng chính trị dồn dập từ phong trào giải phóng dân tộc, mà đi đôi với nó là sự khẳng định chủ quyền quốc gia, cùng phong trào dân chủ hóa xã hội - vốn đi kèm với nỗ lực tự do hóa quyền chính trị và dân sự. Nếu làn sóng dân chủ hóa đã tạo ra ở phương Tây những triết gia kiệt xuất trong thế kỷ XX thì làn sóng thứ nhất lại thúc đẩy sự xuất hiện những anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại. Hồ Chí Minh chính là một nhân vật lịch sử như thế. Nhưng, hơn cả một nhân vật lịch sử vốn thường bị giới hạn bởi chính thời đại lịch sử của mình, tư tưởng của Hồ Chí Minh có sức sống và ảnh hưởng lớn lao vượt qua khuôn bó của những điều kiện lịch sử. Tư tưởng ấy lấy độc lập, tự do làm căn bản xuyên suốt mọi quan điểm về các vấn đề cách mạng, và như thế, đã chạm tới cùng lúc hai xu hướng lớn nhất của thế kỷ là giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi mọi hình thức áp bức nô dịch. Giới hạn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bài viết này góp phần tìm hiểu tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975). Như thực tế lịch sử đã chứng tỏ, tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh không bao giờ tách rời ý niệm và ý chí về sự toàn vẹn của một nước Việt Nam thống nhất. Trên bình diện lý luận và trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tư tưởng độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Hồ Chí Minh luôn soi sáng con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Tổ quốc Việt Nam.

1. Tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh - nhân tố nền tảng của sự nghiệp giải phóng Tổ quốc

Cuối thế kỷ XIX, trước cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Ái Quốc, cũng như lớp tinh hoa của dân tộc, đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong những năm bôn ba ở hải ngoại, Người đã nhìn thấy nỗi đau mất nước, nỗi thống khổ bị xâm lược, bị đô hộ và bóc lột không chỉ của nhân dân Việt Nam, mà còn của rất nhiều dân tộc phụ thuộc, nô lệ khác trên thế giới. Từ đó, Người hiểu rằng, độc lập, tự do là khát vọng của mọi con người, của mọi dân tộc bị áp bức? Cũng chính từ đó, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Và ý chí giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho nhân dân mình đã trở thành phương châm chỉ đạo toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.

Trong quá trình tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc, khi gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc nhận ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2). Thông qua các hoạt động thực tiễn của mình, Người đã từng bước vận dụng sáng tạo những tư tưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện và phát triển những luận điểm của mình về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, mà trong đó tư tưởng độc lập, tự do là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp lực lượng, tập hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước và giải phóng triệt để con người.

Khi giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới nhân tố cốt lõi nhất, quan trọng nhất là vấn đề dân tộc với nội dung cơ bản là chủ nghĩa dân tộc hướng tới chủ nghĩa cộng sản; xác định rõ “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(3). Về phương diện đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề dân tộc không đơn thuần chỉ là vấn đề giai cấp nông dân mà cốt lõi là vấn đề ruộng đất. Người hiểu sâu sắc về tính độc đáo của cách mạng thuộc địa và đặt cuộc cách mạng này trong mối quan hệ với xu hướng của nhân loại là vấn đề độc lập, tự do. Bởi vì, với một nước thuộc địa, sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân sẽ làm cho mâu thuẫn dân tộc trở thành mâu thuẫn chủ yếu, chi phối mọi mâu thuẫn khác và đẩy nó đến mức độ đòi hỏi phải được giải quyết. Việc giải quyết mâu thuẫn này sẽ dẫn đến sự bùng nổ của cuộc cách mạng với động lực kép của độc lập cho dân tộc và tự do cho con người. Hơn nữa, trong hoàn cảnh Việt Nam, muốn giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trước tiên phải xoá bỏ ách áp bức dân tộc. Chính phong trào dân tộc - phong trào bắt nguồn từ lòng yêu nước, lại sẽ khơi dậy và phát huy lên tầm cao mới sức mạnh tiềm tàng của chủ nghĩa yêu nước và kết hợp được chủ nghĩa yêu nước với phong trào giải phóng giai cấp – giải phóng con người trong thời đại mới. Người cũng nhìn nhận, sức mạnh vĩ đại của dân chúng ở thuộc địa chỉ có thể khơi dậy và hiện thực hóa nó bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bằng chiến tranh nhân dân khi họ được giác ngộ, được tổ chức theo một đường lối đúng đắn và bằng những giải pháp hiệu quả. Tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh được đúc kết “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân - tư tưởng đó kết tinh của những khát vọng cháy bỏng và cũng là mục tiêu cốt tử mà những dân tộc, những con người bị áp bức, bị phụ thuộc trong trường kỳ đấu tranh luôn luôn hướng tới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do không thể tách rời với sự thống nhất đất nước, với non sông liền một mối. Khi tiếng súng kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vang lên, Hồ Chí Minh đã khẳng định với toàn thể dân tộc Việt Nam, với lương tri thế giới: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”(4), “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(5). Với Người, đất nước, núi sông Việt Nam là một khối thống nhất, Bắc - Trung - Nam không thể phân chia, kết đoàn ba miền như con một cha, nhà một nóc, no đói, rách lành sẻ chia, đùm bọc, “không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta...” và Người đặt cả tâm trí mình “luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho toàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu...”(6). Trái tim của vị lãnh tụ đã cùng một nhịp đập với hàng triệu con tim của mọi người Việt Nam yêu nước. Một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu phấn đấu suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ý chí, là nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Mục tiêu và ý chí đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, kết thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm cho đất nước đương đầu và vượt qua bao thử thách lớn lao. Nói cách khác, tư tưởng độc lập, tự do và ý chí thống nhất Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam là nhân tố nền tảng tạo ra và nhân lên sức mạnh to lớn đánh bại ý chí của kẻ thù xâm lược.

2. Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam ruột thịt

Cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, một nửa đất nước sạch bóng ngoại xâm, song cả dân tộc vẫn chịu nỗi đau chia cắt do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc nhưng trái tim Hồ Chí Minh chưa phút nào yên, vì miền Nam còn bị quân thù giày xéo. Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam... không một giờ, một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà”(7). Giải phóng miền Nam thống nhất non sông giờ đây trở thành mục tiêu hàng đầu của mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi và đó cũng chính là quyết tâm không lay chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. “Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh... ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”(8); “Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(9); “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”(10). Cả dân tộc cùng với Hồ Chí Minh đã không hề nao núng trước khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, kiên định con đường độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã lựa chọn tươi sáng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(11).

Đau đáu về miền Nam, về sự nghiệp thống nhất nước nhà, một ngày đất nước chưa thống nhất, một ngày miền Nam chưa được giải phóng là một ngày Người ăn chưa ngon, ngủ chưa yên. Người chưa thể vui khi một nửa cơ thể Việt Nam bị cắt chia, khi một nửa máu của máu Việt Nam chưa hòa về một mối. Người xin tạm hoãn việc trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, khi Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, vì đất nước chưa được độc lập, đồng bào miền Nam vẫn khổ đau, rên xiết dưới ách kẻ thù: “Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”(12). Tương tự, khi Quốc hội nước ta quyết định trao tặng Người Huân chương Sao vàng (tháng 5-1968), Người đã chối từ với tâm sự làm xúc động triệu triệu con tim: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”(13).

Với tình cảm sâu nặng, thiết tha “miền Nam trong trái tim tôi”, ngay từ những ngày đầu tiên về lại Thủ đô, Người lập tức chỉ đạo tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước, vì “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta”(14). Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược được tiến hành đồng thời ở hai miền Nam, Bắc: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi”(15). Xuyên suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới (sau tháng 7-1954), Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của cách mạng Việt Nam: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”, “phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”(16). Người kêu gọi: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”(17). Người vững tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, vững tin vào đồng bào, chiến sĩ miền Nam: “...Quân và dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào miền Nam mấy chục vạn quân nữa”(18). Nhân thắng lợi của Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Người căn dặn: “Thắng lợi đầu Xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi! Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai! Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa?”(19). Cho đến những ngày sắp đi xa, Người vẫn giữ một niềm tin sắt đá: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(20). Niềm tin ấy, khát vọng ấy thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt - “thành đồng Tổ quốc” và trở thành sự thôi thúc trong tâm khảm mỗi người dân hai miền đất nước cùng phấn đấu cho ngày mai thống nhất nước nhà. Đó cũng là động lực mạnh mẽ cho toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khó khăn, lâu dài, gian khổ, song nhất định thắng lợi.

Được soi sáng bởi tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất non sông của Hồ Chí Minh; được củng cố bằng niềm tin thắng lợi không gì lay chuyển được cuộc chiến đấu bền bỉ và anh dũng của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rực lửa biểu thị ý chí, nghị lực, sức mạnh quật cường của cả một dân tộc. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tư cách là hậu phương lớn, bên cạnh việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đã tỏ rõ sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội mới ưu việt được xây dựng trong khói lửa chiến tranh. Miền Bắc thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam, nhất là trong những lúc cách mạng miền Nam bị tổn thất, gặp nhiều thử thách, khó khăn.

Sức mạnh to lớn của toàn dân, toàn quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên những chiến công vang dội: Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972. Những chiến công ấy của quân và dân ta làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đối phương, buộc đối phương dù còn rất ngoan cố và rất hiếu chiến vẫn phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam... Sau Hiệp định Pari, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc đang chuyển biến mau lẹ, “một ngày bằng hai mươi năm”. Chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước, kiên quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hướng ra tiền tuyến lớn, miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn của mình cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Trên chiến trường, quân dân ta mưu trí, dũng mãnh tiến công. 11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng. Một lần nữa, sức mạnh Việt Nam - sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại ngời sáng. Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, đất nước thu về một mối. Từ đây, Nam, Bắc sum họp một nhà, chung vui niềm vui thống nhất. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam về một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sau những năm dài trường kỳ kháng chiến đã trở thành hiện thực. Trong ngày vui đại thắng rợp cờ hoa, Người không kịp có mặt - đó là nỗi niềm bùi ngùi trong mỗi người dân Việt Nam, song, tư tưởng của Người, tình cảm của Người mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

3. Sức mạnh của tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước Hồ Chí Minh trong quá khứ và hiện tại

Tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng nhất quán và chủ đạo trong toàn bộ hoạt động lý luận và thực tiễn của Người. Tư tưởng ấy có xuất phát điểm vì con người, vì dân tộc; lấy con người, lấy dân tộc làm động lực, mục tiêu. Độc lập, tự do, thống nhất là quy luật phát triển và tồn tại của dân tộc Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của mọi người Việt Nam yêu nước; của khối đại đoàn kết 54 dân tộc trên toàn cõi Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh quy luật phát triển và tồn tại ấy. Khi bàn về thất bại của nước Mỹ - một đất nước trong 200 năm lập quốc chưa từng nếm mùi thất bại, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra trong tác phẩm Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và bài học Việt Nam đã nhận ra sai lầm của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là ở chỗ quá tin tưởng vào sức mạnh quân sự - kỹ thuật, “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy nhân dân Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Trong Tổng kết chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng rút ra kết luận rằng, “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó, Chính phủ Việt Nam cộng hoà chỉ còn lại ngọn cờ chống cộng”. Điều đó lý giải một cách đầy đủ, thuyết phục cho căn nguyên thất bại của đế quốc Mỹ tại một đất nước nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế và quân sự đều ở một khoảng cách khá xa so với nước Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới. Điều đó cũng lý giải tại sao giữa những ngày chống Mỹ đầy gian lao, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh tỏa ra sức mạnh hội tụ toàn thể dân tộc đoàn kết một lòng, dốc sức đánh giặc vì sự toàn vẹn của non sông, vì khát vọng về một nền thái bình bền vững của một nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu mạnh. “Tinh thần cao cả của Người đã khiến cho ngay cả những kẻ thù địch với Người cũng phải kính trọng, khâm phục, và hơn ai hết, Người đã tập hợp được chung quanh tên tuổi của Người những cuộc đấu tranh và những niềm hy vọng của những người bị áp bức trên khắp trái đất”(21).

Gần bốn mươi lăm năm đã qua kể từ ngày Đại thắng. Đó cũng là quãng thời gian đủ dài với một đời người, một đất nước. Đó cũng là những năm tháng cam go, đầy thử thách. Những thành tựu trong sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập với thế giới, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, khu vực ngày càng tăng... cho phép mỗi người Việt Nam chúng ta tự hào. (...)Trí tuệ, sự đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân Bắc - Trung - Nam và cả một bộ phận không nhỏ kiều bào ở nước ngoài tiếp tục làm nên nội lực, làm nên sức mạnh Việt Nam. Công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước hiện nay đang đặt cách mạng Việt Nam trước những điều kiện thuận lợi mới nhưng cũng nhiều thách thức mới. Trong điều kiện đó, việc cố kết lòng người, cố kết toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận và khối đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa trọng đại. Trên vấn đề này và trong quá trình đó, tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tinh thần hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc “Bắc Nam sum họp một nhà” của Hồ Chí Minh lại một lần nữa khẳng định giá trị và tỏa sáng bởi tính nhân văn và đạo lý. Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần vượt qua những rào cản, những chướng ngại, những định kiến, để vững tin trong nhận thức và vững bước trên con đường hòa hợp dân tộc. Chúng ta không xóa mờ quá khứ, nhưng hãy khép lại quá khứ, bắc một nhịp cầu qua cái hố sâu ngăn cách ấy để mọi người gần lại với nhau hơn. Sự chân thành, tư duy chính trị đúng đắn, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết để hòa giải và hòa hợp là con đường dẫn tới một tương lai tốt đẹp, tự do, một xã hội công bằng, dân chủ, giàu mạnh, văn minh- mục đích mà Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình, như thế giới luôn tôn vinh Người: “Tên tuổi đồng chí Hồ Chí Minh đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì một nước Việt Nam tự do và thống nhất. Người đã nguyện hy sinh tất cả để thực hiện cho kỳ được mục đích cao cả đó. Người đã quên mình để đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người”(22).

 Nguồn: Bộ Quốc phòng - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.186-197.

  ___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.161.

2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.314; t.l, tr.466.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246, t.12, tr.516.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.77.

7, 8, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.158-159; t.4, tr.79; t.4, tr.134; t.8, tr.198; t.12, tr.108.

12, 13, 14, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.312-313; t.11, tr.62; t.8, tr.71; t.10, tr.64.

16, 17, 18, 19, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.407; t.11, tr.435; t.11, tr.562; t.12, tr.332; t.12, tr.506.

21. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1970, t.II, tr.99.

22. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Sđd, t.III, tr.15.

Đại tá, PGS.TS. HỒ KHANG
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Kim Chi (ST)
Nguồn: Báo Đảng Cộng sản

Bài viết khác: