Chủ nhật, 22/12/2024

Chuyên viên Văn phòng Trung ương
Đảng Cộng sản Liên Xô những năm 1975 – 1988 

…Tính cách và phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể nào nói hết được trong một vài câu. Có thể dùng những từ ngữ rất tốt đẹp để nói về Người: Hiền hậu, chân thật, khiêm tốn, thanh tao, tế nhị, ý chí cao, kỷ luật sắt đá, giữ vững nguyên tắc, tự hào về tổ tiên, về dân tộc của mình, sáng suốt, kiên quyết, cảnh giác cao, biết bạn biết thù, chịu đựng khó khăn thử thách, yêu người yêu đời, lạc quan, trữ tình, nhân đạo, hiểu biết sâu sắc văn hoá thế giới...

Tôi là người thật may mắn và thật hạnh phúc, khi ba lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc gặp lần đầu tiên

Năm 1961, tôi được sang Việt Nam thực tập tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thỉnh thoảng tôi được mời làm phiên dịch cho Đại sứ quán Liên Xô và cơ quan Thường vụ Liên Xô tại Việt Nam (lúc đó ở Hà Nội). Bác Hồ thường hay ghé vào cơ quan Thường vụ, ở đó có phòng chiếu phim không lớn, để xem những bộ phim Liên Xô, không cần người phiên dịch. Một lần, vào buổi chiều, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trong phòng chiếu phim bước ra, thấy tôi, Bác hỏi bằng tiếng Nga:

- Cháu có nói được tiếng Việt Nam không?

Tôi nhỏ nhẹ thưa với Bác:

- Dạ thưa Bác! Cháu cũng biết một chút ạ!

Bác ân cần hỏi tôi:

- Cháu có thích ở đây không?

Tôi trả lời Bác:

- Thưa Bác cháu rất thích ạ! Cháu rất yêu đất nước và con người Việt Nam.

Bác mỉm cười và nói với tôi bằng tiếng Việt để chia tay:

- Cháu nên học thật nhiều để nói tiếng Việt cho tốt, chúc cháu thành công...

Cuộc gặp lần thứ hai

Tháng 12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên Xô - dẫn đầu là Iuri Torơxuep - Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản liên Xô mang tên Lênin. Tôi lúc đó được giao nhiệm vụ như Thư ký của Đoàn, vào thăm Phủ Chủ tịch. Trong buổi gặp mặt với Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm đó, còn có đồng chí Vũ Quang - Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Bác Hồ tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu, Bác ôm hôn tất cả từng người và thiết đãi chúng tôi bánh kẹo, hoa quả, nước trà...

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lúc đó gặp Bác trong bộ đồ lụa màu nâu giản dị, tôi thấy Bác thật gần gũi. Giọng nói của Bác thật ấm, thật nhẹ nhàng và truyền cảm, mắt Bác âu yếm nhìn chúng tôi. Bác kể cho chúng tôi nghe về những thành phố, về những năm tháng Bác sống và học tập tại Liên Xô... để sau này xây dựng một xã hội mới, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc. Nói về tình hình Việt Nam, Bác nhấn mạnh: "Đế quốc Mỹ và bù nhìn tay sai đang mở rộng chiến tranh, nhưng nhân dân Việt Nam nhất định chịu đựng được, sẽ chiến thắng và xây dựng một xã hội mới...''

Cuộc gặp lần thứ ba

Tháng 2-1969, đến Việt Nam lần này là Đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô, dẫn đầu là Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản Liên Xô mang tên Lênin là Épghênhia Chiagiennhicốp. Lúc đó tôi là phóng viên thường trú của Hãng thông tấn TASS, đồng thời là phóng viên của báo Sự thật Đoàn thanh niên Cộng sản tại Hà Nội. Tôi nằm trong danh sách Đoàn đại biểu đó. Chúng tôi đến Việt Nam và đã đi thăm nhiều thành phố, làng mạc phía Bắc Việt Nam...

Ngày 25-2-1969, trong ký ức của tôi không bao giờ phai mờ, đó là ngày đoàn đại biểu thanh niên chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón tiếp.

Chúng tôi được mời tới ngôi nhà nhỏ một tầng, được xây cất trong khuôn viên Phủ Chủ tịch vào những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Chủ và khách ôm hôn nhau thắm thiết. Khi chúng tôi ngồi vào bàn, Hồ Chủ tịch tự tay mời thuốc lá. Chúng tôi từ chối không hút, nhưng mãi sau này mới hiểu ra rằng đáng lẽ chúng tôi cần nhận lấy điếu thuốc lá đó từ tay Người, như một món quà chân tình. Người chưa vội hút thuốc lá mà bắt đầu ngay vào chuyện một cách tự nhiên. Bác hỏi chúng tôi về chuyến thăm miền Bắc. Trong những ngày này, chúng tôi có nhiều cuộc gặp gỡ với công nhân, nông dân, sinh viên, bộ đội... phái đoàn chúng tôi đã tặng đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng vỏ đạn với một nắm đất từ thành phố Xtalingrát... Nghe chúng tôi kể, Bác Hồ im lặng một chút rồi nói một câu rất cảm động:

- Hàm Rồng là Xtalingrát nhỏ của Việt Nam

Rồi Bác vui vẻ nói:

- Chúng tôi vui mừng là các đồng chí đã đến thăm Việt Nam. Các đồng chí đã được chứng kiến nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Liên Xô với tấm lòng nhiệt tình như thế nào. Một khi có đất nước các đống chí hậu thuẫn, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào tương lai hạnh phúc của mình.

Hồ Chủ tịch ôn lại những năm tháng đầu tiên khi Người ở Mátxcơva. Người nói: “Khi ấy sao mà đất nước các đồng chí khó khăn thế, chẳng khác gì đất nước chúng tôi hiện nay”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói thêm: “Nhưng khi đó các đồng chí chỉ có một mình, còn chúng tôi hiện nay thì không đơn độc”.

Câu chuyện lúc đó chuyển đề tài Việt Nam. Hồ Chủ tịch kể về tổ chức Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội do Người sáng lập năm 1925... Tiếp đó Người cho chúng tôi xem một số ảnh. Trong đó có một tấm ảnh có một cô gái Việt Nam nhỏ bé cầm cầm súng trường đang giải một phi công Mỹ to lớn.

Hồ Chủ tịch nói: ''Nhiều người đến với chúng tôi, họ rất ngạc nhiên hỏi chúng tôi, tại sao một đất nước nhỏ bé lạc hậu như Việt Nam lại có thể tiến hành thắng lợi chống lại cuộc xâm lược của Mỹ? Nhưng khi họ được xem tấm hình này thì họ hiểu ngay''.

Về sau chúng tôi biết rằng tấm ảnh đó được nhà báo Việt Nam Phan Thoan chụp ngày 20-9-1965 tại tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái du kích cầm súng đó là Nguyễn Thị Kim Lai, giải phi công Mỹ Uyliam Rôbinxơn, bị quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay khi đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Chủ tịch kết thúc câu chuyện: “Tất cả những thắng lợi của chúng tôi đều gắn bó với tên tuổi của Lênin. Tất cả chúng tôi đều biết ơn Người”. Lúc chia tay Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần lượt ôm hôn từng người trong Đoàn và chúc chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình may mắn.

Thế rồi nửa năm sau, Người đã đi xa. Một buổi sáng tháng Chín ảm đạm, chúng tôi – đã chuyển tin buồn đó từ Hà Nội về Mátxcơva cho Hãng thông tấn TASS...

Đối với những người nghiên cứu về Việt Nam, một điều đáng tìm hiểu cặn kẽ là khái niệm ''đất nước'' trong ngôn ngữ Việt Nam gồm 2 phần: “Đất” và “Nước”. Hai yếu tố vĩnh hằng đó khắc sâu trong tiềm thức của người Việt Nam, là cái quý giá nhất trong đời! Điều mà người Việt Nam rất tự hào là đất nước lâu đời của họ đã đứng vững trước mọi thử thách tai ương. Họ hiểu rất rõ mọi nỗi cay đắng của sự mất mát và niềm vui chiến thắng.

Cái chính trong đặc tính của người Việt Nam. Đó là chủ nghĩa anh hùng, tính cần cù yêu lao động và tinh thần lạc quan. Tất cả những điều đó đã được nhân dân Việt Nam vĩ đại và Hồ Chủ tịch giản dị dày công tôi luyện.

Theo http://dangcongsan.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: