Trong quá trình tiến hành các công tác tiến tới Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã xuất hiện một số luồng quan điểm cho rằng, Cuộc bầu cử chỉ là hình thức, không mang tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định ngày càng đầy đủ hơn. Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật Việt Nam khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.
Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ trong xã hội được nâng lên. Việc thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007) có bước tiến bộ nhất định.
Cử tri dân tộc thiểu số đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp. Ảnh: TL
Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, cơ bản trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau của nhân dân.
Tuy nhiên, trong các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cũng nhận định rằng nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế; tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn diễn ra ở nhiều nơi.
Quyền làm chủ của nhân dân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội còn bị vi phạm; việc thực hiện dân chủ còn bị hạn chế hoặc mang tính hình thức; thậm chí có tình trạng lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
Ở nước ta, dân chủ đại diện thể hiện ở quyền của công dân được bầu chọn ba loại đại biểu:
- Đại biểu địa phương - trưởng thôn ở vùng nông thôn và tổ trưởng dân phố ở vùng đô thị - các chức danh này bắt đầu được bầu từ năm 1998 là thời điểm mà bầu cử địa phương được đẩy mạnh thông qua việc ban hành chính sách của Đảng, các Nghị định của Chính phủ, sau đó là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Công dân bầu các uỷ viên của HĐND ở các cấp hành chính tỉnh, huyện, xã theo chu kỳ 5 năm một lần.
- Công dân trực tiếp bầu chọn các đại biểu tham gia Quốc hội, cũng 5 năm một lần.
Như vậy, dân chủ đại diện - Representative Democracy (hay dân chủ gián tiếp - Indirect Democracy) - là hình thức tham gia quản lý nhà nước thông qua các đại diện được bầu cử. Dân chủ đại diện thể hiện thông qua các cuộc bầu cử định kỳ để lựa chọn các đại biểu thay mặt cho cử tri trong việc thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và xã hội. Do đó, cần thực hiện đầy đủ quyền đề cử, ứng cử và bầu cử của người dân trong việc lựa chọn đại diện để hành động vì lợi ích của mình.
Việc lựa chọn được thể chế hóa và thực hiện bằng các cuộc bầu cử được tiến hành định kỳ dưới hình thức bỏ phiếu kín, và tất cả mọi công dân trưởng thành đều có quyền bầu cử. Thông qua các quá trình đó, bảo đảm để người dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của họ, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện một cách minh bạch. Cũng qua đó, có thể làm giảm thiểu tối đa tình trạng xuyên tạc và nhiễu thông tin bởi các trang mạng hay tin đồn thất thiệt.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nền dân chủ XHCN.
Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Trong quá trình tổ chức bầu cử, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cũng như việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp bảo đảm theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền chính là thiết thực phát huy nền dân chủ đại diện, quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Nhà nước ta được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ đại diện là cơ chế hình thành nên các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Phân định rõ vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường là điều kiện pháp lý nền tảng cho việc thực hiện và phát huy dân chủ đại diện và dân chủ XHCN ở nước ta.
ThS. Lê Thị Phượng - Học viện Chính trị khu vực I
Đức Lâm (st)
Theo Báo Công an nhân dân