Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946, Bác Hồ căn dặn đồng bào Tây Nguyên: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xê-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…". Thấm nhuần lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Những ngày tháng Năm lịch sử này, đến với các buôn làng Tây Nguyên, chúng ta đều cảm nhận được sự lan tỏa của các phong trào thi đua và không khí lễ hội rực rỡ sắc màu cao nguyên chào mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ và Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong ngôi nhà dài với kiến trúc độc đáo, đặc trưng của đồng bào dân tộc Ê đê, bà H’điu Êban, buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, say sưa kể với chúng tôi về tình cảm sâu nặng, sự biết ơn vô hạn của mình và đồng bào đối với Bác Hồ kính yêu. Bà cho biết, mặc dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng những lời căn dặn của Người đối với đồng bào Tây Nguyên luôn thôi thúc bà và đồng bào trong buôn làm nhiều việc tốt để giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, gia đình bà đã kiên trì sưu tầm được gần một nghìn hiện vật giá trị phản ánh cuộc sống, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bà đã dành trọn một buổi giới thiệu cho chúng tôi hiểu cặn kẽ về những bộ cồng chiêng quý, chiếc trống cổ, hay bộ sưu tập đồ gốm... Theo bà, việc gìn giữ cồng chiêng, sử thi, điệu múa, lời ca là để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, góp phần động viên đồng bào hăng say lao động sản xuất, làm nhiều việc tốt. Hiện nay ngôi nhà dài của gia đình bà như một bảo tàng thu nhỏ để phục vụ công tác giáo dục truyền thống của địa phương.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột
Cũng với tình cảm kính trọng Bác Hồ vô hạn, anh Y Chung Ênuôl, buôn Ea Bông, chia sẻ với chúng tôi một cách mộc mạc, chân thành: Làm theo tấm gương của Bác Hồ, mình nghĩ đơn giản là làm tốt những công việc thường ngày, biết làm giàu để có cơm ăn, áo mặc. Điều anh Y Chung Ênuôl suy nghĩ đã thấm sâu vào từng việc làm của anh. Để thoát nghèo, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, tổ chức chăn nuôi đàn bò đẻ 15 con; ứng dụng khoa học vào quá trình trồng và chăm sóc 1,5ha cà phê. Hiện nay, gia đình anh có thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm. Với sự đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên buôn Ea Bông 9 năm liền được công nhận là buôn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23 triệu đồng; hộ nghèo giảm xuống còn hơn 3%; đường giao thông nông thôn của buôn đã được trải nhựa và bê tông hóa; toàn buôn có hơn 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”…
Đồng chí Yphim Êban, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Êbur cho biết, sự lan tỏa từ phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã giúp cho Cư Êbur từ một địa phương khó khăn, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và Tin lành sinh sống vươn lên đạt được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để đạt được những kết quả đó là nhờ xã Cư Êbur đã thực hiện có hiệu quả việc cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 134 của Chính phủ. Từ năm 2008 đến nay, đã có 172 hộ gia đình được cấp đất ở, 91 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích 25,24ha. Xã Cư Êbur còn chủ động kết hợp các nguồn vốn để xây hơn 100 nhà đại đoàn kết tặng các hộ nghèo. Vì vậy các hộ gia đình trong xã đều có nhà ở khang trang, bảo đảm cuộc sống ổn định, thoát được nghèo.
Cùng với đó, xã đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, canh tác cà phê, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân… Hiện nay, ở Cư Êbur, các giống cà phê mới như R4, R6, R8, cà phê cao sản được đưa vào trồng thay thế giống cà phê cũ. Việc sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn mới; thực hiện tái canh cải tạo vườn cà phê bằng hình thức ghép chồi đã tăng năng suất và chất lượng cà phê của xã đạt trên 3 tấn/ha. Mô hình nuôi nai lấy nhung đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu của xã. Hiện toàn xã có hơn 1000 hộ nuôi nai với 2.300 con. Doanh thu từ bán nhung và nai giống đã mang về cho các hộ nông dân trong xã số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Chúng tôi chia tay bà con nhân dân xã Cư Êbur khi mặt trời từ từ khuất dần sau những vạt đồi cà phê xanh mướt ngút ngàn. Trời dần dần tối cũng là lúc những chiếc đèn đường được bật lên, tỏa ánh sáng xuống những con đường nhựa phẳng lì nối các thôn trong xã. Lúc này, tại nhà cộng đồng của các buôn, chúng tôi thấy các đội văn nghệ, đội cồng chiêng luyện tập các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày sinh nhật Bác Hồ và Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021…Những thành tích phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc xã Cư Êbur là món quà hết sức ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 126 năm Ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu.
Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Lâm (st)