Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là đặt trong sự kiên định sáng tạo và biện chứng của sự phát triển. Con đường phát triển ở Việt Nam không đồng nghĩa với sự đa nguyên ý thức hệ. Trình độ dân chủ phụ thuộc vào bản chất của chế độ chính trị, vào bản lĩnh, phẩm chất, năng lực của đảng chính trị cầm quyền, trình độ dân trí,… chứ không phụ thuộc vào số lượng chính đảng và các luồng tư tưởng, lý luận. Chưa có và sẽ không bao giờ có một hệ tư tưởng, lý luận nào khả dĩ có khả năng đưa dân tộc ta phát triển theo mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Những năm gần đây, nhất là trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, xuất hiện một số quan điểm sai lệch đề cập đến chủ thuyết phát triển, nền tảng tư tưởng phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại. Các loại quan điểm này có thể quy vào một số nhóm chủ yếu: (1) Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể là nền tảng xây dựng và phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay; (2) Nền tảng tư tưởng của xã hội Việt Nam hiện nay chỉ cần chủ nghĩa Mác - Lênin là đủ; (3) Chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ làm nền tảng tư tưởng phát triển của xã hội Việt Nam; (4) Văn hóa Việt Nam với các giá trị vốn có là tài sản tinh thần duy nhất để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, v.v..
Một điều dễ nhận thấy là một số người (cả trong nước và ngoài nước) cố tình hoặc ngộ nhận, vào hùa với những người mang nặng định kiến, cực đoan để xuyên tạc, chống lại sự phát triển hợp xu thế của đất nước, tìm mọi cách phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ lợi dụng các phương tiện thông tin (từ truyền thống đến hiện đại) để chống phá quyết liệt chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam; cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ có giá trị vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hiện nay không còn phù hợp,… Họ muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”, lợi dụng tự do tư tưởng, ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi, có lúc trắng trợn, có lúc ẩn sâu dưới vỏ bọc “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” để nêu lên cái gọi là “ý kiến”, “kiến nghị”, tổ chức họp báo, hội thảo,… trong từng giới, từng lớp người. Nguy hiểm hơn, mục đích của họ là tác động vào lớp trẻ, những người tài giỏi, thông minh, đầy nhiệt huyết nhưng thiếu sự trải nghiệm và cảm nhận thấu đáo về cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vai trò là lý luận của sự phát triển, nguồn năng lượng dồi dào cho dân tộc Việt Nam trên bước đường hội nhập, toàn cầu hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những bước ngoặt của lịch sử.
“Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận sai lầm và nếu không sai lầm thì cũng đã lỗi thời” như ý kiến của những “nhà dân chủ”, “bất đồng ý kiến”,… thường rêu rao? Hoàn toàn không đúng! C. Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luôn coi lý luận của các ông là phương pháp luận cho hành động. Học thuyết Mác - Lênin là học thuyết mở, luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống. Chỉ có giáo điều, không nghiên cứu lý luận một cách thấu đáo để vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc mình trong từng thời kỳ thì mới dẫn đến thất bại và làm hoen ố, thui chột những giá trị sống động, biện chứng của nó. Thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu những thập niên cuối thế kỷ XX cho chúng ta thấy rất rõ điều đó và chứng minh rằng chủ nghĩa Mác - Lênin luôn sống mãi với thời gian!
Cùng với việc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, họ còn tìm mọi cách để phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực chất là họ muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, cố tình cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập hoặc cùng số phận với chủ nghĩa Mác - Lênin, không tạo động lực cho sự phát triển của dân tộc. Cần khẳng định ngay, về khoa học: Tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc và là sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng; là nhân tố làm nên mọi thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Không chỉ kết tinh những gì tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam và nhân loại, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh còn là học thuyết của sự phát triển. Trong nước cũng như trên thế giới, có nhiều nhà nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội coi tư tưởng Hồ Chí Minh là giá trị phát triển, là cái cần có trong hành trang đi vào thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo của nhân dân Việt Nam và cả nhân loại. Nhận định này không phải là cảm tính mà là sự thống nhất cả về lý trí và tình cảm. Trong quan điểm của mình, Hồ Chí Minh không hề ảo tưởng về sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Tuy đã xác định đúng, song con đường đi lên của cách mạng Việt Nam mặc dù rất vinh quang nhưng không bằng phẳng. Đó là cuộc chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hại để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi, đòi hỏi tất cả mọi người phải đoàn kết thành một khối vững chắc vì mục tiêu của CNXH. Sự đoàn kết ấy, dựa trên những nhận thức đúng đắn về khách quan, sự thống nhất về tư tưởng để tìm ra chân lý và phục tùng chân lý. Mà chân lý theo Hồ Chí Minh là những gì có ích cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho sự tiến bộ, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc muôn đời của nhân dân.
Những người chống đối tư tưởng Hồ Chí Minh thường hay đề cập đến những khiếm khuyết của thực tại để làm luận cứ. Trên thực tế, trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta vẫn còn bộc lộ khiếm khuyết, sai lầm, nhưng nó không bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất của chế độ chính trị do Đảng ta lãnh đạo, mà chủ yếu là do nhận thức, vận dụng chưa đúng, chưa sát, hay tổ chức thực hiện thiếu khoa học, không đến nơi, đến chốn. Không chịu nhìn vào thực tế, một số người tự nhận mình là “nhà dân chủ”, “chí sĩ yêu nước” sử dụng nhiều diễn đàn tiếp tục nêu “luận điểm” và “khuyên” Đảng ta: nếu theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ dẫn đến trì trệ(!) Họ “lý lẽ”, sự phát triển của thế giới này là quy tụ của những tinh hoa trí tuệ chứ đâu chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh(!) Trên thực tế, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự kết tinh trí tuệ của nhân loại và dân tộc, mà còn là sự cộng hưởng và nhân lên các giá trị đó. Bởi, bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Đây là điều đã được thực tiễn chứng minh, không thể bàn cãi. Ngay từ đầu, những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã tích hợp được các luồng tư tưởng của sự phát triển. Không ít lần các ông nhấn mạnh rằng, học thuyết do các ông nêu ra không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động, là thế giới quan, phương pháp luận mở ra con đường tiếp tục phát triển trí tuệ.
Nhận rõ điều đó, Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần, kiên định với những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại để làm phong phú, nâng tầm chủ nghĩa Mác - Lênin lên một trình độ mới. Người đã trở thành nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và nhân loại, có những đóng góp quan trọng trong bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tập trung trên những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ:
Một là, nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp - nhân loại, khẳng định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấn hưng quốc gia “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”; hai là, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết của Lênin về cách mạng thuộc địa, Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản chính quốc mà cần chủ động “đem sức ta giải phóng cho ta”, góp phần thúc đẩy cách mạng vô sản chính quốc; ba là, nhận thức mới về CNXH “dân giàu, nước mạnh” do nhân dân lao động làm chủ, phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế quốc doanh và hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, đạo đức, văn minh, có quan hệ nhân văn tốt đẹp giữa người với người; bốn là, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; Đảng là đội tiên phong của giai cấp, đồng thời cũng là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; xây dựng Đảng không chỉ trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn xây dựng Đảng về đạo đức; Đảng cầm quyền phải xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; năm là, luận điểm về dân, dân chủ, về xây dựng Nhà nước dân chủ mới - Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, một chính quyền do dân làm chủ còn cán bộ, công chức, Chính phủ chỉ là công bộc của dân, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng trong giải quyết mọi công việc thông qua cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; sáu là, đề ra và thực hiện chiến lược “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” - một chiến lược cách mạng nhất quán, một nhân tố làm nên thắng lợi, một đóng góp quan trọng vào kho tàng kinh nghiệm cách mạng thế giới; bảy là, xây dựng học thuyết quân sự cách mạng thời đại Hồ Chí Minh chống chiến tranh đế quốc và bành trướng xâm lược, đưa khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới; tám là, Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước dân chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thực hiện quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tiến bộ, vì những giá trị làm người chân chính và phát triển chung của toàn thể cộng đồng nhân loại; chín là, sáng tạo về phương pháp cách mạng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nhất quán trong phương pháp ứng xử “thấu tình đạt lý”, “lấy chí công vô tư mà đối với người, với việc”; mười là, sáng tạo trong phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, đề cao và phát huy tối đa sức mạnh to lớn của văn hóa, đạo đức,… trong đấu tranh cách mạng và xây dựng xã hội mới, v.v
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là đặt trong sự kiên định sáng tạo và biện chứng của sự phát triển. Con đường phát triển ở Việt Nam không đồng nghĩa với sự đa nguyên ý thức hệ. Trình độ dân chủ phụ thuộc vào bản chất của chế độ chính trị, vào bản lĩnh, phẩm chất, năng lực của đảng chính trị cầm quyền, trình độ dân trí,… chứ không phụ thuộc vào số lượng chính đảng và các luồng tư tưởng, lý luận. Chưa có và sẽ không bao giờ có một hệ tư tưởng, lý luận nào khả dĩ có khả năng đưa dân tộc ta phát triển theo mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (1-2016), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta rút ra một số bài học mà bài học số một là: “Trong quá trình đổi mới, phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với Việt Nam”. Từ đó, Đảng chủ trương: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Đây là luận điểm cơ bản, nguyên tắc tư tưởng của Đảng trong tiến trình cách mạng; phù hợp với lịch sử và lôgíc; được đảm bảo bởi những căn cứ xác đáng cả về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam và thế giới.
Thứ nhất, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nhờ đó, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đồng thời, nắm vững, tận dụng tình thế và thời cơ cách mạng để xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Như vậy, nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, Việt Nam từ một nước bị xóa tên trên bản đồ chính trị thế giới đã trở thành một nước độc lập, có chủ quyền; nhân dân Việt Nam từ thân phận của người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, chủ thể của một tiến trình quá độ lên CNXH. Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên, chiến đấu kiên cường, đánh bại các kiểu chiến tranh xâm lược của chúng, bảo vệ thành quả cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH. Đây là sự thật lịch sử không thể bác bỏ, đồng thời là minh chứng hùng hồn cho sự tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với thắng lợi đó, Việt Nam trở thành một dân tộc tiên phong đấu tranh xóa đi một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người là chủ nghĩa thực dân. Thế kỷ XX là thế kỷ phi thực dân hóa, ghi đậm dấu ấn của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo luôn thấm nhuần lý luận giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, bước vào thời kỳ mới, đứng vững trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ai cũng thấy rằng, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu bị tan rã, Việt Nam rơi vào tình thế muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ chính trị XHCN vẫn đứng vững và phát triển. Điều đó tiếp tục chứng tỏ, cách mạng Việt Nam đã đi đúng hướng; Đảng đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, hiệu quả chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình cụ thể ở nước ta. Trên thực tế, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả dân tộc Việt Nam.
Mặc dù, trong quá trình lãnh đạo, Đảng vẫn còn mắc khuyết điểm, sai lầm ở lúc này, lúc khác, làm cho cách mạng Việt Nam có lúc gặp khó khăn. Nguyên nhân sâu xa của những khuyết điểm, sai lầm đó là do giáo điều hoặc chưa thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc do cả hai. Nhưng, trong suốt chiều dài lịch sử 86 năm ra đời và trưởng thành, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiên định lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin,… đồng thời, trung thành tuyệt đối với tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, thúc đẩy sự phát triển vững chắc của dân tộc. Đây là sự thật lịch sử hiển nhiên không ai có thể chối cãi được!
Tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là nguyên tắc đảm bảo cho Đảng ta tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới. Để làm được điều đó, đòi hỏi Đảng ta phải thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, vận dụng sáng tạo và phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đưa công cuộc đổi mới toàn diện đất nước phát triển không ngừng bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện đất nước, hợp lòng dân. Giáo điều là con đường chết của cách mạng! Xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cách mạng Việt Nam mất phương hướng, con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đi vào ngõ cụt. Đây là chân lý của thời đại!
Một trong những vấn đề cơ bản hàng đầu hiện nay là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong đó, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Quá trình thực hiện phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH - con đường duy nhất đúng, đảm bảo cho Việt Nam tiến lên ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là sự lựa chọn khách quan, hợp quy luật của lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam, là ước nguyện của Bác Hồ kính yêu, nhất quyết không có mục tiêu và con đường nào khác. Trong lúc này, càng cần sự kiên định, sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy sức mạnh nội lực, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo cho mọi véctơ lực đều hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh. Đảng phải luôn xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; xứng đáng là tổ chức chính trị tin cậy để nhân dân giao phó trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước và xã hội tiến bước trên con đường CNXH theo đúng quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Mặt khác, cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng với những hành động xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực phản động, thù địch. Đây là cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của những người cộng sản chân chính, nó diễn ra hết sức gay go, quyết liệt, nên phải được tiến hành thường xuyên; bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng về quan điểm chính trị, sâu sắc về lý luận, khoa học, sắc bén về phương pháp. Cách mạng phải biết tự bảo vệ. Đó là một chân lý và nguyên tắc trong hành động của những người cách mạng.
Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết để Đảng ta giữ vững bản chất cách mạng, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội; là nền tảng tư tưởng vững chắc, kim chỉ nam để Đảng hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điều đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhất định không thể đảo ngược và không một ai có thể phủ nhận!
Toàn bộ các Văn kiện được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đều thấm nhuần một cách sâu sắc nội dung, tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta đã kế thừa những giá trị tiêu biểu của văn hóa dân tộc, tinh hoa tư tưởng - lý luận của thời đại để làm giàu trí tuệ của mình, xác lập chủ thuyết phát triển bền vững, tạo xung lực mở đường đi tới thắng lợi, thành công cho dân tộc./.
PGS.TS. Phạm Ngọc Anh, GS.TS. Mạch Quang Thắng
Tạp chí Tuyên giáo
Đức Lâm (st)