Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng và động lực tinh thần để phát triển xã hội. Đạo đức là gốc của mỗi con người. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Đảng luôn quan tâm đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, để ngăn ngừa nguy cơ tha hóa bởi quyền lực, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực này, quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Trong thời kỳ đổi mới, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01-1994) Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này và coi đó là một trong bốn nguy cơ cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các Đại hội Đảng tiếp theo và nhiều hội nghị Trung ương Đảng các khóa tiếp tục đánh giá thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt.
Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(1). Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(2). Do vậy, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”(3).
Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(4).
Vấn đề đặt ra là, vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ nguyên nhân, chưa đề ra được hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh hay thiếu các điều kiện để thực hiện các giải pháp?...
Thực trạng và nguyên nhân của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay có những biểu hiện sau:
Thứ nhất, không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, thỏa mãn với những nhận thức giản đơn, chung chung về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.
Thứ ba, phủ nhận các thành quả cách mạng và giá trị truyền thống của dân tộc.
Thứ tư, thiếu thống nhất với các quan điểm, chủ trương của Đảng, từ đó nói và làm không theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cơ hội chính trị dưới những biểu hiện khác nhau.
Thứ năm, không chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Thứ sáu, lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời không kiên quyết phê phán, đấu tranh với những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc lịch sử, thực tế đất nước, bôi nhọ Đảng, chế độ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Thứ bảy, tán phát tài liệu, truyền bá các quan điểm trái với Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, có xu hướng lan rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, biểu hiện như sau:
Một là, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ trong cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.
Hai là, tệ tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí của công không giảm.
Ba là, sự suy thoái về đạo đức biểu hiện ở lối sống cơ hội, buông thả ngày càng nhiều.
Bốn là, trong thái độ với công việc được giao, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm còn phổ biến.
Năm là, tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật.
Sáu là, đạo đức nghề nghiệp không được đề cao, kể cả trong những lĩnh vực rất nhạy cảm, như giáo dục, y tế; giáo dục nhân cách con người không được quan tâm đúng mức.
Bảy là, lối sống thực dụng, sự toan tính vụ lợi, ích kỷ đang tác động trực tiếp đến quan hệ đạo đức trong gia đình, đến nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính.
Nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất, tác động từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và các mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, sự lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại bởi các thế lực phản động, thù địch để xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế của Việt Nam, cổ xúy cho lối sống hưởng lạc, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, vị đồng tiền.
Thứ hai, tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường.
Thứ ba, âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng.
Thứ hai, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp.
Thứ ba, công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng chưa được chấp hành nghiêm túc.
Thứ tư, bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối, làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản.
Thứ năm, những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Với cách nhìn biện chứng và nghiêm túc, phải coi đây là nguyên nhân chính.
Giải pháp phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ một hệ thống các nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng:
Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, các quy định về xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận chính trị.
Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là các học viện, trường đại học. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương.
Hai là, tăng cường công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp, tạo niềm tin trong nhân dân. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng. Phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh công tác tư tưởng của Đảng. Nâng cao chất lượng bộ máy, cán bộ làm công tác tư tưởng các cấp. Quan tâm đến cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay. Tăng cường chỉ đạo, định hướng hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần khẳng định giá trị đạo đức và nhân cách con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, xuất bản trước yêu cầu mới. Chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Làm tốt hơn việc tuyên truyền, nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống,... Tập trung chấn chỉnh quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét, các mạng xã hội và blog cá nhân.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Ba là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TƯ, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, để việc làm theo gương Bác hiệu quả, thiết thực. Phát huy vai trò chủ động, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Bốn là, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, tồn tại, khuyết điểm đã chỉ ra trong Đại hội đảng bộ cấp mình; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, nhất là những nội dung vừa qua chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra và những vấn đề phức tạp mới phát sinh.
Năm là, về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết Đại hội đảng bộ cấp mình và tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ. Lấy đánh giá cán bộ làm tiền đề. Mở rộng dân chủ trong từng khâu của công tác cán bộ: Từ đánh giá, xây dựng quy hoạch, đào tạo đến luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo hướng để nhiều đối tượng được tham gia. Càng mở rộng dân chủ một cách thật sự, càng có điều kiện lựa chọn đúng cán bộ có đức, có tài đảm đương các vị trí trọng trách trong bộ máy các cơ quan đảng, và nhà nước. Khắc phục yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ.
Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bảy là, khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp; xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
Rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước, xóa bỏ những kẽ hở trong pháp luật, chính sách dễ bị những kẻ tham nhũng lợi dụng.
Tích cực thực hiện cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng. Rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Đẩy nhanh việc cải cách, sớm thực hiện chế độ tiền lương, nhà ở, chống bình quân, cào bằng; đồng thời, chống đặc quyền, đặc lợi; gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.
Sớm ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tập trung mọi nguồn lực, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, phấn đấu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về số lượng và chất lượng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất nội tại, rõ ràng về thứ bậc, chính xác, minh bạch và dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính khả thi cao. Cải cách cơ bản quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm vừa tăng về số lượng, vừa nâng cao chất lượng văn bản; phát huy dân chủ, huy động rộng rãi trí tuệ.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế, tập trung hoàn thiện chế độ pháp lý về sở hữu nhằm thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực xã hội và thực hiện chính sách xã hội, coi trọng việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm thể chế hóa các chính sách về công bằng xã hội trong tiếp cận và thụ hưởng các loại dịch vụ công, cứu trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo... Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, an ninh quốc gia. Trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục thể chế hóa một cách cụ thể, nhất quán nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rõ ràng, sự phối hợp và kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra nhà nước.
Xây dựng hành lang thể chế chuẩn cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về khiếu nại, tố cáo. Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra thực hiện ba điểm lớn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại đông người; giải quyết dứt điểm các vụ, việc tồn đọng, bức xúc kéo dài.
Nhóm giải pháp phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và dư luận xã hội:
Một là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân. Bên cạnh phản biện của các cấp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cần tạo nên những diễn đàn trao đổi trên báo chí, thông tin đại chúng nhằm thu hút sự tham gia thảo luận đóng góp ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách có liên quan, tác động đến đông đảo nhân dân. Để phản biện xã hội phát huy được vai trò tích cực, đòi hỏi phải có định hướng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bám sát mục tiêu của phản biện xã hội. Tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả nơi công tác và nơi cư trú.
Hai là, phát huy vai trò của dư luận xã hội. Vận dụng dư luận xã hội là để phát huy các chức năng đánh giá, điều chỉnh các quan hệ xã hội, giáo dục, giám sát, tư vấn - phản biện và giải tỏa tâm lý xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tăng cường cơ chế giám sát về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là từ tổ chức đảng. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định, các thiết chế bảo đảm việc phòng ngừa và khắc phục sự suy thoái trong Đảng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành và thực thi nghiêm quy định về trách nhiệm và nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp trong tự phê bình và phê bình; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Quy hoạch hệ thống báo chí cân đối, đồng bộ, hợp lý. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ chính sách về báo chí. Đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo cán bộ báo chí. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và khoa học về thông tin - báo chí.
Bốn là, phát huy vai trò, ảnh hưởng, tác động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nhóm giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài:
Một là, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tình hình, nhiệm vụ cách mạng và nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tăng cường củng cố trận địa tư tưởng của Đảng.
Ngăn chặn hiệu quả những kênh thông tin bất hợp pháp.
Thực hiện tốt phương châm kết hợp “chống” và “xây”, trong đó xác định chống quyết liệt và xây tích cực.
Rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản để thể chế hóa quy định của Đảng và Nhà nước.
Xây dựng quy chế, quy định bảo đảm quyền của các cơ quan nhà nước.
Hai là, hạn chế tác động của lối sống thực dụng phương Tây trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Một số giải pháp cần đặc biệt tập trung thực hiện
Để cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay đạt hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cần đặc biệt quán triệt, tập trung thực hiện một số điểm sau:
1- Cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nằm trong sự lạc hậu, hạn chế của công tác lý luận; trong công tác xây dựng Đảng; trong thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị; trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội...
Nếu không nhận thức sâu sắc và quyết tâm xóa bỏ được các căn nguyên này, mọi giải pháp khác sẽ khó phát huy hiệu quả, hoặc chỉ có tính chất nhất thời, không thể giải quyết được về cơ bản vấn đề. Khắc phục các nguyên nhân sâu xa này có thể được coi vừa là điều kiện cơ bản nhất, vừa là giải pháp chủ yếu nhất để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
2- Để khắc phục sự yếu kém về lý luận nhằm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần thực hiện tốt một số hướng cơ bản sau đây:
Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, đưa lý luận về đúng vị trí dẫn đường cho sự phát triển của thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu, lý giải có sức thuyết phục nguyên nhân sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, tăng cường một cách có hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, hình thành và lý giải có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với yêu cầu và thực tiễn Việt Nam. Coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên, làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên có niềm tin son sắt vào sự tất thắng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Đổi mới tư duy, phát triển lý luận về đạo đức, xây dựng hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đất nước trong giai đoạn hiện nay. Coi trọng việc nghiên cứu và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, bao gồm các triết lý, giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc và đạo đức của người cộng sản. Cụ thể hóa, xây dựng các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh cho từng giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội, gắn liền với lợi ích và thực tiễn cuộc sống của họ. Để việc rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng trở thành lối sống tất yếu thường nhật của mỗi cán bộ, đảng viên.
- Đấu tranh có hiệu quả với chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; làm thất bại các thủ đoạn tác động vào tư tưởng trong Đảng; tạo cho cán bộ, đảng viên sức đề kháng cao, đủ sức chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; để mỗi cán bộ, đảng viên phòng, chống có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn dù tinh vi đến đâu của chiến lược “diễn biến hòa bình” và vượt lên chính mình, không rơi vào bẫy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
3- Để khắc phục các khiếm khuyết, bất hợp lý trong cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, trong hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành, quản lý đất nước nói riêng, dễ tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, cần coi trọng các giải pháp sau:
- Đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng thời với đổi mới kinh tế; cải cách bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, có sự phân định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tăng cường tính dân chủ, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, bộ máy nhà nước nói riêng. Tăng cường cơ chế giám sát, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, quản lý nhà nước. Tăng cường cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.
- Đổi mới và tăng cường công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị. Cải cách cơ chế thi cử, tuyển dụng, đánh giá, đề bạt cán bộ để các công việc này diễn ra thực sự khách quan, công bằng, công khai theo tinh thần trọng dụng người hiền tài. Triệt để xóa bỏ bao cấp, đặc quyền, đặc lợi, bất bình đẳng, bảo đảm công khai, minh bạch các chế độ chính sách, các khoản chi trả cho cán bộ, kể cả xăng xe, nhà đất cho cán bộ trung, cao cấp..., theo hướng tiền tệ hóa và đưa vào tiền lương, phụ cấp. Tiền lương phải bảo đảm được các nhu cầu sống cơ bản của cán bộ. Bảo đảm cán bộ, công chức có thu nhập bằng tiền lương cao hơn mức trung bình của xã hội và hằng năm điều chỉnh theo mức tăng thu nhập quốc dân.
- Tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả nơi công tác và nơi cư trú.
4- Để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống, ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, cần tập trung vào những vấn đề chính là:
- Thực sự coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”; ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức, lối sống tư sản.
- Nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, duy trì thường xuyên trong sinh hoạt đảng. Bổ sung vào thang giá trị đạo đức, các phẩm chất đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên các tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ.
- Tăng cường cơ chế giám sát về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là từ tổ chức đảng. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định, các thiết chế bảo đảm việc phòng ngừa và khắc phục sự suy thoái trong Đảng, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội có quy định về trách nhiệm và nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
5- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí, hành động trong Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ, đảng bộ cơ sở, đặc biệt trong việc giao nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát, quản lý. Thực hiện tốt Quy định số 76-QĐ/TW duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa cấp ủy cơ quan và cấp ủy nơi cư trú, bảo đảm sự giám sát thường xuyên của tổ chức đảng và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, công chức. Tạo dư luận mạnh, tích cực để biểu dương các cá nhân, việc làm tốt, lên án các hành động sai trái, vi phạm về tư cách, đạo đức, lối sống.
6- Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quy trình đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, chú trọng ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy và nhân dân để tránh chủ quan, lọt những phần tử cơ hội chính trị, cá nhân chủ nghĩa, ngăn chặn tình trạng “mua quan, bán chức”. Xây dựng và thực thi cơ chế thực sự trọng dụng người có đức, có tài, trong đó đức là gốc. Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cho đất nước.
7- Thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bằng việc ban hành và thực thi quy định chặt chẽ hơn về kết nạp đảng viên mới bảo đảm chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng để ngăn chặn những kẻ cơ hội, thực dụng thâm nhập vào hàng ngũ của Đảng. Nghiên cứu để có cách thức đánh giá, xếp loại đảng viên thực chất hơn, đủ sức thanh lọc, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Không dung nạp những phần tử cơ hội, cá nhân chủ nghĩa.
8- Kiên quyết thực hiện ngay việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức. Cơ quan chống tham nhũng đủ quyền hạn để thực thi nhiệm vụ; cơ quan này có nhiệm vụ quản lý thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí bằng tổ chức hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nhiều biện pháp để cán bộ “không tham nhũng”, “không dám tham nhũng”.
9- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, quản lý xã hội bằng pháp luật. Trong xử lý vi phạm cần kết hợp chặt chẽ giữa vận động, giáo dục với xử phạt nghiêm minh, trước hết là phạt tiền. Kết hợp các biện pháp giáo dục, quản lý hành chính, pháp luật với dư luận để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Khơi dậy lòng tự hào, tự trọng dân tộc qua những khẩu hiệu hành động thiết thực./.
-----------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 21
(2), (3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Sđd, tr. 22, 26
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 185
PGS, TS. Vũ Văn Phúc
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)