Chỉ mục bài viết

Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Và trong bản Di chúc thiêng liêng Người đã để lại trước khi “từ biệt thế giới này”, Người đã dành cho phụ nữ sự quan tâm lớn lao, Người nhắn nhủ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Để hiểu sâu sắc hơn và trân quý những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ kính yêu đối với phụ nữ, chúng ta cùng đọc lại những câu chuyện kể về tình cảm, sự quan tâm, trân trọng của Người đối với phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế:

nhung cau chuyen ke

Bác Hồ tặng hoa cho 3 nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh (24/9/1968)  

(Nguồn ảnh:www.baotanghochiminh.vn)

Từ Côn Minh đến Việt Bắc

            Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch từ trong nước có việc sang Côn Minh. Bác sống ở nhà tôi trong mấy tháng. Bác tới vào một buổi chiều mùa Đông. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy Bác gầy quá. Đôi mắt Bác vẫn trong sáng, hiền từ như thế, nhưng đôi gò má của Bác cao lên. Da Bác không được đỏ, tóc Bác đã bạc nhiều…Bác mặc một bộ quần áo nhuộm chàm phai màu; trời rét, Bác khoác thêm một cái áo bông ngắn sờn vai. Lúc tới, Bác đi đất, đầu đội một cái mũ vải cũng nhuộm chàm.

            Nhà tôi là một tiệm cà phê. Hồi ấy tôi chưa được tham gia tổ chức, mới còn là một người cảm tình, nhà tôi là một cơ sở hoạt động của Đảng ở Côn Minh. Tôi thu xếp mời Bác nghỉ trong một căn buồng trên gác, một căn buồng chật hẹp, chỉ đủ kê một cái giường Bác nằm và một cái bàn Bác làm việc, nhưng có một khung cửa sổ. Thu xếp xong chỗ nghỉ cho Bác, chúng tôi soạn lại hành lý của Bác. Việc này phải nhờ mấy anh cùng đi với Bác - anh Phùng Thế Tài và một đồng chí thiểu số lúc ấy tên là Minh. Thực ra cũng chẳng có gì mà soạn. Hay nói cho đúng, những thứ Bác mang theo đều nên bỏ, đều nên thay cả, kể từ cái khăn mặt đến cái ống đựng thịt muối. Cái khăn mặt của Bác nhuộm chàm bạc thếch đã rách gần hết. Đôi giày của Bác mang theo càng rách hơn, Bác đi đến nỗi lòi cả chân ra. Còn ống thịt muối? Hai anh Phùng Thế Tài và Minh ngày ấy còn rất trẻ. Các anh mở nắp ống thịt muối ra, lắc đầu kể lại cho chúng tôi nghe về “món thịt” ấy dọc đường. Các anh bảo đúng ra phải gọi là “muối thịt”, vì thực tình đến chín phần muối mới có một phần thịt. Dọc đường vượt biên giới, mỗi ngày đi bộ, đến nơi phải nấu ăn, người nấu niêu cơm, người đi hái rau rừng, muối ấy và vài miếng thịt bỏ vào nấu canh. Ăn được nhiều, ít, Bác vẫn theo kịp hai anh đường trường, dốc núi. Hành lý của Bác, đáng kể nhất chính là ống thịt muối ấy. Nhưng cả ống thịt muối, chúng tôi cũng bỏ đi, khi nào Bác về sẽ làm ống khác. Nhưng Bác không cho làm thế, không cho vứt bỏ thứ gì cả, Bác bảo: Đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ còn dùng được. Nhất là ống thịt muối, không nên phí phạm. Cùng lắm, Bác mới cho mua cái khăn mặt, và vì công việc cần thiết, Bác mới cho mua đôi giày vải. Lúc nhà tôi đi mua, Bác còn dặn mua đôi ít tiền, bằng vải thường thôi. Chiếc khăn mặt mua về, Bác lại đem nhuộm xanh, còn đôi giày vải, Bác phê bình nhà tôi đã mua một đôi lại kha khá. Đường xa lâu ngày, lại lội suối, leo núi, Bác tới nơi thì mệt. Bác không cho đưa đi bệnh viện, sợ có những việc bất trắc. Bác chỉ cho nhà tôi mua vài ống thuốc tiêm; rồi hàng ngày tiêm cho Bác. Cũng may sao, chỉ một tuần sau, Bác bình phục và bắt tay vào công việc.

            Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng ấy, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều đặn. Chúng tôi bảo nhau có thể cứ xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ. Ngoại ô Côn Minh có những con mương dẫn thủy nhập điền, hai bên bờ mương trồng những rặng thông dài, cao vút. Hàng ngày, Bác dậy từ năm giờ sáng, ra đấy tập thể dục. Bác chạy mãi dọc theo rặng thông, lượt trở về, Bác vừa đi, vừa thở… Đến bảy giờ, hôm nào Bác cũng xuống giúp đỡ cửa hàng. Cửa hàng của tôi thường đông khách nhất vào buổi ăn sáng, mấy anh em tôi tất bật không kịp, Bác xuống đứng đỡ ở tủ bánh mì, bán giúp chúng tôi cho đến lúc thưa khách. Khách mua bánh mì hàng ngày, lâu dần đến quen mặt, họ xì xào với nhau: “Không biết Vương Minh Phương tìm đâu được về người cha già phúc hậu thế”.

            Thấy Bác gầy quá, chúng tôi muốn chăm lo thức ăn hàng ngày cho Bác, nhưng Bác chả ăn gì. Mỗi sáng, nồi sữa tươi đun lại, nhà tôi hớt lấy váng múc một cốc Bác xơi. Bác dần dần khỏe ra, chúng tôi rất sung sướng nhìn cánh tay Bác rắn chắc. Anh Minh cùng đi với Bác kể chuyện lại có thời kỳ Bác luyện võ, Bác đẽo một hòn đá tròn vừa tay nắm, cứ thế hàng ngày Bác bóp hòn đá trong tay thật mạnh như muốn bóp vỡ ra, đôi khi cả trong lúc làm việc… Những ngày ở Côn Minh, Bác không còn luyện tay nắm đá nữa, nhưng nhìn cánh tay Bác, chúng tôi rất mừng.

            Trong thời gian này, nhiều lần Bác và chúng tôi dậy từ bốn giờ sáng. Bác nói chuyện về tình hình, Bác dạy dỗ chúng tôi về đạo đức cách mạng, Bác tiếp xúc với kiều bào, với chính khách; Bác chơi đùa với các cháu thiếu nhi. Có những cháu, Bác chỉ gặp một lượt, nhưng ba năm sau, một lần gặp tôi, Bác còn nhớ tên, hỏi xem cháu đã lớn chừng nào.

            Những ngày rảnh việc, chúng tôi mời Bác đi thăm phong cảnh Côn Minh. Đi xa hàng hơn 10 cây số, Bác vẫn đi bộ, từ chối cả ô tô hàng, cả xe ngựa. Có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Hoa cách Côn Minh bốn cây số; ở đấy có ngôi chùa cổ, có cả khu vườn rộng mấy mẫu đất, trồng đủ hàng trăm thứ hoa, mùa nở rộ, rực rỡ như cảnh tiên. Lại có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Đồng, thăm Hắc Long Đàm, cách Côn Minh hơn 10 cây số. Đó là một cái đầm rộng, người ta đồn đại rằng ngày xưa có con rồng đen xuống tắm. Ở đây cũng có ngôi chùa, lại có gốc thông cổ thụ lớn bằng bốn tay ôm. Bác nghỉ trưa tại đây, dưới gốc thông, Bác ăn cơm nắm với chúng tôi rồi Bác tìm một gốc cây có cành xòa xuống mặt đầm, ken nhau như mắt võng, Bác thả lưng nghỉ trưa. Chúng tôi nhìn Bác nằm, bình dị lạ thường, nhưng trong sự bình dị ấy lại thấy cả một tấm gương sáng của sự rèn luyện, của một ý chí lớn toát ra từ trong từng việc rất nhỏ.

            Tôi lại được ở gần Bác từ năm 1947 đến năm 1950. Tôi làm việc ở bên Kinh tế tài chính Trung ương là chính, nhưng công tác chủ yếu ở chỗ anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng”. Anh Cả được Trung ương phân công chịu trách nhiệm chăm lo cho Bác. Thỉnh thoảng tôi được các anh bảo vệ Bác đến đón sang chỗ Bác để chăm lo thêm việc ăn uống, sinh hoạt của Bác. Ngoài ra còn có chị Thanh lo việc tiếp tế, đôi khi nấu ăn cho Bác, sau này ở Văn phòng Trung ương. Hồi đó đi kháng chiến thật gian khổ, Bác cũng sinh hoạt như anh em. Ở châu Tự do, Bác cháu trồng được một vườn sắn. Bác ăn chung với anh em. Anh em ăn như thế nào, Bác ăn như thế ấy… Bát của Bác ăn cũng như của anh em, đều làm bằng ống tre cưa. Cuối năm 1947, Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Nấu ăn cho Bác lúc này là anh Lộc, được Bác đặt tên là Đồng, bác sĩ Chánh chăm lo sức khỏe cho Bác, được Bác đặt tên là Tâm, sau là Viện phó Bệnh viện Việt-Xô.

            Ở An toàn khu, nhà Bác ở là kiểu nhà sàn, rộng khoảng 6m2, Bác ở riêng, anh em bảo vệ ở xung quanh. Năm 1948, tôi ở rừng về tìm cách để Bác ăn riêng. Tôi thưa với Bác: Bác già rồi, ăn chậm hơn chúng cháu, chúng cháu ăn riêng tự nhiên hơn. Bác đồng ý nhưng chỉ có thức ăn là bày riêng còn cơm vẫn nấu chung. Tuy vậy, Bác vẫn ngồi ăn chung với chúng tôi. Bác nói là ăn chung cho vui. Lúc đó cũng chẳng có gì bồi dưỡng cho Bác, chủ yếu là chim chóc do các anh săn bắn được. Anh Lộc nấu ăn cho Bác, thức ăn lúc ấy cũng chỉ có ít thịt kho với muối. Sau đó tôi xin được mấy cái bát và đến nhà máy kiến thiết xin gỗ, làm được chiếc khay để dọn cơm riêng cho Bác. Lúc đầu Bác không đồng ý, Bác bảo: “Tách thế này như quan ấy”. Đối với chị em phụ nữ và các cháu gái, Bác còn chiều hơn con trai. Lúc đầu còn nấu nồi cơm to, sau tìm gạo ngon nấu nồi nhỏ cho Bác. Bác thích ăn thanh đạm, vừa phải, không để thừa…. Bác không chê chúng tôi nấu ăn dở bao giờ, mà Bác thường khen món này ngon, món kia ngon. Thỉnh thoảng tôi tìm gà nấu để Bác ăn, Bác không bao giờ ăn hết, Bác bảo: “Lộc bất tận hưởng”, thường thì Bác để dành thức ăn cho anh em. Sau này biết ý, tôi ninh nhừ gà lấy nước Bác uống. Làm con gà to, Bác phê bình là lãng phí. Bác thích các món đậm đà, dân dã như thịt kho, cá kho. Bác ăn uống rất điều độ, mỗi bữa hai bát cơm. Trời rét Bác không chịu nằm đệm, chỉ đắp chiếc chăn cũ nhuộm nâu, quần áo của Bác đều nhuộm nâu. Bác tự đánh máy, tuy chỉ mổ cò. Văn phòng Trung ương cử một đồng chí sang giúp Bác đánh máy, Bác bảo lãng phí. Đặc biệt Bác rất sợ làm phiền người khác. Bác phê bình thẳng thắn những người gây lãng phí hay làm lộ bí mật. Bác rất coi trọng nguyên tắc. Hồi đầu nhà của Bác không có cửa sổ, chỉ vây vách cao xung quanh. Ban đêm các đồng chí cử người luân phiên nằm ở bên ngoài để trông nom Bác. Sách vở, tài liệu của Bác không có gì, chỉ có một cuốn sổ nhỏ để Bác ghi chép. Chỗ làm việc của Bác là một chiếc chõng tre con, trên để chiếc máy chữ, còn Bác ngồi xệp xuống sàn đánh máy. Nhà sàn của Bác trên là ở, dưới để họp. Bác ở rất ngăn nắp và trật tự. Mỗi loại bút đều có ống tre cắm, Bác ngủ dậy bao giờ chăn màn cũng được gấp vuông vắn. Bác tự mình lau máy chữ. Theo ý Bác, nơi Bác ở bao giờ các đồng chí cũng tìm được chỗ gần suối để Bác tắm cho tiện. Trời rét, Bác vẫn tắm đều vào buổi trưa. Bác đi rất nhanh. Anh Chiến đi cũng không theo kịp Bác. Anh em bảo vệ muốn giữ sức khỏe cho Bác nên khi đi qua đèo De, có chỗ nghỉ sạch sẽ, mát mẻ, đề nghị Bác nghỉ, nhưng Bác không chịu, Bác nói đi chậm là nghỉ rồi. Sau đó anh em bày kế bảo là chúng cháu mệt, Bác mới chịu nghỉ. Chỗ nghỉ cạnh suối, Bác đặt tên là: “Suối đọc báo”. Khi nghỉ trưa Bác chỉ ngả lưng một chút. Mùa rét, Bác dùng chiếc áo ngoài để đắp, Bác bảo: “Như vậy dậy sẽ dễ dàng hơn”.

            Bác là người rất bình tĩnh. Hồi còn ở chân đèo De, Bác nuôi một con chó bécgiê, con chó của Sáctông (Chỉ huy lính Pháp ở biên giới năm 1950), nó rất khôn, cứ quấn quít bên Bác. Con chó này ta bắt được ở Chiến dịch Biên giới. Nó thường ngủ dưới gầm giường của Bác. Một đêm nó xuống bếp nằm và bị hổ vồ. Tôi nghe tiếng nó kêu rất rùng rợn, khi đó mọi người đều thức, có người nói với Bác: “Hình như có hổ về bắt chó”, Bác bảo: “Không có gì”. Bác nói như vậy cốt để giữ bình tĩnh cho anh em. Sau đó một lúc, Bác mới bảo đồng chí bảo vệ đi gọi anh Chiến để tìm xem con chó ở đâu. Vào bếp tìm không thấy chó nữa, hổ đã tha đi mất.

            Năm 1950, đồng chí Lêôphighe (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Thư ký Đoàn Thanh niên Cộng hòa Pháp, Phó Chủ tịch Đoàn Thanh niên dân chủ quốc tế) tới thăm và ở với Bác hai ngày. Đồng chí góp ý: “Phải chú ý bảo vệ Bác, ở gần rừng, thú dữ nhiều phải cẩn thận”. Chúng tôi báo cáo với Bác điều đó và xin tăng cường bảo vệ, Bác không đồng ý. Anh em bàn nhau cứ phải cử người canh gác, nhưng không cho Bác biết. Một hôm có một đồng chí tới phiên gác, không may bị ho, thế là bị lộ. Bác dậy, xách ghế ra và bảo: “Chú ngồi xuống đây, đừng đứng mỏi chân”. Nghe đồng chí đó kể lại, chúng tôi cảm động rơi nước mắt.

            Bác làm việc và sinh hoạt rất đúng giờ. Các đồng chí Trung ương về họp, trừ việc nấu cơm chúng tôi phải làm, còn việc lấy nước cho các đồng chí dùng Bác cũng miễn cho chúng tôi. Bác đề nghị các đồng chí Trung ương xuống suối rửa mặt. Bác cũng xuống rửa mặt như các đồng chí, Bác bảo: “Tự túc, tự túc”. Trời rét Bác không chịu rửa mặt bằng nước nóng. Bác hay hút thuốc lá, năm 1949, đường tắc nên không có thuốc cho Bác hút, tôi phải tìm cách chế biến thuốc cho Bác. Bác bảo làm cho Bác cái điếu cày để Bác tập hút thuốc lào. Nhưng thuốc lào nặng quá Bác không hút được, thế là Bác có ý định bỏ thuốc.

            Chúng tôi thưa với Bác là may áo lụa để Bác mặc. Bác không đồng ý, chỉ mặc áo vải thô nâu. Đồng bào trong nước và các bạn nước ngoài tặng Bác nhiều vải lụa tốt nhưng Bác vẫn không cho may và dùng để làm tặng phẩm cho đồng bào và chiến sỹ có thành tích trong kháng chiến.

            Bác ít dùng thuốc để chữa bệnh, Bác rất ghét uống thuốc và dùng thuốc chữa bệnh, Có lần anh Phạm Ngọc Thạch đến khám sức khỏe cho Bác, Bác nói luôn: “ Các chú muốn gì?”. Thế là anh Thạch phải lảng đi và bảo là chỉ đến hỏi thăm sức khỏe của Bác thôi.

            Có lần đang đi công tác, Bác bị đau cột sống đến nỗi không đi được, anh em phải cáng về, nhưng khi về đến nhà, Bác bảo với tôi: “Đừng cho ai biết”. Rồi Bác bảo tôi đun ngải cứu với nước tiểu, chườm cho Bác, thế là khỏi.

            Những năm 1958, 1959, khi Bác đi công tác hay đi nghỉ ở Trung Quốc, tôi được đưa đến thăm Bác và chăm lo việc ăn uống của Bác. Thấy có nhiều người phục vụ, Bác bảo bớt đi và “phải luân phiên nhau lên ăn cơm với Bác cho vui”.

            Năm 1958, khi nghỉ ở Bắc Đới Hà (Trung Quốc), Bác đọc báo biết tin có vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay qua vùng trời này vào khoảng 2 giờ đêm. Bác bảo chúng tôi: “Đêm nay ra xem vệ tinh nhé”. Ai cũng nghĩ Bác nói thế thôi, chứ đêm khuya, trời lạnh chắc Bác cũng chẳng xem đâu, nên không chuẩn bị việc đi xem vệ tinh cả.  Đang đêm, Bác tới gọi cửa từng phòng, chúng tôi vội vàng trở dậy, chuẩn bị áo ấm cho Bác ra bờ biển chờ xem vệ tinh. Năm phút sau, quả nhiên chúng tôi thấy vệ tinh bay qua!

Trích từ sách: Bác Hồ (hồi ký). Nxb, Văn học, Hà Nội, 1975

Chú Thu

          ….Năm 1941 chồng tôi hoạt động cách mạng bị đế quốc Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Sau đó tôi cũng bị chúng bắt lên đồn, và đang đêm tôi đã tìm cách trốn thoát. Vào núi được vài hôm, tôi cùng với một số đồng chí vượt biên giới sang Bình Mãng ở nhà một số đảng viên Trung Quốc. Tôi ở đấy hơn một tuần thì được anh Trịnh Đông Hải và anh Lê đến thăm rồi đưa tôi đi.

            Không rõ đi đâu nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi không dám hỏi. Gần sáng, hai anh đưa tôi về tới lán anh Dương Đại Lâm ở trong rừng Pác Bó. Anh chị Lâm nhận tôi là em. Sáng hôm sau, anh Lâm bảo tôi: “Anh em ta đi gặp ông Cụ”. Anh Lâm dẫn tôi lội theo dòng Khuổi Nậm, nước chảy rất mạnh. Rừng sâu thăm thẳm, tôi cứ bám sát anh. Đi một lúc tới một lán nhỏ dựng bên suối. Trong lán có một ông Cụ mặc quần áo Nùng, trán cao, mắt sáng, râu dài, vẻ người hiền hậu nhưng rất quắc thước. Tôi chưa kịp chào Cụ, Cụ đã bảo: “ À! Cháu đã đến, cháu ngồi đây, chú cháu ra nói chuyện với nhau!” Chưa gặp tôi bao giờ nhưng không hiểu sao ông Cụ lại hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Cụ nói đại ý:

            - Cháu bỏ nhà đi làm cách mạng là con đường đúng nhất, vì chỉ có hai con đường: Một là chịu làm nô lệ để Pháp đè đầu cưỡi cổ, hai là đi làm cách mạng đấu tranh cho nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, làm cho nước nhà được độc lập, được tự do, bình đẳng, được cơm no, áo ấm, được học hành. Không đánh đuổi thực dân Pháp thì không thể nào có tự do hạnh phúc, vì nước mất thì nhà tan, cháu có muốn ở nhà yên phận làm ăn, chúng cũng chẳng để yên. Chồng sẽ lìa vợ, cha phải lìa con. Nếu không bị bắt, thì cháu làm cũng không đủ nộp thuế sưu. Cháu có nhận thấy thế không? Bây giờ cháu nên nhớ, gia đình cháu là gia đình yêu nước. Ta cứu được nước, thì nhà cửa sẽ còn, hạnh phúc gia đình mới có. Cháu xót xa, chú cũng xót xa, nhưng không được buồn phiền. Phải tin tưởng ở tương lai mà phấn đấu. Chồng cháu sẽ có ngày về….

            Khuyên bảo tôi xong. Bác đặt tên cho tôi là Trưng và nhận tôi là cháu: “Từ nay, Trưng là cháu của chú và gọi chú là chú Thu”.

            Sao chú Thu lại đặt tên cho tôi là Trưng? Có lẽ Chú muốn nhắc nhủ trong lòng tôi noi gương Bà Trưng, Bà Triệu là những phụ nữ anh hùng của dân tộc ta. Sau đó, chú Thu đưa tôi ba đồng để mua vải may quần áo Nùng, mặc theo lối địa phương cho khỏi lộ. Tôi vô cùng cảm kích. Trước cảnh nhà tan, tôi mạng nặng trong lòng nỗi buồn phiền gần như tuyệt vọng. Nhưng, từ lúc gặp chú Thu, tôi lại cảm thấy như hươu non lạc rừng gặp mẹ. Chú đã giúp tôi trút hết gánh buồn phiền, khiến tôi tin tưởng vào tiền đồ cách mạng và mong muốn hoạt động nhiều hơn.

            Từ đó, hàng ngày công việc dù bận đến mấy, chú Thu vẫn dành hai mươi phút để dạy bảo tôi từ việc nấu ăn đến việc học tập chủ nghĩa cộng sản. Hồi còn ở nhà, tôi đã được chồng tôi và các đồng chí cán bộ bí mật tuyên truyền giáo dục, nhưng tôi còn hiểu hời hợt. Gặp chú Thu, nhận thức của tôi về cách mạng ngày một mở rộng và sâu sắc thêm. Chú Thu còn giảng cho về nhiệm vụ của đoàn thể Việt Minh, còn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương thì Chú giảng rất kỹ.

            Đặc biệt Chú giảng cho tôi nhiều, và rất kỹ về vấn đề giải phóng phụ nữ. Tôi còn nhớ rất rõ lời Chú: “Lực lượng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; ở nước ta, phụ nữ chiếm một nửa nhân dân. Nếu không giải phóng phụ nữ thì cách mạng không thể thành công được”.

            Học lý thuyết đến đâu, chú Thu lại giao việc cho tôi thực hành ngay đến đấy. Khi báo cáo kết quả, có ưu điểm Chú biểu dương, khuyến khích phát huy, có khuyết điểm, Chú giúp đỡ sửa chữa.

            Sau khi nói về nhiệm vụ và kể những mẩu chuyển giáo dục tư cách cao quý của người đảng viên, chú Thu thường hỏi lại tôi: “Cháu có làm được như vậy không?”. Nhiều việc tôi cảm thấy rất khó nhưng đều trả lời: “Cháu làm được ạ!” để có quyết tâm phấn đấu. Tôi nhớ nhất một lần chú Thu kể cho tôi nghe chuyện một nữ đồng chí Hồng quân Trung Quốc được cử về một vùng dân tộc thiểu số để giác ngộ cách mạng cho quần chúng, nhưng vì chưa nắm được phong tục tập quán địa phương nên đã gây trở ngại cho công tác. Phong tục của nhân dân vùng này là quét nhà phải vun rác ở một góc, năm ngày sau mới đem đổ. Chị Hồng quân không hiểu điều đó, cứ quét nhà xong là hót rác đem đổ. Thấy vậy, chủ nhà không bằng lòng, rất lo sợ, nhưng không nói ra. Chẳng may, trong nhà có người chết, chủ nhà cho là tại chị làm cho “ma nhà” nên mới xảy ra tai họa. Tình hình trở nên gay go, chị Hồng quân không hoàn thành nhiệm vụ, phải chuyển đi nơi khác. Sau khi kể, chú Thu căn dặn tôi: Muốn vận động quần chúng làm cách mạng thì phải hòa mình vào quần chúng, tôn trọng phong tục tập quán của họ. Chú Thu lại kể thêm cho tôi nghe một số gương tốt về công tác dân vân khác, đoạn Chú giao cho tôi nhiệm vụ làm thân với chị em phụ nữ làng Pác Bó. Và thông qua chị em mà tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình, làm quen với mọi người trong làng. Chú cho tôi tự định lấy thời gian. Công việc ấy quả thực khó, nhưng nghĩ tới công ơn giáo dục của Chú, tôi mạnh dạn hứa xin một tháng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chú Thu gật đầu đồng ý: “Một tháng hơi nhanh, nhưng cháu cứ thử làm xem”. Đúng một tháng sau, tôi hoàn thành nhiệm vụ và về báo cáo với Chú. Ngày hôm ấy, chú Thu dành thời gian nghe tôi báo cáo công tác.

            Ngoài công việc Chú còn dành cho tôi tình cảm sâu rộng của một người cha. Thỉnh thoảng, Chú lại hỏi tôi: “Cháu có khỏe không? Cháu thèm ăn gì?”. Có lần tôi trả lời: “Cháu thèm ăn xôi lắm”. Thế là chú Thu bảo đồng chí Lộc đi lấy gạo nếp nấu cho tôi ăn. Tết năm ấy lần đầu tiên xa gia đình, tôi muốn về thăm mẹ, thăm em và bản làng. Nhưng chú Thu không cho về. Chú khuyên: “Bọn mật thám thường giăng lưới bắt cán bộ cách mạng vào dịp này, vì người thân thích thường hay sum họp vào ngày Tết. Cháu về tức là đem thân vào miệng cọp”. Tôi tủi cực quá, nước mắt cứ giàn ra. Chú Thu cũng ngậm ngùi, lấy cho tôi chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và chiếc còng gà luộc. Chú bảo: “Quà Tết của cháu đây. Cháu lau nước mắt đi rồi ăn còng gà. Ở gia đình cách mạng rồi cháu cũng sẽ vui như được ở nhà mình thôi”.

            Chú Thu đã hiểu thấu phong tục của người Tày rất quý con trẻ: Mổ gà bao giờ cũng để phần cho trẻ còng gà. Chú đã nghĩ đến tôi, cưng tôi như cha mẹ cưng chiều con gái vậy. Tôi rất cảm động, càng không ngăn được nước mắt. Chú Thu quay ra làm việc, thấy vậy nhưng không yên lòng, Chú quay lại, nói: “Thôi nín đi, ra giêng Chú cho cháu về. Tình cảm gia đình ai mà không sâu nặng, nhưng vì lợi ích cách mạng, phải biết nén lại mới được!”.

            Chú Thu cũng bắt đầu đi công tác xa. Năm 1944, chú Thu trở về. Sau khi sang tới Trung Quốc, bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam, nhưng cuối cùng không kiếm nổi bằng chứng buộc tội, chúng phải thả Chú tự do về nước. Sung sướng biết nhường nào, ở trong nhà tù về, Chú đã chuẩn bị cho tôi một món quà vô cùng quý giá. Đó là quyển Binh pháp Tôn Tử do Chú dịch và đề thơ ở ngoài bìa:

            “Vở này ta tặng cháu yêu ta,

            Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

            Mong cháu ra công mà học tập,

            Mai sau cháu giúp nước non nhà.”

            Binh pháp Tôn Tử, món quà rất hợp với yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ lâu, ngoài các công tác khác, chúng tôi đã tích cực tập quân sự dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh (tức Thiếu tướng Lê Thiết Hùng). Được sách quý, tôi nghiền ngẫm học đến mức thuộc lòng và vận dụng rất bổ ích vào công tác.

            Ngày mồng 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình. Một niềm vui lớn lại đến với chúng tôi. Chồng tôi đem về một bức ảnh Hồ Chủ tịch. Nhìn ảnh, tôi bỗng ngạc nhiên xúc động:

            - Trời ơi! Chú Thu chính là Bác Hồ!

            Ngờ đâu Nguyễn Ái Quốc cũng chính là Hồ Chí Minh, là chú Thu kính mến của tôi. Tôi nghẹn ngào vui sướng vô hạn, và riêng đối với tôi, tôi cứ muốn mãi mãi dùng hai chữ chú Thu thân yêu ấy để gọi Bác Hồ…..

Trích từ sách: Avoóc Hồ (Hồi ký), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977

Người Hà Nội nhớ Bác

           Cả Hà Nội hôm ấy tưng bừng đón ngày tuyên bố độc lập mồng 2/9. Gần 50 vạn người vui mừng kéo tới Quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử trọng đại. Quảng trường chật ních người, cờ, khẩu hiệu, tưng bừng náo nhiệt. Lễ đài đặt trên bục gỗ cao, bên dưới là đội danh dự bồng súng hướng vào Quảng trường.

            Tôi đang đứng ở hàng đầu của Đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô, bỗng có tiếng gọi:

            - Cô Thi! Lên lễ đài, mau lên!

            Tôi giật mình, ngơ ngác, chưa hiểu ra sao. Các chị lại giục - Lên ngay đi! - Tôi vội vàng đi theo người hướng dẫn. Thì ra Ban Tổ chức đang cần một đại biểu phụ nữ Thủ đô, cùng với một chị nữ du kích ở chiến khu về, lên kéo cờ trong buổi lễ lịch sử này. Nhờ vậy mà tôi được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói rất rõ. Từ đó, hình ảnh Bác, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mãi mãi in sâu vào tâm trí tôi.

            Chị nữ du kích người Tày và tôi phân công nhau: Tôi cầm dây cờ chuẩn bị kéo, còn chị sẽ nâng lá cờ. Chúng tôi nhìn nhau, hồi hộp, lo lắng về trách nhiệm của mình. Giờ khai mạc đã đến! Đoàn đại biểu của Chính phủ Cách mạng lâm thời bước lên lễ đài, trong đó có Bác. Nhưng tôi đâu dám ngoảnh lại nhìn, vì còn đang tập trung tư tưởng vào dây cờ cầm trong tay. Nhạc Tiến quân ca nổi lên hùng tráng. Chúng tôi bắt đầu kéo. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao rồi tung bay cuồn cuộn trước gió thu lồng lộng, trong ánh nắng vàng rực rỡ.

            Làm xong nhiệm vụ, chúng tôi rút về phía sau lễ đài. Bác Hồ bước ra giữa tiếng hoan vô vang lừng cả Quảng trường. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào, vừa ra hiệu cho mọi người trật tự và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “…Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”.

            Tôi ngắm nhìn Bác, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Bác gầy quá, mặc giản dị quá! Bộ quần áo kaki! Quen sống ở Hà Nội, tôi cứ tưởng vị Chủ tịch Nước sẽ phải trịnh trọng trong bộ âu phục sang trọng, thắt cavát, đi giầy vécni bóng nhoáng.

            Giọng Bác rất ấm, tiếng Bác khi thì đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp trong 80 năm cai trị nước ta, lúc lại xót xa với những nỗi khổ cực mà nhân dân ra đã phải chịu đựng. Bất ngờ, Bác hỏi:

            - Tôi nói đồng bào nghe rõ không?

            Ngay những phút đầu tiên, Bác đã để lại cho tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc về một tấm lòng thương yêu nhân dân không bờ bến, một ý chí cách mạng kiên cường và một sự trong sáng, giản dị trong nếp sống.

            Bác kết thúc bản Tuyên ngôn bằng một lời tuyên bố: “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập” và một lời thề cương quyết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Cả Quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại: Việt Nam độc lập muôn năm! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

            Năm 1950 tôi được cử đi dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I. Tôi lại được vinh dự gặp Bác Hồ đến thăm Đại hội!

Trích từ sách: Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975

Lần đầu được nghe Bác đọc thơ….

Ngựa chờ cửa rừng cúc….

Mà mình còn cắn bút

Anh hùng nhiều như cây.

Viết ai, ai chửa viết?....

            Nguyễn Tuân đi từ mé phải hội trường Đại hội dân quân toàn quốc lần thứ nhất (12/1945 tại Việt Bắc) đến bên bàn viết của tôi. Tay anh gõ gõ tẩu thuốc, mắt nhìn vào trang giấy nguệch ngoạc mấy câu thơ trên, anh thủng thẳng nói:

            - Này, không phải lúc làm thơ “tự trào” đâu nhé. Bà không thấy anh em viết xong cả rồi à?

            Tôi nhìn ra khu vực tập trung văn nghệ sĩ để viết về những tấm gương chiến đấu dũng cảm của dân quân. Trên mấy cái bàn tre, ghế tre, còn tươi màu xanh của rừng núi, anh Nguyễn Huy Tưởng với nụ cười hiền lành, tươi tỉnh, tay vê vê điếu thuốc lào, bên cạnh Nguyên Hồng vừa chùi nước mắt chảy dài trên đôi má rám nắng, vừa hút cái điếu cày bằng ống bương to tổ bố. Bác Ngô Tất Tố với dáng điệu thư sinh, khăn đóng áo the, đang ung dung ngồi lau mục kỉnh. Nguyễn Đình Thi tay xoa xoa hàm râu quai nón lởm chởm. Kim Lân gầy gò, ngồi gù gù mà như gật gù trước trang viết… Rõ ràng “các vị ấy” đã viết xong cả rồi. Nguyễn Tuân lại hạ giọng vẻ bí mật:

            - Bác đang chờ… Không phải cứ thấy anh hùng “nhiều như cây” mà bà kéo dài thời gian mãi được đâu.

            Tôi cũng sốt ruột, nhưng viết ai bây giờ? Ai về đến Đại hội này cũng đều có thành tích. Tôi cứ mê lên vì nghe chuyện họ. Đây là lần đầu tiên được sống với những anh hùng thời đại, muốn viết được về họ, tôi phải suy nghĩ, cảm xúc và nhập thần vào được nhân vậy, thì viết mới hay. Nhưng các gương chiến sỹ, các anh viết cả rồi. Tôi bỗng nhớ tới một anh tự vệ Thủ đô, khi tôi hỏi về thành tích chiến đấu của anh, anh không nói gì về mình, mà kể chuyện một chị phụ nữ bế con theo đoàn quân rút khỏi Thủ đô kháng chiến. Khi cả đoàn quân dân qua dưới gầm cầu sông Cái, thì con chị khóc, sợ bị lộ, giặc sẽ bắn vào anh em, chị phải bóp mũi con cho đến chết để cứu đoàn quân. Câu chuyện thật xúc động. Đó là lần đầu tiên tôi thấy được tình cảm mới, lớn rộng của một người mẹ, đã được giác ngộ bởi lòng yêu nước và chí căm thù giặc, mà chỉ ở thời đại Hồ Chí Minh mới có được.

            Lòng cảm xúc dạt dào, tôi thôi cắn bút và viết một mạch, xong bài thơ Lòng mẹ theo thể năm chữ, 14 khổ, kể lại câu chuyện đầy xúc động trên đây. Chấm xong câu cuối cùng, tôi định đưa Nguyễn Tuân xem, anh xua tay:

            - Ngựa đang đập móng trước cửa rừng kia kìa…

            Tôi vội cầm nguyên cả trang viết đưa đồng chí liên lạc. Nguyễn Tuân thở một hơi khói qua tẩu thuốc rồi đủng đỉnh nói: “Ngựa phi đến Bác, bài thơ của bà chưa ráo mực đâu”. Có một buổi, Bác Hồ đến cơ quan phụ nữ Trung ương. Các chị đi công tác vắng, chỉ có tôi và chị Liên đón Bác. Chị Liên giới thiệu tôi, Bác nhìn tôi một phút, rồi nói:

            - Bác đã đọc bài thơ Lòng mẹ, biết đích thực là ngòi bút con gái, chứ không phải là ngòi bút con trai giả danh.

            Mọi người đều bật cười. Bác bảo tôi đọc lại bài thơ đó cho mọi người cùng nghe. Tôi đọc xong. Bác ngoảnh lại, bảo mấy anh tùy tùng:

            - Các chú phải hát để “đáp lễ” cô ấy đi.

            Nhưng các anh chỉ cười, không ai chịu “đáp lễ”. Bác bảo:

            - Thế là con trai thua con gái rồi.

            Đoạn Bác nhìn tôi:

            - Thơ cháu đi được vào tình cảm lớn rộng của chị em như thế là tốt; nhưng nên ngắn, gọn hơn để chị em dễ nhớ.

            Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn đinh ninh và cố gắng làm theo lời Bác dạy. Nhưng cũng bao nhiêu năm qua rồi, chẳng có dịp đẹp đẽ nào để tôi cùng các bạn đồng nghiệp được gửi theo vó ngựa những sáng tác dâng lên Bác, như cái thuở ban đầu kháng chiến, ở giữa vòm xanh trùng điệp của núi rừng Việt Bắc xa xưa.

Trích từ sách: Người là Hồ Chí Minh (Tập Hồi ký), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995

Muôn vàn tình thân yêu dành cho các cháu gái

Lúc ấy, cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng phức tạp mà trong cán bộ viết báo chúng tôi thì còn nhiều người rất non trẻ cần được sự hướng dẫn thường xuyên. Cho nên việc được gọi đi họp, dù là họp ở Bắc Bộ phủ, cũng vẫn là một sự việc bình thường. Cuối cùng, mới vỡ nhẽ ra là chúng tôi được một niềm hạnh phúc mà trước đó chẳng bao giờ tôi dám mơ ước. Và việc đó đã trở thành thường lệ: Hàng tuần chị Thanh Thủy và tôi được vào Bắc Bộ phủ, được nghe Bác hướng dẫn cách sử dụng báo chí, đối phó với muôn vàn khó khăn, khi Nhà nước ta còn non trẻ mà thù trong giặc ngoài thì nham hiểm, hống hách, trong tay sẵn súng, sẵn đạn. Những từ “chiến lược”, “sách lược”, “yêu nước” không còn là những từ trừu tượng, tôi nhớ là tôi không hề được nghe Bác nói những từ chính trị mà chúng tôi rất sính dùng lúc bấy giờ. Bằng những lời phân tích dễ hiểu, Bác làm cho chúng tôi thông suốt và đem hết nhiệt tình ra giải thích chủ trương của Đảng cho người khác, cũng như khôn khéo đấu tranh với địch bằng những lý lẽ xác đáng như những sợ lạt mềm, cứ thít chặt, thít chặt cổ quân thù lại.

Một điều Bác dạy bảo mà suốt đời tôi không bao giờ quên là: Báo chí là đại biểu cho dư luận, phải giúp Chính phủ đạt được thành công trong các chính sách đối nội, đối ngoại. Sau này những lúc tình hình cách mạng có chuyển biến mới, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Câu nói của Bác giúp tôi nhớ tới vị trí và tính chất của báo chí ta. Nhưng đâu có phải Bác chỉ dạy cho báo chí làm nhiệm vụ, đấu tranh chính trị. Một lần, Bác hỏi chị Thanh Thủy và tôi: “ Các cô đã có con chưa? Các cô biết bế con, nuôi con chưa? Làm báo Phụ nữ không phải nói chính trị suông, giải phóng phụ nữ chung chung mà còn phải hướng dẫn cho chị em cách nuôi con, dạy con, chăm lo việc gia đình”.

Tấm lòng Bác thương yêu cán bộ nữ viết báo không chỉ biểu hiện ở chỗ Bác dạy cho chúng tôi về nghề nghiệp. Bác còn rất quý chúng tôi, ngày 19/5/1946, lần đầu tiên mừng Ngày sinh nhật Bác được tổ chức. Như mọi người, chúng tôi rất muốn vào chúc mừng Bác. Nhưng chúng tôi nghĩ, đây là ngày lễ lớn, chỉ các vị Bộ trưởng, các đại diện đoàn thể, có cống hiến nhiều cho cách mạng thì mới nên đến chúc mừng Bác, còn chị em chúng tôi, những người cán bộ bình thường thì cứ cố làm công việc của mình, hàng tuần được gặp Bác đã là hạnh phúc lớn rồi, và chúng tôi không dám đến. Ngày hôm sau, có cuộc họp báo. Anh Cù Huy Cận cho chị Thanh Thủy và tôi biết hôm qua Bác bảo thế nào báo Phụ nữ cũng vào và Bác đã để phần bánh cho chúng tôi.

Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương rời Hà Nội lên Việt Bắc. Lần đầu tiên trong đời mình, những người cán bộ nữ, phần lớn là mới hơn 20 tuổi, đứng ra tổ chức một cơ quan. Đến chỗ mới, chưa quen khí hậu, chúng tôi sốt rét luôn. Chưa biết chỗ trồng trọt và chăn nuôi, chúng tôi chẳng có mấy thức ăn trong bữa cơm. Sức khỏe chúng tôi sút trông thấy. Lúc ấy con đường từ chỗ Bác đến Phủ Thủ tướng đi qua chỗ cơ quan chúng tôi, Bác đi họp, ghé vào, thấy chị em trong cơ quan xanh xao, Bác rất thương. Những hôm sau, Bác gửi cho chúng tôi khi thì rau, khi thì dứa. Một lần, vào buổi chiều, Bác đến cơ quan, theo sau có mấy đồng chí, người mang máy thu thanh, người mang họa báo. Máy thu thanh hôm ấy bị trục trặc về kỹ thuật, không nói được. Bác đã lấy họa báo ra kể cho tất cả chị em cơ quan nghe về đời sống phụ nữ Liên Xô, về cuộc đấu tranh của phụ nữ Pháp ủng hộ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta…. Chị em trong cơ quan hỏi Bác nhiều điều. Bác trả lời cả những câu hỏi nhỏ nhặt nhất: “Tại sao trong họa báo Liên Xô lại thấy có ảnh nhiều chị em để tóc dài? Có phải là sau khi vận động phụ nữ cắt tóc ngắn rồi lại phải vận động phụ nữ để tóc dài hay sao?”. Bác trả lời đại ý: Sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô có rất nhiều khó khăn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ phải đem hết mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn để đi làm cho gọn. Bây giờ, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ đã có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để.

Một lần, Bác từ chiến trường Tây Bắc về, tạt vào cơ quan Hội Phụ nữ. Ta vừa chiến thắng, Bác rất vui, Bác nói: Các cô ở nhà có tiến bộ không, Bác đi công tác ở mặt trận, tiến bộ nhiều lắm. Thầy học của Bác là bộ đội, là dân công, là nhân dân. Bác bảo Bác có quà cho các cô, nhưng phải đoán đúng thì Bác mới cho. Chúng tôi, người đoán là kẹo, người đoán là bánh, có người lại đoán là nước hoa… Bác chỉ cười. Cuối cùng Bác đưa ra, mới biết đó là mấy hộp dầu cao. Bác bảo mùa rét sắp tới, Bác cho các cô để dùng cho khỏi bị cảm lạnh. Hồi ấy, tiết trời đã sang đông, chị em mới học đan được kiểu mũ người đi núi, đội ấm cả đầu và cổ, nhiều người đã đan gửi cho chồng. Trông thấy Bác đầu trần, chị Thanh Hương hỏi Bác đã có mũ chưa, Bác trả lời là có rồi. Chị Thanh Hương xin xem rồi lại xin Bác đội lên. Quả tình cái mũ vừa cũ vừa không đẹp. Chị Thanh Hương chê là xấu lắm! Bác bảo: “Chẳng biết các cô đan đẹp thế nào mà chê mũ của Bác xấu”.

Tối hôm ấy, chị em bàn nhau phải đan biếu Bác một cái mũ thật đẹp. Chị Mỹ Hảo, người khéo tay nhất bấy giờ được chị em giao cho công việc ấy. Chị đan một mạch đến khuya thì xong. Vốn biết Bác có vật gì quý đều đem thưởng bộ đội hoặc biếu các cụ phụ lão, chúng tôi lo rằng cái mũ cũng sẽ không được Bác dùng.

Chúng tôi bàn nhau là phải viết thư gửi theo thưa với Bác là cái mũ này các cháu mỗi người đan mươi hàng, biếu Bác, mong Bác giữ mà dùng, may ra Bác nể tình mà giữ lại. Bẵng đi một thời gian, một hôm chị Thanh Hương và tôi lại được dự một cuộc họp. Bác đến, tất cả đại biểu nữ, như thường lệ, được gọi lên ngồi ở hàng ghế đầu. Chúng tôi nhìn lên Chủ tịch Đoàn thấy Bác rút trong túi ra cái mũ len chúng tôi gửi biếu, chúng tôi rất sung sướng.

Môt hôm, Bác đem đến cho ba cái áo len. Chị Hoàng Thị Ái bấy giờ phụ trách cơ quan không dám nhận và thưa là để Bác cho các chiến sĩ có công. Bác bảo: “Bác có cho các cô đâu mà các cô từ chối. Đây là Bác cho các cô để bảo các cô biết cách trọng người già. Một cái các cô biếu Bác Tôn, một cái các cô biếu mẹ liệt sỹ Bùi Thị Cúc, còn lại một cái để dành đấy, khi cần thì có tặng phẩm mà dùng”.

Tất cả sự săn sóc của Bác động viên chúng tôi phấn đấu vươn lên. Cơ quan dần dần đươc tổ chức ngăn nắp, vườn rau xanh tốt quanh năm và có cả một ruộng ngô. Nhưng tôi nghĩ đối với tất cả cán bộ nữ được Bác quan tâm chăm sóc lúc bấy giờ, điều quý báu nhất mà chị em giữ được là: Lòng thiết tha đi sâu vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Tìm ở đấy những bài học cho công tác, chị em luôn luôn suy nghĩ chăm nom đời sống phụ nữ, nhi đồng cũng như luôn nghĩ tới các bậc phụ lão đáng kính.

Năm 1952 có Đại hội liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị bàn về chiến tranh du kích. Sau hai cuộc họp lớn đó, mọi người náo nức khen ngợi hai bản báo cáo của Anh hùng Nguyễn Thị Chiên và của chị Phạm Thị Nhật, Bí thư Chi bộ. Một hôm, được Bác đến thăm cơ quan, chị em chúng tôi đều nói đến hai bản báo cáo ấy. Bác hỏi: “Các cô có biết vì sao mà báo cáo của các cô ấy hay không?”. Chị Đinh Thị Cẩn thưa: “Đó là do chị Chiên, chị Nhật đều lăn lộn, xông pha nhiều trong thực tiễn chiến đấu cho nên mới nói lên sự thật rất sinh động. Bác vừa cười vừa nói: “Đúng là như thế, nhưng không phải chỉ có thế. Các bản báo cáo ấy hay còn là do không có sự sửa chữa, thêm thắt của nhiều người khác…”. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Câu nói ý nhị của Bác nhắc nhở tôi mỗi khi sử dụng hoặc biên tập lại bài của thông tin viên, bạn đọc trong đông đảo nhân dân, phải luôn luôn cố gắng ghi lại đúng đắn, trung thực những lời nói, những ý nghĩ mộc mạc, giản dị của những con người trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu, những lời nói, những ý nóng hổi hơi thở của cuộc sống cách mạng, không thể tùy tiện sửa đổi thêm bớt theo ý nghĩ chủ quan của mình.

Những buổi được nghe Bác dạy bảo cách bây giờ đã hai, ba chục năm, tôi vẫn tưởng như mới nghe thấy tiếng Bác hôm qua. Bác đã về với Mác - Lênin vĩ đại, để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, trong đó có những người cán bộ nữ và những người viết báo nữ.

Trích từ sách: Nước non bừng sáng, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1975

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: