* Khoảng tháng 9- 1901
Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình chuyển về sống ở quê nội là làng Kim Liên (Làng Sen).
Theo tục lệ hồi ấy, ông Nguyễn Sinh Sắc được làng Kim Liên đón về và được làng cấp đất công, xuất quỹ công làm một ngôi nhà để mừng ông (ngôi nhà và mảnh vườn đó từ năm 1957 được phục chế và trở thành Khu Di tích Kim Liên).
Về nhà mới, ông Sắc thường răn dạy các con ông: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (nghĩa là đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình).
Tuy đã đỗ đạt nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc và gia đình vẫn sống thanh bạch, đạm bạc.
Cũng nhân chuyện về sống ở quê nội, ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ “vào làng” cho hai con trai, với tên mới là Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung).
* Khoảng tháng 9-1905
Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km.
Hai anh em trọ ở một gia đình nghèo mạn Cầu Rầm (Vinh) và chiều thứ Bảy thường đi bộ về thăm nhà, sáng thứ hai lại xuống Vinh.
Chính tại trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI.
Chưa hết năm học, Tất Thành cùng cha vào Huế nhân dịp cha vào Kinh đô nhận chức.
* Tháng 9-1906
Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị (cours préparatoire) tại Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên.
Trường đặt trước cổng thành Đông Ba và xây trên nền của đình chợ Đông Ba ngày xưa nên nhân dân quen gọi là Trường Đông Ba. Trường dạy cả ba thứ chữ: Chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc.
* Tháng 9-1907
Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (cours élémentaire) tại Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên.
* Tháng 9-1908
Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế.
Thời kỳ này Trường Quốc học Huế (Quốc gia học đường) có các lớp sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng (cours supérieur). Trường dạy Pháp văn, Việt văn và Hán văn, ngoài ra còn dạy các môn khoa học khác. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dạy trong trường.
Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến bọn thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến.
Nguyễn Tất Thành còn được nghe kể về những hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.
* Từ tháng 9-1909
Để tiếp tục việc học tập, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur).
* Khoảng đầu tháng 9-1910
Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Do hết tiền, anh phải xin vào làm trợ giáo (moniteur), dạy môn thể dục tại Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907.
* Tháng 9 -1911
- Ngày 15: Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa. Đơn được gửi từ Mácxây ngày 15-9-1911, có đoạn viết:
“Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú.
Hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) tàu Amiran Latusơ Tơrêvin”.
* Tháng 9-1919
- Trước ngày 2: Nguyễn Ái Quốc tiếp một phóng viên Mỹ - nhờ sự giới thiệu của Đại diện của Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Pari là ông Kim Tchong Wen và Kim Koei Tche, phóng viên Mỹ đã có dịp phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc.
Hỏi : Anh đến Pháp với mục đích gì?
Đáp: Để đòi quyền tự do cho dân An Nam.
Hỏi : Bằng cách nào?
Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên.
Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa? Các phong trào vũ trang hiện nay ra sao?
Đáp: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào...
Hỏi: Từ lúc đến Pari tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi?
Đáp: Ngoài các nghị sĩ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi. Những người Xã hội nghĩ rằng Chính phủ Pháp không khi nào chấp nhận những yêu cầu của chúng tôi nhưng họ vẫn vui lòng giúp đỡ. Và đó là chỗ dựa quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng hoạt động trong những tầng lớp khác nữa.
- Ngày 4: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đông Dương và Triều Tiên, đăng trên báo Le Populaire.
Nhắc đến sắc lệnh của Thiên Hoàng công bố tại Tôkyô ngày 19-8-1919 với nội dung định rõ quyền bình đẳng giữa người bản xứ Triều Tiên với người Nhật trong tất cả các luật lệ, bài báo so sánh chính sách cai trị của đế quốc Nhật ở Triều Tiên và của đế quốc Pháp ở Đông Dương, nghiêm khắc lên án chính sách ngu dân của Pháp và đặt câu hỏi: nước Pháp có thể đối với Đông Dương ít nhất một cách sáng suốt như Nhật đối với Triều Tiên không?
- Ngày 6: Nguyễn Ái Quốc được Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, mời đến trụ sở Bộ Thuộc địa. Anbe Xarô đã đích thân kiểm tra lai lịch của Nguyễn Ái Quốc.
- Ngày 7: Sau một ngày gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Anbe Xarô. Toàn văn như sau:
Pari, ngày 7-9-1919
Kính gửi Ngài Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương.
Thưa ngài Toàn quyền!
Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thoả đáng.
Xin Ngài vui lòng tiếp nhận.
Ký tên: Nguyễn Ái Quốc
6 Vila đê Gôbơlanh, Pari 13
- Ngày 18: Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp đứng tên, được đăng trên báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
* Tháng 9-1920
- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Văn Trường và Khánh Ký gửi từ Mayăngxơ.
Hồi 14 giờ, đến Vécxây thăm Nguyễn Văn Duy; 16 giờ 45 rời địa chỉ này.
- Ngày 18: Hồi 13 giờ 15, Nguyễn Ái Quốc đi bộ ra bưu trạm 77 ở 55 phố Gôbơlanh để bỏ thư.
14 giờ, đi tàu điện ngầm từ Quảng trường Italia, lên ga 4-9, đi bộ đến số nhà 19 phố 4-9 vào hãng Lôyennơ (Loyenne) và số nhà 27 cùng phố là hãng Cônilơminê (Colileminet) để lấy danh bạ các loại máy ảnh.
Lại tiếp tục đi tàu điện ngầm từ ga Buốcxơ (Bourse) đến ga Satơlê (Châtelet), đi bộ đến Luvơrơ, rồi từ đó đi tàu điện đến Vécxây.
16 giờ 15, đến Viện dục anh Pupônniê (Pouponnier) ở phố Virôphlây (Viroflay) thăm vợ ông Nguyễn Văn Duy.
16 giờ 45, rời Viện dục anh.
18 giờ 20, đi tàu điện về Luvơrơ.
19 giờ 15 về đến nhà, số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 19: Hồi 9 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc đi tàu điện ngầm đến Bảo tàng Bandắc (Balzac) ở số 47 phố Râynua (Reynouard) dự buổi nói chuyện có khoảng 30 người.
12 giờ 30 về nhà, số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 20: Buổi sáng, Nguyễn Ái Quốc nhận được thiếp thư của Ăngđờrê Béctông (André Berthon).
9 giờ 10 đến Bệnh viện Côsanh ở 27 phố Phôbua để chữa nhọt ở tay.
11 giờ 30, về số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 21: Hồi 17 giờ, Nguyễn Ái Quốc đi chợ quán Vingram (Vilgram) phố Côngxiê (Consier) và cửa hàng ở phố Môphơta (Mauffetard).
17 giờ 30, về đến nhà.
19 giờ 30, đến Thư viện bình dân của những người bạn giáo dục Quận 13, số 61 đại lộ Gôbơlanh.
- Ngày 23: Nguyễn Ái Quốc nhận được một lá thư bảo đảm của báo La Bataille.
- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Hội liên minh nhân quyền (trụ sở ở số 10 phố Uynivécxitê) về việc đóng niên phí cho hội.
- Ngày 26: Hồi 19 giờ, Nguyễn Ái Quốc tiếp vợ chồng ông Mátxông (Masson) làm nghề thợ máy, ăn cơm tại số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 28: Nguyễn Ái Quốc đi trả ảnh và nhận việc tại nhà ảnh số 35 phố Phroađơvô (Froidevaux).
- Ngày 29: Nguyễn Ái Quốc đi Bệnh viện Côsanh lúc 8 giờ. Đến 9 giờ 30 rời bệnh viện.
Buổi chiều, lúc 14 giờ 15 đến nhà số 35 phố Phroađơvô hỏi xin việc làm.
- Ngày 30: Lúc 10 giờ, Nguyễn Ái Quốc đi tàu điện ngầm đến nhà hàng Lanlơmăng (L'Allemand) mua đồ làm ảnh.
Lúc 20 giờ 45, đến hiệu cà phê Mâyê (Mayer), số 167 phố Soadi (Choisy) họp Chi bộ 13 Đảng Xã hội. Cuộc họp kết thúc hồi 22 giờ 30.
* Tháng 9-1921
- Ngày 8: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phong trào cách mạng ở Ấn Độ, đăng trên La Revue Communiste, số 18.
Tác giả ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh vì độc lập, tự do của đất nước. Phong trào yêu nước của nhân dân Ấn Độ bắt đầu từ năm 1857, và ngày càng bùng lên mạnh mẽ, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga.
Dưới sự lãnh đạo của Mahátma Găngđi, với thuyết bất hợp tác và bất bạo động của ông, nhân dân Ấn Độ đã đoàn kết một lòng thành một khối thống nhất, kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Mặc dù phong trào đó bị thực dân Anh đàn áp và khủng bố dã man, và còn có những hạn chế về mặt giai cấp, nhưng tác giả tin chắc rằng "thời hạn rút khỏi Ấn Độ của thực dân Anh đã điểm", cũng như sự "sụp đổ của đế quốc Pháp ở Đông Dương không còn xa lắm nữa". Nhân dân Ấn Độ và nhân dân Đông Dương nhất định sẽ giành được độc lập và tự do.
- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc nhận tờ tin của Hội liên minh nhân quyền, trong đó có mục: Những tội ác chiến tranh và tin về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.
- Ngày 23: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Nền văn minh thượng đẳng đăng trên báo Le Libertaire.
Trích dẫn những ghi chép từ cuốn nhật ký của một tên lính thực dân về những hành động man rợ của đồng bọn mà chính y cũng phải thừa nhận: "Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả chính những tên cướp biển", tác giả tố cáo "dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh "nền dân chủ Pháp", người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương. Nhưng, bên cạnh việc đầu độc tập thể và chính thức đang làm vẻ vang lớn cho đất nước có bản Tuyên ngôn nhân quyền kia, còn có cả những vụ giết hại cá nhân của những kẻ đi khai hoá". Những "chiến công" đó được kể lại như để tự khoe khoang một sở thích quái ác thượng đẳng và đặc biệt của những kẻ thực dân.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Cao Đoan, Phan Cao Lục họp ở nhà số 6, phố Vila đê Gôbơlanh, từ 14 giờ đến 15 giờ. Tranh luận sôi nổi.
- Ngày 29: Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Cao Đoan, Phan Cao Lục họp ở nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh. Sau bữa ăn tối có cuộc tranh luận căng thẳng đến tận nửa đêm.
- Ngày 30: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Tội ác của chủ nghĩa thực dân, đăng trên báo La Vie Ouvrière.
Bài báo điểm lại lai lịch và tội ác của bọn quan lại cai trị thực dân Pháp ở Đông Dương mà hầu hết bọn chúng đều xuất thân từ tầng lớp cặn bã của xã hội - bọn du thủ du thực, có nhiều tội ác ở Pháp, chuồn sang Đông Dương và được chính quyền thuộc địa đưa lên làm thống đốc, công sứ, v.v.. Bọn này không biết gì hết, ngoài việc bóc lột, vơ vét để làm giàu, hành hạ, khủng bố nhân dân bản xứ một cách tàn bạo, điển hình là tên Đáclơ (Darles) - Công sứ tỉnh Thái Nguyên.
Bài báo kết luận:
Những điều mà chính quyền thực dân thường khoe khoang là "xứ Đông Dương hạnh phúc và phồn vinh" là như thế đó!
Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Sự quái đản của công cuộc khai hoá đăng trên báo Le Libertaire.
Để tố cáo cái gọi là "công cuộc khai hoá" của thực dân Pháp, để đập lại luận điệu tuyên truyền của các chính khách Pháp khẳng định rằng "chỉ có nước Đức man rợ là đế quốc và quân phiệt. Còn nước Pháp, cái nước Pháp yêu hoà bình, nhân đạo, cộng hoà và dân chủ này, cái nước Pháp được họ đại diện này, chẳng hề đế quốc lẫn quân phiệt", tác giả đã trích một đoạn từ cuốn nhật ký du lịch của một tên lính thực dân viết về cảnh tượng bọn lính đã thiêu sống cụ già, hãm hiếp phụ nữ, giết chết trẻ em một cách man rợ, khủng khiếp.
Tác giả đã phải thốt lên: "Khi chép đến đoạn này, tôi run lên, mắt mờ lệ, nước mắt chảy xuống hoà với mực. Tôi không thể nào viết được nữa. Ôi! Nước Pháp đau khổ! Đông Tây đau khổ! Nhân loại đau khổ!".
* Tháng 9-1922
- Ngày 7: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề "Chủ nghĩa Viđa" còn đang tiếp diễn, đăng trên báo L'Humanité.
Tác giả lấy tên của viên đại uý thực dân Viđa để đặt tên cho cái chủ nghĩa thực dân quân phiệt Pháp và tố cáo "chủ nghĩa Viđa" đang được triệt để áp dụng tại các thuộc địa của Pháp.
- Ngày 28: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phòng kiểm duyệt ở Đông Dương, đăng trên báo L'Humanité.
Bài báo lên án chế độ kiểm duyệt thư từ báo chí hà khắc ở Đông Dương dưới quyền cai trị của Toàn quyền Lông, và kết luận:"Như thế là người bản xứ bị giết chóc, cướp phá và không được hưởng những quyền sơ đẳng nhất: cả đến quyền thư tín! Sự vi phạm tự do cá nhân này chứng minh thêm chính sách đê tiện của bọn mật thám và chính sách lạm quyền đang thống trị ở những thuộc địa chúng ta".
Trong ngày, Nguyễn Ái Quốc đã họp với Môngnécvin, Xtêphani, tại số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ (Marché des Patriarches).
Tại cuộc họp, Xtêphani báo cáo quỹ để in báo Le Paria đã hết, còn nợ nhà in 180 phrăng cho số báo mới và Xtêphani đề nghị Nguyễn Ái Quốc làm thủ quỹ thay. Nguyễn Ái Quốc nói còn phải suy nghĩ kỹ. Bơlôngcua đề nghị hằng tháng họp ở nhà số 16 phố Xêvơranh.
- Ngày 29: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đồng tâm nhất trí đăng trên báo L'Humanité.
Thông qua câu chuyện trao đổi giữa hai người - anh Hai và anh Ba - cùng đi chợ bán hàng, tác giả muốn nhắc nhủ những người cùng đi một đường, cùng chung một mục đích, một chí hướng cần phải có sự đồng tâm nhất trí.
Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc họp tổ chức tại trụ sở báo Le Paria, số 3 đường Mácsê đê Patơriácsơ. Tham dự cuộc họp này còn có Nguyễn Văn Ái, Xtêphani (Stéphanny), Môngnécvin (Monnerville), Ralaimônggô (Ralaimongo) là những người trong Ban biên tập báo Le Paria và một người Pháp tên là Lapôlônhơ (Lapologne).
Buổi họp mở đầu lúc 21 giờ và dành phần lớn thời gian để so sánh, đối chiếu và sắp lại bài các trang của tờ báo Le Paria số 6 và 7 (tháng 9 và 10-1922) được in vào một.
- Cuối tháng: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Nhân đạo thực dân đăng trên báo Le Paria số 6 – 7.
Bài viết trích từ báo Sciences et Voyages nói đến những tội ác đẫm máu của bọn thực dân đối với nhân dân Đông Dương. Chúng đã lập ra những toà án quân sự nhằm "đàn áp những phong trào nổi dậy để nêu gương nghiêm trị". Người ta "hành hình nhiều người một lúc và không hiếm trường hợp có bốn, sáu, thậm chí mười người gục xuống cùng một lúc dưới cùng một loạt đạn". Một sĩ quan thuộc địa, ông F.B, đã nói: "Chúng ta coi những nhà ái quốc An Nam là những tên cướp". "Người ta đã làm tất cả để vũ trang cho người An Nam giết hại nhau và xúi giục họ phản bội... Ai không tuân lệnh thì bị coi là kẻ phạm tội. Làng nào dung nạp một người yêu nước là bị xử án".
* Tháng 9-1923
- Ngày 7: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đội quân chống cách mạng, đăng trên báo La Vie Ouvrière, số 226.
Bằng những số liệu cụ thể, bài báo vạch trần âm mưu của đế quốc Pháp là muốn “dựa vào thuộc địa để chống lại tất cả mọi phong trào giải phóng mà giai cấp công nhân Pháp định mưu đồ”. Âm mưu đó nguy hiểm ở chỗ do bị bọn sĩ quan người Pháp thúc đẩy, những người lính bản xứ, vì sự hiểu biết có hạn, có thể ngoan ngoãn và mù quáng làm những điều mà những người giác ngộ hơn sẽ từ chối. Vì thế, giai cấp công nhân Pháp có nhiệm vụ là phải hành động, phải kết tình anh em với lính bản xứ, phải làm cho binh lính bản xứ hiểu rằng “cả công nhân ở chính quốc lẫn binh lính ở thuộc địa, đều cùng bị chung một bọn chủ áp bức và bóc lột, do đó, họ đều là anh em cùng một giai cấp và khi tới lúc phải chiến đấu, thì cả hai bên đều phải cùng đánh bọn chủ chung của mình, chứ anh em không nên đánh lẫn nhau”.
- Ngày 21: Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, nêu tóm tắt tình hình Đông Dương về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội; về chương trình hoạt động và sự hợp tác quốc tế.
Nhận định về công tác tuyên truyền và tổ chức trong công nhân và nông dân, báo cáo viết: “Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân, nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta”.
Báo cáo về chương trình hoạt động, Nguyễn Ái Quốc dự kiến sẽ cho xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt; tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng; cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva; xây dựng đường dây liên tục Mátxcơva - Đông Dương - Pari.
Về hợp tác quốc tế, ngoài những điều đã nêu trong thư gửi Quốc tế Cộng sản nhờ Ban phương Đông chuyển, Nguyễn Ái Quốc nhắc lại việc "Tổng công hội thống nhất, đã hứa làm hết sức mình để 2 hoặc 3 đồng chí người Pháp có thể sang Đông Dương để tổ chức công nhân”. Đồng thời đề nghị "Thanh niên cộng sản Pháp phải lợi dụng chủ nghĩa quân phiệt để đưa những thành viên chắc chắn nhất đăng lính vào đội quân thuộc địa để dắt dẫn sự tuyên truyền trong những người bản xứ”. Cũng theo Nguyễn Ái Quốc, “sự giúp đỡ của Thanh niên Cộng sản Trung Quốc là tuyệt đối cần thiết cho sự hoạt động ở Đông Dương".
Người hy vọng: “Một cuộc thảo luận giữa những đại biểu của Đảng, của Tổng công hội thống nhất, của Thanh niên và của Ban phương Đông có thể ló ra nhiều ánh sáng khác”.
- Ngày 28: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Không phải chủ nghĩa quân phiệt đâu, nhưng…, đăng trên báo L'Humanité.
Với những số liệu cụ thể, tác giả nêu rõ đạo quân chiếm đóng ở thuộc địa của Pháp ngày càng tăng, do đó ngân sách quân sự lớn gấp rất nhiều lần ngân sách giáo dục và y tế, v.v. để vạch trần, phê phán và chế nhạo luận điệu tuyên truyền bịp bợm của tên cáo già thực dân Clêmăngxô nói rằng “nước Pháp không phải là một nước quân phiệt, cũng không phải là một nước đế quốc chủ nghĩa”.
* Tháng 9-1924
- Ngày 11: Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Vôitinxki phàn nàn về chuyến đi Trung Quốc của mình cứ bị trì hoãn mãi "vì lý do này hay lý do khác,... hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác".
Bức thư cho biết, sau Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được Ban Phương Đông thông báo rằng: Ban sẽ giới thiệu Nguyễn Ái Quốc với Quốc dân Đảng Trung Quốc để làm việc ở đấy, vì ngoài chi phí đi đường Ban không thể giúp gì về tài chính; rằng Nguyễn Ái Quốc sẽ ở đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản; rằng Nguyễn Ái Quốc sẽ không có những quan hệ với Đảng Cộng sản Pháp ở Trung Quốc.
Tất cả những điều kiện đó, đối với Nguyễn Ái Quốc là rất "tế nhị" nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chấp nhận tất "để có thể đi được", và chỉ yêu cầu cấp cho mình một giấy uỷ nhiệm và gửi cho Quốc dân Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ trong công việc. Nhưng nội chiến ở Trung Quốc đã nổ ra, Quốc dân Đảng không trả lời thư của Ban Phương Đông, thế là chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc "một lần nữa lại phải hoãn lại vô thời hạn".
Cuối cùng bức thư viết: "Như vậy, trước là vì Đảng tôi không trả lời. Nay là vì những người Trung Quốc đánh nhau. Vậy ngày mai sẽ là vì chuyện gì khác nữa. Nhưng tất cả những khó khăn sẽ không còn nếu như vấn đề tài chính không đặt ra. Để vấn đề không đặt ra khi tôi hoạt động ở bên ấy, tôi chỉ yêu cầu các đồng chí cung cấp cho tôi những gì mà các đồng chí đang cung cấp để tôi chờ đợi, trong thời gian tôi không làm gì ở đây cả".
- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc gặp hoạ sĩ Thuỵ Điển Êrích Giôhanxơn (Erich Johanson) trong dịp có cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức tại Mátxcơva. Trong buổi gặp gỡ, hoạ sĩ đã ký họa chân dung Người và Người đã ghi bằng chữ Hán phía dưới bức hoạ: "Nguyễn Ái Quốc - Ngày 15-9-1924".
Hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho họa sĩ. Hơn bốn mươi năm sau, nhớ lại, hoạ sĩ đã viết:"Cử chỉ văn hoá và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người".
- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Tơranh (Treint), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, công tác trong Ban Thuộc địa, đề nghị trình bày giúp trước Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về trường hợp của mình. Bức thư viết:
"Mátxcơva, ngày 19-9-1924
Đồng chí Tơranh thân mến,
Ban Phương Đông đã báo tin cho tôi rằng: Ban sẽ chi tiền đi đường cho tôi tới Quảng Châu, nhưng khi đến đó thì tôi phải tự xoay sở tìm lấy công việc.
Hẳn là làm việc để kiếm sống không phải là điều khó, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà tôi chỉ biết viết chứ không biết nói thứ tiếng ở đó. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, điều đó cũng có những cái bất tiện:
1. Tôi phải sống gần như bất hợp pháp ở Quảng Châu, nơi nhung nhúc những mật thám Pháp.
2. Nếu tôi nhận làm một công việc nào đó, toàn bộ thời giờ của tôi sẽ bị choán hết. Mà tôi thì phải được hoàn toàn tự do để làm việc theo ý muốn, tức là nghiên cứu hoàn cảnh, xem xét quần chúng và tổ chức cái gì đó.
Bởi vì Đảng chúng tôi và Ban Phương Đông không thể giúp tôi về tài chính, nên tôi đề nghị đồng chí trình bày trường hợp của tôi trước Ban Chấp hành và xin cho quyết định.
Xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em.
Nguyễn Ái Quốc"
- Ngày 24: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 67.
Tác giả đã "tóm tắt lịch trình những cuộc can thiệp của nước ngoài trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân thực tế, lý do chính của sự can thiệp hiện tại" đối với Trung Quốc, để đi đến một nhận định: "Chúng ta thấy rằng, dưới nhiều lý do khác nhau và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các nước tư bản chủ nghĩa can thiệp vào Trung Quốc trước sau cũng vẫn chỉ nhằm đi tới một kết quả là bắt nhượng đất và lấy tiền bồi thường".
Tác giả đã phân tích âm mưu biến Trung Quốc thành thuộc địa. "Mặc dầu Trung Quốc rất suy nhược, mặc dầu nội bộ Trung Quốc bị chia rẽ, nhưng dẫu sao con số 11.139.000 km2 của nó cũng vẫn là một miếng mồi quá to mà cái mõm của chủ nghĩa đế quốc thực dân không thể nuốt trôi ngay một cái được. Và không thể trong một ngày mà đẩy một cách tàn bạo 489.500.000 người Trung Quốc vào xiềng xích của chế độ nô lệ thuộc địa. Cho nên người ta cắt vụn Trung Quốc ra: cách này chậm hơn nhưng khôn hơn".
Tác giả còn vạch rõ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc muốn lật đổ Tôn Dật Tiên, nhưng "Tôn Dật Tiên, "người cha của cách mạng Trung Quốc", người đứng đầu chính phủ Quảng Châu, thì luôn luôn trung thành với những nguyên lý của mình, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.
Tác giả dự báo: "Một nước Trung Hoa thống nhất, tự do và hùng mạnh sẽ là màn giáo đầu của một nước Triều Tiên độc lập và một nước Ấn Độ giải phóng", điều mà đế quốc Anh và đế quốc Nhật lo lắng, nguy cơ đó nay còn xa nhưng cũng đã là một nguy cơ thực tế.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định về chuyến đi Quảng Châu (Trung Quốc) theo đề nghị của Người. Quyết định ghi rõ: "Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu".
- Trong tháng 9: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Giáo dục quốc dân, đăng trên báo Le Paria, số 29, gồm hai phần. Dưới tiêu đề "Cái dã man" bônsêvích, tác giả giới thiệu chương trình giáo dục của chính nhân dân.
Để so sánh với "Cái dã man" bônsêvích, trong phần hai với tiêu đề là "Nền văn minh" Pháp, tác giả đưa ra một bản thống kê về số dân và số các trường học ở các thuộc địa của Pháp, để tố cáo chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp đang áp dụng ở các thuộc địa của chúng.
Cuối cùng, bài báo viết: "May mắn thay, tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu".
* Tháng 9-1925
- Ngày 27: Nguyễn Ái Quốc viết thư Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta, phản đối sự ngộ nhận của người sinh viên này coi các vua quan, thư lại, thông ngôn là những người phản cách mạng. Theo tác giả, "một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ". Những người cách mạng "là người dạy cho các vị vua chúa bài học đó và chỉ ra cho họ thấy rằng họ làm cách mạng thì có lợi hơn là sống dưới ách ngoại bang". Với quan lại, thư ký và thông ngôn, họ "bị chìm đắm trong bóng tối ngu dốt từ nhỏ, họ không bao giờ có thể tự trau dồi kinh điển hay tri giác được những tiến bộ của nhân loại qua việc đọc báo chí... Họ giống như những con gà què chỉ ăn quẩn cối xay... đành bằng lòng với thứ thức ăn mà kẻ khác đem cho họ". Vậy nhiệm vụ của chúng ta là "phải hướng họ theo lý luận cách mạng".
Với những người cần lao và thợ thuyền cũng vậy. Nếu chúng ta làm cho công nông hiểu được, rằng tất cả những gì họ kiếm được bằng mồ hôi đều chui vào túi người Pháp, rằng nếu cách mạng thành công thì thuế má sẽ giảm nhẹ rất nhiều và được dùng vào những việc có ích cho họ, rằng thắng lợi của cách mạng sẽ mở ra một thời kỳ dân chủ trong đó quyền tự do và quyền tự quyết sẽ thuộc về họ, thì chắc chắn "hết thảy họ đều giúp chúng ta làm cách mạng".
Cuối thư, Nguyễn Ái Quốc còn nói về số phận của người phụ nữ Việt Nam. "Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi... Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng".
- Trong tháng 9 và tháng 10: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, đăng trên báo Le Paria, số 36-37. Thông qua một câu chuyện tưởng tượng, tác giả dựng lại "một cuộc chạm trán", "một cuộc đối mặt", "một tấn kịch" giữa Toàn quyền Đông Dương Varen, "con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp,... kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình", với Phan Bội Châu, "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập..." của nhân dân Việt Nam.
* Tháng 9-1926
- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc viết bài Người cách mạng mẫu mực, nêu 12 điều đòi hỏi ở một người cách mạng, bao quát các mặt về lý tưởng, về tinh thần hy sinh, về phẩm chất đạo đức, về phương pháp công tác.
Đoạn mở đầu và cũng là lời kết luận, tác giả viết: "Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được. Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa". Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải có đầy đủ và thực hiện tốt những điều đó.
- Trong tháng 9: Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ lấy tên là Vương đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Lương Bằng, một trong số anh em trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vừa học xong lớp huấn luyện chính trị, về nước tổ chức đường dây giao thông Hải Phòng - Hương Cảng để đưa thanh niên trong nước ra ngoài và chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài về nước.
Sau này, nhớ lại Những lần gặp Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể về sự kiện trên như sau: "Hôm đó đồng chí Vương căn dặn nhiều điều... khi về nước, thì tìm gặp những bạn cũ ở quê nhà hay ở thành phố vẫn có tình thân với mình. Trong bất cứ câu chuyện gì, cũng gợi đến cảnh Pháp áp bức bóc lột. Nếu bà con tỏ ý đồng tình, thì hỏi: ta cứ để cho nó áp chế mãi sao? Bà con sẽ hỏi: sức đâu mà chẳng chịu? Nói: sức mạnh là ở đoàn kết, đoàn kết thì có sức mạnh lấy súng của giặc làm vũ khí của mình. Dần dần đưa bà con vào các phường họ, các hội ái hữu, tương tế. Người tích cực thì tổ chức vào Hội trước. Cứ thế mà mở rộng phong trào".
"Đồng chí Vương dặn dò tôi cặn kẽ, tỉ mỉ nhất là về vấn đề giữ bí mật. Trước khi chia tay, đồng chí Vương lại bảo tôi phải chú ý một điểm: Mình ở nước ngoài về, thường là có mật thám theo. Cho nên mới về nước, không nên đi lung tung ngay, chưa nên vào nhà ai vội. Không những thế, nếu cần còn phải đóng vai người chơi bời để mật thám không chú ý".
* Khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng 10 -1929
Rời tỉnh Sacôn Nakhôn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Nakhôn Phanom nằm kề sát bờ sông Mê Kông cách Thủ đô Băng Cốc 735km theo đường ôtô.
Tại tỉnh Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đã đi tuyên truyền vận động Việt kiều ở trung tâm huyện Thà U Then, trung tâm huyện Thạt Phanom và ở thị xã Nakhôn Phanom. Nơi hoạt động lâu nhất trong thời gian Người ở Nakhôn Phanom là làng Bản Mạy, còn có tên gọi là Nà Thoọc. Người đã xây dựng phong trào Việt kiều ở Bản Mạy trở thành một trong những địa điểm quan trọng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Sau một thời gian ở Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đến huyện Amnạt Charơn, còn có tên gọi là Bùng, huyện Bùng, tỉnh Ubon Ratchathani (từ năm 1993, được nâng lên cấp tỉnh gọi là tỉnh Amnạt Charơn).
Tại tỉnh Amnạt Charơn, Người hoạt động chủ yếu ở huyện Bùng.
Rời Amnạt Charơn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Ubon Ratchathani, phía đông giáp sông Mê Kông, phía nam giáp Campuchia, cách Thủ đô Băng Cốc 575km theo đường xe lửa. Người hoạt động chủ yếu ở Bản Thà thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác một bài thơ, giao cho đồng chí Nguyễn Tài ghi lại, sau đó đăng báo Thân ái:
Hợp tác nề có anh thợ Vượng
Tay nghề hay tính bướng cũng hay
Những khi đi họp hàng ngày,
Khi thì nói đổng, khi thì đòi ra.
Chị khuyên bảo thiết tha khuyên bảo,
Không nghe, coi táo bạo hung hăng.
Rằng em chỉ muốn anh bằng người ta.
Chị kiên nhẫn bẩy ba kiên nhẫn
Làm cho anh đổi giận sang hiền
Anh nghe lời vợ anh khuyên,
Hội giao công việc anh chuyên cần làm
Làm đúng đắn không ham lợi vặt,
Nói như làm thẳng thắn phân minh.
Một người trước bướng nay lành,
Cả Hội hợp tác khen anh vô cùng.
Tiếng chị Vượng khuyên chồng kết quả.
Chị em đều hỉ hả mừng vui.
Đăng lên mặt báo để rồi,
Để rồi học tập, để rồi làm gương.
Nguyễn Ái Quốc còn đến tìm hiểu phong trào của Việt kiều ở thị xã Phi Mun, thuộc tỉnh Amnạt Charơn.
Tiếp đó Nguyễn Ái Quốc đến Mục Đa Hản, là một huyện của Nakhôn Phanom (từ năm 1982 được nâng lên thành tỉnh Mục Đa Hản) giao cho cán bộ tổ chức cơ sở xây dựng một địa điểm liên lạc và chuyển tài liệu báo chí về nước.
Từ Mục Đa Hản, Nguyễn Ái Quốc có ý định đi xuyên qua đất Lào để tiếp cận với phong trào trong nước nhưng không thực hiện được. Trong báo cáo ngày 18-2-1930, gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có nhắc lại việc này: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng”.
Địa điểm cuối cùng trên đất Thái Lan mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến là tỉnh Noọng Khai, nằm sát bờ sông Mê Kông đối diện với Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào, cách Thủ đô Băng Cốc 616km. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc thường ở và làm việc tại chùa Xỉ Xum Xưn. Đây là nơi Nguyễn Ái Quốc hẹn các đồng chí đang sinh hoạt trong chi bộ Viêng Chăn, vượt sông Mê Kông sang làm việc.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)